TRỰC TIẾP Máy bay Indonesia rơi xuống biển: Hành khách không ai sống sót
Một chiếc máy bay của hãng hàng không giá rẻ Lion Air, Indonesia vừa rơi khi đang trên hành trình từ Jakarta tới tỉnh Bangka Belitung.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã chia buồn với thân nhân những người thiệt mạng trong thảm kịch máy bay rơi.
Hình ảnh cận cảnh máy bay gặp nạn dưới đáy biển. (Ảnh: Sky News)
Sputnik dẫn lời của một phát ngôn viên Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia (BASARNAS) cho biết 6 cái xác đã được đưa từ khu vực máy bay rơi về tới cảng Tanjung Priuk.
Xác 6 nạn nhân đầu tiên được vớt và đưa về cảng. (Ảnh: EPA)
Một đại diện của Lion Air cho biết có một hành khách là công dân Italia và một phi công Ai cập trên máy bay gặp nạn.
Lực lượng chức năng Indonesia thông báo đã xác định được vị trí hai hộp đen của chiếc máy bay mang số hiệu JT610 thuộc hãng hàng không Lion Air rơi xuống biển ngoài khơi tỉnh Tây Java nước này.
Danh tính phi công và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay xấu số.
Cơ trưởng Bhavye Suneja là một trong hai phi công trên máy bay gặp nạn.
Theo TTXVN cập nhật, hãng hàng không Lion Air vừa công bố danh tính cơ trưởng, cơ phó và các thành viên đoàn bay.
Cơ trưởng là Bhavye Suneja, một công dân New Delhi. Theo thông tin trên tài khoản cá nhân Linkedin, ông Bhavye Suneja làm việc cho hãng hàng không Lion Air từ tháng 3/2011 và đã có kinh nghiệm bay 6.000 giờ. Ông cũng từng là phi công thực tập tại hãng hàng không Emirates từ tháng 9/2010 đến tháng 12/2010.
Trong khi đó, cơ phó Harvino có kinh nghiệm hơn 5.000 giờ bay. Các nhân viên còn lại trong phi hành đoàn được xác định là Shintia Melina, Citra Noivita Anggelia, Alviani Hidayatul Solikha, Damayanti Simarmata, Mery Yulianda, và Deny Maula.
Nhận định ban đầu về nguyên nhân của thảm kịch được tiết lộ.
Phát ngôn viên của Cơ quan tìm kiếm và cứu nạn quốc gia Indonesia cho biết bình chứa nhiên liệu của máy bay đã bị hỏng và phát nổ. Phía trên bình chứa có một lỗ rò. Tuy nhiên người phát ngôn chưa xác nhận đây có phải nguyên nhân gây ra thảm kịch hay không.
Giới chức Indonesia xác nhận không còn ai sống sót trong vụ máy bay Lion Air rơi.
Người phát ngôn của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu hộ Quốc gia Indonesia xác nhận không còn ai sống sót trong vụ máy bay Lion Air rơi ngoài khơi Indonesia, chở theo 189 hành khách sáng 29/10.
Theo người phát ngôn của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn tại thành phố Pangkal Pinang, xác nạn nhân đầu tiên đã được tìm thấy trên biển.
Đại diện hãng Lion Air lên tiếng.
Giám đốc điều hành Lion Air Group, Edward Sirait xác nhận JT610 gặp vấn đề về kỹ thuật hôm 28/10 nhưng đã được xử lý theo đúng quy trình.
Đội thợ lặn bắt đầu tìm kiếm tại tọa độ 5 độ 90′ 361″ Nam – 107 độ 06′ 618″ Đông.
Một quan chức địa phương cho biết lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy các mảnh vỡ máy bay, trong đó có ghế ngồi hành khách ở khu vực gần một cơ sở lọc dầu của công ty dầu khí quốc gia Indonesia Pertamina.
(Ảnh: Twitter)
Mảnh vỡ của chiếc máy bay được lực lượng cứu hộ thu thập. (Ảnh: Twitter)
Giới chức xác nhận đã tìm thấy căn cước và giấy phép lái xe của hành khách.
