Công ty thủy sản xả thải trực tiếp ra môi trường
Đoàn thanh tra Bộ TN&MT đã tiến hành kiểm tra đột xuất Công ty CP XNK thủy sản Thanh Hóa, đóng tại KCN Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa và phát hiện đơn vị này xả nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống thoát nước mưa của Khu công nghiệp.
Vào khoảng 16h30 ngày 14/6/2012, Đoàn thanh tra Bộ TN&MT đã tiến hành lấy mẫu đột xuất đối với Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (Công ty). Đoàn thanh tra đã phát hiện nước thải tại cống xả nước thải của Công ty xả vào hệ thống thoát nước mưa của Khu công nghiệp (KCN) Lễ Môn, nước đục, có nổi váng và cặn lơ lửng trong quá trình chế biến cá.
Qua kiểm tra thực tế tại Phân xưởng sản xuất cá Đổng kéo, khu vực xuất phụ phẩm có 01 xe chở phụ phẩm cá đang nhận hàng, nước thải phát sinh từ khu vực này được xả trực tiếp ra cống thoát nước mưa không qua xử lý với lưu lượng khoảng 70m3/ngày đêm (tại thời điểm 16h30 ngày 14/6/2012), nước có mùi tanh, đục màu sữa.
Nước thải từ Phân xưởng sản xuất cá Đổng kéo, khu vực xuất phụ phẩm được xả trực tiếp ra cống thoát nước mưa.
Liền kề bên cạnh hệ thống thu gom nước mưa, có hệ thống thu gom nước thải của phân xưởng về hệ thống xử lý nước thải của Công ty có kích thước rộng khoảng 30 cm, có nắp đậy kín bằng bê tông. Tuy nhiên, hệ thống này có dấu hiệu bị tắc từ lâu, trong chứa đầy rác, vảy cá và dòi bọ, nước thải từ phân xưởng có ống nối vào các hố ga thu gom nước thải, do bị tắc nên nước thải từ các hố ga tràn ra hệ thống thoát nước mưa khu vực xuất phụ phẩm. Đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 2 mẫu nước thải.
Ngay sau đó, Đoàn đã yêu cầu Công ty đình chỉ ngay hành vi xả nước thải không qua xử lý ra cống thoát nước mưa của KCN. Nghiêm cấm xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường dưới mọi hình thức. Tiến hành khơi thông và cải tạo hệ thống thu gom nước thải sản xuất, đảm bảo thu gom triệt để nước thải qua hệ thống xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường.
Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, rãnh thu gom nước thải về hệ thống xử lý nước thải của Công ty được bịt kín, khi Đoàn thanh tra yêu cầu thì công ty mới đục để khơi thông cho nước thải chảy vào cống nối về hệ thống xử lý nước thải của Công ty. Hơn nữa, bên cạnh đó, lại có rãnh nước thải chảy thẳng vào hệ thống rãnh thoát nước mưa của KCN.
Video đang HOT
Ông Lê Qúy Việt – Chủ tịch Hội đồng quản trị và bà Trịnh Thị Cúc – Giám đốc Công ty cho biết, tại thời điểm kiểm tra, hệ thống thu gom nước thải bị tắc nên nước thải từ hệ thống thu gom tràn ra cống thoát nước mưa (?). Phần nước thải tràn ra cống thoát nước mưa tại khu vực xuất phụ phẩm là do tại thời điểm kiểm tra công nhân đang làm vệ sinh công nghiệp để kết thúc ca sản xuất.
Một số hình ảnh về nước thải và hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP XNK thủy sản Thanh Hóa tại thời điểm Đoàn thanh tra Bộ TN-MT kiểm tra:
Nguồn nước thải có mùi tanh, đục màu sữa.
Ông Lê Qúy Việt – Chủ tịch HĐQT và bà Trịnh Thị Cúc – GĐ Công ty CP XNK thủy sản Thanh Hóa kiểm đọc biên bản.
Theo Dân Trí
Sonadezi lại xả nước "lạ"
Từ hồ sinh thái của Công ty Sonadezi ào ạt tuôn ra một thứ nước đen ngòm, nhiều cặn lờ nhờ, tạo thành một vệt dài in rõ trên mặt nước rạch Bà Chèo
Ba ngày qua, tại UBND xã Tam An, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, trong khi hàng trăm người dân đang tập trung để kê khai thiệt hại làm cơ sở đòi Công ty Cổ phần Sonadezi Long Thành (gọi tắt là Công ty Sonadezi, thuộc Tổng Công ty Sonadezi) bồi thường vì gây ô nhiễm thì cách đó vài trăm mét, cống xả thải của đơn vị này lại tuồn ra thứ nước "lạ".
