Trừng phạt của Mỹ không đủ “trói tay” Putin
Mỹ đã công bố đợt trừng phạt đầu tiên với Nga để đối phó với khủng hoảng ở Ukraina. Theo đó, Washington áp đặt lệnh cấm visa đối với những cá nhân có vai trò trong chiến dịch can thiệp quân sự của Nga vào Crưm (Crimea).
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Getty Images
Đã có những lời kêu gọi từ cả bên trong và bên ngoài chính quyền Tổng thống Mỹ Obama về việc sử dụng áp lực kinh tế để “trói tay” ông Putin ở Ukraina.
Trước thực tế rằng, các lệnh cấm vận của Mỹ và châu Âu chống lại Iran từng buộc chính quyền Tehran phải ngồi vào bàn đàm phán, Washington hy vọng có thể tái lặp điều tượng tự với nước Nga của Putin. Chuyên gia kinh tế Mỹ Anders Aslund tuyên bố trên tờ New York Times: “Nga có thể buộc phải rút khỏi Crưm khi đối mặt với sự kết hợp của các biện pháp trừng phạt tài chính và chính sách ngoại giao cứng rắn”.
Một số nhà quan sát coi phát biểu của ông Aslund là lạc quan thái quá. Họ cho rằng, ngay cả các lệnh trừng phạt kinh tế được suy tính hoàn hảo nhất cũng sẽ không thể buộc người Nga rời khỏi Crưm.
Theo các chuyên gia phân tích, điều đầu tiên cần hiểu về việc trừng phạt Nga về vấn đề Crưm là mong muốn của Moscow. Một bộ phận không nhỏ người Nga hiện coi Crưm là một phần lãnh thổ đã bị tước mất của họ. Ngược dòng lịch sử, có thể thấy vùng lãnh thổ Crưm từng bị chiếm đóng nhiều lần. Từ thế kỷ 18, Nga sáp nhập Crưm, sau hàng loạt cuộc chiến tranh giành với đế chế Ottoman, vốn cai quản vùng đất này từ thế kỷ 15.
Thời kỳ Liên Xô (trước đây), Crưm thuộc nước Nga Xô viết trước khi trực thuộc Ukraina trong thành phần Liên Xô. Crưm từng là khu du lịch, nghỉ dưỡng dành cho công nhân các nước thành viên Liên Xô và là địa chỉ ưa thích của khách du lịch từ Đông Âu.
Trong một quyết định gây tranh cãi, năm 1954, nhà lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev đã chuyển giao Crưm cho Ukraina như một món quà kỷ niệm 300 năm nước này liên kết với đế chế Nga. Có lẽ, khi đưa ra quyết định bất ngờ chỉ trong 15 phút này, như mô tả trong một bài viết đăng tải trên báo Pravda ngày 19/2/2009, ông Khrushchev không nghĩ Liên Xô có thể sụp đổ không đầy 40 năm sau.
Quay trở về hiện tại, chính phủ của Tổng thống Putin tuyên bố họ có căn cứ pháp lý để đưa quân tới Crưm (bảo vệ công dân Nga và những người nói tiếng Nga trước các mối đe dọa về an ninh, tính mạng, tài sản…). Dư luận tại Crưm cũng thiên về ủng hộ Nga. Thậm chí, chính quyền vùng tự trị này hôm 6/3 đã gửi thư cho Tổng thống Putin đề nghị chính phủ Nga xem xét sáp nhập Crưm. Do đó, việc Mỹ dùng lệnh trừng phạt buộc Nga phải rút khỏi vùng đất này đương nhiên sẽ bị Putin coi là đòi hỏi phi lý.
Video đang HOT
Trường hợp cấm vận kinh tế duy nhất thành công trong bối cảnh tương tự là cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956. Trong trường hợp đó, liên minh Anh, Pháp và Israel đã rút lực lượng khỏi kênh đào Suez sau áp lực của Mỹ đối với đồng bảng Anh.
Tuy nhiên, khủng hoảng kênh đào Suez rốt cuộc không tương đồng với trình trạng Nga – Crưm hiện nay. Anh từng là một đồng minh hiệp ước của Mỹ, trong khi nước Nga dưới thời Putin không phải vậy. Kênh Suez nằm cách xa đất Anh, trong khi Crưm chỉ cách Nga qua vùng biển Azov. Và có lẽ, quan trọng nhất là, Anh từng ở trong tình trạng kinh tế dễ đổ vỡ khi cố gắng bảo vệ tỷ giá hối đoái cố định. Nền kinh tế Nga hiện cũng có các vấn đề riêng, nhưng không thiếu hụt dự trữ ngoại tệ mạnh.
Vì vậy, bối cảnh hiện nay khiến các lệnh trừng phạt nhằm buộc ông Putin “xuống thang” ở Ukraina có thể là “bất khả thi”. Đó là chưa kể đến việc phối hợp trừng phạt theo đề xuất của Mỹ còn nhiều lỗ hổng và rạn nứt. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) không thực sự hào hứng với ý tưởng về các lệnh cấm vận kinh tế quy mô rộng, vì những lí do dễ hiểu.
Anh thèm khát vốn tài chính của Nga. Phần còn lại của châu Âu cần năng lượng của Nga. Pháp, nước lâu nay vẫn bị coi là “diều hâu” nhất trong khu vực, đang quá bận rộn với việc lập kế hoạch xuất khẩu tàu chiến cho Nga, thay vì đứng ra tổ chức các biện pháp trừng phạt của châu Âu. Trong khi đó, ngành công nghiệp Đức đang vận động hành lang mạnh mẽ chống lại các lệnh trừng phạt Nga.
