Trump phẫn nộ vì ‘đơn thương độc mã’ cuối nhiệm kỳ
Với việc trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên bị xem xét bãi nhiệm hai lần, Trump ngày càng bị cô lập, ủ rũ và “nổi cáu” với tất cả.
Khi còn chưa đầy một tuần tại nhiệm và chứng kiến Nhà Trắng ngày càng vắng vẻ vì loạt quan chức, trợ lý từ chức, Tổng thống Donald Trump đang trút cơn thịnh nộ lên những người ít ỏi còn lại. Trump cho rằng các đồng minh không nỗ lực hết mình để bảo vệ ông trước nỗ lực xem xét bãi nhiệm của Hạ viện.
Khi những người bất đồng với ông đã ra đi, Trump giờ đây “chĩa mũi dùi” vào cả những đồng minh thân cận nhất. Không chỉ với Phó tổng thống Mike Pence, mối quan hệ của Trump với luật sư Rudy Giuliani, một trong những người bảo vệ trung thành nhất của ông, cũng đang rạn nứt.
Các nguồn tin cho biết Trump đã ra lệnh cho trợ lý không thanh toán thù lao pháp lý cho Giuliani và yêu cầu luật sư này phải bồi hoàn mọi chi phí phát sinh trong chiến dịch thách thức kết quả bầu cử ở các bang chiến trường. Họ nói Trump cũng bày tỏ quan ngại với một số động thái của Guiliani và không đồng tình với đề nghị của luật sư về mức thù lao 20.000 USD mỗi ngày cho nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử bất thành.
Khi chứng kiến điều khoản xem xét bãi nhiệm nhanh chóng được Hạ viện thông qua, Trump tỏ ra buồn phiền vì nhận thấy không ai bảo vệ ông, kể cả Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, con rể Jared Kushner, cố vấn kinh tế Larry Kudlow, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien và Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows, theo một quan chức cấp cao của chính quyền.
“Tổng thống rất tức giận”, quan chức này nói. “Không ai ở bên cạnh ông ấy”.
Tổng thống Donald Trump trở về Nhà Trắng sau chuyến thăm Texas hôm 12/1. Ảnh: Washington Post.
Một trong số thân tín ít ỏi của Trump trong những ngày cuối là thượng nghị sĩ Lindsey Graham. Hôm 12/1, ông cùng Tổng thống thăm bức tường biên giới ở Texas, ngồi chung trên Không lực Một, cùng thảo luận về vấn đề xem xét bãi nhiệm và lên kế hoạch cho những ngày cuối nhiệm kỳ của Trump.
“Tổng thống hiểu rõ mọi chuyện đã kết thúc”, Graham nói. “Nó thật khó khăn. Ông ấy nghĩ mình là nạn nhân của gian lận bầu cử nhưng không làm được gì để thay đổi điều đó”.
Trump đã yêu cầu Graham vận động các thượng nghị sĩ bác bỏ điều khoản xem xét bãi nhiệm và Graham đã lập tức rà soát danh sách để gọi điện ngay khi ngồi trên Không lực Một. Một số thượng nghị sĩ đã gọi cho Trump để thông báo rằng họ sẽ phản đối điều khoản luận tội của Hạ viện.
Trong suốt chuyến bay từ Texas về, Graham cho biết ông đã phải cố trấn an Trump sau khi nghị sĩ Liz Cheney của bang Wyoming, lãnh đạo cấp cao thứ ba của đảng Cộng hòa ở Hạ viện, thông báo ủng hộ nỗ lực luận tội Tổng thống.
“Tôi đã nói với ông ấy ‘Hãy nghe tôi, ngài Tổng thống, ở ngoài kia có một số người khó chịu với ngài từ trước và bây giờ vẫn vậy, nhưng tôi đảm bảo rằng hầu hết thành viên Cộng hòa đều tin luận tội là ý tưởng tồi đối với đất nước này, nó không cần thiết và sẽ làm tổn hại cho chính thể chế của nhiệm kỳ tổng thống”, Graham kể. Ông cũng nói với Trump rằng những người Cộng hòa ủng hộ luận tội không đại diện cho toàn bộ đảng.
