Trump quyết bảo vệ cách gọi ‘virus Trung Quốc’
Tổng thống Mỹ nói việc gọi nCoV là “virus Trung Quốc” nhằm ngăn chiến dịch đánh lạc hướng thông tin của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 18/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump bảo vệ cách gọi nCoV là “virus Trung Quốc”, bất chấp chỉ trích ngày càng tăng rằng cách gọi này là phân biệt chủng tộc và chống Trung Quốc.
“Hoàn toàn không phải phân biệt chủng tộc. Virus này xuất phát từ Trung Quốc và đó là lý do”, Trump nói.
Tuy nhiên, cách gọi này đã chọc giận quan chức Trung Quốc và loạt nhà phê bình, trong khi các chuyên gia Trung Quốc cũng nói rằng việc định danh virus theo cách đó sẽ chỉ càng gia tăng căng thẳng giữa hai nước, dẫn đến sự bài ngoại mà lẽ ra giới lãnh đạo Mỹ nên ngăn chặn. Cộng đồng người Mỹ gốc Á trước đó đã báo cáo các sự cố về chỉ trích chủng tộc và ngược đãi thể chất vì nhận thức sai lầm rằng Trung Quốc là nguyên nhân gây ra virus.
“Sử dụng thuật ngữ này không chỉ bào mòn khán giả toàn cầu, bao gồm ở Mỹ, mà còn thúc đẩy câu chuyện thù ghét người Mỹ ở Trung Quốc và nỗi sợ hãi giới lãnh đạo và người dân Trung Quốc nói chung”, Scott Kennedy, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho hay.
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 17/3, Trump nói với các phóng viên rằng ông gắn “Trung Quốc” vào tên virus để chống lại chiến dịch đánh lạc hướng thông tin được quan chức Bắc Kinh thúc đẩy rằng quân đội Mỹ là nguồn phát tán virus.
“Tôi không đánh giá cao việc Trung Quốc nói rằng quân đội của chúng ta đã mang virus đến cho họ. Tôi nghĩ nói quân đội của chúng ta mang virus đã tạo ra sự kỳ thị”, Trump nói.
Trong hai bài đăng Twitter sau đó, ông tiếp tục đề cập “virus Trung Quốc”. Khi được hỏi về thuật ngữ này tại cuộc họp báo hàng ngày của Nhà Trắng về Covid-19, Trump khẳng định ông chỉ đơn giản chỉ ra sự thật rằng: dịch bệnh này được phát hiện lần đầu ở Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại cuộc họp báo hàng ngày về Covid-19 ở Nhà Trắng hôm 18/3. Ảnh: AFP.
Quan chức y tế công cộng đã cố tránh những cái tên có thể dẫn đến hành vi phân biệt đối xử đối với các địa điểm hoặc các nhóm dân tộc từ khi đưa ra các hướng dẫn nghiêm ngặt hơn về việc đặt tên cho virus năm 2015. Tuy nhiên, sau buổi họp báo, Nhà Trắng đăng Twitter chỉ trích những gì họ gọi là “sự phẫn nộ giả tạo của truyền thông”, chỉ ra các căn bệnh khác cũng được đặt tên theo địa điểm, bao gồm virus Ebola và virus Tây sông Nile.
Video đang HOT
Theo Kennedy, dựa vào những ngôn ngữ từng được Trump và chính quyền của ông sử dụng, không có gì để nghi ngờ về sự phân biệt. “Hàng loạt tuyên bố và hành động của chính quyền Trump về nhập cư, người nhập cư và các vấn đề chủng tộc đã cho thấy điều đó. Sử dụng thuật ngữ này không chỉ bài ngoại mà còn phân biệt chủng tộc”, Kennedy cho hay.
Trong cuộc họp báo hôm 18/3, một phóng viên cũng hỏi Tổng thống rằng ông nghĩ gì khi một quan chức Nhà Trắng đề cập nCoV là “Kung Flu”. Trump bỏ qua câu hỏi đó trước khi khẳng định rằng người Trung Quốc “có thể sẽ đồng ý” rằng nCoV là virus Trung Quốc, dù quan chức Trung Quốc đã cho thấy họ không đồng tình.
Các chuyên gia lịch sử y học và y tế công cộng, bao gồm một số người trong chính quyền Trump, đã nhấn mạnh rằng đại dịch không có sắc tộc và liên kết đại dịch với một nhóm dân tộc có thể dẫn đến phân biệt đối xử. Tuy nhiên, từ khi dịch bắt đầu bùng phát ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, Trump nhiều lần ngụ ý trong các nhận xét công khai rằng ông xem virus như một mối đe dọa nước ngoài, và nhiều lần đề cao quyết định sớm để đóng cửa biên giới Mỹ với những người đến từ Trung Quốc.
