Trung Quốc bị tố ‘bóp méo’ phát ngôn quan chức EU
EU cho biết truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng thông tin không đúng về phát biểu của quan chức khối này khi gặp Ngoại trưởng Vương Nghị.
“Thông cáo báo chí được Trung Quốc phát ra thuật lại một cách có chọn lọc và không cân bằng về các cuộc thảo luận”, phát ngôn viên các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Virginie Battu-Henriksson hôm 10/6 tuyên bố, đề cập đến nội dung cuộc họp trực tuyến giữa Josep Borrell, đại diện cao cấp EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó một ngày.
Thông cáo báo chí mà bà Battu-Henriksson đề cập được Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố sau cuộc họp kéo dài ba giờ. Trong thông cáo được đăng trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, Borrell được trích dẫn nói rằng EU “tìm kiếm đối thoại và hợp tác với Trung Quốc trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, không phải cạnh tranh hay đối đầu”.
Một nguồn tin giấu tên của EU nói rằng điều này không phù hợp với cách giải thích của Borrell về thuật ngữ “ganh đua có hệ thống”, quan điểm chính thức của EU về Trung Quốc, trong cuộc họp với ông Vương.
“Chúng tôi đã thông báo cho các đối tác Trung Quốc rằng sự việc này là không thể chấp nhận được và chúng tôi mong Trung Quốc đưa ra quan điểm riêng của họ trong khi EU cũng trình bày quan điểm của chúng tôi”, bà Battu-Henriksson nói thêm.
Video đang HOT
Josep Borrell, đại diện cao cấp EU về các vấn đề đối ngoại và chính sách an ninh, trong cuộc họp trực tuyến với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 9/6. Ảnh: Xinhua.
Borrell cũng được truyền thông Trung Quốc dẫn lời rằng cả EU và Trung Quốc đều chia sẻ cam kết đối với các thách thức toàn cầu. Một báo cáo trên Xinhua, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc, dẫn lời Borrell nói EU “kỳ vọng cao về mối quan hệ với Trung Quốc và sẽ nỗ lực để đảm bảo mối quan hệ chặt chẽ hơn” và EU “hoan nghênh sự tham gia tích cực của Trung Quốc trong hợp tác quốc tế”.
EU cũng không đồng tình với mô tả của truyền thông Trung Quốc rằng khối này không còn thảo luận về “ganh đua có hệ thống” với Trung Quốc, một chính sách được công bố năm ngoái. Trong cuộc họp hôm 9/6, Borrell nói rằng ông xem xét rất chi tiết ý nghĩa của ganh đua có hệ thống.
“Từ ‘ganh đua’ rất quan trọng trong ngôn ngữ ngoại giao, vì nó không phải từ mềm mại”, Borrell nói với các phóng viên. “Tôi có thể nói rằng chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về những gì có nghĩa là ganh đua có hệ thống”.
Quan chức EU cũng không hài lòng khi truyền thông nhà nước Trung Quốc nói rằng Borrell có cùng quan điểm về chủ nghĩa đa phương như Trung Quốc khi EU xem sự cần thiết phải cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và ủng hộ Trung Quốc cam kết cải cách kinh tế hơn nữa, bao gồm tiếp cận thị trường EU nhiều hơn.
Đây không phải lần đầu truyền thông Trung Quốc bị cáo buộc “bóp méo” phát biểu của quan chức châu Âu trong những tuần gần đây. Tháng trước, chính phủ Pháp nêu vấn đề truyền thông Trung Quốc dẫn lời Emmanuel Bonne, cố vấn chính sách đối ngoại cho Tổng thống Emmanuel Macron, nói với ông Vương rằng Pháp sẽ không “can thiệp” vào các vấn đề Hong Kong. Pháp khẳng định thông tin này không đúng sự thật.
Trung Quốc tố Mỹ vi phạm quy định WTO
Trung Quốc nói việc Mỹ tước tình trạng thương mại đặc biệt của Hong Kong vi phạm các quy tắc của WTO và không phục vụ lợi ích của Washington.
Tại cuộc họp báo thường ngày ở Bắc Kinh hôm nay, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói rằng tình trạng thương mại đặc biệt của Hong Kong đã được toàn bộ thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) công nhận và không chỉ phụ thuộc vào Mỹ.
"Nếu Mỹ xem thường các quy tắc cơ bản của quan hệ quốc tế và áp đặt các biện pháp đơn phương theo luật Mỹ, điều đó sẽ vi phạm quy tắc của WTO và cũng không phục vụ lợi ích của Mỹ", Cao Phong nói.
Phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong tại một buổi họp báo năm 2018. Ảnh: AP.
Phát biểu được người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần trước tuyên bố sẽ thu hồi các đặc quyền thương mại đã cấp cho Hong Kong sau khi quốc hội Trung Quốc thông qua nghị quyết xây dựng luật an ninh cho thành phố. Việc tước bỏ tình trạng thương mại đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến hiệp ước dẫn dộ song phương, quan hệ thương mại và quy định xuất khẩu giữa Mỹ và Hong Kong.
Cao Phong nhắc lại quan điểm của giới lãnh đạo Trung Quốc rằng luật an ninh sẽ không làm suy yếu quyền tự trị của Hong Kong. "Luật an ninh cũng sẽ không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nước ngoài", ông nói thêm.
Luật an ninh Hong Kong đang được Ủy ban Thường vụ quốc hội Trung Quốc soạn thảo, dự kiến được ban hành vào tháng 8, trong đó cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố, can thiệp nước ngoài ở Hong Kong và có thể cho phép các cơ quan an ninh và tình báo của Trung Quốc đại lục thiết lập cơ sở trong đặc khu.
Bất chấp những cam kết của Trung Quốc, giới chức nhiều nước bày tỏ quan ngại về luật an ninh Hong Kong, cảnh báo nguy cơ làm suy yếu nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ" cũng như ảnh hưởng đến các quyền của người dân tại thành phố.
Căng thẳng thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản 'nóng' trở lại Ngày 2/6, Hàn Quốc thông báo sẽ tái khởi động quy trình khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc Nhật Bản hạn chế xuất khẩu các vật liệu công nghiệp quan trọng sang nước này. Bảng thông báo về việc siêu thị ở Hàn Quốc không bán hàng Nhật Bản nhằm trả đũa quyết định của Tokyo hạn...