Trồng rau “kiểu lạ”, bắt sâu bằng tay, người Churu bán đắt
Bằng việc trồng rau hữu cơ, rau sạch, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học, các thành viên là người dân tộc Churu của Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu ( xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã được thị trường tiếp nhận từ 1,2 – 1,5 tấn rau các loại mỗi tháng với giá từ 20.000 – 35.000 đồng/kg.
Biết được chị Ma Điểm qua một lần đến xã Tu Tra, huyện Đơn Dương năm 2019, phóng viên Báo Dân Việt rất vui mừng được chị mời đến tham quan mô hình trồng rau hữu cơ của gia đình chị.
Chị Ma Điểm là người dân tộc Churu rất vui tính, năng động và đảm nhận công tác tiếp thị lẫn truyền thông của Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu. Tốt nghiệp ngành Sư phạm Địa Lý của Đại học Sài Gòn và có thời gian làm công nhân của Công ty Đà Lạt Hasfarm nhưng chị Điểm đã về quê hương của mình để làm nông nghiệp.
Chị Ma Điểm bên những luống rau bắp cải hữu cơ của mình.
Dẫn phóng viên đi giữa những luống bắp cải xanh tốt, mập mạp trong khu vườn 2.000m2 của mình, chị Điểm cho biết: “Hiện tại, Tổ hợp tác có khoảng 14 hộ gia đình tham gia với tổng diện tích trên 15.000 m2. Các hộ dân tham gia phải tuân thủ tuyệt đối về quy trình hữu cơ và thường xuyên lấy các mẫu đất, nước và mẫu rau đi xét nghiệm. Điều đặc biệt, các tổ viên sử dụng phân heo, phân bò trộn với vỏ cà phê, thân cây chuối, rơm rạ và ủ trong thời gian 2-3 tháng sau đó bón cho cây trồng”.
Với cách trồng rau hữu cơ đang được Tổ hợp tác áp dụng, ban đầu nhiều người bên ngoài cho là cách trồng rau “lạ đời”. Bón phân, chích thuốc định kỳ còn không ăn ai, chứ trồng rau kiểu “lớn đâu thì lớn, sâu ăn còn thì người ăn” như cách làm của Tổ hợp tác thì làm gì có tiền.
Mặc những lời “nói vô nói ra”, thành viên Tổ hợp tác vẫn kiên trì theo đuổi mô hình trồng rau hữu cơ. Chị Điểm nhấn mạnh thêm, điều làm nên nét riêng của Tổ hợp tác là khô dụng sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Nếu có sâu xuất hiện trên rau, người trồng sẽ tiến hành bắt bằng tay hoặc dùng chế phẩm sinh học.
Video đang HOT
Toàn bộ rau của những người dân tộc Churu trong tổ hợp tác được trồng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Giới thiệu chị Ma Đậm (34 tuổi, người dân tộc Churu, xã Tu Tra) Tổ trưởng tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu, một người làm nông nghiệp rất giỏi trong tổ hợp tác cho phóng viên, chị Điểm chỉ những luống cà rốt nói “các anh nhìn rau là thấy rồi đó, rất xanh tốt và sạch, chị ấy làm rau phải nói là giỏi nhất tổ”.
Nhổ những củ cà rốt trong vườn của mình lên chị Đậm cho biết: “Trước năm 2016, gia đình mình, người Churu mình cũng sống bằng nghề trồng rau. Tuy nhiên, ở địa phương có quá nhiều người trồng mà lại lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật. Chính vì vậy, từ năm 2016, mình đã chuyển hướng làm nông nghiệp hữu cơ trên diện tích 1.000m2. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt nên tôi đã tập trung vào cải tạo đất bài bản và cùng với các phụ nữ khác trong thôn lập ra Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu”.
Chị Ma Đậm là người đầu tiên phối hợp với tổ chức Caritas Đà Lạt để thành lập tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu.
