Trung Quốc bất ngờ bơm 28 tỷ USD vào hệ thống tài chính
Động thái này diễn ra trước khi Trung Quốc dự kiến công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3/2019…
Trung Quốc khiến giới giao dịch bất ngờ khi bơm tiền vào hệ thống tài chính bằng cách cấp một lượng lớn vốn vay trung hạn cho các ngân hàng. Động thái này diễn ra trước khi Trung Quốc dự kiến công bố tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3/2019 vào ngày thứ Sáu, với mức tăng trưởng được dự báo tiếp tục suy giảm.
Theo tin từ Bloomberg, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ( PBoC) sáng 16/10 bơm 200 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 28 tỷ USD, vốn kỳ hạn 1 năm thông qua chương trình cho vay trung hạn. Cùng với đó, PBoC giữ nguyên lãi suất tham chiếu đồng Nhân dân tệ.
Đợt bơm vốn này của PBoC gây ngạc nhiên, bởi ngân hàng trung ương này thường chỉ bơm thanh khoản trước mỗi đợt đáo hạn vốn vay. Trong khi đó, đợt đáo hạn các khoản vay tiếp theo phải đến ngày 5/11 mới diễn ra.
Nền kinh tế Trung Quốc đang đương đầu sức ép suy giảm tăng trưởng lớn do chiến tranh thương mại kéo dài với Mỹ. Từ đầu năm đến nay, PBoC đã phải triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tăng trưởng, bao gồm giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Số liệu công bố tuần này cho thấy giảm phát tại các nhà máy ở Trung Quốc diễn ra sâu hơn, với chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tiếp tục suy giảm. Cùng với đó, xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm mạnh trong tháng 9.
“Đợt bơm tiền này không nằm trong kỳ vọng của thị trường”, chuyên gia Becky Liu, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô về Trung Quốc thuộc ngân hàng Standard Chartered, nhận xét. “Có thể PBoC muốn bơm vốn dài hạn hơn” để đảm bảo lượng thanh khoản trong mùa nộp thuế vào giữa tháng 10 và hỗ trợ nền kinh tế đang chịu sức ép suy giảm tăng trưởng, bà Liu nói.
Video đang HOT
“Thị trường không có phản ứng đáng kể nào, có lẽ là do PBoC giữ nguyên lãi suất tham chiến” trong khi các ngân hàng trung ương khác tiếp tục hạ lãi suất, theo chuyên gia Frances Cheung, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô về châu Á thuộc Westpac Banking Corp., đánh giá.
Theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến chuyên gia kinh tế vừa được hãng tin Reuters công bố, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2019 chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất 29 năm và ở cận dưới của khoảng mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% mà Chính phủ nước này đề ra. Cuộc khảo sát cũng cho rằng nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc trong 2020, chỉ đạt mức tăng 5,9%.
83 chuyên gia được Reuters khảo sát dự báo kinh tế Trung Quốc quý 3/2019 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 6,2% đạt được trong quý 2. Số liệu chính thức sẽ được Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố vào ngày 18/10.
Năm 2018, kinh tế Trung Quốc tăng 6,6%. Vào năm 2017, nền kinh tế nước này tăng 6,8%.
Bình Minh
Theo VnEconomy
Trung Quốc 'đổi chiêu' đỡ đòn thương mại từ Mỹ
Trung Quốc dự kiến tổ chức Hội nghị Trung ương lần 4 của Ban Chấp hành thứ 19 cuối tháng này, nhằm tìm ra chiến lược trong những năm tới, khi nước này bị vướng vào thương chiến với Mỹ.
Cách đây một năm, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung nhanh chóng leo thang và Bắc Kinh khi đó hoàn toàn không có sự đồng thuận về việc nước này nên đối phó với thương chiến như thế nào. Hội nghị Trung ương lần thứ 4 của Trung Quốc lúc đó buộc phải hoãn lại do thiếu chiến lược đối phó.
Chuyên gia Hao Zhou thuộc SCMP nhận định, Tổng thống Mỹ Donald Trump và cuộc thương chiến do ông phát động dường như đã giúp Trung Quốc đề ra được chiến lược phát triển trong những năm tới. Và vấn đề được quan tâm hàng đầu hiện nay sẽ là hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất ở Trung Quốc.
Hiện đại hóa lĩnh vực sản xuất ở TQ đang là ưu tiên hàng đầu. Ảnh: AP
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dường như đã hé lộ chiến lược mới này trong chuyến thăm tới các cơ sở khai thác than ở Trịnh Châu hôm 19/9 vừa qua, khi ông nói Trung Quốc là xưởng sản xuất lớn nhất thế giới, phải nỗ lực hơn nữa nhằm chuyển đổi và nâng cấp nền công nghiệp, thông qua đổi mới kỹ thuật và công nghiệp, nhằm đưa ngành sản xuất thành chuỗi công nghiệp.
