Trump hai lần ‘đả bại’ giới thăm dò dư luận Mỹ
Nếu các cuộc thăm dò trước bầu cử phản ánh đúng thực tế, Trump đã thua nhanh chóng, thay vì còn cạnh tranh gắt gao với Biden như hiện nay.
Trong khi nước Mỹ đang chờ đợi kết quả kiểm phiếu từ các bang chiến trường còn lại, bất kể ai cuối cùng giành chiến thắng, ngành thăm dò dư luận Mỹ rõ ràng đã lặp lại sai lầm 4 năm trước là đánh giá thấp sự ủng hộ dành cho Tổng thống Donald Trump. Việc này đặt ra câu hỏi liệu ngành này có thể sống sót sau thêm một cuộc khủng hoảng niềm tin nữa hay không.
Tổng thống Mỹ Trump tại cuộc mít tinh ở Florida ngày 2/11. Ảnh: AFP.
“Tôi muốn xem tất cả kết quả cuối cùng, tôi muốn xem những sai lệch giữa các cuộc thăm dò trước bầu cử và kết quả cuối cùng”, Christopher Borick, từ Đại học Muhlenberg ở Pennsylvania, nói. “Nhưng có rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta lại có những vấn đề lớn. Cần phải xem những vấn đề đó sâu đến mức nào”.
Ở một số bang, nơi các cuộc thăm dò trước bầu cử dự đoán Tổng thống Trump thua sít sao như Ohio, Iowa và Florida, ông trên thực tế lại là người chiến thắng với cách biệt đáng kể vào đêm 3/11. Và ở bang Biden được cho là thắng dễ như Nevada, cách biệt vẫn quá sít sao để ông được xác định là người chiến thắng.
Dựa trên các lá phiếu đã được kiểm đếm, điều rõ ràng là các cuộc thăm dò đã đánh giá quá cao mức độ ủng hộ của cử tri dành cho Biden, đặc biệt là trong nhóm cử tri da trắng và nam giới. Trong khi các cuộc thăm dò trước bầu cử nói rằng cử tri da trắng trên 65 tuổi đã từ bỏ Trump, điều đó không thực sự diễn ra.
Kết quả là Biden không đạt thành tích cao không chỉ ở các bang đa sắc tộc như Florida mà còn ở các khu vực ngoại ô, đông người da trắng như hạt Macomb ở bang Michigan, nơi ông được nhiều người kỳ vọng sẽ lấn át đối thủ.
Borick chỉ ra rằng trong khi các cuộc thăm dò ý kiến cấp bang đã sai lệch rất nhiều vào năm 2016, chúng vẫn ổn định trong bầu cử quốc hội giữa kỳ năm 2018. Điều này khiến ông kết luận rằng quan điểm của người Mỹ về Trump có thể đặc biệt khó đo lường.
“Rốt cục, giống như rất nhiều thứ liên quan đến Trump, có lẽ cần những cách thăm dò khác biệt mỗi khi tên ông ấy xuất hiện trên lá phiếu”, Borick nói. “Cả hai cuộc bầu cử có Trump đều diễn biến theo cách khác thường so với những cuộc bầu cử khác”.
Việc so sánh thăm dò hậu bầu cử với trước bầu cử có thể cung cấp một vài manh mối về những gì các cuộc thăm dò trước bầu cử đã bỏ lỡ.
Điểm nổi bật nhất là sự ủng hộ dành cho Trump từ cử tri da trắng có trình độ đại học, đặc biệt là nam giới. Theo các cuộc thăm dò hậu bầu cử, hai ứng viên nhận được sự ủng hộ đồng đều từ nhóm cử tri này, trong khi gần như tất cả thăm dò quy mô quốc gia và tại bang chiến trường đều cho thấy Biden chiếm ưu thế. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người có học vấn cao có thể ngần ngại công khai ủng hộ Trump vì áp lực xã hội.
