Trồng cây lạ xứ lạnh ở xứ nóng, hái trái đen như cục than bán, ông nông dân Ninh Thuận thu tiền triệu/ngày
Ông Nguyễn Văn Trinh 60 tuổi ở phường Văn Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm ( Ninh Thuận) trong một lần đi chơi Đà Lạt thấy loài cây lạ là cây phúc bồn tử cho trái ăn ngon nên đưa về vùng đất “nắng gió như rang” trồng thí nghiệm và không ngờ thu tiền triệu mỗi ngày…
Trồng phúc bồn tử-làm chơi nhưng ăn thật
Theo lời giới thiệu của Hội nông dân phường Văn Hải, chúng tôi tìm về vườn cây phúc bồn tử đen của ông Nguyễn Văn Trinh, ở phường Văn Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận). Có thể nói, đây được xem là vườn phúc bồn tử đen đầu tiên ở Ninh Thuận và cho thu nhập cao.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn phúc bồn tử đen xanh mướt được trồng bài bản trong nhà lưới, ông Trinh cho biết, vườn cây này đã được ông trồng gần hai năm, đang cho trái và khoảng hai ngày ông hái một lần từ 7-8kg.
Lão nông Nguyễn Văn Trinh, phường Văn Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) thu hái quả phúc bồn tử đen tại vườn. (Ảnh: Đức Cường)
“Trong một chuyến du lịch ở TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) tôi tình cờ được ăn thử phúc bồn tử đen rồi cảm thấy rất ngon và lạ mắt. Qua thời gian tìm hiểu tôi biết được đây là giống cây trồng thuộc họ dâu tằm, quả khi chín có thể ăn tươi chứa nhiều vitamin mang giá trị dinh dưỡng cao nên rất được thị trường ưa chuộng. Từ đó, tôi quyết định đưa về quê trồng thử ở quê mình”, ông Trinh chia sẻ.
Qua tìm hiểu thông tin và hướng dẫn kỹ thuật từ sách báo và internet, ông Nguyễn Văn Trinh đã đầu tư xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới nước ngầm, lắp đặt các thiết bị đo nhiệt độ. Đồng thời cải tạo 500 mét vuông đất của gia đình để trồng phúc bồn tử đen.
Sau 8 tháng trồng lứa đầu tiên, 250 cây phúc bồn tử đen của ông bắt đầu cho thu hoạch với sản lượng 3-4kg trái trong một lần thu hoạch. Với giá bán 150.000 đồng/kg thì trung bình mỗi lần thu hoạch gia đình ông có từ 450.000 – 600.000 đồng.
“Tuy sản lượng lứa đầu không như kỳ vọng do kỹ thuật chăm sóc còn chưa quen nhưng trái cây sau khi hái được tiêu thụ rất nhanh. Trung bình hai ngày tôi hái một lần khoảng 7-8kg nhưng vẫn không đủ bán cho người tiêu dùng đặt trước…”, ông Trinh cho biết.
Cận cảnh trái phúc bồn tử đen khi chín. (Ảnh: Đức Cường)
Bất ngờ làm chơi nhưng ăn thật, ông Trinh quyết định mở rộng diện tích trồng phúc bồn tử đen lên 1000 mét vuông (1 sào). Bằng những kinh nghiệm tích lũy được từ mùa trước, ông bắt đầu áp dụng thời gian bón phân, tưới nước phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, chăm sóc và cắt cành theo đúng kỹ thuật chu kỳ đơm hoa kết trái của phúc bồn tử đen.
Ngoài ra, bằng kinh nghiệm thực tế từ lứa trước ông chủ động loại bỏ cách làm giàn đỡ theo hình chữ V để chuyển sang làm giàn đỡ theo phương thẳng đứng nhằm giúp cây hấp thụ đầy đủ ánh sáng, tạo lối đi thông thoáng khi di chuyển giữa các hàng khi thu hoạch trái.