Trump hôm 12/1 nói với phóng viên rằng nỗ lực xem xét bãi nhiệm đang gây ra “cơn tức giận to lớn” và đặt ra “mối nguy hiểm lớn đối với quốc gia chúng ta”.
Dù tỏ ra tức giận về việc bị luận tội và không hài lòng với Lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mitch McConnell, Trump nói với các cố vấn rằng ông không tin mình sẽ phải rời nhiệm sở trước ngày 20/1, theo một số nguồn tin thân cận.
Tuy nhiên, Trump cũng tỏ ra lo ngại nhiều hơn tới những vấn đề khác có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho cuộc sống hậu Nhà Trắng, như bị nhiều công ty công nghệ khóa tài khoản hay ngân hàng Đức Deutsche Bank cắt quan hệ làm ăn.
Một minh chứng rõ ràng nhất cho việc Trump ngày càng bị cô lập là Nhà Trắng hôm 13/1 không đưa ra tuyên bố mạnh mẽ nào để bảo vệ Tổng thống trước nỗ lực luận tội của Hạ viện. Các trợ lý không chỉ trích đồng minh, thư ký báo chí không tổ chức họp báo, các luật sư và nhân viên pháp lý không tìm cách thuyết phục các nhà lập pháp bác bỏ xem xét bãi nhiệm ông.
Điều này xuất phát từ việc Nhà Trắng không tiến hành chiến dịch nào để ngăn chặn nỗ lực luận tội và các trợ lý của Trump cũng tin rằng việc ông kích động cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol “quá khó” để bảo vệ. Cố vấn Nhà Trắng Pat Cipollone, người bảo vệ Tổng thống trong lần xem xét bãi nhiệm đầu tiên, nói với các nhân viên khác rằng ông sẽ không bênh vực Trump lần này.
Sự đồng cảm hiếm hoi của đội ngũ trợ lý Nhà Trắng dành cho Trump đến từ Jason Miller, cố vấn chính trị cấp cao. Ông không trực tiếp bảo vệ hành động của Trump, mà cho rằng những người bỏ phiếu luận tội Tổng thống có thể phải “trả giá” về mặt chính trị.
Ngoài các thành viên gia đình, Trump chủ yếu nói chuyện với Meadows, Phó chánh văn phòng Dan Scavino, cố vấn chính sách Stephen Miller và giám đốc nhân sự Johnny McEntee. Hope Hicks, cố vấn của Tổng thống và là một trong số thân tín nhất của ông, đã vắng bóng trong thời gian qua.
Ngoài chuyến thăm tường biên giới ở Texas, lịch trình làm việc công khai của Trump những ngày này đều bị bỏ trống. Ông hầu như không làm gì ngoài xem tivi và trút bực tức với nhóm thân tín còn lại về những thành viên Cộng hòa không tích cực bảo vệ ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký tên lên tường biên giới ở Alamo, Texas, hôm 12/1. Video: Twitter/ WFLA NEWS.
Kể từ khi tài khoản Twitter của Trump bị đình chỉ, McEntee đã thúc giục Tổng thống chuyển sang các mạng xã hội khác như Parler. Nhưng Kushner và Scavina phản đối và ngăn tổng thống tham gia nền tảng này, theo CNN.
Một số cố vấn hiện tại và trước đây nhận xét việc Trump bị luận tội lần hai là cái kết buồn không đáng có, do Tổng thống là người không thể dễ dàng chấp nhận thất bại và một loạt cố vấn ủng hộ ông vô điều kiện. Một số cố vấn lâu năm của Trump, bao gồm Kellyanne Conway, phàn nàn rằng Tổng thống đáng lẽ không nên “thiêu rụi” di sản của mình trong những tuần cuối nhiệm kỳ.
“Thời gian từ khi các đại cử tri xác nhận kết quả bầu cử cho đến lúc Tổng thống rời nhiệm sở đáng lẽ phải dành để xem xét lại những thành tựu chính sách trong 4 năm của ông ấy, đồng thời nhắc nhở người Mỹ rằng chúng ta đang hòa bình và thịnh vượng hơn trước”, Conway nói. “Thay vì chúc mừng thành tựu của nhiệm kỳ đầu, tất cả chúng tôi đều kinh hoàng khi Đồi Capitol bị tấn công”.
