Trong đêm, Trung úy công an Hà Tĩnh hiến máu để cứu sản phụ
Nhờ nguồn máu từ Trung úy Phan Văn Lực (Công an huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) và người nhà bệnh nhân, ca mổ cấp cứu sản phụ bị đờ tử cung sau sinh đã diễn ra thành công.
Trung uý Phan Văn Lực hiến máu cứu người trong đêm.
Ngày 12/4, sản phụ L.T.H. (42 tuổi, ở xã Hương Thuỷ, Hương Khê) nhập viện khi mang thai lần 4 được khoảng 42 tuần. Kết quả khám cho thấy, thai phụ cạn ối, bác sỹ BVĐK huyện Hương Khê đã hội chẩn chuyên khoa và chỉ định đẻ mổ. Sau đó, bé trai nặng 3,1 kg chào đời an toàn.
Tuy nhiên, sau sinh, sản phụ xuất hiện tình trạng tụt huyết áp, tử cung co hồi kém, chảy máu và khó cầm máu… Các bác sỹ đã xử lý bằng thuốc nhưng vẫn không hiệu quả.
Bác sỹ Lê Đăng Liên – Trưởng khoa Sản, BVĐK huyện Hương Khê cho biết: Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị thiếu máu trầm trọng; kíp phẫu thuật xác định phải mổ cắt tử cung để cầm máu cứu sản phụ. Do mất quá nhiều máu, bệnh viện xác định sản phụ phải truyền tới 2-3 đơn vị máu. Số máu bệnh nhân cần phải truyền nhiều nhưng lượng máu trong kho của bệnh viện ít nên cần huy động thêm máu sống để cấp cứu bệnh nhân.
Anh Nguyễn Anh Dương – người nhà bệnh nhân hiến máu.
Nhận được tin báo, Huyện đoàn Hương Khê đã thông báo đến các đoàn viên thanh niên trong câu lạc bộ ngân hàng máu sống để hiến máu cứu người. Ngay trong đêm 12/4, Trung úy Phan Văn Lực – Phó Bí thư Đoàn công an huyện Hương Khê đã trực tiếp đến hiến máu cứu sản phụ.
Video đang HOT
Nhờ nguồn máu của Trung uý Lực và 1 đơn vị máu của anh Nguyễn Anh Dương (thôn 8, Hương Thủy – người nhà bệnh nhân), sản phụ đã được cấp cứu thành công. Ca mổ hoàn thành vào 23h30 đêm 12/4. Hiện, bệnh nhân đang tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.
Được biết, Trung úy Phan Văn Lực đã có hơn 10 lần hiến máu nhân đạo.
Đờ tử cung là tình trạng nghiêm trọng có thể xảy ra sau sinh. Hiện tượng này xảy ra khi tử cung không thể co hồi sau khi sinh em bé và có thể dẫn đến tình trạng băng huyết sau sinh, gây nguy hiểm đến tính mạng người mẹ.
Các bác sỹ khuyến cáo, để dự phòng băng huyết sau sinh, các sản phụ nên đăng ký khám thai và theo dõi thai định kỳ tại bệnh viện chuyên khoa để được bác sỹ tư vấn và quản lý thai kỳ cẩn thận. Đặc biệt, những sản phụ có nguy cơ như: sinh con lần hai trở đi, thai to, đa ối, đa thai, tiền căn băng huyết sau sinh, rối loạn đông máu… cần được theo dõi thai kỳ chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa lớn có đầy đủ điều kiện và đơn vị hồi sức tích cực để được chăm sóc và hỗ trợ y tế kịp thời.
Hà Tĩnh sẽ vận động hiến trên 7.350 đơn vị máu để cấp cứu người bệnh
3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.723 đơn vị máu. Hà Tĩnh phấn đấu trong cả năm 2021 sẽ vận động hiến trên 7.350 đơn vị máu để cứu chữa cho người bệnh.
Vào khoảng 12h30 phút ngày 11/3/2021, bệnh nhân Đào Thị Liệu (xã Kỳ Lợi, TX Kỳ Anh) được chuyển vào Khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Hà Tĩnh trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa, cần phải truyền máu gấp.
Ngay sau đó, BVĐK thành phố Hà Tĩnh đã nhanh chóng kêu gọi cán bộ, y bác sỹ và thành viên ngân hàng máu sống có cùng nhóm máu A với bệnh nhân tham gia hiến máu cứu người.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Minh (BVĐK thành phố Hà Tĩnh) hiến máu cứu bệnh nhân Liệu (Ảnh N.O).
Nhận được thông tin, điều dưỡng Phạm Thị Mơ (Khoa Nhi) và điều dưỡng Nguyễn Thị Minh (Khoa Khám bệnh) lập tức có mặt để hiến 2 đơn vị máu cứu bệnh nhân. Nhờ sự tiếp máu kịp thời và sự tận tâm cứu chữa của bác sỹ, bệnh nhân Liệu đã qua cơn nguy kịch và nhanh chóng hồi phục.
"Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại" - có lẽ suốt cả cuộc đời này, bệnh nhân T.T.T.N. (xã Phú Phong, Hương Khê) không thể nào quên được câu nói ấy. Ngày 16/3/2021, chị N. nhập viện tại Khoa Sản, BVĐK huyện Hương Khê trong tình trạng đau bụng, huyết áp thấp, thể trạng da xanh.
Chị N. được xác định chửa ngoài dạ con, cần phải mổ cấp cứu. Thời điểm này, kho máu của BVĐK huyện Hương Khê không còn nhóm máu B mà chị N. cần nên bệnh viện đã nhanh chóng liên hệ với Huyện đoàn để được hỗ trợ.
Chiến sỹ Nguyễn Thanh Minh - Công an huyện Hương Khê hiến một đơn vị máu cứu bệnh nhân N.
Nhận được tin báo, ngay trong đêm, Bí thư Huyện đoàn Nguyễn Thanh Hải và Phó Bí thư Đoàn xã Hương Trà Đinh Tiến Bằng cùng chiến sỹ Nguyễn Thanh Minh (Công an huyện) đã trực tiếp hiến 3 đơn vị máu để truyền cho sản phụ N. Nhờ được cung cấp nguồn máu kịp thời, bệnh nhân N. đã qua cơn nguy kịch và phục hồi tốt sau phẫu thuật.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp bệnh nhân được cứu sống nhờ những giọt máu nghĩa tình của những người hiến máu trong những ngày gần đây.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, Hà Tĩnh đã tiếp nhận được trên 1.720 đơn vị máu phục vụ cho việc cứu chữa bệnh nhân (trong ảnh: Đoàn viên thanh niên Sở Y tế Hà Tĩnh tham gia hiến máu tình nguyện).
Theo báo cáo của Ban Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có 15 CLB ngân hàng máu sống, 16 đội, nhóm tình nguyện viên hiến máu dự bị tại các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và 1 nhóm những người có nhóm máu hiếm (Rh-). Bất kể ngày đêm hay mưa, nắng, cứ có thông tin người bệnh cần máu là các ngân hàng máu sống luôn luôn có người tình nguyện hiến máu.
Bác sỹ Dương Đức Anh - Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà chia sẻ: "Đến nay, tôi cũng không nhớ mình đã hiến máu bao nhiêu lần, chỉ biết rằng mỗi lần góp phần giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch là tôi thấy cuộc sống của mình thêm phần ý nghĩa. Đối với tôi, hiến máu cứu người chính là tình thương, trách nhiệm với cộng đồng".
Y bác sỹ BVĐK huyện Đức Thọ hiến máu để cấp cứu cho người bệnh.
Trong 3 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tiếp nhận 1.723 đơn vị máu, đảm bảo đủ nguồn máu dự trữ cho cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế. Còn trước đó, trong cả năm 2020, toàn tỉnh đã tổ chức 32 đợt hiến máu và tiếp nhận được trên 7.030 đơn vị máu.
Thạc sỹ Hoàng Quốc Anh - Phó Trưởng khoa Huyết học truyền máu (BVĐK tỉnh) cho biết: "Mỗi năm, bệnh viện cần khoảng 7.000 đơn vị máu cho việc cấp cứu bệnh nhân mất máu cấp, thiếu máu mãn tính, bệnh nhân phẫu thuật, chạy thận nhân tạo... Trong đó, nguồn máu nhân đạo đã góp phần rất lớn cho việc cứu nhiều ca bệnh qua cơn nguy kịch.
Chỉ tính riêng trong năm 2020, bệnh viện sử dụng 6.385 đơn vị máu cho cấp cứu, điều trị thì có tới 6.038 đơn vị là từ nguồn máu nhân đạo, còn lại là trực tiếp từ ngân hàng máu sống và mua ngoại viện".
Năm 2021, phấn đấu tiếp nhận trên 7.350 đơn vị máu.
Năm 2021, toàn tỉnh phấn đấu tiếp nhận 7.350 đơn vị máu. Hy vọng, với tinh thần "tương thân, tương ái" và thông điệp "mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", mục tiêu đó sẽ sớm hoàn thành, góp phần đảm bảo nguồn cung cấp máu cho cấp cứu và điều trị tại các cơ sở y tế trên toàn tỉnh.
Quảng Bình: Nữ điều dưỡng hiến máu cứu mẹ con sản phụ bị nhau bong non Chiều 2/10, Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình cho biết, 1 nữ điều dưỡng bệnh viện này vừa kịp thời hiến máu cứu sống mẹ con sản phụ bị nhau bong non. Trước đó, Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình tiếp nhận sản phụ trong tình trạng đau bụng, tử cung gò liên tục, đơ cứng. Qua chẩn đoán,...