Video đang HOT
Cùng với lứa phúc bồn tử trước đó, qua thời gian chăm bón tỉ mỉ, 1 sào phúc bồn tử đen của ông Trinh bắt đầu cho sản lượng 7-8kg trong một lần thu hoạch. Với thời gian hai ngày ông hái một lần, gia đình ông thu nhập từ 1 đến 1,2 triệu đồng.
Hiện nay, 1000 mét vuông phúc bồn tử đen của ông Trinh cho thu hoạch 2 ngày 1 lần. (Ảnh: Đức Cường)
“Nếu được chăm sóc tốt thì cây phúc bồn tử đen sẽ cho năng suất cao hơn, trung bình trên 10kg trái mỗi lần thu hoạch. Và thông thường vào lứa trái thứ 3 trở đi thì sản lượng cho trái bắt đầu tăng lên”, ông Trinh chia sẻ.
Cũng theo ông Trinh, tuy vốn đầu tư ban đầu khá cao khoảng 50 triệu đồng/1.000 mét vuông nhưng đổi lại đầu tư một lần rồi sẽ cho thu hoạch nhiều năm sau đó nếu được chăm sóc tốt. Sau khi hái trái, có thể cắt cành thì cây sẽ ra cành mới và đâm hoa kết trái từ nhánh mới hình thành đó.
Thuần hóa cây xứ lạnh trên vùng đất đầy nắng và gió
Chỉ tay về những hàng cây phúc bồn tử xanh mướt, ông Trinh cho biết, ban đầu ông rất lo lắng vì nhiệt độ trong nhà lưới luôn rất cao vào mỗi ngày nắng gắt. Tuy nhiên, qua thời gian theo dõi và chăm sóc thì thấy cây vẫn phát triển bình thường, cành lá xum xuê. Thậm chí tỉ lệ ra hoa và đậu trái không thua kém gì so với cây trồng ở Lâm Đồng.
Ông Trinh đầu tư nhà lưới cùng hệ thống tưới nước, đo nhiệt độ bài bản để trồng cây phúc bồn tử đen. (Ảnh: Đức Cường)
“Ai cũng cho rằng giống cây này chỉ trồng được ở xứ lạnh nhưng đâu ngờ khi tôi đem về Ninh Thuận lại phát triển rất tốt. Chất lượng trái chín lại có vị chua ngọt và thơm hơn so với vị chua và chát khi trồng ở Đà Lạt.”
Để chứng minh lời mình nói là sự thật, ông Trinh chỉ tay vào đồng hồ nhiệt kế đặt trong vườn phúc bồn tử đen ở mức 40 độ nhưng cây trồng vẫn xanh mướt, trái chín trĩu cành. Bằng kinh nghiệm trồng và chăm sóc phúc bồn tử đen của mình, ông Trinh cho rằng đây là loại cây trồng khá phù hợp với điều kiện thời tiết ở địa phương, chỉ cần cây được chăm sóc tốt, tránh ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây thì cây sẽ phát triển tốt và cho trái đều.
Đồng hồ đo nhiệt độ trong nhà lưới ở mức 40 độ nhưng cây vẫn phát triển tốt, ít sâu bệnh. (Ảnh: Đức Cường)
“Mỗi địa phương đều có điều kiện thời tiết và thổ nhưỡng đất khác nhau, ở Đà Lạt người ta trồng trong nhà màng bằng nilon để tạo không gian kín nhằm giữ nhiệt độ ấm hơn bên ngoài. Còn ở Phan Rang-Tháp Chàm thời tiết nắng nóng hơn, nên chỉ sử dụng nhà lưới giúp thoáng khí hơn và giảm cường độ ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây, giúp cây phát triển tốt hơn”, ông Trinh bộc bạch.