Người thân của hành khách chuyến bay JT610 rơi xuống biển tập hợp chờ tin tức tại sân bay Depati Amir, Pangkal Pinang, Indonesia.
(Ảnh: AP)
(Ảnh: AP)
Video: Những mảnh vỡ trôi nổi trên biển nghi của máy bay JT610 gặp nạn (Nguồn: Daily Mail)
Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia vừa công bố hình ảnh chính xác vị trí máy bay rơi trên vịnh Karawang ngoài khơi Tây Java, theo CNN.
Vị trí máy bay JT610 rơi. (Ảnh: Cơ quan Tìm kiếm cứu nạn Indonesia/CNN)
Chưa xác định nguyên nhân máy bay rơi
Chiếc máy bay gặp nạn mới được đưa vào hoạt động tháng 8/2018 và mới chỉ trải qua khoảng 800 giờ bay. Người đứng đầu ủy ban an toàn vận tải Indonesia, Soerjannto Tjahjono cho biết chưa thể giả định nguyên nhân sự cố là gì cho đến khi tìm được hộp đen và dữ liệu từ tháp kiểm soát không lưu. Tờ Straits Times cũng đưa tin có 20 nhân viên Bộ Tài chính Indonesia được cho là có mặt trên máy bay.
các vết dầu loang rộng trên biển Tây Java. (Ảnh: Twitter/Sutopo Purwo Nugroho)
Đã xác định được vị trí chính xác rơi JT610.
Vị trí rơi máy bay cách nơi nó mất liên lạc khoảng 2 dặm (khoảng 3 km), nằm ở vịnh Karawang, Tây Java, với mực nước sâu khoảng 30-35m, người đứng đầu cơ quan tìm kiếm cứu nạn quốc gia Indonesia, ông Muhammad Syaugi nói trong một cuộc họp báo.
Bộ Tài chính Indonesia cho biết 20 quan chức của bộ này đã lên chuyến bay JT610 của hãng hàng không Lion Air gặp nạn sáng 29/10.
Ông Nufransa Wira Sakti, phát ngôn viên Bộ Tài chính Indonesia đã xác nhận thông tin này với Bloomberg.
Ủy ban An toàn vận tải Indonesia đã tổ chức họp báo về vụ máy bay JT610 rơi xuống biển.
Người thân của hành khách trên máy bay gặp nạn JT610 không kìm được đau đớn trong lúc chờ tin tức cứu hộ tại sân bay.
Người thân hành khách của máy bay gặp nạn chờ tin tức tại sân bay. (Ảnh: Reuters)
Người đứng đầu Cơ quan giảm thiểu thảm họa thiên tai Indonesia Sutopo Purwo Nugroho vừa đăng trên Twitter những hình ảnh đầu tiên ở hiện trường máy bay rơi.
(Ảnh: Twitter/Sutopo Purwo Nugroho)
(Ảnh: Twitter/Sutopo Purwo Nugroho)
Video: Xuất hiện địa điểm nghi JT610 rơi
Người phát ngôn cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia Yusuf Latif cho biết họ nhận được tin máy bay rơi ở gần Tanjung Karawang, vùng biển ngoài khơi West Java.
Cơ quan chức năng tại Bắc Jakarta cho biết nhận được thông tin từ một tàu kéo nói nhìn thấy máy bay bị chìm ở Tanjung Bungin, West Java. Lực lượng cứu hộ đang trên đường tiếp cận khu vực.
Theo News.com.au, quan chức vận tải Indonesia cho biết máy bay chở theo 189 người, trong đó có 2 trẻ sơ sinh và phi hành đoàn.
Những hình ảnh đầu tiên được cho là mảnh vỡ của máy bay Lion Air mang số hiệu JT-610 đã xuất hiện.
Hình ảnh vết dầu loang được cho là địa điểm máy bay rơi.