Về nhóm da trắng không có trình độ đại học, trong nhiều cuộc thăm dò qua điện thoại trước bầu cử, Trump chủ yếu nhận được sự ủng hộ từ cử tri tuổi ngũ tuần. Tuy nhiên, thăm dò hậu bầu cử cho thấy cử tri tuổi lục tuần mới là nhóm ủng hộ mạnh mẽ nhất, giống năm 2016.
Vai trò của đại cử tri trong bầu cử Mỹ. Video: Next.
Về Covid-19, điều đáng chú ý là so với hầu hết khảo sát trước bầu cử, thăm dò hậu bầu cử cho thấy một tỷ lệ cử tri nhỏ hơn tán đồng với các biện pháp thận trọng thay vì mở cửa xã hội nhanh chóng. Tính đến chiều 4/11, số cử tri cho rằng ngăn chặn Covid-19 quan trọng hơn chỉ cao hơn 9% so với những người muốn nhanh chóng xây dựng lại nền kinh tế, theo khảo sát hậu bầu cử. Trong thăm dò trước bầu cử, khoảng cách này thường ở mức hai con số và phần lớn cử tri trên toàn quốc nói rằng họ thích thận trọng và kiềm chế dịch.
Có vẻ như virus cũng không phải là yếu tố thúc đẩy cử tri chọn lựa ứng viên như nhiều cuộc thăm dò từng truyền tải. Bầu cử năm nay có hai nguồn dữ liệu để truyền thông cân nhắc. Bộ dữ liệu truyền thống là thăm dò hậu bầu cử của Edison Research được tiến hành thay mặt cho một nhóm hãng tin, được thực hiện qua điện thoại với những cử tri đã bỏ phiếu sớm và phỏng vấn trực tiếp tại điểm bỏ phiếu. Trong khi đó, AP tiến hành cuộc khảo sát cử tri riêng được gọi là VoteCast, sử dụng dữ liệu từ các câu trả lời trực tuyến do NORC, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Đại học Chicago, tập hợp.
Bằng cách nhìn vào hai bộ dữ liệu, có thể thấy rằng có nhiều cử tri coi Covid-19 là vấn đề lớn trong cuộc sống của họ hơn những người nói rằng đó là vấn đề định đoạt lá phiếu của mình.
VoteCast cho thấy cứ 10 cử tri thì có ít nhất 4 người coi đại dịch là vấn đề nghiêm trọng nhất đất nước phải đối mặt trong danh sách gồm 9 lựa chọn. Nhưng trong thăm dò của Edison Research, khi được hỏi vấn đề nào có ảnh hưởng lớn nhất đến lá phiếu, số người trả lời là Covid-19 chưa bằng một nửa tỷ lệ nói trên. Kinh tế có tác động đến họ lớn hơn nhiều.
Không phải mọi nhà thăm dò đều đưa ra kết quả tệ. Ann Selzer, từ lâu được coi là một trong những nhà thăm dò hàng đầu tại Mỹ, đã công bố dữ liệu với Des Moines Register vài ngày trước Ngày bầu cử, cho thấy ông Trump dẫn trước 7 điểm ở Iowa, gần giống kết quả thực tế.
Điều đặc biệt là Trafalgar Group, bên từng dự đoán đúng Trump đắc cử năm 2016, năm nay cũng có kết quả tương đối chính xác ở nhiều bang.
Công ty là một trong những nhà thăm dò hiếm hoi 4 năm trước ghi nhận sức mạnh của Trump ở vùng Trung Tây và Pennsylvania. Mặc dù các cuộc thăm dò năm nay của họ “thiên đỏ” hơn thực tế, chúng vẫn gần với cục diện ở các bang như Michigan, Wisconsin và Nevada hơn nhiều cuộc thăm dò ý kiến khác, vì họ không đánh giá thấp sức hút của Trump.
“Nhiều người rất nhiệt tình bỏ phiếu chống Trump”, Matt Towery, người từng dự đoán đúng Trump đắc cử năm 2016, nói. “Nhưng cũng có nhiều người sẵn sàng ‘băng qua than hồng’ để bỏ phiếu cho ông”.