Mở rộng diện tích trồng phúc bồn tử gắn với du lịch trải nghiệm
Với phương pháp trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm đầu ra nên chất lượng phúc bồn tử đen của ông Trinh luôn đắt hàng mỗi khi thu hoạch. Hiện, sản phẩm phúc bồn tử đen của gia đình ông đã có mặt tại nhiều shop trái cây chất lượng cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và các shop hàng quen ở Hà Nội và TP.HCM.
Và để sản phẩm phúc bồn tử đen ngày càng được nhiều người biết đến hơn, lão nông Nguyễn Văn Trinh đang ấp ủ dự định liên kết với các hộ nông dân trong vùng để mở rộng diện tích, đồng thời xây dựng thương hiệu quả phúc bồn tử đen ở địa phương.
Trái phúc bồn tử khi chín sẽ ngã từ màu đỏ sang màu tím đen. (Ảnh: Đức Cường)
Song song đó, bản thân ông cũng đang định hướng học tập mô hình trồng phúc bồn tử đen kết hợp du lịch trải nghiệm cho du khách khi đến với miền nắng gió Ninh Thuận.
“Ai có nhu cầu, tôi đều sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để trồng và chăm sóc phúc bồn tử đen. Hiện tại tôi đã hướng dẫn bạn bè và một số hộ trồng thành công phúc bồn tử đen, trong đó cũng có hộ mạnh dạn trồng để áp dụng hình thức du lịch trải nghiệm bên cạnh việc thu hoạch từ bán trái trong thời gian tới. Nếu thành công, đây sẽ là hướng đi mới cho nông dân địa phương trong việc nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích sản xuất, giúp nông dân “sống tốt” trong thời buổi kinh tế thị trường”, ông Trinh mạnh dạn nói.
Việc áp dụng làm giàn đỡ thẳng đứng giúp dễ dàng trong việc đi lại khi thu hoạch, thuận tiện hơn nếu áp dụng cho khách du lịch vào tham quan trải nghiệm. (Ảnh: Đức Cường)
Ông Trần Ngọc Minh, chủ tịch UBND phường Văn Hải, TP Phan Rang-Tháp Chàm cho biết, bên cạnh những loại cây trồng chủ lực ở địa phương hiện tại như Măng tây, nha đam, nho, táo thì cây phúc bồn tử đen là một loại cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.
“Sắp tới địa phương sẽ phối hợp với các ngành chức năng tiếp tục tìm hiểu thêm về quy trình kỹ thuật chăm sóc để có bà con nông dân có thêm kiến thức về một cây trồng mới, giúp bà con có thêm lựa chọn về giống cây trồng mới trong chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi ở địa phương…”, ông Minh cho biết.
Khánh Hòa: Trồng thứ cây tốt um ra trái lạ, to như quả trứng, màu như vàng ròng, giá bán bình dân nhưng vẫn lãi
Sau hơn 2 năm được trồng thử nghiệm trên vùng đất Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), đến nay, cây vú sữa Hoàng Kim đã cho quả thơm ngon.
Tuy nhiên, đây là loại cây trồng mới, đầu ra còn hạn chế nên người dân địa phương cần thận trọng đầu tư trồng loại cây ăn quả này.
Vườn vú sữa Hoàng Kim của gia đình anh Phan Văn Phong (xóm Suối Sóc, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa) đang vào đợt thu hoạch.
Những trái vú sữa với vẻ bề ngoài vàng óng, khác lạ so với vú sữa lâu nay vẫn được người dân các địa phương trồng.
Vú sữa Hoàng Kim trong vườn của gia đình anh Phan Văn Phong đã cho thu hoạch tại trang trại ở (xóm Suối Sóc, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa).
Anh Phong cho hay, thời gian trước, có dịp vào các tỉnh phía Nam, tham quan vườn cây vú sữa Hoàng Kim sai quả, giá bán cao, ăn ngon nên anh đã tìm hiểu, sau đó đến vựa cây giống ở tỉnh Bình Dương tìm mua loại cây này về trồng thử nghiệm.