Khác với chiến lược "khôi phục xưởng sản xuất Mỹ" của ông Trump, chiến lược mới này của chính quyền Bắc Kinh sẽ hợp lý hóa và nâng cấp công nghệ cho ngành sản xuất, vốn đã rất khổng lồ của nước này. Đồng thời, Bắc Kinh cũng khuyến khích các công ty của nước này triển khai những dây chuyền sản xuất ở các nền kinh tế lân cận, nhất là ở các nước ASEAN, nhằm thắt chặt quan hệ với các nước đang phát triển trong khu vực.
Rõ ràng với chiến lược cốt lõi là hiện đại hóa việc sản xuất, có vẻ như Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đấu thương mại 'trường kỳ' với Mỹ. Điều này có vẻ khá hợp lý, khi Bắc Kinh cần nền sản xuất công nghiệp mạnh để làm hậu phương vững chắc cho nước này khi cạnh tranh với cường quốc hàng đầu thế giới như Mỹ.
Thị trường bất động sản có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TQ ngắn hạn. Ảnh: SCMP
Một trong những chiến lược đã được thực hiện đó là kiềm chế sự phát triển của thị trường bất động sản. Trong 10 năm qua, thị trường bất động sản thường được sử dụng để kích thích nền kinh tế. Hiện dù nền kinh tế Trung Quốc đang gặp nhiều trở ngại, song Bắc Kinh đã thể hiện rõ rằng sẽ không sử dụng bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngắn hạn.
Trên thực tế, thị trường tài chính bất động sản đã được thắt chặt. Bởi theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, thị trường bất động sản đã thu hút được nguồn vốn cho các tập đoàn công nghiệp. Dù không rõ tính hiệu quả có tồn tại hay không, lĩnh vực bất động sản được ưa chuộng nhất bởi các nhà đầu tư và nhiều ngân hàng.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng bỏ qua chiến lược nới lỏng tiền tệ. Như Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Dịch Cương tuần trước từng tuyên bố: "Chúng tôi không vội vàng thực hiện các biện pháp tương tự như những ngân hàng trung ương khác, chẳng hạn như cắt giảm lãi suất lớn hoặc nới lỏng định lượng".
Thống đốc PBoC Dịch Cương. Ảnh: Reuters
Hôm 20/9, PBoC đã hạ lãi suất cho vay 1 năm xuống tới 5 điểm cơ bản, tức 4,2%, trong khi vẫn giữ nguyên tỷ lệ cho kỳ hạn 5 năm ở mức 4,85%. Theo nhận định của ông Hao, việc cắt giảm 5 điểm cơ bản trong lãi suất 1 năm cho thấy đây là một sự thiên vị về chính sách, mục đích nhằm hỗ trợ nền kinh tế Trung Quốc, nhất là trong lĩnh vực sản xuất.
Rủi thay, nếu không có một sự kích thích về tài chính, sự suy thoái nền kinh tế Trung Quốc sẽ kéo dài lâu hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã tìm ra được sự đồng thuận. Đó là thị trường bất động sản dù có hưng thịnh, thì cũng không giúp cho Trung Quốc đỡ đòn đau của thương chiến, mà chỉ có lĩnh vực sản xuất mạnh mới có thể giúp nước này chống đỡ.
Tờ SCMP trích dẫn lời ông Hao Zhou dự đoán, thông điệp này sẽ được phát đi trong Hội nghị Trung ương lần thứ 4 sắp tới. Bất kể kết quả nào mà Phó Thủ tướng kiêm Trưởng đoàn đàm phán thương mại Trung Quốc Lưu Hạc đạt được trong cuộc đàm phán thương mại sắp tới diễn ra tại Washington, thì chính quyền Bắc Kinh vẫn sẽ giữ vững chiến lược sản xuất mới.
Tuấn Trần
Theo Vietnamnet.vn
Nỗi lo đằng sau làn sóng nới lỏng định lượng trên thế giới (Phần 2) Nếu coi giảm lãi suất là một hình thức bơm tiền hỗ trợ thị trường, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng có động thái tương tự. Đồng tiền giấy euro các mệnh giá 5,10, 20 và 50 euro.Ảnh: AFP/TTXVN Trên thực tế, làn sóng giảm lãi suất đã diễn ra từ trước và sau khi...