Trump : “Nếu Mỹ bị tấn công, Nhật Bản ngồi nhà xem trên TV”
Tổng thống Mỹ một lần nữa nhắc lại vấn đề liên minh quân sự không công bằng, khi đưa ra giả định nếu Mỹ bị tấn công thì “người Nhật chẳng cần phải giúp mà hãy ngồi nhà xem TV Sony”.
Ông Trump sắp sang Nhật dự hội nghị G20.
Theo CNN, ông Trump tiếp tục chỉ trích Nhật Bản trong cuộc trả lời phỏng vấn trên Fox Business Network, trước hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật vào ngày 28-29.6. Ông Trump dự kiến sẽ gặp nhiều nhà lãnh đạo trong sự kiện này, bao gồm Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
“Hãy để tôi bắt đầu với một tuyên bố chung – hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới này đều tìm cách kiếm lợi thế”, ông Trump nói, nhắc trực tiếp đến Nhật Bản.
“Nếu Nhật Bản bị tấn công, chúng ta sẽ có Thế chiến 3… với tính mạng và vũ khí của chúng ta”, ông Trump nói. “Nếu chúng ta bị tấn công, họ còn chẳng cần phải giúp”. “Họ có thể ngồi nhà và xem qua TV Sony”, ông Trump nói.
Video đang HOT
Trước đó, tờ Bloomberg của Mỹ nói ông Trump đã nhắc đến chuyện rút khỏi thỏa thuận quốc phòng với Nhật Bản, vì cho rằng thỏa thuận này chỉ mang ý nghĩa một chiều.
Mỹ duy trì quan hệ quân sự và ngoại giao gần gũi với Nhật Bản trong hơn 70 năm qua. Hai quốc gia ký Hiệp ước San Francisco vào năm 1951. Thỏa thuận một lần nữa được nhắc đến năm 1960 như “Hiệp ước hợp tác và an ninh chung Mỹ-Nhật”.
Mỹ được phép duy trì căn cứ quân sự ở Nhật và có trách nhiệm bảo vệ nếu Nhật Bản bị tấn công. Tuy nhiên, ông Trump đã nhiều lần yêu cầu các đồng minh Đông Á chi thêm tiền, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi khu vực. Ông Trump cũng hối thúc Nhật Bản mua thêm nhiều vũ khí Mỹ để bảo vệ mình khỏi mối đe dọa từ Triều Tiên.
Không chỉ Nhật Bản, ông Trump cũng bày tỏ sự thất vọng với đồng minh NATO. Ông Trump nói các nước thành viên NATO còn không đóng góp đủ ngân sách quốc phòng, tương đương 2% GDP. Chỉ có 7 thành viên NATO đáp ứng được con số này.
Ông Trump còn làm tình hình trầm trọng hơn khi chỉ trích những bất đồng trong thương mại giữa Mỹ và NATO, theo CNN.
Theo Danviet
Nhật Bản tăng cường an ninh đảm bảo cho Hội nghị Thượng đỉnh G20
Cảnh sát Nhật Bản đang áp dụng các biện pháp an ninh nghiêm ngặt nhất cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ khai mạc tại Osaka vào 27/6 tới.
Hội nghị thượng đỉnh lần này sẽ có lãnh đạo của 37 nước và các tổ chức quốc tế tham dự. Tổng cộng có 30.000 người, trong đó có các nhà báo sẽ tụ hội về Osaka, phía Tây Nhật Bản trong thời gian diễn ra hội nghị.
Nhật Bản tính toán mọi phương án đảm bảo an ninh cho Hội nghị G20. Ảnh: Japan Times.
Có tới 32.000 cảnh sát sẽ được huy động để bảo vệ cho địa điểm hội nghị, khách sạn, sân bay và các địa điểm khác. Con số này lớn hơn nhiều so với 23.000 cảnh sát được huy động tại hội nghị thượng đỉnh G7 Ise-Shima ở miền Trung Nhật Bản 3 năm trước đây.
Việc kiểm tra các xe cộ đã bắt đầu được tiến hành ở xung quanh nơi tổ chức hội nghị. Cảnh sát địa phương đã được bố trí tại các khu vực quan trọng nhằm ứng phó đối với những tình huống xấu có khả năng xảy ra.
Tại Tokyo, cảnh sát cũng tăng cường an ninh tại các địa điểm quan trọng, trong đó có cả Đại sứ quán Mỹ cũng như các nhà ga lớn và các địa điểm khác trong thủ đô.
Các công ty đường sắt ở Nhật đã cho đóng cửa các tủ đựng hành lý hoạt động bằng tiền xu tại các nhà ga trong và xung quanh Tokyo.
Cũng trong ngày 24/6, chính phủ Nhật Bản cũng chính thức ra lệnh cấm sử dụng các vật thể bay xung quanh khu vực Hội trường Triển lãm Quốc tế Osaka, nơi diễn ra Hội nghị G20. Đồng thời, chính quyền địa phương Osaka tăng cường cảnh giới nghiêm ngặt, nỗ lực ngăn chặn không để xảy ra khủng bố.
Công việc chuẩn bị cho Hội nghị cũng đã hoàn tất. Tất cả các khách sạn đều đã sẵn sàng đón tiếp lãnh đạo các nước, bố trí nhân viên hỗ trợ từ việc di chuyển đến thủ tục xuất nhập cảnh nếu cần thiết. Các tình nguyện viên phiên dịch, hệ thống xe bus hỗ trợ các phóng viên trong và ngoài nước cũng đã được bố trí tại khu vực khách sạn, hội trường...để tiếp ứng khi cần thiết./.
Theo Bùi Hùng/VOV-Tokyo
'Con dao hai lưỡi' của Trung Quốc trong cuộc thương chiến với Mỹ Có nhiều quốc gia vốn cảnh giác với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, và họ sẽ cảm thấy rõ những mối đe dọa từ lập trường mới của nước này. Theo SCMP, Bắc Kinh vốn không thích lập trường cứng rắn với nước này của Tổng thống Donald Trump kể từ khi ông lãnh đạo Nhà Trắng hai năm về trước....