‘Trọn đời bên em’ đến ‘Người trong giang hồ’: Vì sao 20 năm vẫn hot?
Sau gần 20 năm kể từ “ Trọn đời bên em” 1 ra mắt, mô-típ làm phim ca nhạc với các yếu tố hài, hành động, tình cảm vẫn là công thức chung để các ca sĩ đến gần hơn với khán giả.
Không cần quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông, loạt phim ca nhạc như Người trong giang hồ hay Giải cứu tiểu thư vẫn có lượt xem trung bình hàng chục triệu view, trong đó có MV vượt mốc trăm triệu lượt xem mà bất cứ ngôi sao lớn nào cũng phải mong ước.
Có thể nói loạt sản phẩm này là “bình dân” thậm “nhảm” hay “rẻ tiền”, tuy nhiên không thể phủ định độ phủ sóng của nó đến nhiều đối tượng khán giả cũng như giúp chủ nhân của nó trở thành những tên tuổi khá nóng ở thị trường tỉnh.
Theo đạo diễn Mr. Tô, người đứng sau hai series phim ca nhạc đình đám này lý giải, công thức thành công của họ không nằm ngoài việc “đánh đúng đối tượng khán giả”. Dĩ nhiên, dân số Việt Nam phần lớn vẫn có gu thích thưởng thức các sản phẩm có nội dung dễ xem, dễ hiểu, có yếu tố hài hước pha lẫn hành động cùng sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng trong làng hài. Tất cả những điều này đều được đưa vào loạt phim ca nhạc hài nói trên vào tạo nên sức hút không thể chối cãi.
Phim ca nhạc hài bình dân: 10 năm vẫn chạy tốt
Nhắc đến phim ca nhạc – hài nổi đình đám không thể không nhắc đến bước đi tiên phong của Lý Hải với Trọn đời bên em. Trong 10 phần được phát hành liên tục từ năm 2001 – 2010, series này đã đã giúp đưa tên tuổi nam ca sĩ vào hàng những ngôi sao của thị trường âm nhạc Việt thời điểm đó. Thành công của Trọn đời bên em đến những năm sau này vẫn được nhiều khán giả, đặc biệt là thế hệ 8X, 9X nhắc đến, hay thậm chí là tìm xem để nhớ lại một thời tuổi thơ của mình.
Ngoài việc có đầy đủ các yếu tố hài hước, tình cảm lẫn hành động giật gân theo đúng mô típ phim Hong Kong, có thể nói Trọn đời bên em còn là sản phẩm hiếm hoi được đầu tư lớn từ kịch bản dài hơi đến các cảnh quay ngoại cảnh hấp dẫn người xem.
Trọn đời bên em làm nên tên tuổi của Lý Hải.
Song song, các phim ca nhạc của Đan Trường – Cẩm Ly đánh mạnh vào sở thích xem phim cổ trang của khán giả Việt Nam lúc bấy giờ cũng thắng rất đậm.
Sau khi Trọn đời bên em chính thức khép lại vào năm 2010, xu hướng làm phim ca nhạc có phần chững lại, nhường chỗ cho các MV ca nhạc có thời lượng trung bình 3 – 5 phút, tập trung khai thác yếu tố kỹ xảo, khai thác vũ đạo để thỏa mãn phần nhìn.
Đến năm 2014, Lâm Chấn Khang bắn phát pháo trở lại với Tân người trong giang hồ – Thời niên thiếu của Trần Hạo Nam phần 1. Cách đây 1 tháng, phần 5 của series này được ra mắt và nhanh chóng vượt mốc 40 triệu lượt xem, vượt xa nhiều MV của các tên tuổi đình đám khác dù ra mắt gần như cùng lúc. Ngoài ra, Lâm Chấn Khang còn có loạt phim ca nhạc khác như Cái xác không hồn, Giả vờ đau, Sóng gió truyền kiếp…
Người trong giang hồ 4 đến nay đã chạm mốc 100 triệu lượt xem.