Chị Ma Đậm cho hay, thời gian ban đầu, do cách làm mới lại không sử dụng phân bón hóa học, các loại thuốc bảo vệ thực vật nên năng suất rau khá thấp, mẫu mã không đẹp, chưa có thị trường tiêu thụ ổn định nên cả Tổ hợp tác còn “vất vả”.
Đến nay, sau nhiều nỗ lực giới thiệu, quảng bá các sản phẩn sạch của tổ hợp tác, chị Đậm, chị Điểm và các tổ viên khác đã được thị trường đón nhận. Trung bình, mỗi tháng, Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu cung cấp cho thị trường từ 1,2 – 1,5 tấn rau, củ hữu cơ các loại với giá từ 20.000 – 35.000 đồng/kg. Trong đó, rau xà lách, củ cà rốt được bán với giá 35.000 đồng/kg. Đặc biệt rau bên ngoài lúc bán đắt, lúc bán rẻ mặc kệ, rau hữu cơ của Tổ hợp tác không bị tác động bởi giá thị trường vì khách hàng đặt tiêu thụ cố định 12 tháng.
Mỗi tháng, Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu cung cấp cho thị trường từ 1,2 – 1,5 tấn rau các loại với giá từ 20.000 – 35.000 đồng/kg.
“Hiện nay, nhận thấy sự hiệu quả của việc canh tác rau hữu cơ nên nhiều người dân địa phương đã ngỏ ý muốn gia nhập Tổ hợp tác, tuy nhiên chúng tôi đang hướng dẫn thực hiện các điều kiện bắt buộc. Trong năm 2020, Tổ hợp tác sẽ tiếp tục mở rộng mô hình và hướng đến khuyến khích các bạn trẻ tham gia”, chị Ma Đậm cho hay.
Theo ông Đinh Văn Hoàng – Phó chủ tịch UBND xã Tu Tra, mô hình canh tác rau của Tổ hợp tác rau hữu cơ Iem Goh Churu là cách làm hay, rất tiến bộ. Trong năm 2019, cán bộ nông nghiệp của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng nhiều lần về tập huấn cách sản xuất và ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học trong sản xuất hữu cơ cho các tổ viên của Iem Goh Churu để nâng cao hiệu quả hơn nữa.
Theo Danviet
Lạ: Bón rau bằng phân chuối, rau ở Trung đoàn Minh Đạm lên vù vù
Không chỉ tập trung công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, các chiến sĩ Trung đoàn Minh Đạm (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) còn tích cực tăng gia sản xuất với mô hình nông nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ cao...
Giữa năm 2016, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BRVT) được UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng thí điểm các vườn rau công nghệ cao tại một số đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn. Trung đoàn Minh Đạm là một trong những đơn vị được đầu tư mô hình này.
Làm phân bón từ "mật chuối"
Vườn organic của Trung đoàn Minh Đạm cung cấp thực phẩm sạch cho bộ đội và thị trường. Ảnh: Mạnh Quân
Trước đây, khu vườn tăng gia của đơn vị hàng năm cũng đã cung cấp hàng tấn rau xanh cho bếp ăn của trung đoàn. Tuy nhiên, do trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống nên các loại rau không phong phú và thường xuyên bị sâu bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất. Vào các dịp lễ, tết hoặc cao điểm mùa huấn luyện, đơn vị vẫn phải trích tiền mua rau từ bên ngoài, giá cao, lại không yên tâm về chất lượng.
Đầu năm 2019, Trung đoàn Minh Đạm đã chuyển hướng trồng rau hoàn toàn theo phương pháp mới. 4 nhà màng có diện tích hơn 17.000m2 được đầu tư hệ thống vườn trồng hiện đại, luống phủ nylon, hệ thống quạt gió, tưới tiêu tự động... và đa dạng hoá nhiều loại cây trồng, rau, củ và quả.
