Trump ‘cố thủ’ trước khủng hoảng
Hai tuần sau cái chết của George Floyd, Trump vẫn chưa gặp cộng đồng người da màu hay tới Minneapolis, nơi khủng hoảng bùng phát.
Các tổng thống Mỹ thường tới thăm địa điểm khởi phát của cuộc khủng hoảng toàn quốc, nhằm lắng nghe những người dân chịu ảnh hưởng bởi sự việc khiến cả đất nước chú ý, đồng thời kêu gọi đoàn kết quốc gia.
Tuy nhiên, đối với Tổng thống Donald Trump, ông mới bày tỏ cảm thông từ đằng sau những cánh cổng được củng cố an ninh nghiêm ngặt của Nhà Trắng, và nhắc đến tên George Floyd, người đàn ông da màu bị cảnh sát ghì chết dẫn tới làn sóng phẫn nộ, tại một sự kiện tập trung vào vấn đề việc làm.
Giữa lúc người dân cả nước xuống đường phản đối nạn phân biệt chủng tộc và bạo lực của cảnh sát, Trump đi bộ tới chụp ảnh tại một nhà thờ, sau khi cảnh sát phun hơi cay dẹp đám đông biểu tình ôn hòa gần Nhà Trắng.
Ông còn tổ chức một cuộc thảo luận với đại diện của những cơ quan thực thi pháp luật quốc gia, một cảnh sát trưởng và hai lãnh đạo tư pháp thuộc đảng Cộng hòa, để lắng nghe ý kiến từ phía họ về vấn đề. Tuy nhiên, theo bình luận viên Maegan Vazquez của CNN, những nỗ lực giải quyết khủng hoảng kiểu “cố thủ trong pháo đài” của Trump chỉ khiến ông hứng thêm chỉ trích và gieo rắc sự chia rẽ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump chụp ảnh trước nhà thờ St. John gần Nhà Trắng hôm 1/6. Ảnh: Reuters.
Trong khi đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã tổ chức một loạt buổi gặp gỡ với những thành viên thuộc cộng đồng người Mỹ gốc Phi. Mặc dù vậy, những sự kiện đó tới nay vẫn chưa bao gồm gia đình của Floyd, các nhà tổ chức cuộc biểu tình “Mạng sống người da màu cũng quan trọng”, hay những nhà hoạt động vì dân quyền trong nước.
Thay vào đó, những cuộc gặp được sắp xếp cẩn thận của Pence chỉ giới hạn bên trong hoặc xung quanh thủ đô Washington, với khách mời là những người da màu theo phe bảo thủ, lãnh đạo tôn giáo và lãnh đạo các cộng đồng trong khu vực Washington.
Trong số các khách mời có Candace Owens, nhà hoạt động chính trị từng chỉ trích Floyd là “ví dụ cho một kẻ cả đời làm tội phạm bạo lực, cho đến tận giây phút cuối cùng”, nói thêm rằng anh “không phải người tốt” và không nên được coi là người chết vì chính nghĩa.
Tổng thống Trump cho biết ông từng trò chuyện với gia đình của Floyd qua điện thoại. Tuy nhiên, Philonise Floyd, anh trai của George Floyd, cho biết đây chỉ là cuộc đối thoại “qua loa” và một chiều.
“Ông ấy thậm chí không cho tôi cơ hội lên tiếng. Thật khó khăn. Tôi đã cố gắng nói chuyện với ông ấy, nhưng ông ấy như thể cứ đẩy tôi ra và không muốn lắng nghe những điều tôi nói”, Philonise Floyd kể lại.
Bình luận viên Vazquez cho rằng giải pháp muộn màng của Nhà Trắng nhằm kêu gọi đoàn kết quốc gia có thể được tiến hành trong tuần này, dưới dạng một bài phát biểu của Tổng thống. Một quan chức cấp cao giấu tên tiết lộ chính quyền đang nghiêm túc xem xét về một bài phát biểu liên quan tới đoàn kết toàn quốc và chủng tộc.
Trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 7/6, Bộ trưởng Phát triển Nhà và Đô thị Ben Carson, thành viên nội các duy nhất là người da màu trong chính quyền Trump, cũng nói rằng mọi người “sẽ được nghe một số chi tiết về vấn đề từ Tổng thống trong tuần này”.
Kể từ lúc nhậm chức đến nay, Trump rất ít khi tiếp xúc trực tiếp với những người bất đồng quan điểm với ông trong công chúng Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, lúc nào cũng có những người dân bất đồng với chính sách của chính quyền, và hiếm khi một tổng thống Mỹ thời hiện đại phải công khai đối mặt với họ. Mọi cuộc gặp, thảo luận bàn tròn và sự kiện đều được đội ngũ nhân viên Nhà Trắng chọn lọc khách mời kỹ càng và chuẩn bị cẩn thận.
Tuy nhiên, vẫn từng có những tổng thống Mỹ gặp gỡ các nhà hoạt động và lãnh đạo dân quyền, hoặc ít nhất là tới thăm các khu vực biểu tình rầm rộ, nơi bắt nguồn căng thẳng chủng tộc.
