Trump lên tiếng, chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục phục hồi vào hôm qua, sau khi phát biểu của Tổng thống Donald Trump một lần nữa đã làm dấy lên hy vọng rằng tranh chấp thương mại với Trung Quốc có thể được giải quyết trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Nasdaq ngược chiều xu hướng chung để kết thúc thấp hơn, do sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu sản xuất chip, dẫn đầu bởi Nvidia Corp., làm giảm niềm tin vào lĩnh vực công nghệ.
Ông Trump giúp đẩy thị trường
Hôm qua, ông Trump đã bày tỏ sự lạc quan về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, khi nói với các phóng viên rằng có thể không cần thiết phải bổ sung thuế mới hoặc tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, và ông không muốn “đặt Trung Quốc vào vị thế xấu”. Ông cũng cho biết ông khá lạc quan về việc giải quyết xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sau khi nhận được văn bản trả lời các yêu cầu của ông từ Bắc Kinh.
Ông cũng đánh giá văn bản trả lời của Trung Quốc là khá hoàn chỉnh nhưng vẫn còn thiếu 4 hoặc 5 vấn đề lớn, qua đó ám chỉ các cuộc thảo luận khó khăn giữa hai bên vẫn cần phải diễn ra. Ông nói: “Họ đã gửi một danh sách những gì họ sẵn sàng làm và đó là một danh sách lớn, nhưng chỉ là chúng vẫn chưa thỏa mãn các yêu cầu của tôi. Thế nhưng, ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ là chúng tôi đang có những diễn tiến cực kỳ tốt với Trung Quốc”.
Chỉ số Dow đã nhanh chóng tăng tới 221 điểm sau tin này, nhưng sau đó đà tăng bị xóa bớt sau khi báo cáo từ các quan chức Nhà Trắng đi ngược lại những bình luận của Trump, khi nhận định rằng tổng thống chỉ đang tỏ ra lạc quan về các cuộc đàm phán, do đó các nhà đầu tư không nên quá kỳ vọng rằng một thỏa thuận sẽ sớm xảy ra. Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Buenos Aires vào cuối tháng này.
Sự không chắc chắn xung quanh các hàng rào thuế quan đã trở thành tâm điểm trong tuần này, và những câu chuyện đồn đoán xung quanh tiến trình của các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục ảnh hưởng mạnh đến các chỉ số chính.
Trong khi đó, các nhà đầu tư tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tại nước Anh, với Thủ tướng Theresa May cam kết lộ trình Anh rút khỏi Liên minh châu Âu sẽ có trật tự và theo đúng kế hoạch, mặc dù một số người lãnh đạo cấp cao trong chính phủ phụ trách Brexit đã từ chức gần đây, và ngày càng có những nghi ngờ về khả năng tiếp tục duy trì vị thế lãnh đạo của bà May trong giai đoạn tới.
Mặc dù những sự kiện này đang xảy ra tại nơi cách phố Wall đến 3.460 dặm, nhưng thế tiến thoái lưỡng nan hiện nay của Anh và những rủi ro chính trị nước này đang trực tiếp tác động đến tâm lý nhà đầu tư Mỹ/ Trong trường hợp Anh phải rời khỏi EU mà không có được một thỏa thuận thương mại khác thay thế, điều này sẽ tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính toàn cầu và châm ngòi sợ hãi ở các nhà đầu tư trên các thị trường.
Vẫn còn đó nỗi lo cổ phiếu công nghệ
Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 123,95 điểm, tương đương 0,5%, lên 25.413,22 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 6,07 điểm, tương đương 0,2%, đóng cửa tại 2.736,27 điểm. Ngược lại, chỉ số Nasdaq rớt 11,16 điểm, tương đương 0,2% và kết phiên tại 7.247,87 điểm.
Tính chung cả tuần, chỉ số Dow giảm 2,2%, chỉ số S&P 500 rớt 1,6% và chỉ số Nasdaq mất 2,2%.
Video đang HOT
Về lĩnh vực công nghệ, cổ phiếu Nvidia đã giảm mạnh sau khi cuối ngày thứ 5 công bố báo cáo kết quả quý 3 đáng thất vọng, đóng góp thêm vào chuỗi tin tức tiêu cực trong tuần này. Các cổ phiếu bán dẫn khác cũng chịu sức ép.
Cụ thể, cổ phiếu Nvidia hôm qua giảm đến 19%. Trong 3 tháng qua, cổ phiếu này đã giảm 22%, trong khi chỉ số PHLX Semiconductor Index theo dõi nhóm cổ phiếu bán dẫn cũng giảm 1,2%. Đợt bán tháo cổ phiếu Nvidia vào hôm qua được bắt nguồn từ kết quả quý 3 cho thấy doanh thu không như dự báo và những hướng dẫn về kết quả sắp tới cũng thấp hơn kỳ vọng.
