Trump và con rể ‘nguội lạnh’
Khi Trump lên kế hoạch trở lại chính trường Mỹ, con rể Kushner không còn xuất hiện trong các cuộc thảo luận với vai trò cố vấn chính như trước.
Jared Kushner, con rể và từng là cố vấn thân cận của Donald Trump, gây chú ý khi không có tên trong danh sách cố vấn cho lần xuất hiện của cựu tổng thống tại Hội nghị Hành động chính trị bảo thủ hôm 28/2 hay kế hoạch trở lại chính trường của ông.
“Anh ấy đã rút khỏi chính trường”, một người quen biết với Kushner cho hay. Nguồn tin thân cận khác nói thêm con rể Trump đang tận hưởng thời gian bên gia đình riêng.
Khi Trump còn tại nhiệm, Kushner thường xuyên đại diện cho cựu tổng thống, nhưng cũng tránh bị cuốn vào rắc rối liên quan tới bố vợ hoặc Nhà Trắng, theo Kate Bennett và Dana Bash, hai biên tập viên của CNN.
Trở lại năm 2017, khi kế hoạch chăm sóc sức khỏe của Trump gặp khó khăn và thất bại, Kushner cùng gia đình riêng đi leo núi ở Aspen, bang Colorado. Năm 2018, họ đi nghỉ ở Florida giữa lúc chính phủ đóng cửa, dù Nhà Trắng khẳng định Kushner vẫn tích cực dẫn dắt đàm phán. Năm 2019, khi cựu tổng thống hứng chỉ trích vì nhiều vấn đề từ kiểm tra lý lịch đến bình luận về người Do Thái và đảng Dân chủ, Kushner cùng vợ Ivanka Trump có kỳ nghỉ ở Wyoming.
Hiện tại, Kushner một lần nữa “tạo khoảng cách” với Trump sau chiến dịch lật ngược kết quả bầu cử thất bại và cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol hôm 6/1. Một số người quen biết nói rằng lần này Kushner đã thực sự tách khỏi Trump.
Kushner và Ivanka đã lập tức dọn khỏi ngôi nhà thuê ở Washington để chuyển tới căn nhà mới bên bờ biển Miami, sau khi Joe Biden nhậm chức chưa đầy 24 tiếng. Một người thân cận chia sẻ Kushner muốn có một khởi đầu mới, không bao gồm vai trò cố vấn cho bố vợ hàng ngày.
Jared Kushner (trái) và cựu tổng thống Donald Trump tại Phòng Roosevelt ở Nhà Trắng năm 2017. Ảnh: Washington Post.
Tuy nhiên, hai người khác biết về mối quan hệ này cho hay “cuộc chia tay” là do Trump khởi xướng, khi ông nói với một số người thân cận rằng cảm thấy tức giận về Kushner sau thất bại bầu cử.
Cuối tháng trước, khi Trump triệu tập nhóm mà ông tin là cố vấn chính trị quan trọng nhất để thảo luận về tương lai chính trị, Kushner không có tên trong danh sách. Nhóm đã xem xét về bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm 2022 và khả năng tái tranh cử tổng thống năm 2024.
Nhóm cố vấn được Trump triệu tập tại Mar-a-Lago gồm cựu giám đốc chiến dịch Bill Stepien, cố vấn Jason Miller, cựu giám đốc truyền thông xã hội Nhà Trắng Dan Scavino, con trai Donald Trump Jr. và cựu giám đốc chiến dịch Brad Parscale, người mà Kushner đã sa thải theo yêu cầu của Trump vào hè năm ngoái và thay bằng Stepien.
Việc Kushner, một người từng tường tận mọi thông điệp chính trị của Trump, vắng mặt trong một cuộc thảo luận bàn tròn quan trọng này khiến nhiều người cảm thấy khó tin.
Video đang HOT
“Anh ấy đã thay đổi 180 độ”, một người từng làm việc với Trump và Kushner ở Nhà Trắng, cho biết. “Đây là người đã thay mặt tổng thống Trump làm mọi thứ trong 4 năm. Anh ấy sống với công việc đó”.
