“Trốn” cụm công nghiệp
Ngoài xả khí thải hôi thối, nhiều hiện tượng bất thường như đất sụt, tường nứt, đồ kim loại gỉ sét… khiến người dân ngụ cạnh cụm công nghiệp Phong Phú, quận 9 – TPHCM hết sức lo ngại
Cơ quan chức năng nhận định các hiện tượng nêu trên liên quan đến hoạt động của cụm công nghiệp (CCN) Phong Phú, nằm ở phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9 – TPHCM, do Tổng Công ty Phong Phú làm chủ đầu tư. CCN này có 5 doanh nghiệp đang hoạt động.
Bức xúc đến bật khóc
Đến khu phố 3 (KP3), phường Tăng Nhơn Phú B, mùi thối ghê người cứ xộc vào mũi khiến chúng tôi buồn nôn. Bà Võ Thị Em, ngụ KP3, bức xúc đến bật khóc: “Hai năm nay, chúng tôi kiến nghị hoài mà không ai giải quyết. Tôi đành rao bán nhà nhưng người ta tới xem, chỉ ngửi mùi hôi thối đã bỏ chạy”. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, cũng ngụ KP3, cho biết các công ty còn thường xả khói đen ngòm, mùi hăng hắc gây khó thở, ngứa cổ, ho khan…
Bà Nguyễn Thị Vàng, tổ trưởng tổ 6A – KP3, xác nhận nhiều hộ trong tổ mắc các bệnh về hô hấp, nhất là trẻ em. Nhà bà Vàng nằm sát hệ thống xử lý nước thải của Công ty Coast Phong Phú, bọt nước từ đó bắn vào người thấy nhớt và ngứa; trong vườn, nước cứ rỉ lên mặt đất và bốc mùi hôi thối. Theo bà Vàng, chịu không nổi mùi hôi thối, nhiều người phải bán nhà. Cũng có vài người tới mua nhưng ở chẳng bao lâu lại tiếp tục rao bán nhà vì chịu không thấu!
Đang đưa con đi “trốn” ở nhà người quen, gặp chúng tôi, anh Hoàng Quốc Việt lo lắng: “Từ khi sinh ra, cháu phải sang ở nhờ nhà cậu, 10 tháng mới về nhà cha mẹ. Giờ thấy cháu hay ho lại không tăng ký nên tôi tiếp tục đưa sang đó”.
Nhiều vật dụng bằng kim loại của các hộ dân bị xỉn đen, hoen gỉ
Video đang HOT
Bà Trịnh Thị Kiều Thanh, tổ trưởng tổ 4 – KP3, cho biết khi trời mưa, nước thấm từ tường rào CCN chảy ra gây ngập một số hộ dân. Cuối năm 2011, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường – Bộ Công an đã đến khảo sát khu dân cư quanh CCN và ghi nhận cuối hẻm 267, gần hệ thống xử lý nước thải của Công ty Coast Phong Phú, có vệt nước từ trong tường rào CCN ngấm ra. Cuối hẻm 263, gần lò hơi của công ty này, đất sụt lún và nền nhà nứt chưa rõ nguyên nhân.
Khảo sát nhiều hộ dân, chúng tôi ghi nhận hiện tượng đáng lo ngại là những vật dụng bằng kim loại đều xỉn đen hoặc hoen gỉ. Hầu hết các hộ phải thay mái tôn vì bị ăn mòn. Tình trạng này đã kéo dài hơn 2 năm. Theo đại diện UBND phường Tăng Nhơn Phú B, Trường THCS Tăng Nhơn Phú B cũng nhiều lần phản ánh về mùi hôi thối từ CCN Phong Phú ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh.
Nhuộm cả nước ngầm?
Ông Ngô Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận 9, cho biết người dân đã nhiều lần phản ánh về tình trạng ô nhiễm quanh CCN Phong Phú nhưng quận không có chức năng kiểm tra, xử lý. “Tôi đã đề nghị địa phương rà soát lại vụ việc để chuyển Sở Tài nguyên – Môi trường TP xử lý” – ông Tuấn nói. Trong khi đó, đại diện Sở Tài nguyên – Môi trường TP cho biết đã kiểm tra định kỳ nhưng không nhận được phản ánh về tình trạng ô nhiễm ở khu vực lân cận CCN này.