Những đồ vật được cho là của hành khách trên chuyến bay gặp nạn.
Những mảnh vỡ chưa xác thực, được cho là của chiếc phi cơ gặp nạn.
Cơ quan cứu hộ Indonesia xác nhận tai nạn xảy ra không lâu sau khi máy bay cất cánh. Chiếc máy bay gặp nạn là một chiếc Boeing-737 Max 8, có khả năng chứa tới 210 hành khách.
Một máy bay của Lion Air.
Chuyến bay mang số hiệu JT610 cất cánh lúc khoảng 6h20 sáng (giờ địa phương) và dự định hạ cánh lúc 7h20 xuống Pangkalpinang.
“Chúng tôi xác nhận rằng máy bay đã rơi”, ông Yusuf Latif, phát ngôn viên cơ quan cứu hộ Indonesia cho hay.
Theo ông này, chiếc máy bay đã mất liên lạc với kiểm soát không lưu 13 phút sau khi cất cánh trước khi rơi xuống biển.
Giám đốc điều hành Lion Air Edward Sirait cho biết đang cố gắng thu thập tất cả thông tin và dữ liệu liên quan.Một cuộc họp báo sẽ được tổ chức ngay trong ngày hôm nay 29/10, ông cho biết.
Đường bay thực tế của máy bay Lion Air gặp nạn sáng nay. (Ảnh: Flightradar24)
Theo Reuters, đây là tai nạn đầu tiên được ghi nhận liên quan đến máy bay thương mại Boeing 737 MAX, một phiên bản mới được nâng cấp, được cho là sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn đến từ nhà sản xuất. Chiếc máy bay gặp nạn là một trong những chiếc Boeing 737 MAX đầu tiên được đưa vào sử dụng.
Chỉ 6 tháng trước, một máy bay của Lion Air trượt khỏi đường băng tại sân bay Djalaluddi, Gorontalo, Indonesia. May mắn, không ai trong số 174 hành khách và 7 thành viên đoàn bay bị thương, dù sự cố đã phá hủy hệ thống hạ cánh của máy bay.
Tháng 12/2014, một máy bay Airbus A320 của AirAsia rơi xuống biển sau khi cất cánh từ Surabaya đến Singapore chở theo 162 người.
(Nguồn: RT)
SONG HY
Theo VTC
Tổn thất quá lớn, Indonesia phải chấp nhận viện trợ nước ngoài
Indonesia một lần nữa quay cuồng vì thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, những nỗ lực cứu trợ tại đây đang phải đối mặt với trở ngại chính trị khi chính quyền sở tại không chấp nhận viện trợ nước ngoài.
Người dân vùng bị nạn tại Sulawesi khóc nấc khi mất hết người thân và nhà cửa
Thảm cảnh không nhà của 70.000 người sẽ kéo dài
Trận động đất 7,5 độ richter và sóng thần cao 6m tấn công đảo Sulawesi ngày 28/9 đã khiến nhiều đường sá, nhà cửa, công trình công cộng chỉ còn lại một đống đổ nát, đẩy những người còn sống vào cảnh màn trời chiếu đất hoặc bị tách biệt khỏi các vùng xung quanh.
Cơ quan Ứng phó thiên tai quốc gia Indonesia (BNPB) đã dự đoán số người chết ở Sulawesi sẽ còn vượt xa con số 1.944 người vì một số khu vực như Palu, Donggala và Mamuju vẫn chưa được tiếp cận và khoảng 5.000 người vẫn còn mất tích.
Theo BNBP, công tác tìm kiếm sẽ dừng lại vào ngày 11/10, những nạn nhân còn mất tích sẽ bị coi như đã chết. Những khu vực bị xóa sổ ở Palu sẽ là những ngôi mộ tập thể do nhiều nạn nhân có thể đã bị nuốt chửng khi đất hóa lỏng.