Loạt phim ca nhạc đình đám thứ hai là Giải cứu tiểu thư của Hồ Việt Trung. Phát hành phần 1 vào năm 2015 và đều đặn cho ra đời các phần tiếp theo, đến nay đã có đến 4 phần đều nhận lượt view khủng. Trong đó, phần 1 đến nay đã có 100 triệu lượt xem, hai phần còn lại đều có trên dưới 40 triệu lượt xem.
Hòa chung xu hướng này, nhiều ca sĩ chọn hướng đi tương tự, có thể kể đến các phim ca nhạc khác như Hot boy hột vịt lộn của Phạm Trưởng, Tattoo Girl của HKT, Soái ca xoài lắc của Hồ Quốc Việt, Phía sau tờ đô la của Cao Tùng Anh… Đều không được PR rầm rộ trên mặt báo, truyền hình, nhưng những sản phẩm này vẫn có lượng người xem nhất định.
Vậy đâu là yếu tố làm nên thành công của những phim ca nhạc hài này?
Giải mã sức hút
Video đang HOT
Theo ca sĩ Lâm Chấn Khang, anh xác định đối tượng khán giả của mình là người lao động bình dân, độ tuổi từ thiếu nhi đến trung niên. Do đó, nội dung ngoài việc dễ xem, dễ hiểu còn phải có thêm các yếu tố gây hài, pha lẫn hành động, kỹ xão và tình cảm ngôn tình.
Đồng ý kiến, đạo diễn của 2 loạt phim đình đám nói trên thẳng thắn khẳng định thành công của các chuỗi phim ca nhạc này đều nhờ công của các lớp khán giả nói trên. Trong đó, nhiều em nhỏ nhất mực chỉ xem Người trong giang hồ mới chịu ăn cơm!
Theo khán giả T.H ở quận Tân Phú (TP.HCM), hai con nhỏ của chị 3 đến 5 tuổi luôn miệng lẩm bẩm theo các bài hát trong phim hay thậm chí diễn lại nhiều mảng miếng. Cũng nhờ những đối tượng “cày views” này mà lượt xem của các bộ phim tăng nhanh chóng mặt.
Còn về việc gây cười, Hồ Việt Trung tâm sự khi thực hiện phần 3, điều anh lo nghĩ nhiều nhất cũng chính là đảm bảo mang đến tiếng cười cho khán giả mà không rơi vào tình trạng nhảm nhí, câu khách đơn thuần.
Đạo diễn Mr. Tô đảm nhận các vai phụ trong Người trong giang hồ. Dù xuất hiện vài cảnh quay, nhưng anh chia sẻ được rất nhiều người nhận ra.
Theo đạo diễn Mr. Tô, các mảng miếng hài mà anh mang vào series Giải cứu tiểu thư hay Người trong giang hồ học hỏi nhiều từ các bộ phim Hong Kong, chủ yếu là phim Châu Tinh Trì, bởi theo anh, đó là “những chi tiết hài nhưng không nhảm, rẻ tiền mà rất văn minh”.
Đạo diễn trẻ này nói thêm: “Thị hiếu khán giả Việt Nam cần xem để giải trí, cần có yếu tố hài. Ngay cả phim điện ảnh cũng phải có các chi tiết gây cười mới giữ chân được người xem. Ví dụ như phim Người trong giang hồ, giang hồ của tôi là giang hồ vui, chứ không phải như phim Mỹ. Nếu làm nghiêm túc thì khán giả tìm xem phim Mỹ chứ”.
Ngoài ra, anh cũng khẳng định các sản phẩm mà mình thực hiện được đầu tư nghiêm túc, từ kịch bản đến sản xuất, dàn dựng kỹ xão. Do đó, không thể nói những bộ phim này là dễ dãi. Theo tiết lộ của ê-kíp, phim Người trong giang hồ phần 5 được đầu tư đến 700 triệu đồng, Giải cứu tiểu thư phần 3 tốn kém nửa tỷ đồng.