Theo ông Nguyễn Duy Đài, Trưởng Ban CCN Phong Phú, tổng công ty chỉ làm dịch vụ cho các doanh nghiệp chứ không quản lý về mặt môi trường. Tổng công ty giao công ty dệt gia dụng chịu trách nhiệm xử lý nước thải, khí thải cho cả Công ty CP Dệt vải và Công ty TNHH Sợi chỉ may Phong Phú, 2 đơn vị còn lại có hệ thống xử lý nước thải riêng (hiện Công ty TNHH Saitex International Việt Nam đã chuyển khỏi CCN). Nước thải sau xử lý từ 3 đơn vị này sẽ về hố thu gom tập trung của CCN chảy ra rạch Vàm Xuồng rồi đổ ra sông Đồng Nai.
Mới đây, ngày 17-8, tiếp tục làm việc với CCN Phong Phú, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường nhận định so với lần kiểm tra trước, mùi hôi vẫn chưa được cải thiện; đồng thời đề nghị các công ty nhanh chóng xác định nguyên nhân và khắc phục triệt để trong tháng 9.
Cục đã lấy mẫu nước thải, khí thải phân tích để có hướng xử lý. Tại buổi làm việc này, đại diện phường Tăng Nhơn Phú B cho hay nước thải sau xử lý của CCN xả ra rạch Vàm Xuồng có màu đen, xanh, hồng và bốc mùi thối; nước giếng của các hộ dân dọc rạch cũng có màu xanh, vàng.
Từng bị xử phạt
Năm 2010, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường từng phát hiện Công ty TNHH Saitex International Việt Nam xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường. Tháng 4-2012, cục tiếp tục xử phạt hành chính Công ty Dệt gia dụng và Công ty Coast Phong Phú với số tiền lần lượt là 90 triệu và 95 triệu đồng vì vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Theo NLD
Hào Dương thách thức pháp luật
Đây là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực thuộc da tại TPHCM liên tiếp vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường nhưng cách xử lý của cơ quan chức năng chưa đủ sức răn đe
Trong văn bản "cầu cứu" các cơ quan chức năng giữa năm 2012, Công ty CP KCN Hiệp Phước (HIPC - đơn vị đầu tư hạ tầng KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè - TPHCM) cho biết dù đã nhiều lần kiểm tra nhắc nhở nhưng Công ty CP Thuộc da Hào Dương (Công ty Hào Dương) vẫn thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý và hóa chất nhuộm da vào hệ thống thoát nước mưa, chảy ra sông Đồng Điền.
Nước thải ngành thuộc da được đánh giá là cực kỳ độc hại. Bất chấp điều này, Công ty Hào Dương vẫn ung dung
"đầu độc" sông Đồng Điền. Ảnh: THU SƯƠNG
Ngang nhiên vi phạm
Đây không phải là lần đầu tiên vì năm 2007, HIPC kiểm tra và phát hiện Công ty Hào Dương bơm nước thải và xả bùn của hệ thống xử lý nước thải ra sông Đồng Điền nên đã tạm ngưng cung cấp nước cho công ty. Không chịu thua, Công ty Hào Dương đã thuê sà lan vận chuyển nước từ nơi khác đến để sản xuất và tiếp tục xả thải. HIPC tiếp tục ngưng cung cấp điện thì Công ty Hào Dương tự trang bị máy phát điện để sản xuất. Năm 2008, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Công an TPHCM bắt quả tang Hào Dương xả nước thải vượt hàng trăm lần tiêu chuẩn cho phép ra sông Đồng Điền. Đến năm 2009, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) lại phát hiện Hào Dương xả thải ra môi trường nên đã chuyển hồ sơ về Sở TN-MT TPHCM xử phạt. Trong quá trình chờ quyết định xử phạt, công ty này vẫn liên tục gây ô nhiễm. Liên tiếp từ đó đến nay, năm nào các cơ quan chức năng cũng kiểm tra phát hiện Công ty Hào Dương xả thẳng nước thải ra môi trường bằng hình thức này hay hình thức khác, thế nhưng, biện pháp xử lý cao nhất cũng chỉ là phạt hành chính với số tiền vài trăm triệu đồng! Hình phạt cao nhất đã được các cơ quan liên quan đề xuất là đình chỉ hoạt động, rút phép nhưng đều không thực hiện được vì... vướng Luật Đầu tư và chính pháp luật về môi trường: Nghị định 117 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Sai phạm của Công ty Hào Dương không chỉ làm đau đầu các cơ quan quản lý mà ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân huyện Nhà Bè. Mùi hôi tra tấn, mưu sinh trên sông Đồng Điền bị ảnh hưởng. Mỗi khi nhắc đến Công ty Hào Dương, người dân lại ngao ngán truyền nhau câu vè "Vedan nào ở đâu xa; Hào Dương ta đó chính là Vedan!". Nhưng Vedan (Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam) đã bị xử lý thích đáng và có thiện chí khắc phục, còn Hào Dương thì vẫn nhởn nhơ sai phạm, thách thức pháp luật.
