Tổng thống Mỹ Obama: Một năm uy tín “bầm dập” và 2014 đầy thách thức
Sau một năm đầy sóng gió, tỉ lệ cử tri ủng hộ các quyết sách của Tổng thống Mỹ Obama đã xuống mức thấp kỷ lục. Câu hỏi đặt ra là liệu ông Obama sẽ làm gì trong năm 2014 để trở lại với tư cách một lực lượng thúc đẩy tiến bộ.
Ông Barack Obama đã có một năm 2013 đầy sóng gió
Phát biểu trong buổi họp báo cuối cùng của năm 2013, Barack Obama trông như một người đã chấp nhận mình sẽ nhận phần rỗng không của chiếc kẹo mùa Giáng sinh này.
Sau một năm tồi tệ đến mức này, ông chủ Nhà Trắng có thể được cảm thông nếu dành phần lớn thời gian nghỉ ngơi trên đảo Hawaii để xoa đầu Bob – Đệ nhất cẩu của Nhà Trắng – và thì thầm rằng “ít nhất còn mày hiểu tao, nhóc ạ”.
12 tháng qua là những ngày bầm dập với ông Obama, bắt đầu với những hy vọng lớn cho một nhiệm kỳ hai, nhưng kết thúc với tỉ lệ ủng hộ xuống mức thấp kỷ lục tại 41%. Con số này thấp tương đương với tỉ lệ ủng hộ mà người tiền nhiệm của ông là George W. Bush có được sau năm đầu nhiệm kỳ hai.
Chỉ cần nhìn vào những câu hỏi được ném về phía ông Obama trước kỳ nghỉ Giáng sinh là đủ thấy tất cả, khi nó xoáy sâu một cách không thương tiếc vào thất bại lớn nhất trong năm của vị Tổng thống. Đó không phải việc triển khai chương trình bảo hiểm y tế Obamacare, hay một loạt tài liệu bí mật của Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) bị rò rỉ – mà là một thứ hàng hóa quý giá hơn nhiều: uy tín của ông Obama với công chúng.
“Phải chăng năm nay là năm tệ nhất từ ngày ông trở thành Tổng thống?”, một ai đó hỏi với sự thẳng thừng tàn nhẫn và bầu không khí đi xuống từ đây. Ông Obama còn được thông báo rằng tổ chức Politifact đã tặng cho ông danh hiệu “Lời nói dối của năm”, khi ông tuyên bố câu khẩu hiệu của chương trình Obamacare: “nếu các bạn thích chương trình bảo hiểm của mình, bạn có thể giữ nguyên chương trình đó”.
Lại ám chỉ tới những lời nói dối, một phóng viên khác hỏi ông Obama liệu ông có thực sự tin rằng những lời đảm bảo ông nói với người Mỹ rằng, các chương trình do thám của NSA đã bị “dẹp bỏ”, và không còn điều gì phải lo lắng.
Thậm chí cả một thành phố nhiều chia rẽ như Washington cũng đồng tình rằng uy tín của ông Obama đã chạm đáy. Câu hỏi đặt ra là liệu ông chủ Nhà Trắng có khác với người tiền nhiệm George W Bush – người mà tỉ lệ ủng hộ không bao giờ phục hồi – để trở lại hay không.
So với ông Bush, Obama hiện có một số lợi thế, khi kinh tế Mỹ đang hồi phục chứ không lao dốc như năm đầu nhiệm kỳ hai của ông Bush.
Video đang HOT
Và cho dù ông Obama có mắc kẹt trong cuộc chiến với những đối thủ đảng Cộng hòa tại Quốc hội, ông không bị ám ảnh bởi một cuộc chiến tranh thực sự và sai lầm đến vô vọng như Bush phải đối mặt tại Iraq.
Trái lại, 2014 sẽ là năm mà các binh sỹ Mỹ cuối cùng cũng rời Afghanistan, điều đó có nghĩa là ông Obama có điều gì đó để ăn mừng đã được lên lịch sẵn.
Còn đối với Obamare, cho dù không thể được gọi là thành công, ít nhất các website đăng ký và các công ty giao dịch đang dần tăng tốc, và các “nạn nhân” của cuộc chiến đó – những người phải móc hầu bao nhiều hơn để mua bảo hiểm y tế – có số lượng khá nhỏ.
Và cũng không loại trừ khả năng ông Obama có thể cứu vãn được uy tín thông qua chính sách đối ngoại – điều từng xảy ra với Ronald Reagan ở cuối nhiệm kỳ hai – khi ông được hỗ trợ bởi John Kerry, một vị Ngoại trưởng mà sự nhiệt huyết và sẵn sàng trở thành người dẫn dắt (không giống như sếp của mình), đã nhận được nhiều sự ngợi khen từ các quốc gia trong năm nay.
Reagan từng cho thấy vì sao chuyện đó là có thể. Đầu năm 1987, tỉ lệ ủng hộ ông tụt xuống 42% do bê bối liên quan đến buổi chào đón đội vô địch giải bóng bầu dục SuperBowl tới Nhà Trắng. Trong khi đội trưởng của đội bóng cảm ơn các cổ động viên, Reagan bị máy quay “chộp” được đang mấp máy môi “vâng, tôi cũng từng có người hâm mộ đấy”.