Quá trình thực hiện Giải cứu tiểu thư phần 3 tốn kém nửa tỷ đồng.
Ngoài các yếu tố nói trên, loạt phim này còn có cách “câu khác” khác như quy tụ dàn diễn viên hài hot trên thị trường hiện nay như vợ chồng Thu Trang – Tiến Luật, Hứa Minh Đạt – Lâm Vĩ Dạ, Võ Thành Tâm, Duy Khánh… Nhiều câu nói gây bão trên mạng xã hội được lồng ghép vào các tình huống cũng là cách lấy lòng đối tượng khán giả trẻ.
Như vậy, có thể nói sau gần 20 năm kể từ Trọn đời bên em 1 ra mắt, mô típ làm phim ca nhạc với các yếu tố hài, hành động, tình cảm vẫn là công thức chung để các ca sĩ bình dân đến gần hơn với khán giả.
Hỏi Lâm Chân Khang liệu có ý định về việc tấn công phân khúc thị trường của Đông Nhi, Noo Phước Thịnh bằng những sản phẩm “chính chuyên” hơn, anh từ chối khéo léo: “Ai cũng có thế mạnh và hướng đi riêng. Chưa chắc những người khác bước vào thị phần của tôi sẽ thành công và ngược lại. Hiện tôi đang đi đúng hướng của mình, vì sao phải chọn cách khác?”
Như vậy, có thể nói những tranh cãi giữa việc “nhảm hay không nhảm”, “bình dân hay không bình dân” vẫn là khía cạnh rất khó phân định. Bởi mỗi ca sĩ vẫn làm những gì họ thấy phù hợp và “câu khách”. Hơn nữa, có cung ắt phải có cầu, khán giả bình dân còn, chắc chắn thể loại phim ca nhạc vẫn sẽ tiếp tục hot như gần 20 năm qua.
Theo Zing
Quá khứ nhiều nước mắt của nam ca sĩ 'Giải cứu tiểu thư'
Trước khi nổi tiếng, Hồ Việt Trung từng có hơn 10 năm chịu nhiều vất vả lẫn tủi nhục từ việc làm tay chân cho đến bị bầu show chửi mắng.
Không ồn ào trên mặt báo, cũng không xuất hiện thường xuyên trên các sân khấu lớn, nhưng với tầng lớp khán giả bình dân, cái tên Hồ Việt Trung lại được nhớ đến không kém những ngôi sao lớn.
Nhiều người ví anh đi theo đúng con đường của Lý Hải khi chọn khai thác dòng nhạc dễ nghe, dễ thuộc. Ngoài ra, các sản phẩm của anh cũng kết hợp hiệu quả yếu tố hài hước với sự góp mặt của nhiều cây hài.
Thành công này được thể hiện rõ qua việc 3 phần của series Giải cứu tiểu thư đều sở hữu lượt xem hàng chục triệu lượt xem. Ngoài ra, những MV khác của anh cũng đều có lượng truy cập rất cao trên YouTube.
Tưởng chừng thành công của Hồ Việt Trung đến nhanh chóng và dễ dàng vì biết nắm bắt thời cơ, thực tế trước đó anh từng có 15 năm đi hát lót, thậm chí ngủ dưới gầm sân khấu, bị ông bầu xua đuổi. Nhắc lại những chuyện cũ, anh không giấu sự xúc động.
Hồ Việt Trung và Hồ Quang Hiếu trong Giải cứu tiểu thư phần 1. Sau 1 năm phát hành, phim ca nhạc này gần chạm mốc 80 triệu lượt xem. Ảnh: YouTube
Từng nấu ăn, rửa bát cho gia đình Quang Hà
Hồ Việt Trung sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật. Bà ngoại và mẹ là nghệ sĩ cải lương còn anh họ là cây hài Hứa Minh Đạt. Tuy nhiên, Hồ Việt Trung lại chọn hướng đi hoàn toàn khác là theo đuổi đam mê âm nhạc.
