Trump ‘chạy nước rút’ giáng đòn lên Trung Quốc
Dù thất cử, Trump vẫn tiến hành chống Trung Quốc quyết liệt, khiến chính quyền Biden tương lai có thể bị hạn chế trong cách ứng phó với Bắc Kinh.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 3/12 bổ sung Tập đoàn Dầu khí Hải dương (CNOOC) và Tập đoàn sản xuất chất bán dẫn quốc tế (SMIC) của Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm những doanh nghiệp thuộc sở hữu hoặc bị quân đội Trung Quốc kiểm soát.
Chỉ trước đó một ngày, Cục Hải quan và Biên phòng Mỹ cho biết họ đã ra lệnh cấm nhập khẩu bông từ Binh đoàn Sản xuất và Xây dựng Tân Cương (XPCC), nơi bị cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức và có mối liên hệ với quân đội Trung Quốc. Hồi tháng 7, Bộ Tài chính Mỹ cũng cấm tất cả giao dịch bằng đồng USD với XPCC, công ty chiếm 30% sản lượng bông của Trung Quốc hồi năm 2015.
Cùng ngày, John Demers, giám đốc bộ phận An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, cho biết hơn 1.000 nhà nghiên cứu Trung Quốc đã rời Mỹ trong bối cảnh cơ quan này bắt đầu xử lý những vụ án hình sự về tội gián điệp công nghiệp và công nghệ. FBI gần đây đã tiến hành các cuộc thẩm vấn tại hơn 20 thành phố.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng hôm 4/11. Ảnh: AFP .
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 2/12 cũng cáo buộc các đảng viên Trung Quốc “thù địch với những giá trị Mỹ” và tham gia “các hoạt động bất chính”, đồng thời ban hành quy định có hiệu lực ngay lập tức về việc siết thị thực. Theo đó, thị thực được cấp cho đảng viên Trung Quốc và gia đình họ sẽ chỉ có giá trị một tháng, áp dụng cho một lần nhập cảnh. Trong khi đó, số liệu năm 2019 cho thấy Trung Quốc có tới 92 triệu đảng viên trên khắp cả nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết bà chưa nhận được thông tin về lệnh siết thị thực, nhưng vẫn kêu gọi Mỹ đảo ngược quyết định. “Trung Quốc đã giao thiệp nghiêm khắc với phía Mỹ. Chúng tôi hy vọng người dân tại Mỹ sẽ có quan điểm chung đúng đắn về Trung Quốc”, bà Hoa phát biểu trong cuộc họp báo hôm 3/12.
Video đang HOT
Câu hỏi được đặt ra hiện nay là căng thẳng Mỹ – Trung có thể trở nên tồi tệ đến mức độ nào trong 7 tuần cuối cùng của Trump tại Nhà Trắng, trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền.
Theo giới phân tích Trung Quốc, tất cả động thái dồn dập gần đây của chính quyền Trump là nỗ lực cuối cùng trong việc chia rẽ quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington, khiến Biden không còn nhiều lựa chọn và buộc phải tiếp nối chiến lược cứng rắn với Trung Quốc.
“Các biện pháp của Trump sẽ khiến Biden bị bao vây”, Shi Yinhong, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, đồng thời là cố vấn chính phủ, nhận định. “Tình hình leo thang không ngừng sẽ khiến xuất phát điểm của các cuộc đàm phán khó với tới hơn. Phía Washington khó có khả năng đưa tình hình trở về thời điểm trước khi hai bên tách xa nhau”.
Những “đòn đánh” liên tiếp của chính quyền Trump có thể được coi là “đòn bẩy” giúp tiếp tục thúc đẩy chiến lược đối đầu với Bắc Kinh, nhưng mặt khác, chúng cũng có khả năng khiến Biden bị “trói tay”, khó linh hoạt trong việc lựa chọn hướng giải quyết những vấn đề trong quan hệ hai nước.
“Chúng tôi không biết liệu Biden có nhất trí với những động thái đó hay không. Tuy nhiên, ngay cả khi Biden không muốn như thế, các quyết định cũng đã khiến những phương án của ông ấy bị hạn chế hơn”, Shi nhận định.
Biden tuần này cho biết ông sẽ tiến hành đánh giá toàn diện, với sự tham vấn các đồng minh của Mỹ, trước khi đưa ra những động thái quan trọng với Trung Quốc, bao gồm vấn đề có nên tái lập thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đạt được hồi tháng một hay không.
Các cố vấn chính phủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ tìm cách đưa hai bên ngồi lại vào bàn đàm phán, bởi thỏa thuận hiện nay dường như bất khả thi với họ. Tuy nhiên, giới quan sát Mỹ đánh giá triển vọng tái đàm phán trong tương lai gần là điều không tưởng, khi bất cứ động thái thay đổi đáng kể nào trong chiến lược đối phó Trung Quốc hiện nay cũng sẽ chứng thực cho tuyên bố của Trump, rằng Biden mềm mỏng với Bắc Kinh.