Christopher Wlezien, từ Đại học Texas ở Austin, đưa ra một số lý do các cuộc thăm dò không phản ánh đúng thực tế. “Có thể là cử tri quyết định vào phút chót đã chọn Trump, giống năm 2016″, ông nói. “Cũng có thể là số người ủng hộ đảng Cộng hòa đi bỏ phiếu tăng đột biến”.
“Một số người ủng hộ đảng Dân chủ có thể cảm thấy Biden sẽ thắng chắc nên đã không bỏ phiếu”, ông nói. “Khả năng này không cao nhưng có thể xảy ra”.
Tình hình 11 bang chiến địa quyết định cục diện bầu cử Mỹ năm 2020
Chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 nhiều khả năng sẽ được định đoạt tại 11 bang chiến địa này.
Cuộc đua của ông Trump sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả tại bang Florida. Ảnh: EPA
Người chiến thắng sau cuộc bỏ phiếu ngày 3/11 cần phải có được tối thiểu 270 trên tổng số 538 phiếu đại cử tri. Nhưng lá phiếu quyết định nhiều khả năng đến từ 11 bang chiến địa, nơi hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden bám đuổi sát nhau. Đó là các bang: Arizona, Florida, Georgia, Iowa, Michigan, Nevada, Bắc Carolina, Pennsylvania, Ohio, Texas và Wisconsin. Dưới đây là thông tin đáng chú ý về những bang này:
1. Florida: Có 29 phiếu đại cử tri. Trong tổng số hơn 50 triệu cử tri đi bầu cử Tổng thống tại bang này từ năm 1992 đến 2016, chênh lệch phiếu bầu cho ứng cử viên hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong tổng số 7 cuộc bầu cử vừa qua chỉ là dưới 18.000 phiếu.
Chiến dịch tranh cử của cả hai đảng đều đặt ưu tiên vào Florida, tuy mức độ phụ thuộc vào bang này với ông Trump là nhiều hơn. Dựa trên công cụ "Con đường tới Chiến thắng" (Path to Victory Tool) của báo Wall Street Journal, cựu Phó Tổng thống Mỹ trong trường hợp thất bại ở Florida vẫn còn 93 khả năng khác để hội đủ 270 phiếu đại cử tri. Trong khi con số đó với đương kim tổng thống Mỹ chỉ là 6 khả năng.
Đa phần các địa điểm bỏ phiếu sẽ đóng cửa vào lúc 7 giờ tối (giờ miền Đông) ngày 3/11, riêng một phần quận Panhandle sẽ đóng cửa sau đó một tiếng. Kết quả phiếu bầu trực tiếp sớm và bầu qua thư dự kiến sẽ được công bố trước, do nhân viên bầu cử được phép xử lý trước số phiếu này.
2. Georgia: 16 đại cử tri. Các hòm phiếu đóng cửa lúc 7 giờ tối. Tuy nhiên, nhân viên phụ trách bầu cử tại bang cho biết có thể mất vài ngày để soi chiếu và lập bảng kê đối với phiếu gửi qua đường bưu điện.
Kết quả thăm dò cho thấy, ông Trump và đối thủ Biden bám sát nhau về tỉ lệ ủng hộ tại Georgia. Cuộc đối đầu năm nay diễn ra sau nhiều cuộc bầu cử căng thẳng tại bang mà đảng Cộng hòa có truyền thống chiếm ưu thế.
3. Bắc Carolina: 15 phiếu đại cử tri. Trong 50 năm qua, bang này chỉ có hai lần ngả về đảng Dân chủ, đó là kì bầu cử năm 1976 dồn phiếu cho ông Jimmy Carter và năm 2008 ủng hộ ứng cử viên Barack Obama. Nhưng những thay đổi về cơ cấu nhân chủng học lại đang mang lại những hy vọng cho đảng Dân chủ, khi số cử tri không phải da trắng và có bằng đại học ở Bắc Carolina ngày một tăng.