Về phần mình, nước Mỹ không có nhiều ảnh hưởng kinh tế đối với Nga. Các biện pháp trừng phạt kinh tế và đóng băng tài sản, theo giới hoạch định chính sách Mỹ, là một cách gây sức ép đối với các quan chức và “đầu sỏ” chính trị Nga. Tuy nhiên, chúng mặc nhiên thừa nhận, ông Putin cần sự ủng hộ của các nhà tài phiệt Nga, thay vì ngược lại.
Đối với đề xuất kết hợp trừng phạt với mở rộng xuất khẩu năng lượng Mỹ như một cách giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt Nga, đây không phải là ý kiến tồi nhưng sẽ không tạo ra mấy tổn thất đối với chính phủ của ông Putin về ngắn hạn.
Theo Tuấn Anh
Vietnamnet
Mỹ hạn chế visa với Nga, phái 6 chiến đấu cơ tới Baltic
Mỹ ngày 6/3 đã hạn chế visa đối với công dân Nga nhằm trừng phạt nước này trong vấn đề Ukraine. Ngoài ra, Mỹ cũng phái thêm 6 chiến đấu cơ giúp Nato tăng cường tuần tra bầu trời các quốc gia Baltic.
Tổng thống Obama trước đó đã dùng lời lẽ mạnh mẽ nhất chỉ trích Nga trong vấn đề Ukraine.
Obama ra sắc lệnh "tạo khung trừng phạt" Nga
Tổng thống Mỹ Obama ra lệnh cấm visa "nhằm phản ứng với việc Nga tiếp tục vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", Nhà Trắng tuyên bố.
Trong sắc lệnh tổng thống, ông Obama cũng cho phép phong tỏa tài sản của các quan chức và cá nhân có liên quan đến "vi phạm" mà Mỹ cáo buộc. "Đây là công cụ linh hoạt cho phép chúng tôi trừng phạt những ai trực tiếp liên quan đến việc làm bất ổn Ukraine, trong đó có can thiệp quân sự ở Crimea và không ngăn ngừa các bước tiếp theo làm tình hình xấu đi", chính quyền Mỹ tuyên bố.
Động thái được diễn ra sau khi lực lượng Nga được cho là đã kiểm soát Crimea, nơi đồn trú của Hạm đội Hắc Hải (Biển Đen) Nga, sau cuộc lật đổ Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych vào ngày 22/2.
Washington trước đó đã công bố sẽ rút khỏi các cuộc họp trù bị cho G8 và cảnh báo đang chuẩn bị trừng phạt tiếp Mát xcơva. Nhà Trắng cho hay, các bước trừng phạt tiếp bao gồm ngưng thảo luận song phương về thương mại, đầu tư.
"Dựa vào diễn tiến tình hình, Mỹ đang chuẩn bị xem xét các bước tiếp theo và trừng phạt nếu cần", tuyên bố có đoạn.
Đồng thời Nhà Trắng cũng kêu gọi Nga đối thoại trực tiếp ngay với chính phủ thân EU hiện nay của Ukraine và rút ngay lực lượng về các căn cứ ở Crimea, phục hồi lại sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, ủng hộ triển khai gấp các quan sát viên quốc tế và giám sát viên nhân quyền để đảm bảo quyền của người Ukraine, trong đó có cả người dân tộc Nga.
Theo Dan Pfeiffer, cố vấn chính trị cấp cao của ông Obama, sắc lệnh tổng thống "đặt ra khung cho các trừng phạt" tiếp theo.
Phái 6 chiến đấu cơ tuần tra Baltic
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Juozas Olekas, ngày 6/3 Mỹ đã phái thêm 6 chiến đấu cơ F15 nhằm tăng cường tuần tra bầu trời Nato trên các quốc gia vùng Baltic.
Theo ông, động thái nhằm phản ứng "với sự hiếu chiến của Nga ở Ukraine và hành động quân sự thêm ở vùng Kaliningrad", vùng đất của Nga giáp với Lithuania và Ba Lan.
"Chúng tôi đã nhận thấy hoạt động quân sự gia tăng ở Kaliningrad. Hoạt động này bắt đầu từ 3 hoặc 4 ngày trước".
Bộ Quốc phòng Lithuania ra tuyên bố cho biết, các máy bay cất cánh từ căn cứ không quân Lakenheath do Mỹ điều hành ở miền đông nước Anh và hạ cánh vào chiều ngày thứ năm ở căn cứ không quân Zokniai của Lithuania.
Tổng thống Lithuania Dalia Grybauskaite cho biết với các phóng viên tại Brussels rằng những chiến đấu cơ này là dấu hiệu "NATO đang phản ứng nhanh và quyết liệt". "Châu Âu vẫn không thể hiểu chuyện gì đang diễn ra", bà cho hay. "Nga ngày nay nguy hiểm và không thể đoán được", bà cáo buộc.
Bà Grybauskaite hôm qua đã kêu gọi Nato tăng cường "hiện diện ở các quốc gia Baltic. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng nước này cho biết Nato đã phái chiến đấu cơ xuất kích hơn 40 lần vào năm ngoái nhằm phản ứng với việc Nga tăng cường số chuyến bay gần biên giới các quốc gia Baltic. Nato cũng phái thêm chiến đấu cơ để nhận dạng máy bay Nga vào tháng 1 và 2.
Vũ Quý
Tổng hợp
Theo Dantri
Mỹ-Nga nhất trí vào bàn đàm phán "gỡ rối" Ukraine Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự kiến sẽ có cuộc đàm phán bên lề một hội nghị tại Paris, Pháp, nhằm tháo ngòi căng thẳng trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Obama đã phái Ngoại trưởng Kerry tới Kiev để tháo ngòi căng thẳng tại đây. Mỹ đã cáo buộc Mátxcơva triển khai quân ở khu vực...