Yan Xuetong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, dự đoán căng thẳng Mỹ – Trung dưới thời Biden sẽ không suy giảm về quy mô và cường độ, mà chỉ dịch chuyển từ chiến tranh thương mại sang những xung đột về chính trị. “Biden sẽ có cách tiếp cận đa phương và áp lực lên Trung Quốc có lẽ gia tăng chứ không giảm đi”, Yan nhận định.
“Khó lường và bất trắc sẽ vẫn là tính chất chủ đạo trong những năm tới. Thế giới chắc chắn sẽ trở lên hỗn loạn hơn”, ông nói thêm.
Cựu quan chức CIA khuyên chính quyền Biden đàm phán với Triều Tiên
Cựu quan chức CIA Andrew Kim cho rằng việc chính quyền Biden đàm phán cấp chuyên viên với Triều Tiên là "khởi đầu tốt" cho phi hạt nhân hóa.
"Từ kinh nghiệm cá nhân làm việc với họ trong vài năm qua, tôi cho rằng nếu có ai đó trong chính quyền Biden đứng ra nói rằng chúng ta sẵn sàng ngồi lại với Triều Tiên ở cấp làm việc hoặc cấp chuyên gia như một điểm khởi đầu, đó chắc chắn sẽ gửi tín hiệu tích cực tới Triều Tiên", Kim, cựu giám đốc Trung tâm Sứ mệnh Hàn Quốc thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), ngày 1/12 nói trong một hội thảo về liên minh Mỹ - Hàn.
Ông cho rằng một đề nghị đàm phán cấp chuyên viên "sẽ là điểm khởi đầu tốt" để nối lại tiến trình phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị mở rộng của Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng hôm 15/11. Ảnh: Yonhap.
Triều Tiên đến nay vẫn im lặng về chiến thắng của Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Trước đó, Bình Nhưỡng thường đề cập đến vấn đề này hoặc ra thông báo chính thức chỉ vài ngày sau khi Mỹ có kết quả bầu cử.
"Tôi cho rằng Triều Tiên đang chờ đợi chính quyền Biden sẽ nói gì. Họ chỉ muốn đợi xem. Tôi chắc chắn họ đã có một vài kế hoạch khác nhưng họ đang chờ những bình luận từ nhà lãnh đạo chính quyền mới của Mỹ", Kim nói thêm.
Đánh giá về nỗ lực thúc đẩy tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 của Hàn Quốc, Kim cho rằng "có một vài nguy cơ" nếu Hàn Quốc "quá vội vã" làm điều này. Cuộc chiến này mới chỉ kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, không phải hiệp ước hòa bình, khiến hai miền Triều Tiên về mặt kỹ thuật vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
"Nó sẽ mở ra cơ hội cho Triều Tiên và Trung Quốc thách thức cơ sở cho sự hiện diện của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc", Kim cảnh báo. Ngoài ra, theo thời gian, Triều Tiên dường như cũng dần mất đi sự hào hứng đặt bút ký vào tuyên bố chấm dứt chiến tranh.
Các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn bị đình trệ kể từ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội năm 2019. Tổng thống đắc cử Biden từng tuyên bố sẽ gặp Kim Jong-un với điều kiện lãnh đạo Triều Tiên đồng ý giảm năng lực hạt nhân của nước này.
Hồi tháng 10, Triều Tiên đã tiến hành cuộc duyệt binh quy mô lớn có sự hiện diện của một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới cùng nhiều loại vũ khí khác. Lãnh đạo Kim Jong-un cam kết sẽ tăng cường "năng lực răn đe" quốc phòng của Triều Tiên.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo cho rằng Mỹ - Hàn cần tập trung hơn vào các loại vũ khí chiến lược mới của Triều Tiên. Hai nước cần đặc biệt lưu ý đến việc Triều Tiên phát triển thành công loại vũ khí có thể mang nhiều đầu đạn hạt nhân.
"Như những gì chúng ta chứng kiến trong quá khứ, Triều Tiên có thể khiêu khích bằng việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày Biden nhậm chức. Hành động này giúp Triều Tiên nắm thế thượng phong trước khi nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với chính quyền mới của Mỹ", Han Min-koo nhận định.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc cảnh báo các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ vẫn nên được duy trì để gây sức ép với Bình Nhưỡng.
Vị thế của Nga trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden Trung tâm Carnegie đăng bài phân tích này, được xuất bản như một phần của dự án "Đối thoại Nga - Mỹ: Thay đổi thế hệ". Năm 2011, Biden nói rằng ông không nhìn thấy hồn trong mắt Putin. Câu trả lời của ông Putin là: "Chúng ta hiểu nhau". Giờ Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Mỹ và Putin sẽ...