Ông Biden sẽ phải cần đến tỉ lệ cử tri đi bầu cao để bù cho bất lợi đến từ khối cử tri nông thôn tại bang này, vốn vẫn ủng hộ mạnh mẽ đảng Cộng hòa. Nhân viên bầu cử sẽ bắt đầu kiểm đếm phiếu bỏ qua thư - theo quy định là phải đóng dấu muộn nhất là trong ngày bầu cử, chuyển đến địa điểm tiếp nhận không muộn hơn ngày 12/11, ngay khi nhận được.
4. Pennsylvania: 20 phiếu đại cử tri. Giới chức bầu cử tại bang này cho biết, có thể sẽ mất vài ngày để hoàn tất kiểm phiếu, do năm nay số lượng cử tri bầu qua thư tăng vọt. Nếu muốn giành chiến thắng, cựu Phó Tổng thống Mỹ sẽ phải thắng với cách biệt lớn tại Philadelphia và vùng ngoại ô, cùng với đó là ở Pittsburgh. Về phần mình, ông Trump dồn hy vọng có được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ các khu vực nông thôn trên khắp Pennsylvania.
5. Ohio: 18 phiếu đại cử tri. Kể từ sau năm 1896, mới chỉ có hai lần ứng cử viên chiến thắng ở Ohio mới không trở thành ông chủ Nhà Trắng. Năm 2016, ông Trump giành thắng lợi với tỉ lệ phiếu phổ thông vượt trội 8,1%, thắng 80 trên tổng số 88 hạt ở Ohio, trở thành ứng cử viên đảng Cộng hòa có chiến thắng cách biệt nhất trong ba thập kỉ.
Để chiến thăng tại Ohio, đảng Dân chủ từng nhận định họ cần có tỉ lệ cử tri đi bầu bùng nổ trong cộng đồng người da đen và cư dân thành thị tại ba quận Cleveland, Columbus và Cincinnati, đồng thời phải thu được kết quả tốt hơn so với màn trình diễn của bà Hillary Clinton trong cuộc đua năm 2016 tại khu vực nông thôn.
6. Michigan: 16 phiếu đại cử tri. Ông Trump từng chiến thắng tại bang này năm 2016 chỉ nhờ vào hơn 11.000 phổ thông, tương đương với mức chênh lệch 0,22%. Hai hạt sẽ giữ vai trò quyết định là Wayne và Macomb. Wayne có truyền thống theo phe Dân chủ, trong khi Macomb lại dồn phiếu cho ông Trump hồi năm 2016, với tỉ lệ vượt trội 11%.
7. Wisconsin: 10 đại cử tri. Đảng Dân chủ hy vọng tạo dựng được ưu thế ở hai thành phố lớn nhất tại Wisconsin là Milwaukee và Madison, cùng lúc tăng được tỉ lệ ủng hộ ở các vùng ngoại ô, cạnh tranh quyết liệt tại những khu vực bầu cử ở nông thôn nơi ông Trump có được sự hậu thuẫn lớn.
Ông Trump thắng tại Wisconsin năm 2016, chỉ với 23.000 phiếu bầu nhiều hơn so với đối thủ trong tổng số khoảng 3 triệu phiếu, đưa Wisconsin thành bang có tỉ lệ chiến thắng sít sao thứ ba.
Đương kim tổng thống Mỹ cũng là người đầu tiên của đảng Cộng hòa sau ông Ronald Regan chiến thắng ở Wisconsin kể từ năm 1984. Một lý do giải thích cho thắng lợi của ông Trump năm 2016 nằm ở việc lượng cử tri da màu sống tập trung ở Milwaukee đi bỏ phiếu sụt giảm mạnh, lên đến 18,9% so với kỳ bầu cử 2012.