Nhưng cũng trong năm đó, tỉ lệ ủng hộ của ông đã tăng trở lại và vượt 50%, khi ông được ghi nhận cho mối quan hệ bất ngờ nồng ấm hơn với Liên Xô (cũ), và đã có cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử với Mikhail Gorbachev.
Câu hỏi thực sự lúc này đó là liệu Obama cùng một loạt các cố vấn tại Nhà Trắng – những người liên tục quay lưng lại với Quốc hội, bao gồm từ cả những người Dân chủ – có thể trở lại là một lực lượng vì sự tiến bộ hay không.
Hiện một cuộc đấu đá ngay trong tháng Giêng liên quan đến các lệnh cấm vận chống lại Iran đã hiển hiện, sau khi Nhà Trắng lỡ tuyên bố rằng sẽ phủ quyết một dự luật được đồng bảo trợ bởi 15 thượng nghị sỹ đảng Dân chủ, mà dự kiến có thể thu hút thêm 15 chữ ký bảo trợ nữa.
Nhưng thay vì tìm kiếm sự đồng thuận với các thượng nghị sỹ Dân chủ, những người đang đối mặt với cuộc đua bầu cử giữa nghiệm kỳ – mà một vài trong số họ có các mạnh thường quân và cử tri muốn có quan điểm cứng rắn với Iran – ông Obama lại nhân buổi họp báo cuối năm để chỉ trích họ.
“Tôi nghĩ rằng kiểu chính trị tỏ ra cứng rắn với Iran thường chỉ phát huy tác dụng khi bạn chạy đua tranh cử, hoặc nếu bạn đã nhậm chức”, ông Obama tuyên bố, với giọng điệu của một người đã không còn bận tâm để chuyện tranh cử. Đây chính là một kiểu vụng về không cần thiết, vốn đã trở thành “thương hiệu” trong cách Nhà Trắng giải quyết những bất đồng với Quốc hội.
Ông Obama hoàn toàn đúng khi nói rằng mình còn nhiều thách thức phải đối mặt trong năm 2014, nhưng những sự hậu thuẫn sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không có sự thay đổi thái độ từ người đứng đầu.
“Một vài ngày nghỉ ngơi và tắm nắng” là liều thuốc vị Tổng thống tự kê cho mình để làm lành những vết thương của 2013, nhưng xem ra có vẻ nó vẫn chưa đủ.
Theo Dantri
Chuyện thật về "Điện thoại đỏ" giữa Liên Xô và Mỹ
Cách đây 50 năm, Liên Xô và Mỹ đã có sự "đồng tâm hiệp lực" hiếm hoi khi xây dựng một đường dây nóng để liên lạc giữa hai cường quốc mà giới truyền thông khi đó đặt tên là "Điện thoại đỏ". Có thông tin nói rằng với "Điện thoại đỏ", Tổng thống Mỹ có thể gọi thẳng đến Điện Kremlin bất cứ khi nào ông ta muốn.
Cả Mỹ và Liên Xô đều nhận thức được việc cần phải giảm đối đầu giữa hai nước để cùng giải quyết vấn đề thời kỳ khủng hoảng tên lửa Cuba. Thời gian đó, mỗi tin nhắn dài từ Liên Xô đến Mỹ và ngược lại phải mất nửa ngày. Vì vậy việc trực tiếp liên lạc là một ý tưởng tốt, tuy nhiên công nghệ điện thoại chưa thể trở thành lựa chọn tối ưu vào thời điểm đó. Và phương thức được cho là khả thi nhất là tạo ra hai đầu thiết bị điện báo, vì vậy "Điện thoại đỏ" thực chất là đường dây điện tín.
Chiếc điện thoại ông Obama sử dụng trong Nhà Trắng không hề liên quan tới "Điện thoại đỏ".
Để hệ thống được đi vào hoạt động, Liên Xô và Mỹ đã đàm phán về bản ghi nhớ: "Lưu ý về việc thành lập kết nối liên lạc trực tiếp". Mở đầu bản ghi nhớ có đoạn: "Chính phủ Mỹ và Liên bang Xô viết đã thống nhất thành lập hệ thống kết nối trực tiếp ngay khi có công nghệ khả thi và được sử dụng trong tình huống khẩn cấp giữa hai nước". Hai quốc gia đã cùng ký kết bản ghi nhớ trên vào ngày 20/6/1963.
Tin nhắn được gửi từ Mỹ tới Liên Xô qua đường dây điện tín là dây cáp dài 16.000 km từ Washington tới London, qua Copenhagen, Stockholm, Helsinki và cuối cùng là Moskva.