Theo nghề gần 15 năm, từ khi 16 tuổi, nhưng chỉ 3 năm trở lại đây, nam ca sĩ mới được khán giả biết đến và công nhận. Quãng thời gian trước đó, Hồ Việt Trung chia sẻ ngắn gọn: "Đó là những ngày trầy da tróc vẩy".
Anh chấp nhận làm mọi việc từ trợ lý trong phòng thu của Thanh Thảo, bấm đĩa cho Akira Phan, nấu ăn, rửa chén cho gia đình ca sĩ Quang Hà. Thậm chí, có lúc anh cùng Hồ Quang Hiếu đi hát lôtô tại các đoàn hội chợ ở tỉnh xa, đến tối lại cùng nhau lót chiếu, ngủ vật vờ dưới gầm sân khấu.
Có những lúc bị bầu show chửi mắng, xua đuổi đến mức phải bật khóc nhưng không dám lên tiếng. Tất cả chỉ để được có show và có cơ hội đứng trên sân khấu.
Một lần được bầu show gọi ra Đà Nẵng, anh mất gần một ngày đi bằng xe đò, ra đến nơi trình diễn 3 đêm rồi quay về. Sau chuyến đi đó, anh có trong tay một triệu đồng.
Không tránh khỏi cảm giác tủi thân khi phải làm những công việc mà nhiều người cho rằng không có tương lai, tuy nhiên, Hồ Việt Trung tin vào chữ duyên số. "Mỗi người sinh ra đều có số phận riêng. Trời cho nổi tiếng thì cuối cùng sẽ nổi, còn nếu không thì cố cách mấy cũng không được".
Trước khi nổi tiếng, anh từng trải qua nhiều nghề như bấm đĩa, giúp việc nhà. Ảnh: YouTube
Năm 2011, nhìn người bạn thân bất ngờ nổi lên với bài hit Không cảm xúc, Hồ Việt Trung mon men tìm cơ hội cho mình. Tuy nhiên thời điểm đó anh gần như không có chút vống liếng trong người. Sau khi suy nghĩ, anh làm liều gom góp hết số tiền dành dụm ít ỏi để chơi hụi.
Vài tháng sau khi diễn ở một tỉnh ở miền Bắc, Hồ Việt Trung còn đúng 200 nghìn đồng trong người. Anh kể lại, ngày đầu được ban tổ chức đưa đến một khu vực miền núi cách khu trung tâm 200 km rồi bỏ đi.
Một thân một mình, anh lang thang trong hội chợ rồi lại xuống gầm sân khấu để tự trang điểm, thay đồ chờ đến giờ lên hát. Chuyến đi đó anh "lỗ nặng' vì chỉ được trả cát-xê 400 nghìn đồng, ít hơn rất nhiều số tiền phải tự bỏ để mua vé máy bay.
"Khi tôi phản ứng, họ nói nếu được thì hát, không thì về. Tôi nghe vậy rất sốc, nhưng cũng đành chấp nhận vì nếu bỏ về càng thêm túng thiếu", anh kể.
Sau khi về lại Hà Nội với chưa đầy 500 nghìn đồng trong tay, anh được một người bạn là ca sĩ Châu Hải Phong giới thiệu với công ty nhạc chuông nhạc nhờ. Thuyết phục công ty với ca khúc do chính mình sáng tác Nhốt em vào tim, anh được giao số tiền lớn 20 triệu để quay MV.
Phần còn lại hơn 10 triệu để quảng bá trên truyền hình, anh nhanh chóng rút số tiền có được từ việc chơi hụi trước đó. Trời không phụ lòng người, MV đầu tay của Hồ Việt Trung thành công và được nhiều phản hồi tích cực.