Một cựu đồng nghiệp Nhà Trắng khác cũng tỏ ra bất ngờ khi Kushner quyết định ra đi. Người này cho biết không có bất kỳ công việc gì của chính quyền tiền nhiệm mà Kushner không tham gia, từ chính sách đối nội, ngoại giao, an ninh quốc gia, cải cách tư pháp, ngân sách hay Covid-19.
“Anh ấy là chuyên gia về mọi thứ”, cựu đồng nghiệp này nói, thêm rằng việc Kushner chuyển từ chủ đề này sang chủ đề tiếp theo có thể đe dọa tới vị trí của một số nhân viên cấp cao ở Cánh Tây.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ảnh hưởng và vai trò của Kushner một phần là do gia đình. “Trump sẽ không sa thải con rể, đặt biệt danh hay công kích anh ấy trên Twitter”, một người làm việc với cựu tổng thống ở Nhà Trắng nói.
Do đó, Kushner có thể trở thành chiến lược gia chính và tiếng nói giá trị đối với Trump khi còn tại nhiệm. Nhưng bây giờ, mọi thứ đã thay đổi.
Hai nguồn tin thân cận cho biết quan hệ giữa Kushner và Trump đã rạn nứt sau khi Trump thất bại bầu cử. Họ nói trong vài tuần gần đây, không ít lần Trump chê trách Kushner về thất bại bầu cử khi nói chuyện với những người thân cận.
Một người thường xuyên nói chuyện với Kushner phủ nhận mọi bất đồng giữa Trump và con rể, cho biết hai người đã cùng ăn trưa tuần trước ở Florida.
Dù mối quan hệ giữa Trump và con rể có tốt hay không, điều Kushner muốn lúc này là nghỉ ngơi, theo những người thường xuyên nói chuyện với anh. Tuy nhiên, họ dự đoán sau thời gian “nguội lạnh”, nếu Trump thực sự quyết định tranh cử tổng thống năm 2024, Kushner nhiều khả năng sẽ trở lại vai trò cố vấn.
Tuy nhiên, Kushner hiện tại vẫn sẵn lòng để Trump Jr. hay Parscale đảm nhận vai trò cố vấn cho cựu tổng thống, dù một cộng sự thân tín cho biết anh vẫn thường xuyên nói chuyện với Stepien, Parscale và Miller.
“Anh ấy đang cố gắng trở thành người mà bạn muốn tìm tới trong phe Cộng hòa để thương thảo”, một người biết về những tính toán tương lai của Kushner cho hay.
Tuy nhiên, trong tương lai gần, Kushner khó có khả năng sẽ tham gia đội ngũ cố vấn hăng hái cho cuộc đua thứ hai của Trump. “Câu chuyện chính trị này đã khiến anh ấy suy sụp. Trump cuối cùng đã khiến mọi người thất vọng”, người này nói.
Lý do phiên luận tội Trump có thể kết thúc chóng vánh
Phiên tòa luận tội Trump sẽ có nhiều kịch tính, nhưng các bên đều muốn kết thúc nó nhanh chóng để dành thời gian giải quyết các công việc quan trọng.
Lãnh đạo phe Dân chủ và Cộng hòa tại Thượng viện đã ngụ ý rằng phiên tòa luận tội cựu tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc nhanh chóng, thậm chí chỉ diễn ra trong "vài ngày". Jeremy Herb và Daniella Diaz, hai biên tập viên của CNN, nhận định Trump cuối cùng sẽ được Thượng viện tha bổng lần hai, do không có đủ 2/3 số phiếu ủng hộ kết tội ông.
"Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa một hoặc có thể hai tuần tới đây sẽ thiếu kịch tính, khi những người phụ trách luận tội của Hạ viện mô tả lại cuộc bạo loạn chết người trên Đồi Capitol hôm 6/1 và cáo buộc Trump kích động nhóm nổi loạn", Herb và Diaz viết.
