Trộm xương, xin tiền… ở cõi người chết Yên Kỳ
Ở nghĩa trang Yên Kỳ (Ba Vì, Hà Nội), đằng sau những nấm mộ lạnh lẽo, khói hương nghi ngút đã và đang tồn tại một thế giới ngầm với những trò làm tiền rất “dị”.
Vụ ăn trộm hy hữu
Việc làm mới cho những ngôi mộ đem lại một thu nhập không nhỏ cho một số người.
Tờ mờ sáng ngày 24/3, con cháu nhà họ Phạm Đình ở Lương Tài, Bắc Ninh đã tề tựu đông đủ tại nghĩa trang. Hôm nay là ngày sang cát cho cụ Phạm Đình T – người trưởng tộc đã mất cách đây 4 năm. Có người trông thấy mảnh giấy cắm trên nấm mộ phơi sương. Nhặt lên giở ra đọc thì ai nấy đều thất kinh.
Video đang HOT
Mảnh giấy ghi: “Đầu lâu ông của các vị chúng tôi đang giữ. Muốn lấy lại để cải táng phải chuộc 50 triệu đồng. Chuẩn bị tiền đi chúng tôi sẽ gọi điện thông báo địa điểm, thời gian”. Mấy người đàn ông vội nhảy xuống huyệt mộ kiểm tra thì chiếc đầu cụ đã không cánh mà bay.
Một cuộc họp gia đình được triển khai ngay ở hiện trường. Đây là vụ tống tiền xưa nay chưa từng xảy ra, đối tượng chắc chắn là người địa phương và có khả năng nghiện ngập cần tiền hút chích. Một người nhà bí mật đi báo công an.
Khoảng một tiếng sau anh Phạm Đình Hoàng, cháu nội cụ, nhận được một cú điện thoại của người lạ mặt. Hắn dọa dẫm và đề nghị gia đình nhanh chóng chuẩn bị tiền, nếu không sẽ vứt sọ cụ T. xuống sông cho mất tăm.
Anh Hoàng năn nỉ: “Gia đình chúng tôi xin các anh, chúng tôi không có nhiều tiền đến vậy chỉ có 10 triệu thôi. Mong các anh cho chuộc lại…”. Cuộc thương lượng kéo dài 30 phút và kẻ đánh cắp đồng ý ở mức tiền chuộc là 21 triệu đồng, địa điểm “giao hàng” là sau nghĩa trang liệt sĩ xã…
Hai đối tượng nghiện ngập nghĩ ra trò ăn cắp xương đầu cụ T đòi tiền chuộc đã bị bắt quả tang. Nhưng sau chuyện này ở các vùng như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình… khi cải táng đã phải tổ chức cắt cử người canh giữ, trông coi mộ.
Thế giới ngầm sau bia mộ
Khi đem chuyện lạ này kể cho một người bạn. Anh cười ngất: “Không chỉ có chuyện đó đâu. Ông cứ la cà quanh mấy nghĩa trang còn khối chuyện hay. Thời nay kiếm tiền dễ nhất là kiếm tiền của người chết vì người sống mấy ai dám mặc cả”.
Đang lơ ngơ chưa biết bước vào đâu thì bị một đám khoảng gần 10 người bu vào giằng xe, người kéo áo, kẻ kéo túi, miệng thì nhao nhao: “Anh ơi, để em quét vôi, lau chùi mộ cho”, “chú tìm mộ ai tôi tìm giúp nhé”… Tôi phải giãy mãi mới thoát khỏi đám đông và chui vào quán nước ngay giữa nghĩa trang để nghỉ.
Gửi chiếc xe cho bà hàng nước tôi bước vào khu Đ1. Ngay lập tức hàng chục người vây quanh. Tôi bảo: “Em đi viếng mộ người nhà, tranh thủ qua đây tìm hộ thằng bạn mộ bà nội nó thất lạc từ năm 1982 tên là Lê Thị Thơm”. Vừa nghe xong, đám đông lập tức tỏa ra trèo lên nóc các ngôi mộ, nhảy choi choi để bắt đầu tìm kiếm.
Một người phụ nữ đi viếng mộ lại gần tôi nói nhỏ: “Chú không mặc cả trước tí nữa tìm xong nó đè ra đòi 300 – 400.000 đồng đấy. Tôi vừa bị chúng nó nặn mất 400.000 đồng xong!”. Tôi cảm ơn người phụ nữ tốt bụng rồi cười thầm vì đấy chỉ là tên giả tôi phịa ra.
Thế nhưng mà tôi nhầm. Khoảng hơn 1 tiếng sau, đám “thám tử nghĩa trang kia quay lại và bảo không tìm thấy một nào tên như thế. Một người đàn ông dáng vẻ bặm trợn đứng ra bảo: “Anh cho xin 200.000 đồng tiền công anh em đi tìm. Tuy không thấy nhưng cũng mất công. Nếu ông anh muốn tìm thì bọn này sẽ vào giở sổ ở nghĩa trang tra hộ cho. Ông anh phải chi phong bì đấy”. Tôi đành ngậm đắng nuốt cay móc ví trả tiền.
Thoát khỏi đám loi choi tìm mộ,tôi tiếp tục bị một đám 4 người đeo bám nài nỉ được lau rửa mộ, tô lại chữ, trồng hoa lên mộ… Mỗi “hạng mục” được các họ hét giá 200.000 đồng.
Khi tôi tỏ ý chê đắt tự muốn nhổ cỏ thắp hương, có gã đàn ông đội mũ cối,ngồi vắt chéo chân lên ngôi mộ bên cạnh châm một điếu thuốc bảo: “Ông anh “ngõ gạch” nhỉ? Có mấy đồng mà cũng tiếc. Mộ nhà ông anh đẹp nhỉ? Có muốn sang năm lên còn nhận được mộ nữa hay thôi đây!”.
Đem những chuyện bức xúc đó trao đổi với ông Phùng Văn Vinh, Trưởng ban Quản lý nghĩa trang Yên Kỳ, ông nói: “Chúng tôi cũng bức xúc lắm! Quả thực là chúng tôi cũng biết những chuyện đó và cũng có những biện pháp ngăn chặn như phối hợp với công an khu vực.
Nhưng vì nghĩa trang rộng như thế lại không có tường rào, bốn phía là dân cư sinh sống, ai thích vào thì vào, thích ra thì ra, trong khi chỉ có 16 người trong tổ quản trang, nên quản không xuể.
Theo ông Vinh chỉ khi nào xây hết được tường rào nghĩ trang thì mới có thể quản nghĩa trang tốt hơn và cũng chỉ khi đó những bức xúc của người dân lên thăm mộ mới được giải tỏa.
Theo Petrotimes