Ngay sau khi ký kết bản ghi nhớ, 4 máy điện tín đã được vận chuyển đến Moskva bằng đường hàng không và được lắp đặt tại Điện Kremlin. Và cũng số lượng máy móc như vậy đã được vận chuyển đến Đại sứ quán Liên Xô tại Washington. Về phía Mỹ, các máy điện tín không chỉ xuất hiện tại Nhà Trắng mà còn tại Lầu Năm Góc. Cả hai phía đồng thời cũng cùng trao đổi máy giải mật mã để người Mỹ có thể dịch những thông điệp được gửi từ tiếng Nga sang tiếng Anh và ngược lại, phía Moskva cũng vậy.
Nhân vật tổng thống do Henry Fonda thủ vai và chiếc điện thoại đỏ trong bộ phim Fail-Safe.
Đường dây nóng được đi vào hoạt động từ ngày 30/8/1963 và tin nhắn đầu tiên được gửi có ý tưởng rất độc đáo với nội dung: (lược dịch) "Con cáo nâu nhanh nhẹn nhảy qua lưng chú chó lười biếng 1234567890". Tin nhắn này vô cùng thực tiễn bởi nó bao hàm mọi chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Anh và các con số, đây được xem như phép thử cho sự chính xác của hệ thống.
Theo tờ New York Times số ra ngày hôm sau: "Bên phía Moskva cũng gửi một tin nhắn thử tương tự bằng tiếng Nga... Cả hai quốc gia đã dành cả năm cung cấp đồ đạc, dụng cụ thiết bị hướng dẫn..." do "Điện thoại đỏ".
Lyndon Johnson đã trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên sử dụng đường dây này để liên lạc với Moskva năm 1967. Trong cuộc chiến tranh giữa Israel và Arập, Johnson đã gửi tin nhắn đến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Alexei Kosygin để ông biết rằng lực lượng không quân Mỹ đang được phái đến biển Địa Trung Hải, việc báo trước này nhằm tránh những căng thẳng không cần thiết với hạm đội Liên Xô tại biển Đen.
Tháng 9/1971, chỉ 3 tháng trước khi chiến tranh giữa Ấn Độ và Pakistan bùng phát, Tổng thống Richard Nixon đã sử dụng đường dây điện tín để liên lạc với người đồng cấp Liên Xô Leonid Brezhnev. Những sự kiện thế giới tiếp tục xảy ra sau đó đã khiến Nixon sử dụng đường dây điện tín thêm 2 lần. Đầu tiên là trong chiến tranh Yom Kippur khi Ai Cập và Syria cùng chống lại Israel năm 1973 và sau đó là vào tháng 7/1974 khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm chiếm Síp.
Trong số các tổng thống, Ronald Reagan là người có sự quan tâm đặc biệt đến đường dây điện tín này, khác với vị Tổng thống tiền nhiệm Jimmy Carter chỉ sử dụng đường dây trên một lần trong năm 1979 khi Liên Xô tham gia cuộc chiến tranh tại Afghanistan. Năm 1983, Ronald Reagan bắt đầu thảo luận về nâng cấp hệ thống và thêm máy fax tốc độ cao. Tổng thống Reagan cũng đã sử dụng đường dây nóng một vài lần trong sự kiện tại Lebanon và tình trạng báo động tại Ba Lan.
Hiện tượng "Điện thoại đỏ" đã lan sang ngành công nghiệp giải trí. Trong bộ phim Fail-Safe năm 1964, vị tổng thống do nam diễn viên Henry Fonda thủ vai đã tiếp nhận và truyền thông tin qua chiếc điện thoại được gọi là điện thoại đỏ (bộ phim thời đó vẫn là đen trắng). Và điện thoại đỏ cũng xuất hiện trong một số bộ phim truyện và phim truyền hình khác.
Thậm chí điện thoại đỏ đã trở thành một phần trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm 1984. Khẩu hiệu tranh cử của ứng cử viên tổng thống Walter Mondale là dòng chữ: "Điều tuyệt vời nhất, trách nhiệm quyền lực nhất của thế giới nằm trong tay người có thể nhấc chiếc điện thoại này".
Chiến tranh Lạnh kết thúc không đồng nghĩa với việc chấm dứt đường dây nóng trên. Hệ thống liên lạc mới dùng sợi cáp quang đã đi vào hoạt động từ năm 2008, bao gồm phần mềm cho cả hai việc nhận và gửi tin nhắn email với tốc độ truyền tin nhanh chóng.
Trong hội nghị thượng đỉnh năm 2010 với Tổng thống Nga thời điểm đó Dmitry Medvedev, Tổng thống Mỹ Obama đã đùa rằng mạng xã hội Twitter đã thay thế đường dây nóng này, ông Obama hóm hỉnh nói: "Chúng ta có thể tìm cách để tống những chiếc điện thoại đỏ đã tồn tại quá lâu ở đó".
Theo Hà Linh
Baotintuc.vn
Chủ tịch Cuba nói gì với Obama khi bắt tay? Cựu lãnh đạo Cuba Fidel Castro đã hoan nghênh Chủ tịch Cuba Raul Castro về hành động bắt tay với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại lễ tưởng niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela và tiết lộ lời của em trai nói với ông chủ Nhà Trắng. Lãnh đạo Mỹ, Cuba bắt tay tại lễ tưởng niệm Mandela. Ông Fidel cho...