Cựu tổng thống Trump tại sân bay Andrews hôm 12/1. Ảnh: AFP
Các thành viên Dân chủ ở Hạ viện hôm 4/2 gửi thư tới cựu tổng thống Mỹ để mời ông tuyên thệ làm chứng trong phiên xét xử, nhưng yêu cầu này nhanh chóng bị từ chối. Dù vậy, nhiều thành viên Dân chủ tin họ có thể kết tội Trump kích động bạo loạn mà không cần ông làm chứng, như cách họ từng nhanh chóng tiến hành thủ tục luận tội cựu tổng thống trong vòng một tuần sau cuộc bạo loạn.
Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Charles Schumer và lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đang cố gắng thảo luận và hy vọng đạt được sự đồng thuận lưỡng đảng về thời gian tranh luận của hai bên, nhân chứng tham dự và nhiều vấn đề khác.
Herb và Diaz cho rằng có lý do để hy vọng lưỡng đảng đạt được đồng thuận, bởi cả hai bên dường như đều muốn kết thúc nhanh chóng phiên tòa. Trong khi nhóm phụ trách luận tội của Hạ viện cho rằng phiên tòa có thể kéo dài hai tuần, một số thượng nghị sĩ Dân chủ muốn kết thúc trong thời gian ngắn hơn.
Lý do rất đơn giản. Phe Dân chủ ở Thượng viện đang có rất nhiều việc quan trọng khác cần xử lý, như nỗ lực để thông qua gói kích thích 1,9 nghìn tỷ của Tổng thống Joe Biden và phê chuẩn các quan chức được chính quyền mới bổ nhiệm. Cả hai vấn đề này không thể thực hiện cho tới khi phiên luận tội kết thúc.
Dù phe Cộng hòa không muốn nhanh chóng xác nhận các vị trí trong nội các của Biden, họ cũng không muốn dư luận chú ý quá nhiều vào cuộc bạo loạn ngày 6/1 và cựu tổng thống với một phiên luận tội kéo dài.
Kỳ vọng của cả hai đảng là phiên luận tội lần hai của Trump sẽ không kéo dài tới ba tuần như lần đầu tiên. Nhưng nó sẽ diễn ra trong bao lâu là vấn đề đang được thảo luận.
Văn phòng của Schumer tối 6/2 nói rằng Thượng viện đồng ý yêu cầu của David Schoen, một thành viên nhóm luật sư của Trump, về việc tạm hoãn phiên tòa trong dịp lễ Sabbath của người Do Thái. Điều đó đồng nghĩa phiên luận tội sẽ tạm dừng từ chiều tối 12/2 và nhiều khả năng không thể nối lại cho tới ngày 14/2.
"Chúng tôi tôn trọng yêu cầu và tất nhiên sẽ đáp ứng. Các cuộc thảo luận của hai bên về cách thức tổ chức của phiên tòa vẫn tiếp tục", Justin Goodman, người phát ngôn của Schumer, nói.
Với tư cách chủ tịch tạm quyền và đồng thời là thượng nghị sĩ lâu năm nhất tại Thượng viện, thượng nghị sĩ Patrick Leahy, thành viên Dân chủ bang Vermont, là người chủ trì phiên luận tội Trump thay Chánh án Tòa án Tối cao John Roberts. Roberts, người giám sát phiên luận tội đầu tiên của Trump, chọn không tham gia lần này bởi Trump không còn tại nhiệm, theo Schumer.
Khi thượng nghị sĩ Cộng hòa Rand Paul thúc giục cuộc bỏ phiếu phản đối luận tội Trump tháng trước vì cho rằng kết tội một cựu tổng thống là vi hiến, chỉ có 5 thành viên Cộng hòa tham gia cùng phe Dân chủ để chống lại nỗ lực này. Kết quả cuộc bỏ phiếu này đáng chú ý, bởi Dân chủ sẽ cần ít nhất 17 thượng nghị sĩ Cộng hòa ủng hộ để có thể kết tội Trump và cấm ông nắm quyền trong tương lai.
Nhiều thành viên của cả hai đảng đều chỉ ra rằng cuộc bỏ phiếu của Paul là dấu hiệu sớm về kết quả của phiên luận tội. Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã đứng về phía Paul, cho thấy ông sẽ không bỏ phiếu kết tội cựu tổng thống. Đội ngũ pháp lý của Trump có thể sẽ sử dụng lập luận của Paul cho phiên tranh luận sắp tới.
