Trời lạnh, qua quận 4 ăn cháo lươn
Trong những ngày Sài Gòn đang se se lạnh, có một bát cháo bốc khói tỏa mùi thơm nức sẽ thật hấp dẫn và quyến rũ.
Nằm trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), quán cháo lươn ở đây dường như đông khách hơn trong tiết trời mùa đông, nhất là vào buổi chiều tối. Từng nhóm năm ba người quây quần bên nhau, vừa nói cười rôm rả, vừa thưởng thức bát cháo lươn nóng hổi, ngon miệng.
Có nguồn gốc từ xứ Nghệ, cháo lươn là một món ăn lành tính được nhiều người ưa thích. Điều đó thể hiện qua sự phổ biến của món ăn này, không chỉ có ở Nghệ An, cháo lươn có mặt hầu như ở các tỉnh thành khắp cả nước. Nấu cháo lươn không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người đầu bếp. Lươn được chà thật sạch cho hết nhớt, để tránh vị tanh của lươn, người ta sử dụng một thanh cật tre để mổ bụng lươn chứ không dùng dao.
Bát cháo lươn hấp dẫn với màu vàng của nghệ, màu xanh của các loại rau…
Lươn sau khi làm sạch được luộc chín, lóc bỏ xương. Làm nóng chảo dầu lên bếp, cho lươn vào xào với nghệ, một tí ớt bột, tiêu… xào đến khi thịt lươn hơi săn lại, thấm đậm vị thơm cay của ớt, tiêu, óng ánh sắc vàng của nghệ là được. Phần xương được giã nát, lọc trong nước luộc lấy vị ngọt để ninh cháo. Chọn loại gạo ngon, vo sạch cho vào nồi nước luộc và ninh nhừ với đậu xanh. Cháo được ninh thật kỹ để hạt gạo nở bung, nồi cháo không đặc cũng không quá loãng. Khi cháo chín, nêm gia vị vừa ăn là được.
Thịt lươn được lóc xương, xào qua với nghệ nên có màu vàng rất đẹp mắt.
Múc cháo vào bát, cho vào một ít thịt lươn, rắc lên ít hành lá, rau răm thái nhỏ rồi mang ra cho thực khách. Ngoài ra, khi ăn cháo lươn ở đây, chủ quán còn mang ra thêm một đĩa rau gồm tía tô thái nhỏ và thì là. Chính hai loại rau này làm tăng thêm hương vị thơm ngon cho món ăn giản dị. Trong cái khí trời se se lạnh của mùa đông Sài Gòn, được thưởng thức miếng thịt lươn mềm ngọt hòa trong cái vị đậm đà thơm ngon cùa bát cháo nóng hổi thì không còn gì bằng.
Ăn cháo lươn ở đây còn có rau tía tô và thì là. Chính hương thơm của các loại rau này làm tăng nên hương vị cho món ăn.
Tuy không bằng món cháo lươn truyền thống ở Nghệ An, nhưng cháo lươn ở đây vẫn mang hương vị đậm đà, đem đến sự ngon miệng cho người ăn. Nếu muốn thưởng thức món ăn ngon miệng này, bạn có thể ghé đến địa chỉ: 448 Nguyễn Tất Thành, phường 18, quận 4, TP HCM. Quán bán từ 6h30 đến 13h và từ 16h đến 22h hàng ngày. Mỗi bát cháo lươn ở đây có giá 30.000 đồng.
Video đang HOT
Huấn Phan
Theo ngôi sao
[Chế biến] - Cháo lươn
Khi thời tiết của mùa thu dần chuyển sang se lạnh, hãy cùng cả nhà quây quần bên nồi cháo nóng hổi, bổ dưỡng, với thịt lươn ngọt và đỗ xanh ngọt mát.
Nguyên liệu:
- 300g lươn
- 1/4 bát con gạo tẻ
- 1 nhúm đỗ xanh đã sát vỏ
- Nửa thìa nhỏ bột nghệ
- Hành khô, muối, hạt nêm, rau răm, hành hoa, rau mùi và tiêu
- Ớt bột và dấm.
Cách làm:
Bước 1:
- Lươn làm sạch, moi bỏ ruột, cho lươn ra rổ, thêm muối, dấm vào, dùng tay chà mạnh để lươn ra hết chất nhớt cho thật sạch, cắt thành từng khúc ngắn vừa ăn, để lươn lên rổ cho ráo nước.
Bước 2:
- Lọc lấy phần thịt lươn, phần xương bạn đem đun với nước lọc khoảng 30 sau đó lọc phần xương bỏ đi, giữ lấy phần nước để nấu cùng với cháo. Ướp vào bát lươn một thìa nhỏ muối, bột nghệ, hành khô, ớt bột trong vòng 30 phút.
- Đun nóng hai thìa nhỏ dầu ăn, phi hành khô thơm, cho lươn vào xào chín, múc ra bát để riêng.
Bước 3:
- Gạo nếp đãi sạch, để lên rổ cho ráo nước.
Bước 4:
- Đỗ xanh đãi vài lần với nước cho sạch, ngâm đỗ khoảng 30 phút đến 1 tiếng trong nước ấm.
Bước 5:
- Đun nóng chảo, đổ gạo vào rang đến khi hạt gạo se lại.
Bước 6:
- Tiếp theo cho gạo, đỗ xanh và thêm nước đã ninh xương lươn, đun lửa nhỏ để gạo và đỗ xanh chín nhừ. Nêm vào nồi cháo một thìa nhỏ muối, nửa thìa nhỏ hạt nêm, nêm nếm lại tùy theo khẩu vị của bạn.
Bước 7:
- Rau răm, hành hoa, rau mùi rửa sạch, thái nhỏ.
Bước 8:
- Tắt bếp, thêm hành lá đã thái nhỏ vào nồi cháo.
Bước 9:
- Khi dùng múc cháo ra bát, bên trên thêm một ít lươn xào thơm, thêm rau mùi và rau răm, dùng nóng.
Cún Khang
Theo ngôi sao
Cháo cua đồng Dân miền Tây có ai xa lạ với con cua đồng. Nhớ hồi nhỏ thường theo anh chị đeo giỏ ra đồng bắt cua. Bữa nào giỏ cua nặng nặng là mấy anh em mừng húm, lại đòi má nấu cho món cháo cua đồng. Lên phố lập nghiệp nhiều năm, trong ký ức của người con xa quê, có nỗi nhớ mang...