Một cựu quan chức cấp cao khác của chính quyền cho biết Tổng thống Trump phẫn nộ không chỉ với Pence và các trợ lý, mà còn với các nhà báo lâu nay đứng về phía ông như Kimberley Strassel của Wall Street Journal hay Laura Ingraham của Fox News.
“Ông ấy ngày càng thấy đơn độc, cô lập và tức giận. Một trong những thước đo mà ông ấy thường dùng là ‘ai ở ngoài đó nói những điều tốt đẹp về tôi hoặc chiến đấu vì tôi?’ Và ông ấy dường như chưa bao giờ thấy có đủ người tích cực làm điều đó”, quan chức này nói và thêm rằng trong những ngày cuối nhiệm kỳ, thực tế đó càng “xát muối vào vết thương lòng” của Trump.
Hai công cụ ngăn Trump quay lại Nhà Trắng
Giới học giả cho rằng xem xét bãi nhiệm hoặc Tu chính án thứ 14 có thể truất quyền tái tranh cử của Trump nhưng còn nhiều điều chưa rõ ràng.
Hạ viện Mỹ ngày 13/1 thông qua điều khoản bãi nhiệm Tổng thống Donald Trump với cáo buộc "kích động bạo loạn", khiến ông trở thành tổng thống duy nhất trong lịch sử Mỹ bị xem xét bãi nhiệm hai lần.
Hạ viện Mỹ sẽ chuyển điều khoản tới Thượng viện để tổ chức phiên tòa xem xét cáo buộc. Tuy nhiên, phiên tòa của Thượng viện nhiều khả năng chỉ được mở khi Trump đã trở thành cựu tổng thống, nên ít khả năng động thái của Hạ viện dẫn đến việc Trump bị phế truất trước khi nhiệm kỳ 4 năm của ông kết thúc ngày 20/1.
Vì vậy, phe Dân chủ có thể cố gắng sử dụng quá trình luận tội để truất tư cách tranh cử sau này của Trump, nhằm ngăn ông quay trở lại bộ máy chính quyền.
Tổng thống Trump tại Nhà Trắng tháng 6/2020. Ảnh: AFP .
Hiến pháp Mỹ nói rằng có hai cách để trừng phạt một quan chức bị luận tội: phế truất hoặc "truất quyền nắm giữ và thụ hưởng bất kỳ chức vụ danh dự, tín nhiệm hoặc lợi ích nào tại nước Mỹ". Trump sẽ bị kết tội và phế truất nếu điều khoản luận tội nhận được ủng hộ của ít nhất 2/3 thượng nghị sĩ trong phiên tòa tại Thượng viện.
Tuy nhiên, Hiến pháp Mỹ không quy định rõ liệu việc truất quyền Trump tái tranh cử có cần tới 2/3 phiếu đồng thuận hay không. Thượng viện từng truất quyền giữ chức vụ trong tương lai của tổng cộng ba người, tất cả đều là thẩm phán liên bang, với số phiếu chỉ cần quá bán.
Dù vậy, việc bỏ phiếu về tương lai chính trị chỉ xảy ra sau khi Thượng viện đã kết tội, tức là kịch bản này vẫn cần vượt qua "cửa ải" 2/3 phiếu đồng thuận. Tất cả ba thẩm phán nói trên đều bị kết tội trước khi bị truất quyền.
Khả năng cao Thượng viện sẽ không kết tội Trump, từ đó không dẫn đến quá trình bỏ phiếu định đoạt tương lai chính trị của ông. Cần tới 67 thượng nghị sĩ tán thành việc kết tội, có nghĩa là nếu tất cả thượng nghị sĩ Dân chủ đồng tình, vẫn cần thêm 17 trong số 50 phiếu thượng nghị sĩ Cộng hòa.