Tổng thống John Kennedy từng gặp những lãnh đạo dân quyền vào ngày nhà hoạt động Martin Luther King đưa ra bài phát biểu “Tôi có một giấc mơ” nổi tiếng. Cố tổng thống George H.W. Bush bị chỉ trích vì đợi 5 ngày mới tới thăm Los Angeles hồi năm 1992, sau vụ bạo loạn bắt nguồn từ việc những cảnh sát đánh đập tàn bạo Rodney King, một người da màu, được tha bổng.
Trump cũng từng tới thăm những cộng đồng bị tổn hại bởi thảm kịch quốc gia, nhưng một số chuyến đi lại gặp phải sự chỉ trích và chia rẽ, như chuyến thăm Dayton, bang Ohio và El Paso, bang Texas hồi tháng 8/2019 sau hai vụ xả súng tại các thành phố này.
Nhiều chính trị gia tại hai thành phố không hoan nghênh Tổng thống, trong khi một số nạn nhân vụ xả súng tại El Paso nói rằng họ không muốn gặp ông.
Còn tại Dayton, khi Trump tới thăm, những người biểu tình tập trung bên ngoài bệnh viện và trung tâm thành phố. Họ giương cao các biểu ngữ và hô vang các khẩu hiệu với nội dung “hãy làm gì đi”, “thù ghét không được chào đón ở đây”, “hãy ngừng khủng bố”.
Cảnh sát Mỹ nói đã cố cứu George Floyd
Luật sư của Thomas Lane, một trong 4 cảnh sát liên quan cái chết của George Floyd, cho hay thân chủ đã cố cứu nạn nhân khi anh này bất tỉnh.
"Anh ấy đã làm hơn thế", luật sư Earl Gray nói trong cuộc phỏng vấn hôm 8/6. "Anh ấy đã lên xe cứu thương và là người hồi sức tim phổi (CPR) cho Floyd. Anh ấy là một người nhân hậu, không phải một người bạo lực".
Lane là một trong hai cảnh sát được nhìn thấy hỗ trợ cựu sĩ quan Derek Chauvin ghì Floyd xuống mặt đất trong gần 9 phút. Một cảnh sát thứ tư đứng bên cạnh họ khi sự việc xảy ra.
Cựu cảnh sát Thomas Lane. Ảnh: AP
Theo luật sư Gray, khi Chauvin, sĩ quan huấn luyện của Lane, nhấn đầu gối lên gáy Floyd, Lane nhiều lần đã đề nghị lật người Floyd lại. Tuy nhiên, Chauvin không đồng ý và Gray cho hay do là tân binh, Lane không dám phản đối hành động của Chauvin. Khi đó, Lane mới vào lực lượng cảnh sát 4 ngày, còn Chauvin đã làm việc Sở Cảnh sát Minneapolis gần 19 năm.
"Anh ấy nghĩ mình đang làm những gì đúng đắn", luật sư Gray nói.
Chauvin đã bị truy tố tội giết người cấp độ hai. Lane cùng hai đồng nghiệp là J. Alexander Kueng và Tou Thao bị buộc tội hỗ trợ và tiếp tay giết người cấp độ hai. Họ đối mặt 40 năm tù.
Tuy nhiên, Gray cho rằng công chúng sẽ có quan điểm khác về Lane khi xem video từ camera gắn trên người cảnh sát về vụ bắt giữ.
"Nhất là nếu họ hiểu biết về quy trình của cảnh sát và cảnh sát sẽ làm thế nào khi tiến hành một vụ bắt giữ trọng tội", Gray nói. "Nhất là khi cá nhân mà họ đang bắt chịu ảnh hưởng của một loại ma túy nào đó, điều đó rất rõ ràng trong tình huống này".
George Floyd chết như thế nào. Video: NY Times
Gray cho biết ông đã xem video từ camera của thân chủ, cho thấy Floyd "kháng cự" lên xe cảnh sát. Đoạn video hiện không được công bố rộng rãi.
Trước đó, theo Maurice Lester Hall, bạn của nạn nhân, Floyd đã bị giật mình khi cảnh sát tiếp cận xe của họ và anh chỉ "cố gắng để xoa dịu tình hình" chứ không kháng cự việc bắt giữ.
Các video về những phút cuối của Floyd do người qua đường quay lại cho thấy anh không kháng cự. Một video quay cảnh Floyd bị áp giải lên vỉa hè trong khi bị còng tay, video khác cho thấy một sĩ quan dường như đang vật lộn với một người nào đó trong xe cảnh sát. Một nhân chứng cũng kể lại như trên.
Đám tang của George Floyd đã diễn ra hôm 9/6 tại nhà thờ Fountain of Praise, thành phố Houston, bang Texas, quê hương của anh. Anh được chôn cất tại nghĩa trang ở ngoại ô bên cạnh mẹ.
Sĩ quan đè gối lên cổ George Floyd ra toà Derek Chauvin, sĩ quan cảnh sát Minneapolis đã đè gối lên cổ của George Floyd trong gần 9 phút, ra toà lần đầu tiên hôm 8/6, đối mặt với cáo buộc giết người cấp độ 2. Theo CNN, 3 sĩ quan còn lại liên quan đến cái chết của George Floyd - bao gồm Thomas Lane, J. Alexander Kueng và Tou Thao -...