Ngày 13-6, nước thải từ hồ sinh thái của Công ty Sonadezi vẫn ào ạt tuôn ra đen ngòm
Chớm mừng đã vội lo
Theo nội dung biên bản lập tại hiện trường của UBND xã Tam An, sáng 12-6, người dân địa phương đi làm sớm bất ngờ phát hiện dòng nước trên rạch Bà Chèo, chảy ra từ hồ sinh thái của nhà máy Công ty Sonadezi, có màu đen bất thường, họ liền báo cho chính quyền địa phương. Sau đó, đại diện công an xã, cán bộ môi trường cùng người dân đã lập biên bản ghi lại hiện trường vụ việc, đồng thời lấy mẫu nước tại miệng cống về lưu giữ tại UBND xã để làm bằng chứng. Có mặt tại hiện trường ngày 13-6, chúng tôi ghi nhận đúng như phản ánh của người dân, giữa cánh đồng vắng vẻ, van xả thải từ hồ sinh thái của Công ty Sonadezi ào ạt tuôn ra thứ nước đen ngòm, tạo thành một vệt dài in rõ trên mặt nước rạch Bà Chèo, vốn đang dần trong xanh trở lại. Thứ nước bất thường này có màu đen tím, nhiều cặn lờ nhờ, tuy nhiên không có mùi hôi.
Người dân xã Tam An tỏ ra bức xúc. Một số người cho rằng Công ty Sonadezi không hề có thiện chí khắc phục ô nhiễm môi trường mà những động thái của đơn vị này chỉ nhằm để "đối phó". Cần nhớ rằng cách đây không lâu, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai có thông cáo báo chí khẳng định Công ty Sonadezi đã khắc phục xong tình trạng gây ô nhiễm.
Ông Hà Kiều Anh, trưởng ấp 2, xã Tam An, bức xúc: Không thể tin nổi nếu nhà máy này lại tiếp tục xả thải gây ô nhiễm, nếu như vậy thì họ quá xem thường người dân. Ông Lê Văn Mãi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam An, lo lắng: "Trong khi người dân chớm mừng vì dòng nước trên rạch Bà Chèo đang dần xanh trở lại thì dấu hiệu bất thường này đang khiến bà con thêm bức xúc".
Cần xét nghiệm mẫu nước
Trong khi đó, ông Võ Văn Luật, Chủ tịch UBND xã Tam An, cho rằng việc rạch Bà Chèo có dấu hiệu ô nhiễm trở lại thật đáng buồn, tuy nhiên "chưa thể khẳng định cụ thể vụ việc". Trước thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, nhận định: "Nước thải có màu thật bất thường, tuy nhiên đạt chuẩn hay không cần phải chờ xét nghiệm".
Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi phát hiện sự việc, các đơn vị chức năng liên quan của huyện Long Thành đã lấy mẫu nước "lạ" để làm rõ vụ việc. Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai cũng đã cho thu thập mẫu nước này. Ngoài ra, theo UBND xã Tam An, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an cũng đã yêu cầu địa phương lưu giữ mẫu nước để có thể điều tra làm rõ.
Cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công ty Sonadezi để tìm hiểu thêm nguyên nhân của sự việc "bất thường" này nhưng không nhận được câu trả lời. Còn ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho biết ông chưa nhận được thông tin về sự việc. "Tuy nhiên, chúng tôi sẽ nhanh chóng cho thu thập thông tin để làm rõ"- ông Chánh nói.
Nhiều đơn của người dân bị loại
Ngày 13-6, tại UBND xã Tam An, nhiều bà con nông dân vẫn kiên trì để được hướng dẫn kê khai thiệt hại nhằm có cơ sở yêu cầu Công ty Sonadezi bồi thường. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo điều tra, xác minh ô nhiễm huyện Long Thành, sau 3 ngày sàng lọc, hiện chưa thống kê cụ thể nhưng đã có khoảng 50 đơn của người dân đòi bồi thường bị loại do nằm ngoài phạm vi xác định ô nhiễm mà Viện Môi trường - Tài nguyên đã có kết quả khảo sát. Trước đó, tổng cộng có 271 đơn của các hộ nông dân 2 xã Tam An và Tam Phước đòi Công ty Sonadezi bồi thường.
Cũng theo Ban Chỉ đạo điều tra, xác minh ô nhiễm huyện Long Thành, trong đợt hướng dẫn kê khai thiệt hại này, mỗi ngày đơn vị chức năng hướng dẫn xử lý đơn của khoảng 50 hộ dân, dự kiến hết tuần này sẽ có kết quả cuối cùng.
Theo NLD
Phát hiện 6 cơ sở vi phạm về môi trường tại Đồng Tháp Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an tỉnh Đồng Tháp đã phối hợp cùng ngành chức năng và lực lượng Công an cơ sở kiểm tra, phát hiện 5 cơ sở gia công sản xuất bong bóng và bao tử cá trên địa bàn Lai Vung, thị xã Sa Đéc, Châu Thành và Lấp Vò (Đồng Tháp)....