Có nhiều tranh cãi về phạm vi áp dụng quy định truất quyền , Brian Kalt, giáo sư luật tại Đại học Bang Michigan, nói. Phân tích các tài liệu lịch sử, một số chuyên gia luật cho rằng quy định truất quyền trong tương lai không thể được áp dụng với chức vụ tổng thống, trong khi những người khác có quan điểm ngược lại.
Các học giả cho rằng đây là lĩnh vực chưa được khám phá và không có câu trả lời rõ ràng. Paul Campos, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Colorado, tin rằng cuộc bỏ phiếu để truất quyền Trump vẫn có thể được tổ chức ngay cả khi không có đủ số phiếu để kết tội. Tòa án Tối cao Mỹ đã nói rõ rằng Thượng viện có nhiều sự tự do việc quyết định cách tiến hành phiên tòa.
Tuy nhiên, Kalt cho rằng việc truất quyền chỉ có thể diễn ra sau khi bị kết tội. Nếu không làm vậy, điều đó sẽ giống như trừng phạt tổng thống vì hành vi phạm tội mà ông không phạm phải, Kalt nói.
Khoản 3 của Tu chính án thứ 14 cung cấp một con đường khác để truất quyền tái tranh cử của Trump. Nó quy định rằng không ai được giữ chức vụ nếu họ tham gia vào "cuộc bạo loạn hoặc nổi loạn" chống lại Mỹ. Nó được ban hành sau Nội chiến để ngăn quân miền Nam nắm giữ các chức vụ trong chính quyền.
Theo tiền lệ, chỉ cần quá bán thành viên của cả lưỡng viện chấp nhận để đưa ra hình phạt này. Quốc hội sau đó cũng có thể đảo ngược quyết định, nhưng chỉ khi 2/3 thành viên của lưỡng viện ủng hộ.
Năm 1919, quốc hội đã sử dụng Tu chính án thứ 14 để chặn Victor Berger đảm nhận ghế trong Hạ viện, vì ông này đã tích cực phản đối sự can thiệp của Mỹ vào Thế chiến I.
Khoản 3 của Tu chính án thứ 14 không giải thích nó được kích hoạt như thế nào. Trong khi đó, Khoản 5 nói rằng quốc hội có quyền thực thi quy định thông qua "luật thích hợp." Một số học giả giải thích điều này có nghĩa là đa số thành viên ở lưỡng viện quốc hội có thể ban hành luật để áp lệnh cấm tranh cử với Trump.
"Việc làm thế nào để kích hoạt điều khoản của Tu chính án thứ 14 rất không rõ ràng", Kalt cho biết. "Tôi nghĩ rằng nó đòi hỏi kết hợp giữa lập pháp và kiện tụng".
Kalt cho rằng nếu bị truất quyền tái tranh cử, Trump có thể thách thức quyết định đó tại tòa.
Năm 1993, khi Thượng viện luận tội một thẩm phán, Tòa án Tối cao Mỹ nói rằng việc đánh giá Thượng viện xét xử có hợp lý hay không là một câu hỏi chính trị và vấn đề này không thể bị mang ra tòa phân xử.
Tuy nhiên, nếu Trump bị truất quyền, Tòa án Tối cao hiện tại có thể phải làm rõ liệu động thái đó có hợp pháp hay không. Trump đã bổ nhiệm ba trong số 9 thành viên Tòa án Tối cao, gồm: Thẩm phán Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và gần đây nhất là Amy Coney Barrett.
"Nếu bạn định nói rằng ai đó không thể tranh cử, bạn muốn quá trình kiện cáo và giải quyết mau diễn ra để tránh đêm dài lắm mộng", Kalt nói.
Giuliani có thể giúp Trump đối phó xem xét bãi nhiệm Trump có khả năng tiếp tục trông cậy vào luật sư Giuliani bảo vệ mình khi Hạ viện tiến hành xem xét bãi nhiệm ông do cuộc bạo loạn hôm 6/1. Một cố vấn bên ngoài Nhà Trắng hôm 10/1 tiết lộ luật sư Rudy Giuliani dự kiến đóng vai trò hàng đầu trong việc đối phó với bất cứ nỗ lực xem...