Lực bất tòng tâm!
Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Ban Quản lý các KCX-KCN TPHCM (Hepza), cho biết tiến hành kiểm tra hoạt động của Công ty Hào Dương tại lô A18 KCN Hiệp Phước còn phát hiện bất thường lớn giữa lượng nước cấp sản xuất và nước thải. Cụ thể, Hào Dương tiếp nhận lượng nước cấp trung bình từ KCN Hiệp Phước là 23.661 m3/tháng, ngoài ra còn được Sở TN-MT cấp phép khai thác nước sông với lưu lượng 1.000 m3/ngày (tương đương 30.000 m3/tháng). Tuy nhiên, lượng nước thải Hào Dương đưa về nhà máy xử lý tập trung của KCN chỉ 14.325 m3/tháng. Sự chênh lệch giữa lượng nước cấp và nước thải rất lớn, vậy lượng nước còn lại đổ đi đâu? Ngoài ra, Hào Dương còn hợp tác sản xuất với Công ty CP Thuộc da Sài Gòn tại lô C4 KCN Hiệp Phước. Hệ thống xử lý nước thải tại lô này đang xuống cấp trầm trọng. Trong quá trình sản xuất, Hào Dương cũng cho nước thải chảy ra hệ thống thoát nước mưa của KCN Hiệp Phước. Hepza đã yêu cầu công ty này ngưng sản xuất tại lô C4 từ cuối tháng 6-2012.
Bà Hạnh khẳng định Hepza đã làm đầy đủ các biện pháp và chức trách đối với những sai phạm của Hào Dương. "Hepza không chấp nhận những doanh nghiệp liên tiếp sai phạm, chúng tôi muốn xử phạt thật nặng và có thể đình chỉ hoạt động để làm gương cho các doanh nghiệp khác. Thậm chí trong buổi làm việc gần đây, tôi đã đề nghị HĐND TP công khai cách thức xử lý những trường hợp như thế nhưng Hepza không có thẩm quyền xử phạt hay đình chỉ. Hepza đã báo cáo với UBND TP về sai phạm của Công ty Hào Dương tại lô A18 và chờ chỉ đạo, đồng thời chuyển hồ sơ sai phạm tại lô C4 sang Công an TP và cũng đang chờ kết quả" - đại diện Hepza bức xúc.
Mới đây, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cũng đã kiểm tra và lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu môi trường của Công ty Hào Dương. Đại tá Lương Minh Thảo, Cục phó C49, cho biết sẽ xử lý vụ việc thích đáng khi có kết quả phân tích.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường TPHCM, Công ty Hào Dương vẫn còn nợ 640 triệu đồng phí bảo vệ môi trường đối với nước thải truy thu các năm 2008, 2009.
Theo NLD
Xả thẳng nước thải ra kênh Rạng sáng 17-7, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường Công an TP.HCM (PC49) phát hiện cơ sở giết mổ gia súc do bà Nguyễn Hồng Thắm làm chủ (địa chỉ quốc lộ 22, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) dù có hệ thống xử lý nước thải nhưng vẫn xả thẳng nước thải ra kênh rạch....