Cuối tháng 10 vừa qua, Tòa án Tối cáo Mỹ ra phán quyết không chấp nhận cho chính quyền bang thay đổi một số quy định bầu cử liên quan đến đại dịch COVID-19. Các phiếu bầu vì thế chỉ có giá trị khi đến tay nhân viên bầu cử trong ngày 3/11.
8. Iowa: 6 đại cử tri. Iowa từng không được coi là bang chiến địa năm 2020 sau khi ông Trump chiến thắng tại đây với tỉ lệ phiếu phổ thông vượt trội 9,4% trước bà Hillary. Nhưng các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy, cuộc đua năm nay sẽ gay cấn và quyết liệt hơn.
9. Texas: 38 đại cử tri. Bang có biệt danh "Ngôi sao cô đơn" này từ lâu luôn là thành trì của đảng Cộng hòa và được dự báo sẽ tiếp tục ủng hộ ông Trump trong cuộc đua năm nay. Nhưng một số cuộc thăm dò cho thấy mức độ tranh chấp giữa ông với đối thủ Joe Biden sẽ quyết liệt hơn thường lệ, dù trước đó ông Trump thắng cách biệt, với tỉ lệ phiếu phổ thông hơn 9% trong năm 2016.
Khảo sát của RealClearPolitics cho thấy, ông Trump đang dẫn trước ông Biden với tỉ lệ không quá cách biệt, với tỉ lệ ủng hộ lần lượt với hai ứng cử viên là 48% và 45,7%.
10. Arizona: 11 phiếu đại cử tri. Đảng Dân chủ hy vọng Arizona sẽ tiếp bước Colorado, New Mexico và Nevada - ba bang gần đây có sự dịch chuyển trong đường hướng bầu cử, khi số cử tri tự do tăng lên, hoạt động của nhóm cử tri gốc Latinh cũng hoạt động mạnh hơn. Bùng nổ lượng cử tri đi bỏ phiếu tại Phoenix và có được sự ủng hộ của số cử tri dao động sống ở ngoại ô Phoenix sẽ là điểm then chốt trong nỗ lực của đảng Dân chủ trong cuộc đua giành phần thắng ở Arizona.
Ứng cử viên nào chiến thắng ở hạt Maricopa gần như chắc chắn sẽ thắng tại bang Arizona. Ảnh: AP
Đáng chú ý, người thắng ở hạt Maricopa gần như chắc chắn sẽ thắng chung cuộc, do đây là trung tâm, với số dân chiếm hơn một nửa tổng dân số toàn bang. Người gốc Latinh chiếm khoảng 1/3 tại hạt Maricopa, nơi có thủ phủ Phoenix.
11. Nevada: 6 phiếu đại cử tri. Bà Hillary từng chiến thắng sít sao trước ông Trump tại bang này năm 2016. Nhưng Nevada cũng có thể sẽ lại tạo ra khác biệt trong cuộc bầu cử căng thẳng năm nay. Thăm dò dư luận cho thấy, ông Biden đang dẫn trước ông Trump với biên độ tỉ lệ đa dạng, tùy từng hãng, tổ chức tiến hành khảo sát.
Trong các bang chiến địa, Nevada là bang có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất, lên đến 12,6%. Hạt Clark, nơi có thành phố Las Vegas, tập trung đến hơn 2/3 tổng số cử tri của toàn bang và vì thế sẽ giữ vai trò quyết định. Năm 2016, bà Hillary giành được 52,4% phiếu bầu, trong khi tỉ lệ này với ông Trump là 41,7%.
Trump muốn ngừng kiểm phiếu khi hết ngày bầu cử Trump xác nhận sẽ có biện pháp pháp lý để chấm dứt việc kiểm phiếu sau ngày 3/11, dù các bang thường mất nhiều ngày kiểm phiếu bầu qua thư. Trang tin Axios hôm 1/11 dẫn ba nguồn tin giấu tên "am hiểu các bình luận riêng của Tổng thống Mỹ Donald Trump" cho biết Trump đã nói với những người thân tín...