Vú sữa Hoàng Kim có nguồn gốc từ Đài Loan, mới được trồng ở Việt Nam chưa lâu. Tại Khánh Sơn, vườn của gia đình anh có quả đầu tiên.
Đầu năm 2019, trên diện tích đất đang trồng sầu riêng, anh Phong đã trồng xen gần 50 cây vú sữa Hoàng Kim với giá mua cây giống ban đầu khoảng 200.000 đồng/cây. Bước đầu trồng thử nghiệm, anh Phong gặp lúng túng trong khâu chăm sóc.
Tìm hiểu kỹ hơn, anh biết được loại cây này khi trồng phải đắp mô cao, do ít sâu bệnh nên không cần sử dụng nhiều phân bón hóa học. Nhờ được chăm sóc tốt, phù hợp với thời tiết, thổ nhưỡng của vùng chuyên canh cây ăn quả Khánh Sơn nên sau 18 tháng, vú sữa Hoàng Kim của gia đình anh đã bắt đầu cho trái.
Theo anh Phong, mỗi năm, vú sữa Hoàng Kim cho thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 1 tháng. Quả vú sữa này ban đầu có màu xanh, khi chín ngả màu vàng tươi, càng chín trái càng vàng đều rất đẹp; đặc biệt khi chín có vỏ mỏng, vị ngọt nhẹ hơn so với vú sữa thường.
Mỗi cây có mùi thơm riêng, trung bình 3 đến 4 quả/kg, có quả nặng hơn 0,5kg. Do cây mới trồng, sản lượng chưa cao nên mỗi đợt thu hoạch gia đình anh thu được 600-700kg quả.
Hiện trên địa bàn các xã Sơn Bình, Sơn Hiệp và một số địa phương khác ở Khánh Sơn cũng có hộ trồng thử nghiệm loại cây ăn quả này nhưng số lượng hạn chế.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, giá vú sữa Hoàng Kim các nhà vườn ở các tỉnh thành phía Nam khoảng 60.000 - 90.000 đồng/kg tùy loại, trong khi giá loại trái cây này nhập khẩu hơn 200.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, tại Khánh Sơn, do đây là loại trái cây mới nên chưa có nhiều người tìm mua, giá bán ở mức 35.000 - 40.000 đồng/kg.
Theo ông Tạ Quốc Phong - Chủ tịch UBND xã Sơn Bình (huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa), xã có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp cho nhiều loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: 380ha sầu riêng; 70ha bưởi da xanh, 80ha quýt đường và nhiều diện tích măng cụt, chôm chôm...
Hiện một số hộ dân trên địa bàn xã Sơn Bình đang tiếp tục thử nghiệm các loại cây ăn quả mới, trong đó cây vú sữa Hoàng Kim đã cho thấy sự thích nghi tốt với điều kiện canh tác tại địa phương.
Với giá bán ở mức 35.000-40.000 đồng/kg như hiện nay, giá trị kinh tế loại cây này mang lại cũng ở mức cao.
Tuy nhiên, địa phương vẫn khuyến cáo người dân cần thận trọng khi quyết định đầu tư trồng loại cây này, bởi đây là loại cây ăn quả khá mới, việc tiêu thụ vẫn còn hạn chế, chưa có đầu ra ổn định; bảo quản, vận chuyển khó...
Nông dân Ninh Thuận âu lo vì nhổ cây mì lên toàn củ là củ, nhưng rớt giá Giá củ mì (sắn) giảm sâu từ sau tết Nhâm Dần- 2022 đến nay khiến nông dân trồng cây mì ở Ninh Thuận đứng ngồi không yên. Nhiều rẫy mì đã tới lứa thu hoạch nhưng nông dân vẫn không mặn mà nhổ bán và nán chờ hy vọng giá bán củ mì sẽ tăng... Củ mì rớt giá nông dân lao đao...