“Chúng tôi đã đóng cửa với Trung Quốc, nguồn dịch bệnh, rất rất sớm”, Trump nói với các phóng viên hôm 17/3. “Sớm hơn cả những gì các chuyên gia tài giỏi muốn làm. Và tôi nghĩ, cuối cùng điều đó sẽ có tác dụng, điều đó sẽ cứu được rất nhiều người”.
Nhưng Yanzhong Huang, thành viên cấp cao về sức khỏe toàn cầu tại Hội đồng Đối ngoại, cho biết các biện pháp hạn chế đi lại của Trump không nằm trong cách tiếp cận toàn diện, bao gồm xét nghiệm và kiểm dịch, và nhìn chung quá ít, quá muộn. Theo Huang, virus có khả năng xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 11 hoặc tháng 12 và rõ ràng một du khách từ Trung Quốc đã phát tán virus ở Mỹ vào tháng 1, trước khi các hạn chế được đưa ra vào đầu tháng 2.
Kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, Trump và các quan chức chính quyền cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm khi để virus lây lan, và Bắc Kinh đã đáp trả. Việc đổ lỗi lẫn nhau, bên này cho rằng bên kia làm ít hơn để ngăn chặn dịch bệnh, gây ra căng thẳng gần như hàng ngày giữa hai quốc gia.
Chính phủ Trung Quốc hôm 17/3 tuyên bố trục xuất các phóng viên thường trú làm việc cho New York Times, Wall Street Journal và Washington Post khỏi Trung Quốc đại lục, thậm chí cấm họ tác nghiệp tại đặc khu hành chính Hong Kong, đồng thời yêu cầu các cơ quan này cùng VOA và tạp chí Time cung cấp thông tin chi tiết về hoạt động, tài chính và bất động sản của họ ở Trung Quốc. Hành động này nhằm đáp trả việc chính quyền Trump yêu cầu 5 cơ quan truyền thông Trung Quốc tại Mỹ giảm số lượng phóng viên thường trú từ 160 người xuống còn 100 người từ ngày 13/3.
Tuần trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên chia sẻ thuyết âm mưu rằng Mỹ đứng sau loại virus này. “Có thể quân đội Mỹ đã mang dịch bệnh đến Vũ Hán”, Triệu đăng Twitter. “Hãy minh bạch, công khai dữ liệu. Mỹ nợ chúng ta một lời giải thích”.
Dù khẳng định thỏa thuận thương mại mà họ đã ký hồi tháng 1 vẫn đi đúng hướng, quan chức Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc vì đã xử lý sai Covid-19 cũng như từ chối xuất khẩu khẩu trang và các thiết bị y tế bảo hộ khác. Một số quan chức trong chính quyền Trump thậm chí cho rằng nCoV không khởi phát từ chợ thực phẩm ở Vu Hán, mà từ phòng thí nghiệm của chính phủ Trung Quốc ở gần đó.
Charlie Woo, giám đốc điều hành của Megatoys và chủ tịch ủy ban chính sách công của Ủy ban 100, một tổ chức nổi tiếng của người Mỹ gốc Hoa, cho biết ngôn ngữ của chính quyền đang chia rẽ công chúng trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Nhân viên y tế di chuyển người nhiễm nCoV ở New York lên xe cứu thương. Ảnh: ABC.
“Cuộc khủng hoảng này đòi hỏi khoa học, sự thật và ngôn ngữ rõ ràng, không phải kích động sợ hãi, đổ lỗi và bài ngoại như các công chức của chúng ta đang làm”, Woo nói. “Chúng ta phải đối mặt với một đại dịch toàn cầu đòi hỏi phải có phản ứng thống nhất, toàn cầu. Việc gán virus cho một nền văn hóa, dân tộc hoặc quốc gia chỉ có thể cản trở nỗ lực này, làm xa lánh mọi người thay vì hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau”.
Kellyanne Conway, cố vấn của Tổng thống, nói rằng Trump chỉ đang cố đưa thông tin chính xác. “Tôi nghĩ những gì Tổng thống đang nói đó là nơi virus lần đầu tiên được xác định”, Conway nói với các phóng viên tại Nhà Trắng.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Charles E. Grassley đăng Twitter rằng “Tôi không hiểu tại sao Trung Quốc buồn chỉ vì chúng tôi đề cập đến loại virus có nguồn gốc từ quốc gia họ là ‘virus Trung Quốc’. Tây Ban Nha không bao giờ buồn khi nhắc đến bệnh cúm Tây Ban Nha 1918 và 1919″.
Cụm từ “cúm Tây Ban Nha” là một cách hiểu sai. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh nói rằng các chuyên gia vẫn không chắc chắn căn bệnh này bắt nguồn từ đâu.
Trong một thông điệp được gửi qua email cho những người ủng hộ và đăng trên trang web, chiến dịch tái tranh cử Trump – Pence 2020 đã thúc đẩy nỗ lực đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự lây lan của virus. Thông điệp cũng cáo buộc cựu phó tổng thống Joe Biden, ứng viên hàng đầu của đảng Dân chủ, đứng về phía Trung Quốc.