Thành công của MV Nô lệ tình yêu giúp anh nổi tiếng. Ảnh: Youtube
Đến MV thứ 2 Nô lệ tình yêu được một người bạn hỗ trợ quay giá rẻ, anh dần nhận ra mình được khán giả bắt đầu chú ý. Anh tâm sự: "Thời điểm cách đây 4 -5 năm, bài nào chuẩn bị hit sẽ được các quán ăn, cà phê và các xe kẹo kéo mở rất nhiều. Lúc đó, do không có tiền nên tôi đi lại chủ yếu bằng xe bus. Nghe đài phát thanh mở ca khúc của mình, tôi nói đùa rằng mình đã nổi tiếng rồi".
Năm đó, anh lên Buôn Mê Thuột để diễn ngay dịp Tết Nguyên Đán nhưng bị đuổi về vì chương trình không bán đủ vé để biểu diễn. Buồn bã trở lại bến xe vào 4h sáng, một người đàn ông đến bắt chuyện rồi phán rằng: "Con sắp hết khổ rồi, chuẩn bị có tin lớn".
Nghe vậy, nam ca sĩ bỏ ngoài tai vì nghĩ người này nói đùa. Không ngờ khi về lại Sài Gòn, ca khúc Nô lệ tình yêu trúng lớn, được nhiều bầu show mời gọi. Từ đó, mọi thứ dần dễ dàng và trôi chảy.
"Tôi hiểu rõ chiêu trò showbiz"
Nhớ lại quá khứ, Hồ Việt Trung thẳng thắn chia sẻ gia đình anh không giàu, cũng không đến nỗi túng thiếu. Nhưng do anh có "chân đi" nên chọn "ôm đồ đi hát".
Gia đình biết cảnh con trai bươn chải nhưng không ai ý kiến vì biết anh chấp nhận với con đường đã chọn. Có lúc giật mình nhìn lại nhận ra bản thân còn "te tua" hơn trước, nhưng anh vẫn cứ đi chứ nhất quyết không bỏ cuộc.
Trải qua hơn 10 năm lặn ngụp, không định hướng, lầm lũi với nghề để kiếm vài trăm nghìn, chịu nhiều lời chửi bới, chê bai của bầu show, nhưng giọng ca Giải cứu tiểu thư vẫn cho mình là may mắn vì cuối cùng cũng có thành quả, trong khi nhiều anh em khác vẫn còn chật vật với nghề.
Bên cạnh đó, Hồ Việt Trung còn tích góp được cho chính mình những kinh nghiệm đối phó với mọi áp lức, khó khăn và thậm chí là cả những chiêu trò trong showbiz Việt. Thời gian đầu, cát- xê của anh từ mức vài trăm nghìn đồng tăng lên mức 5 triệu. Nhưng anh từ chối và ra giá 10 triệu.
Bầu show phản ứng mạnh, chê trách Hồ Việt Trung không biết điều. Dù vậy, anh không quan tâm mà giữ vững quyết định. Vài tháng sau, bầu show gọi để thương thảo và cuối cùng chấp nhận với giá 12 triệu đồng.
Anh nói: "Mười mấy năm đi với những ca sĩ đàn anh, tôi học được cách giữ giá cũng như giao tiếp với bầu show. Trong nghề, không có những kinh nghiệm này rất dễ bị thiệt thòi với họ".
Nghệ sĩ Hứa Minh Đạt là người có nhiều ảnh hưởng đến cách sống của giọng ca Giải cứu tiểu thư. Ảnh: NVCC
Hiện tại, anh hài lòng vì ít nhiều có chút thành công, được khán giả nhớ đến với thương hiệu Giải cứu tiểu thư. Cũng vì trải qua nhiều khổ cực, nam ca sĩ hiểu rõ giá trị của đồng tiền.
Thay vì vui chơi ở các quán bar, anh chọn thú vui câu cá. Anh còn tự hào chia sẻ, chưa đầy 3 năm nổi tiếng, Hồ Việt Trung đã mua được một căn nhà và xế hộp của riêng mình.
Nhắc về hiện tại, anh suy ngẫm rồi chia sẻ: "Có lẽ tôi được đức cha mẹ để lại cũng như cách sống không lừa gạt, lợi dụng ai nên được tình cảm của nhiều người".
Theo Zing