Cổ phiếu Nvidia gây thất vọng thị trường
Michael Arone, chiến lược gia đầu tư của hãng tư vấn State Street Global bình luận: “Thông thường mùa lễ sắp tới là thời điểm tuyệt vời cho thị trường, thu nhập trở nên mạnh mẽ, và chúng ta vẫn có thể thấy ảnh hưởng kéo dài của việc cắt giảm thuế trong vài quý tới”.
Arone nói thêm: “Sự biến động mạnh mẽ vừa qua là một minh chứng cho thấy các nhà đầu tư đã lo ngại như thế nào đến việc tăng trưởng chậm lại của nhóm cổ phiếu công nghệ, vốn đã dẫn dắt thị trường trong suốt thời gian dài, cũng như các yếu tố như quan hệ thương mại Hoa Kỳ – Trung Quốc, lãi suất tăng cao ảnh hưởng đến các nền kinh tế toàn cầu và các công ty đa quốc gia của Mỹ trước sự mạnh lên của đồng USD”.
Joel Kulina, chuyên tai phân tích tại Wedbush Securities, đã viết trong một lưu ý cho khách hàng: “Niềm tin dành cho lĩnh vực công nghệ vẫn rất mong manh, và đúng như vậy, nhóm cổ phiếu này đã tác động rất lớn đến xu hướng giảm trên các thị trường gần đây. Và ngày càng trở nên rõ ràng rằng nhiều công ty đang gặp phải sự suy giảm trong kết quả kinh doanh”.
Về dữ liệu kinh tế Mỹ, sản lượng công nghiệp tháng 10 tăng 0,1% so tháng trước, thấp hơn mức dự báo là 0,2%. Hiệu suất sử dụng giảm từ 78,5% xuống 78,4%, cao hơn kỳ vọng là 78,2%. Chỉ số sản xuất do ngân hàng dự trữ tại Kansas công bố tăng lên 15 điểm trong tháng 11, cao hơn so với mức 8 trong tháng 10 và mức 13 trong tháng 9.
ĐỒNG AN
Theo Trí Thức Trẻ
Theo thegioitiepthi.vn
Bất chấp căng thẳng thương mại, nhà đầu tư vẫn lạc quan với cổ phiếu
Thị trường chứng khoán Mỹ đã kết thúc gần như không thay đổi vào hôm qua, dù mức tăng nhẹ nhưng đủ để giúp chỉ số S&P 500 có phiên thứ 5 đi lên liên tiếp, với cả 3 chỉ số chính đều tăng vững chắc trong tuần này.
Nhà đầu tư "tảng lờ" các vấn đề thương mại?
Các chỉ số dao động giữa vùng tích cực và tiêu cực trong suốt phiên giao dịch. Sau thông tin Tổng thống Donald Trump vẫn muốn sớm áp đặt mức thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà giao dịch sẽ tiếp tục thận trọng trước những vấn đề thương mại vẫn treo lơ lửng trên các thị trường tài chính. Trong khi cổ phiếu ban đầu được bán ra dựa trên các tin tức, thì sau đó đã phục hồi để tiếp tục duy trì xu hướng đi lên gần đây.
Các báo cáo hôm qua cho biết tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ thị cho các trợ lý tiến hành hàng rào thuế quan lên hàng hóa trị giá 200 tỷ đô la của Trung Quốc.
Cổ phiếu giảm xuống rồi phục hồi dần sau khi có thông tin Trump muốn tiếp tục đánh thuế Trung Quốc/ Nguồn: Bloomberg
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh hàng tỷ đô la thuế quan đã được áp dụng thời gian qua, cũng như một vài ngày sau khi Nhà Trắng mời các quan chức Trung Quốc trở lại bàn đàm phán để cố gắng giải quyết các xung đột thương mại. Cuộc họp dự kiến có thể diễn ra vào cuối tháng này.
Richard Weeks, đối tác quản lý của VWG Wealth Management, có tài sản trị giá khoảng 1,4 tỷ USD cho biết: "Chiến tranh thương mại chắc chắn là một mối quan tâm, nhưng cũng chỉ có những tác động trong một số thời điểm nhất định. Cho đến nay chúng tôi đã xem xét các sự kiện diễn ra và chưa cho thấy quá tiêu cực, nhưng về lâu dài một cuộc chiến thương mại có thể ngày càng trở nên rất nguy hiểm nếu không sớm được ngăn chặn".
Mặc dù vậy, Weeks cũng cho biết ông vẫn lạc quan một cách thận trọng về cổ phiếu. Ông chia sẻ: "Giữa các yếu tố lợi nhuận doanh nghiệp cao, các quyết định mua lại cổ phiếu và lãi suất yên ắng, vẫn có một giá mua cơ bản phù hợp cho thị trường. Vẫn còn rất nhiều điều cần quan tâm, nhưng không có đủ lý do để quá bi quan".
Ông nói thêm: "Tôi không ném tiền vào cổ phiếu một cách ồ ạt thiếu suy nghĩ, tuy nhiên trường hợp cơ bản mà chúng tôi thấy là dù lợi nhuận trong tương lai có thể không lớn, nhưng lợi suất mà cổ phiếu mang lại vẫn tốt hơn trái phiếu".