Trong bản phản hồi nỗ lực luận tội của Hạ viện dài 14 trang tuần trước, Bruce Castor và David Schoen, hai luật sư của Trump, đã tiết lộ lập luận của họ rằng Thượng viện không thể kết tội Trump khi ông không còn tại nhiệm, cũng như bài phát biểu của cựu tổng thống trước người biểu tình ngày 6/1 không phải là nguyên nhân dẫn tới cuộc bạo loạn.
"Hiến pháp quy định chỉ luận tội người đang giữ chức vụ. Vì tổng thống thứ 45 của Mỹ không còn tại nhiệm, điều khoản luận tội không còn phù hợp và Thượng viện không thể làm điều đó", nhóm của Trump viết.
Phe Dân chủ ở Hạ viện bác bỏ lập luận này, cho rằng họ đã thúc đẩy tiến trình luận tội Trump vào tháng trước, khi ông còn tại nhiệm. "Không có 'ngoại lệ tháng 1' để tránh luận tội hay bất kỳ điều khoản nào khác của Hiến pháp. Một tổng thống phải chịu trách nhiệm cho tất cả hành vi của mình khi tại nhiệm từ ngày đầu tiên tới ngày cuối cùng", nhóm phụ trách luận tội Trump của Hạ viện viết.
Nhóm phụ trách luận tội Trump của Hạ viện nhóm họp với Chủ tịch Nancy Pelosi tháng trước. Ảnh: NYTimes.
Tuy nhiên, tới hiện tại, nhóm này vẫn chưa ra quyết định cuối cùng về việc có mời nhân chứng tới phiên tòa hay không. Họ đang chuẩn bị cho khả năng không có nhân chứng, nhưng có thể quyết định sử dụng nếu tìm được một nhân chứng sẵn sàng lên tiếng.
Nhóm phụ trách của Hạ viện muốn tránh bất kỳ cuộc tranh cãi nào về nhân chứng giống như phiên luận tội đầu tiên của Trump, bởi nó sẽ khiến phiên tòa bị trì hoãn.
Dù không có nhân chứng, phe Dân chủ đang chuẩn bị sử dụng bằng chứng từ video và mạng xã hội để chứng minh các hành động, ngôn từ và bài đăng Twitter của Trump kích động bạo loạn.
"Phiên tòa chắc chắn sẽ rất hấp dẫn. Trong khi phe Cộng hòa dựa vào lập luận về thủ tục pháp lý như lý do bác bỏ cáo buộc với Trump, phe Dân chủ ở Hạ viện sẽ kéo các thượng nghị sĩ và công chúng quay lại với cuộc bạo loạn ngày 6/1, khi chính các thượng nghị sĩ phải chạy tán loạn khỏi Đồi Capitol", Herb và Diaz cho hay.
Đối với đảng Dân chủ, phiên tòa có thể được xem như nỗ lực bắt Trump cùng các nhà lập pháp Cộng hòa, những người thúc đẩy cáo buộc gian lận bầu cử, phải chịu trách nhiệm trước công chúng.
"Họ sẽ phải đưa ra các lập luận trước phiên tòa của Thượng viện. Họ cũng phải làm điều tương tự trước phiên tòa của dư luận", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói trong cuộc họp báo hôm 4/2. "Và chúng ta sẽ chờ xem liệu Thượng viện sẽ can đảm hay hèn nhát".
Kịch bản quốc hội Mỹ chặn đường tái tranh cử của Trump Ngoài mục tiêu gạt Trump khỏi Nhà Trắng trong những ngày cuối nhiệm kỳ, phe Dân chủ dường như còn muốn ngăn ông trở lại bộ máy chính quyền. Hạ viện Mỹ do đảng Dân chủ kiểm soát hôm 11/1 công bố điều khoản luận tội Tổng thống Donald Trump, xoay quanh vai trò của ông trong vụ bạo loạn tại Đồi Capitol...