Trump và Biden so găng trong “cơn đại khủng hoảng”, lịch sử có lặp lại?
Cuộc bầu cử có thể diễn biến bất ngờ như cách dịch Covid-19 và phong trào “ Black Live Matter” tác động đến nước Mỹ thời gian qua.
Nước Mỹ “lao đao” với 2 cuộc khủng hoảng
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đang chịu tác động của 2 cuộc khủng hoảng: đại dịch Covid-19 và các cuộc biểu tình chống hành vi bạo lực của cảnh sát, phân biệt chủng tộc.
Đương kim Tổng thống Donald Trump và ứng viên tranh cử Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Reuters.
Dịch Covid-19 đã khiến hơn 2,6 triệu người Mỹ bị lây nhiễm và hơn 128.000 người tử vong, gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại suy thoái. Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng, video về vụ bạo hành của cảnh sát dẫn đến cái chết của công dân da màu George Floyd đã làm dấy lên làn sóng biểu tình bạo loạn lớn nhất nước Mỹ kể từ những năm 1960.
Thuật ngữ “Black Live Matter” (tạm dịch là “Người da đen đáng được sống”) chưa từng có tiền lệ đã được sử dụng rộng khắp để mô tả sự kiện này. Tuy vậy, giới quan sát cho rằng chúng chỉ là phiên bản mới nhất của hai vấn đề lâu đời và phức tạp trong nền chính trị của Mỹ: sự bất đồng trong chính phủ và tình trạng phân biệt chủng tộc.
Khi chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016, Tổng thống Trump đã trình bày những giải pháp có vẻ như dễ dàng để giải quyết 2 vấn đề này. Ông Trump tin tưởng sự nhạy bén trong kinh doanh của ông sẽ khắc phục những vấn đề mà các nhà chính trị khác khó giải quyết được, từ thâm hụt thương mại đến nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Trong 3 năm qua, Tổng thống Trump đã xây dựng một chiến lược tái tranh cử dựa trên viễn cảnh “chiến thắng”, với lợi thế vượt trội là nền kinh tế phát triển mạnh mẽ.
Mặc dù có tỉ lệ ủng hộ tương đối thấp so với các Tổng thống tiền nhiệm, nhưng ông Trump đã ghi điểm một cách ấn tượng, trong đó phải kể đến việc vực dậy nền kinh tế, khắc phục hậu quả của siêu bão Maria năm 2017, tiếp đến là vượt qua cuộc điều tra luận tội do Đảng dân chủ khởi xướng.
Thảm kịch do siêu bão Maria gây ra có thể chìm vào quên lãng, nhưng dịch bệnh Covid-19 lại đặt ra các thách thức mới với quy mô lớn hơn nhiều. Chính quyền Tổng thống Trump đã hứng chịu nhiều chỉ trích liên quan đến cách ứng phó dịch bệnh.
Video đang HOT
Bất chấp sự giàu có và các nguồn tài nguyên dồi dào, Mỹ vẫn phải “chịu thua” trước đại dịch. Tổng thống Trump từng cáo buộc các đối thủ đang phóng đại quy mô cuộc khủng hoảng để nhấn chìm cơ hội tái đắc cử của ông. Hiện giờ, ngay cả khi các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm rộng rãi, ông Trump cho rằng xét nghiệm sẽ làm gia tăng số bệnh nhân Covid-19 và cho rằng tiến trình này nên thực hiện chậm lại.
Giới quan sát cho rằng, đại dịch có thể gây ra nhiều rủi ro đối với cơ hội tái đắc cử của ông Trump, bởi hiếm có trường hợp Tổng thống đương nhiệm giành chiến thắng trong cuộc tái tranh cử giữa thời kỳ suy thoái. Nhà lãnh đạo Mỹ từng hy vọng vào sự phục hồi kinh tế nhanh chóng nhưng điều này có vẻ như bất khả thi trong bối cảnh số ca mắc tăng vọt do việc dỡ bỏ hạn chế và mở cửa trở lại được thực hiện quá nhanh.
Chưa hết, làn sóng biểu tình “Black Live Matter” sau cái chết của công dân da màu George Floyd đã làm tổn hại không chỉ triển vọng thắng cử của ông mà còn cả trật tự chính trị ông đang xây dựng.
Trong nhiều thập kỷ qua, phe bảo thủ đã sử dụng các cuộc biểu tình của người da màu để khiến những cử tri da trắng ôn hòa lo ngại. Ông Trump nhiều lần nhắc đến cụm từ “luật pháp và trật tự” – thuật ngữ từng được cựu Tổng thống Richard Nixon nói đến trong chiến dịch tranh cử năm 1968 khi nước Mỹ đang ở cao trào của sự bất ổn. Lập trường cứng rắn của ông Richard Nixon đối với những người biểu tình đã giúp ông chiến thắng và Tổng thống Trump mong đợi hiệu ứng tương tự như vậy.
Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, dư luận Mỹ lại thiên về ủng hộ quyền lợi của người da màu và các cuộc biểu tình đa sắc tộc đã bùng phát. Trong một số cuộc biểu tình, phần lớn người tham gia không phải là người Mỹ gốc Phi. Tổng thống Trump có vẻ “lúng túng” khi đối phó với làn sóng biểu tình mạnh mẽ. Ông yêu cầu điều động quân đội hỗ trợ giải tán các đám đông người biểu tình. Nhưng quyết định này đã bị Bộ Quốc phòng và nhiều nghị sỹ lưỡng đảng phản đối mạnh mẽ.
Cơ hội thuộc về ứng cử viên Joe Biden?
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden – ứng cử viên Tổng thống chính thức của đảng Dân chủ hiện nay được cho là có nhiều lợi thế hơn ông Trump. Ông Joe Biden cách xa Tổng thống Trump với tỷ số 50%-36% trong một cuộc thăm dò toàn quốc công bố ngày 24/6, do New York Times phối hợp với Siena Collage thực hiện.
Ông Biden đang dẫn trước Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ. Ảnh: VOX.
Ông Biden hiện nhận được sự ủng hộ ngày càng gia tăng của những cử tri lớn tuổi, người Mỹ gốc Phi và gốc Tây Ban Nha. Khoảng cách giữa ứng cử viên Joe Biden và ông Trump đến thời điểm này lớn hơn nhiều so với mức mà bà Hillary Clinton có được trong 6 tháng đầu năm 2016.
Tuy nhiên, Joe Biden lại được biết đến là nhân vật ưa thích sự an toàn và quen thuộc. Ông lựa chọn tránh xa các đề xuất liên quan đến cải cách lực lượng cảnh sát và cũng chưa bao giờ tuyên bố ủng hộ chính sách “Medical for all” (tạm dịch là “Chăm sóc y tế cho mọi nhà”), mặc dù đây là những vẫn đề mà phe Dân chủ ủng hộ và tích cực thúc đẩy. Theo nhiều nhà quan sát, nếu trở thành Tổng thống, Joe Biden có thể sẽ không mang đến những thay đổi lâu dài mà đảng Dân chủ kỳ vọng.
Đây là lý do tại sao ông Trump và các đồng minh đã công kích Joe Biden là “Biden ngủ gật và già yếu”. Tổng thống Trump đã cố gắng khuếch đại mối lo ngại về tuổi tác và sức khỏe tinh thần của ông Biden, cho rằng ông này dường như không thể nhớ được các phát ngôn. “Ông ấy không thể đặt 2 câu cạnh nhau. Ông ấy có lẽ sẽ trở thành Tổng thống chỉ bởi một số người không thích tôi”, ông Trump nói.
Lịch sử có lặp lại?
Dù cựu Phó Tổng thống Joe Biden đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò dư luận, nhưng chuyên gia bầu cử của đảng Cộng hòa Whit Ayres nhận định, mọi thứ có thể diễn biến theo chiều hướng bất ngờ giống như cách đại dịch Covid-19 và phong trào “Black Live Matter” tác động đến xã hội Mỹ trong thời gian qua.
“Trong lĩnh vực chính trị, 4 tháng có thể tương đương vài năm ánh sáng” ông Whit Ayres nói. Trước đó, nhiều người đã đặt câu hỏi về chất lượng của các cuộc thăm dò dư luận, lo ngại khả năng lặp lại sai lầm như cuộc bầu cử năm 2016.
Bằng việc tránh trở thành tâm điểm sự chú ý, ông Biden đang thành công khi biến cuộc bầu cử thành cuộc trưng cầu ý dân đối với Tổng thống Trump. Nhưng một số người ủng hộ ông Trump tin rằng, ứng viên đảng Dân chủ này sẽ khó duy trì chiến lược đó cho đến tháng 11 tới.
Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa John Barrasso nói: “Joe Biden vẫn ở trong “nơi trú ẩn an toàn”. Nhưng một khi ông ấy ra ngoài, những sai lầm của ông ấy có thể được phơi bày và mọi người sẽ thấy sự lựa chọn thực sự”.
Theo Thượng nghị sỹ này, vẫn còn nhiều thời gian để ông Trump lấy lại sự ủng hộ của cử tri. Yếu tố có lợi đầu tiên đối với nhà lãnh đạo Mỹ là các cử tri vẫn tỏ ra tin tưởng vào khả năng khôi phục kinh tế của ông hơn so với ứng cử viên Joe Biden, dù tỉ lệ thất nghiệp đã tăng từ 3,5% trong tháng 2 lên đến 13,3% ở thời điểm này. Một lợi thế khác phải kể đến là sự ủng hộ của các cử tri Cộng hòa đối với ông Trump vẫn mạnh mẽ hơn sự ủng hộ của cử tri Dân chủ dối với ông Biden. Tổng thống Trump đã thông báo điều này với các thượng nghị sỹ Cộng hòa để xoa dịu sự lo ngại của họ.
