Trưa nay ăn gì: thơm lừng cơm thịt kho mắm, dồi trường xào cải chua
Thịt kho mắm ruốc đem lại mùi thơm lẫn hương vị quen thuộc nơi quê nhà, cơm trắng ăn với thịt đậm đà đơn giản. Thêm đĩa dồi trường xào dai sần sật, thấm vị chua chua của cải ngâm là đủ cho mâm cơm ngày cuối tuần.
Thịt kho mắm ruốc thơm lừng và dồi trường xào cho bữa trưa. Ảnh: Lê Hiền
Là một trong những đặc sản được ưa chuộng của các tỉnh Trung Bộ, mắm ruốc dường như mang hương vị đặc trưng nhất của miền biển. Mắm làm từ con ruốc (một loại tôm nhỏ hơn cả tép) có mùi nhẹ hơn mắm tôm, có thể dùng làm nước chấm hoặc gia vị nấu ăn. Thịt kho mắm ruốc là ví dụ điển hình trong việc biến tấu mắm, đơn giản như các món kho khác nhưng lại khiến người ăn khó quên, nhất là khi kho bằng nồi đất, mắm sẽ thơm hơn, thịt cũng mềm và thấm vị mặn, ăn rất bắt cơm.
Theo đó, cần chọn mua thịt ba chỉ loại ngon để nấu món này, phải là thịt có cả nạc lẫn mỡ thì mới không bị khô. Nếu phải mua thịt đóng gói sẵn nên lưu ý thời gian thịt được làm trong ngày, vẫn giữ màu hồng, ấn vào nghe đàn hồi. Mắm ruốc thì mua ở nơi bán uy tín, mắm rõ nguồn gốc để đảm bảo an toàn. Không thể thiếu để món này thơm ngon hơn là sả và ớt, hai nguyên liệu làm dậy mùi món ăn cũng như tạo vị cay nồng hấp dẫn.
Dồi trường hay tràng heo thường bị nhầm là lòng heo non vì hình dạng giống nhau, nhưng dồi trường đàn hồi và ăn nghe giòn hơn. Nên chọn loại dồi trường mới làm, cỡ nhỏ căng tròn, có màu sáng bóng, khi ấn vào không có dịch chảy ra. Ngược lại, nếu mùi khó chịu, thấy dịch nhầy chảy ra thì đó là dồi trường đã để qua nhiều ngày. Sơ chế dồi trường không quá phức tạp, chú ý lấy bỏ hết phần mỡ, rửa sạch với nước muối và trụng bằng nước sôi thêm gừng hoặc rượu trắng khử tanh.
Chế biến dồi trường thì dễ hơn, chỉ cần chuẩn bị dưa chua muối ngon là món này sẽ đạt chuẩn. Ngoài ra, dưa chua nên được rửa cho trôi bớt vị mặn, chua để khi nấu dễ nêm nếm gia vị hơn. Cuối cùng là xào dồi trường và dưa vừa chín tới, như vậy mới giữ được độ dai giòn sần sật đặc trưng của dồi trường.
Bỏ túi công thức món ăn nổi tiếng của "thành phố đáng sống" nhất Việt Nam
Được mệnh danh là "thành phố đáng sống" nhất Việt Nam, Đà Nẵng có văn hóa ẩm thực đa dạng và phong phú. Trong đó, món bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da là niềm tự hào của người dân nơi đây mỗi khi nhắc đến.
Video đang HOT
Vốn là cô giáo dạy môn Hóa nhưng có niềm đam mê với ẩm thực vùng miền, chị Thu Hằng, thành viên nhóm Ăn ngon nấu khéo đã cùng với Sài Gòn Tiếp Thị chinh phục thành công một số món ăn vùng miền như bún quậy Phú Quốc, cơm hấp trái dừa Bến Tre, tôm cuốn Thừa Lâm của Thái Nguyên hay cháo cá vạc giường nổi tiếng của vùng đất Quảng Trị.
Hôm nay, Sài Gòn Tiếp Thị tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc thêm một công thức món ăn mà chị Thu Hằng đã chế biến thành công. Đó chính là bánh tráng cuốn thịt heo hai đầu da nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng.
Thịt heo: 0,5kg (chọn phần vạc mông có độ cong để nhiều phần thịt da 2 đầu)
Bánh tráng cuốn mỏng
Lá mì (bánh phở): 250g
Bún tươi: 150g
Bánh tráng nướng: 2 cái
Đồ chua: 100g
Rau sống các loại: Xà lách, rau thơm, chuối chát, khế chua, dưa leo, giá, hành lá...
Mắm nêm góc trái thơm
Chanh, gừng, sả, riềng
Gia vị thông thường: ớt, tỏi, đường...
Cách làm
Bước 1: Làm thịt heo 2 đầu da: Bó miếng thịt tròn lại bằng sợi chỉ. Đem thịt cho vào nồi nước lạnh, lượng nước vừa ngập thịt, thêm ít muối và luộc trong khoảng 30-45 phút ở mức lửa vừa (có thể thêm vài củ hành tím đập dập để thịt luộc thơm). Khi thịt chín, vớt ra cho vào nước lạnh khoảng 5 phút để miếng thịt trắng, đẹp, khi cắt không bị nát thịt. Mẹo để cắt thịt hai đầu da là cắt phần mỡ tròn bên hông thịt để riêng, từ đây sẽ thấy những miếng thịt hai đầu da. Tiếp tục cắt và xếp thịt hai đầu da vào đĩa.
Bước 2: Chuẩn bị rau sống: Nhặt các loại rau thơm, xà lách, giá và rửa sạch với nước muối pha loãng. Chuối chát bào mỏng theo chiều dọc hoặc ngang theo sở thích và ngâm nước muối loãng cho giảm bớt độ chát. Khế, dưa leo rửa sạch và cắt mỏng theo sở thích. Xếp các loại rau vào mẹt hoặc đĩa.
Bước 3: Pha mắm nêm chấm: Băm nhỏ quả thơm trộn chung tỏi ớt xay nhuyễn, đường, chanh. Cho 1 lát riềng nhỏ, 1 lát gừng, vài lát sả giã nhỏ vào hỗn hợp trên. Nêm thêm mắm nêm sao cho phù hợp với khẩu vị ăn của gia đình.
Bước 4: Trình bày và thưởng thức: Trình bày trên những mẹt tre sẽ đẹp mắt và ngon miệng hơn khi dùng. Lấy bánh tráng mỏng thấm nước, cho lên trên rau sống, bánh tráng nướng, thịt rồi cuốn lại. Múc mắm nêm ra chén và chấm riêng từng người.
Trưa nay ăn gì: chả cá chiên đậm vị và canh đu đủ thanh đạm cuối tuần Một ngày cuối tuần lại đến, bạn đã nghĩ ra mình sẽ chiêu đãi các thành viên trong gia đình những món ăn hấp dẫn nào chưa? Cùng chuyên mục Trưa nay ăn gì khám phá thử mâm cơm gợi ý cho buổi trưa Chủ nhật tuần này là gì nhé! Mâm cơm đơn giản nhưng ngon miệng và đầy đủ dinh dưỡng....