Trước thảm họa tại Sulawesi gần 2 tháng, một loạt các trận động đất cũng đã tấn công đảo Lombok, ở tỉnh Tây Nusa Tenggara, khiến 500 người chết và hơn 110.000 người phải di tản. Khoảng 445.000 người sống sót trong các trận động đất này vẫn đang phải sống trong các lều tạm trú, nơi bệnh dịch, sốt rét đang hoành hành.
Trả lời vì sao những nỗ lực tái thiết tại Lombok vẫn chưa bắt đầu, các quan chức địa phương nói rằng, chỉ có khoảng 34.000 trong số 150.000 ngôi nhà bị hư hại trên đảo đủ điều kiện hưởng tài trợ tái thiết từ Chính phủ.
Trong khi đó, việc dọn dẹp mặt bằng mất khoảng 4 tháng, còn việc xây nhà tạm trú lại phải mất 6 tháng và không được tài trợ bởi nguồn quỹ Chính phủ cũng như hậu quả của việc khước từ viện trợ từ nước ngoài.
Vì vậy, nếu Chính phủ Indonesia vẫn tiếp tục chính sách này, các nạn nhân của thảm họa ở Sulawesi có thể cũng sẽ tiếp tục lâm vào cảnh màn trời chiếu đất trong nhiều tháng tới như ở Lombok.
Vượt qua trở ngại chính trị
Phát ngôn viên của BNBP Sutopo Purwo Nugroho ngày 8/10 nói rằng, một quỹ cứu trợ thiên tai trị giá 4 nghìn tỷ rupiah (274 triệu USD) do Bộ Tài chính Indonesia (Chính phủ quản lý) sẽ được dành để tái thiết cho cả Lombok và Sulawesi.
Cách đây 2 ngày, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã có chuyến thăm thứ hai tới Palu. Ông Widodo, người đang vận động chiến dịch tái tranh cử nhấn mạnh rằng, những nỗ lực cứu trợ đã đi đúng hướng. Tuy nhiên, chính trị gia này cũng thừa nhận việc chậm trễ phân phối nguồn viện trợ khẩn cấp, đặc biệt là trong các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Ngay sau thảm kịch ngày 28/9, ông Widodo cũng có dấu hiệu hoan nghênh viện trợ quốc tế, trái ngược với phản ứng sau các trận động đất ở Lombok, nơi các nhân viên cứu trợ nước ngoài không được chào đón.
Theo BNPB, Indonesia đã không chính thức tuyên bố một thảm họa cấp quốc gia kể từ khi sau trận sóng thần xảy ra vào tháng 12/2004 khiến hơn 100.000 người chết tại tỉnh Aceh, Bắc Sumatra. Vì thế, viện trợ quốc tế sẽ không được hoan nghênh nếu không có chỉ thị từ Tổng thống.
Một số nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Widodo lo ngại bị coi là yếu đuối nếu ông chấp nhận sự giúp đỡ từ bên ngoài quá dễ dàng; Trong khi đó, theo nhiều nhà quan sát, có thể có một phản ứng chính trị từ dân chúng nổ ra nếu Indonesia không thể tự xử lý thảm họa.
Cuối cùng, ngày 9/10, Bộ trưởng An ninh Indonesia Wiranto đã thay mặt Tổng thống Widodo thông báo rằng, Tổng thống đã quyết định nhận viện trợ từ nước ngoài và nói rằng, "giúp đỡ lẫn nhau là một truyền thống quốc tế cần phải đánh giá cao".
Chris Lamb, cựu Đại sứ Australia hiện đang làm tư vấn viện trợ nhân đạo cho rằng: "Trường hợp khẩn cấp tại Sulawesi đã cho chính quyền Indonesia thấy sự cần thiết của việc nhận viện trợ quốc tế".
Thùy Dương
Theo baogiaothong
Việt Nam coi trọng các thể chế đa phương toàn cầu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Indonesia Phạm Vinh Quang đã trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Indonesia về sự kiện Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự cuộc gặp các nhà Lãnh đạo ASEAN nhân dịp dự Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF),thăm làm việc Indonesia. Trong các ngày 11-12/10,...