Tim Miller, cựu trợ lý của Thống đốc Cộng hòa Florida Jeb Bush, nhận định ông Trump vẫn có thể giành được nhiều sự ủng hộ hơn từ các cử tri da trắng ở một số bang dao động.
Còn Patti Solis Doyle, cựu chánh văn phòng quản lý chiến dịch của của ông Biden và bà Clinton năm 2008 nhắc nhở đảng Dân chủ rằng, cuộc bầu cử sẽ được quyết định ở một vài hạt tại 6 hoặc 7 bang dao động.
“Gửi những thành viên của đảng Dân chủ – những người không cho rằng đây là một cuộc đua sát nút, hãy để họ trở lại ngày 8/11/2016 khi sự bất ngờ trở thành nỗi kinh hoàng. Điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giữ bình tĩnh, lờ đi các cuộc thăm dò dư luận dù chúng khả quan đến mức nào”.
Hiện giờ, các con mắt đang đổ dồn về những bang dao động như Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Florida và Bắc Carolina, cùng những bang đầy tính cạnh tranh như Arizona và Minnesota. Các cuộc thăm dò dư luận cho biết, ông Biden dẫn trước ông Trump ở những bang này, nhưng với khoảng cách hẹp hơn và dễ biến động hơn./.
Trump ký sắc lệnh cải tổ lực lượng cảnh sát
Tổng thống Trump ký sắc lệnh khuyến khích các sở cảnh sát thực hiện những tiêu chuẩn mới nhất về sử dụng vũ lực, cải thiện chia sẻ thông tin.
Mở đầu lễ ký sắc lệnh ở Nhà Trắng ngày 16/6, Tổng thống Donald Trump chia sẻ cảm thông với gia đình những nạn nhân phải chịu bạo lực từ cảnh sát, tuyên bố sẽ đấu tranh vì công lý. Tuy nhiên sau đó, ông nhanh chóng chuyển sang bảo vệ các nhân viên thực thi pháp luật và đe dọa trừng phạt những người cướp bóc đồ đạc trong biểu tình đang lan rộng ở Mỹ.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh về cải tổ lực lượng cảnh sát ở Nhà Trắng ngày 16/6. Ảnh: Reuters.
"Người dân Mỹ muốn pháp luật và trật tự, họ yêu cầu pháp luật và trật tự", ông nói. "Người dân Mỹ hiểu rõ một sự thật là nếu thiếu vắng cảnh sát, hỗn loạn sẽ nổ ra, nếu không có luật pháp, hỗn loạn sẽ nổ ra và nếu thiếu sự an toàn, đó là một thảm họa".
Sắc lệnh Tổng thống Trump vừa ký khuyến khích các sở cảnh sát thực hiện những tiêu chuẩn mới nhất về việc sử dụng vũ lực, cải thiện chia sẻ thông tin trong lực lượng nhằm tránh việc tuyển dụng những cảnh sát có hồ sơ cá nhân không tốt, đồng thời bổ sung các nhân viên xã hội vào lực lượng thực thi pháp luật nhằm giải quyết những sự vụ không bạo lực như nghiện ma túy hay vô gia cư.
Theo sắc lệnh của Tổng thống Trump, ngân sách liên bang sẽ chỉ được cấp cho những sở cảnh sát có xác nhận độc lập từ các cơ quan bên ngoài và sẽ cấm hành động khóa cổ trừ trường hợp mạng sống của nhân viên cảnh sát gặp nguy hiểm. Sắc lệnh này cũng khuyến khích sử dụng các loại vũ khí không sát thương như súng gây choáng.
Các nhóm dân quyền và một số thành viên cấp cao đảng Dân chủ, bao gồm cả cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden, ứng viên tổng thống đảng Dân chủ, cho rằng sắc lệnh Tổng thống Trump vừa ký là chưa đủ.
Sắc lệnh được ban hành sau khi hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra trên khắp nước Mỹ phản đối phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát, bắt nguồn từ cái chết của George Floyd, người đàn ông da màu ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota, bị cảnh sát ghì cổ dẫn đến thiệt mạng hồi cuối tháng trước.
Bước ngoặt quyết định trong cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ Cái chết của công dân da màu George Floyd và các cuộc biểu tình trên toàn nước Mỹ đã tạo ra bước ngoặt lớn trong chiến dịch bầu cử Tổng thống Mỹ. Từ cuộc khủng hoảng y tế đến khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 và hiện nay là cuộc khủng hoảng xã hội liên quan tới cái chết của George...