Trung tá Đoàn Xuân Sơn - Chính ủy Trung đoàn Minh Đạm, cho hay: "Khi tiếp nhận cơ sở vật chất ở đây, chúng tôi trăn trở nghĩ cách để tạo ra sản phẩm rau củ quả chất lượng, hợp vệ sinh và bảo đảm sức khỏe cho bộ đội. Từ đó, chúng tôi đã thử nghiệm một số mô hình trồng rau đặc biệt là rau hữu cơ organic".
Qua quá trình tìm hiểu, các chiến sĩ Trung đoàn Minh Đạm đã làm phân bón từ "mật chuối" và GE chuối. Tận dụng nguồn chuối sẵn có trong quá trình sản xuất, các chiến sĩ đã dùng chuối ngâm với đường để lên men làm phân tưới cho rau, hoa... đạt hiệu quả rất cao. Bên cạnh đó, đơn vị cũng nghiên cứu để làm các giá thể như: Phân hữu cơ, xơ dừa, bèo tây, đất trồng rau, dưa... hữu cơ. Trong quá trình trồng, rau củ được theo dõi, chăm sóc kỹ. Nhờ đó, các loại cây, rau của đơn vị phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh.
Cung cấp rau sạch ra thị trường
Dẫn chúng tôi đi tham quan vườn rau, trung tá Sơn phấn khởi cho biết, 4 vườn rau quả ứng dụng dụng công nghệ cao trồng phía sau khuôn viên đơn vị đang đến kỳ thu hoạch. Còn vườn bầu, bí, khổ qua vừa xuống giống chuẩn bị cho vụ tết. Hệ thống tưới tự động được lắp đặt tưới theo giờ, làm mát cho nhà vườn. Các chiến sĩ được giao nhiệm vụ chăm sóc vườn thường xuyên kiểm tra, ghi chép tình hình của cây, rau để báo cáo, tìm hướng xử lý nếu có sự cố hoặc sâu bệnh.
Hiện nay, Trung đoàn Minh Đạm không những tự túc được nguồn rau xanh, sạch và còn có điều kiện cung cấp hàng tấn rau sạch ra thị trường, tăng nguồn thu cho đơn vị. Dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, đơn vị sẽ có khoảng 3 tấn dưa lưới sạch đưa ra các chợ và siêu thị.
Ngoài trồng rau, các chiến sĩ còn chăn nuôi hàng trăm con lợn rừng, gà, vịt. Đặc biệt, hiện trong đơn vị có hơn 200 chậu hoa hồng đủ các loại. Mỗi chậu hoa hồng bán với giá từ 1,5 - 2,5 triệu đồng và hầu hết đã có khách đặt mua tết.
Trung tá Sơn cũng cho hay, trong thời gian tới, Trung đoàn sẽ mở rộng sản xuất, hướng đến cung cấp ra thị trường nguồn thực phẩm mang thương hiệu Trung đoàn Minh Đạm, gồm các sản phẩm: GE chuối, heo/gà thuốc (nuôi bằng cây sâm và thuốc nam), rau hữu cơ và nước hoa hồng.
"Vì rau trồng bằng các loại phân bón hữu cơ và ứng dụng công nghệ cao nên phát triển tốt, cho năng suất cao, đảm bảo được sức khoẻ người tiêu dùng và tốt cho môi trường. Quan trọng nhất, vườn organic còn giúp các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị gắn bó với nhau, cùng học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trồng rau theo phương pháp mới, ứng dụng công nghệ cao. Để từ đó, bộ đội sẽ áp dụng mô hình này cho gia đình, đặc biệt là đối với các chiến sĩ sắp xuất ngũ".
Theo Danviet
Sơn La: Trồng đủ loại rau ngon bán Tết, dân sung túc Gia đình bà Nguyễn Thị Xuyến sinh sống ở tiểu khu Nà Sản (xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) trồng các loại rau ngắn ngày trên 1 diện tích đất canh tác, mỗi năm đều cho thu nhập khá giả, cuộc sống ngày càng khấm khá. Là 1 trong những hộ có thu nhập cao từ trồng rau ngắn ngày,...