Dữ liệu kinh tế vẫn mạnh
Trong khi các nhà đầu tư phần lớn tạm tảng lờ các vấn đề thương mại hiện tại, thay vào đó tập trung vào lợi nhuận doanh nghiệp và dữ liệu kinh tế mạnh mẽ, thì vẫn còn lo ngại rằng các xung đột có thể leo thang và có tác động ngày càng rõ rệt hơn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Doanh số bán lẻ trong tháng 8 của Mỹ đã rớt xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua, khi chỉ tăng 0,1% theo dữ liệu công bố vào hôm qua. Con số này thấp hơn mức tăng 0,3% theo dự báo của các chuyên gia. Đáng lưu ý là chỉ nhờ sự gia tăng mua hàng tại các trạm xăng mới giúp ngăn chặn chi số ghi nhận mức tăng trưởng âm trong tháng 8.
Trong khi đó, chỉ số giá nhập khẩu tháng 8 giảm 0,6%, đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp đi xuống và cũng ghi nhận mức giảm mạnh nhất trong 2 năm rưỡi qua đối với giá vốn hàng hóa nhập khẩu vào trong nước, phần lớn là do giá dầu thấp hơn. Một báo cáo khác của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy sản lượng công nghiệp trong tháng 8 tăng 0,4%, đánh dấu tháng thứ 3 đi lên liên tiếp.
Ngoài ra, niềm tin tiêu dùng trong nền kinh tế Mỹ và phúc lợi của người dân đã tăng lên vào cuối mùa hè và đang đứng gần mức cao nhất trong 14 năm qua.
Về phía FED, chủ tịch ngân hàng dự trữ tại Chicago là Charles Evans cho rằng các quan chức ngân hàng trung ương đã chia sẻ một dự báo chung về một nền kinh tế mở rộng với tốc độ vững chắc trong vài năm tới, với tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát tăng hơn 2%. Điều này hàm ý khả năng thắt chặt lãi suất sẽ tiếp tục đi theo lộ trình đặt ra, mà động thái tăng lãi suất trong cuộc họp tới là gần như sẽ xảy ra.
Thị trường đóng cửa tuần tích cực
Trước những thông tin trên, chỉ số công nghiệp Dow Jones vẫn tăng 8,68 điểm, lên 26.154,67 điểm, trong khi chỉ số S&P 500 tăng nhẹ 0,8 điểm để kết thúc tại 2.904,98 điểm. Cả hai chỉ số trên đều tăng ít hơn 0,1%. Ngược lại, chỉ số Nasdaq mất 3,67 điểm, xuống 8.010,04 điểm, tương đương mức sụt giảm 0,1%.
Đáng lưu ý với việc lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm chạm mốc 3% lần đầu tiên trở lại kể từ ngày 2/8/2018, đã giúp cổ phiếu ngành tài chính tăng mạnh mẽ và tác động tích cực đến chỉ số S&P. Cụ thể nhóm cổ phiếu tài chính tăng 0,7%, trong đó cổ phiếu Morgan Stanley tăng gần 1%, cổ phiếu Goldman Sachs và Bank of America lần lượt tiến 0.4% và 0.8%.
Ở mức hiện tại, chỉ số S&P thấp hơn 0,4% so với mức kỷ lục vào cuối tháng 8, trong khi cả Dow Jones và Nasdaq đều nằm trong khoảng cách 2% so với mức cao nhất mọi thời đại.
Tính trong tuần này, chỉ số Dow đã tăng 0,9%, đánh dấu tuần tăng thứ 4 trong 5 tuần gần đây. Những mức tăng này đã giúp đưa chỉ số lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 1 đến nay. Chi số S&P 500 tăng 1,2%, đánh dấu tuần tăng thứ 9 trong 11 tuần qua. Chỉ số Nasdaq tăng 1,4% trong tuần, ghi nhận tuần thứ 3 tăng tích cực trong 4 tuần gần đây.
Chỉ số đo lường nỗi sợ hãi (VIX) của nhà đầu tư đã giảm gần 19% trong tuần qua, đánh dấu mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 4.
Trong khi đó, cơn bão Florence đã đổ bộ vào bờ biển của Carolinas vào hôm qua. Theo ước tính của CoreLogic, gió và bão lốc đã gây thiệt hại tài sản từ 3 tỷ USD đến 5 tỷ USD. Tuy cơn bão chuyển động chậm đã suy yếu dần trở thành bão cấp 1, nhưng vẫn có dự báo về nước lũ sẽ dâng lên "thảm khốc".
ĐỒNG AN
Theo thegioitiepthi.vn
S&P 500 tăng điểm nhờ tuyên bố của ông Trump về thương mại Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ có thể sẽ không áp thêm thuế lên hàng hóa Trung Quốc. Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ - Ảnh: Reuters. Tuy nhiên,...