“Mỹ đang bị tấn công, không chỉ bởi loại virus vô hình, mà còn bởi người Trung Quốc”, theo lời kêu gọi hôm 18/3 của chiến dịch. “Joe Biden làm được gì khi tất cả những điều này đang xảy ra? Đó là đứng về phía Trung Quốc và tấn công ứng viên tổng thống mà Trung Quốc lo sợ nhất: Donald Trump”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo được cho là quan chức nhất quán nhất trong việc liên kết virus với Trung Quốc. Trong một cuộc họp báo hôm 17/3, Pompeo 6 lần gọi nCoV là virus Vũ Hán. Ngay cả khi nói rằng bây giờ không phải là lúc để buộc tội, Pompeo cũng một lần nữa cáo buộc Trung Quốc ban đầu hạ thấp mối đe dọa từ dịch bệnh.
“Chúng tôi biết chính phủ đầu tiên biết về virus Vũ Hán là Trung Quốc. Đó là một trách nhiệm đặc biệt để giương cờ nhưng phải mất một thời gian dài khủng khiếp để thế giới nhận thức được nguy cơ này đang cư trú bên trong Trung Quốc”, Pompeo nói. “Lãnh đạo Trung Quốc phải có trách nhiệm thực hiện việc này, không chỉ đối với những người Mỹ, Italy, Hàn Quốc, Iran đang chịu dịch bệnh, mà còn cho chính người dân của họ”.
Theo Pompeo, việc trục xuất các nhà báo là ví dụ mới nhất về cách Trung Quốc muốn che giấu thế giới những gì thực sự xảy ra trong đất nước họ.
Quan chức chính phủ Trung Quốc đã công khai đặt nghi ngờ liệu nCoV có nguồn gốc từ Vũ Hán như các cơ quan y tế tin tưởng. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao hôm 18/3 nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi đầu tháng 1 đã liên tục gọi nCoV là dịch bệnh Vũ Hán và nhiều người dân Trung Quốc cũng nghĩ như vậy.
Theo vnexpress.net
Tổng thống Trump ký phê chuẩn gói 1.000 tỷ USD ứng phó Covid-19
Gói giải cứu trị giá 1.000 tỷ USD được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế Mỹ vượt qua giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Sputnik News dẫn lời giới chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/3 đã đặt bút ký phê chuẩn gói giải cứu kinh tế trị giá 1.000 tỷ USD. Phát biểu tại lễ ký, Tổng thống Trump nhấn mạnh: "Hôm nay, tôi đã đặt bút ký vào Đạo luật H.R. 6201 hay còn gọi là Đạo luật Ứng phó với Virus Corona Gia đình là trên hết".
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Đạo luật mới này sẽ mở rộng phạm vi chi trả tiền hỗ trợ cho những người lao động bị tác động bởi Covid-19. Ngoài ra, gói giải cứu kinh tế này sẽ đảm bảo rằng những người bị nghi ngờ mắc Covid-19 sẽ được xét nghiệm miễn phí, cũng như sẽ hỗ trợ tiền mua lương thực, thực phẩm cho các gia đình có thu nhập thấp trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng tại Mỹ.
Theo số liệu do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cung cấp, tính đến thời điểm này, tại Mỹ đã có hơn 7.000 ca mắc Covid-19 và số người thiệt mạng là gần 100. Đáng chú ý, toàn bộ 50 bang của Mỹ cùng các vùng lãnh thổ khác thuộc Mỹ như Puerto Rico, Guam, Đảo Virgin đều có ca mắc Covid-19.
Trước diễn biến phức tạp này, Mỹ đã cấm mọi chuyến bay đi và về từ một số quốc gia châu Âu, Mexico và Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã dừng cấp thị thực cho công dân của hầu hết các quốc gia trên thế giới đến Mỹ.
Covid-19 cũng đã khiến nền kinh tế Mỹ bị tác động nghiêm trọng, các chỉ số chứng khoán lớn của nước này liên tục sụt giảm trong nhiều tuần qua và mới chỉ tăng nhẹ trong vài phiên gần đây. Giá dầu Brent cũng đã xuống còn 25USD/thùng trong ngày 18/3 - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2003./.
Trần Khánh/VOV.VN (Biên dịch)
Theo Sputnik News
Dịch vụ phát sóng trực tiếp đám tang "lên ngôi" trong mùa dịch Covid-19 Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan khắp thế giới, các công ty dịch vụ ở Mỹ đã có nhiều sáng kiến để giúp mọi người tránh tụ tập đông người trong đó có việc dự đám tang trực tuyến. Một lễ tang được phát trực tuyến ở Quý Dương, Quý Châu, Trung Quốc giữa mùa dịch Covid-19 (Ảnh minh họa: Getty)...