Trở ngại lớn nhất của Huawei không phải là chip
Huawei có thể xoay xở đủ chip để sản xuất smartphone, nỗi lo lớn hơn của hãng lúc này là liệu hệ sinh thái ứng dụng HMS có thể sống sót.
Ngày 15/5, Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục ban hành lệnh cấm với Huawei. Theo đó Huawei sẽ bị hạn chế sử dụng phần mềm công nghệ của Mỹ để thiết kế, sản xuất chất bán dẫn. Điều này đồng nghĩa với việc sản xuất bộ xử lý Kirin của hãng có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là chip đầu bảng Kirin 1020.
Tuy nhiên, lệnh cấm này sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung đầu vào trong tương lai chứ chưa tác động trực tiếp đến các đơn hàng mà Huawei đã đặt hàng đối tác cung ứng TSMC. Lệnh cấm có thể gia hạn, đủ cho Huawei đàm phán với đối tác. Chưa kể, ngoài bộ xử lý tự phát triển, Huawei vẫn có thể đặt hàng bộ xử lý của Samsung hoặc MediaTek. Điều này đảm bảo hãng di động Trung Quốc vẫn có thể xoay xở về phần cứng.
Huawei vẫn có thể xoay xở về phần cứng nhưng việc không được cài ứng dụng của Google khiến doanh thu mảng smartphone của hãng bị giảm sút đáng kể.
Video đang HOT
Điểm yếu lớn nhất bây giờ của Huawei là phần mềm. Theo lệnh cấm thương mại của Mỹ vào năm ngoái, smartphone Huawei không được cài đặt ứng dụng và dịch vụ của Google. Để có thể tồn tại trên thị trường smartphone, Huawei buộc phải tự cứu mình. Đầu tháng 2 năm nay, hãng đã ra mắt ứng dụng tìm kiếm độc lập Huawei Search. Đến tháng 5, ứng dụng này đổi tên thành Petal Search và ra mắt cùng kho ứng dụng AppGallery.
Petal Search của Huawei có thể cung cấp các dịch vụ tìm kiếm thông tin thường xuyên, như dự báo thời tiết, tin tức, video, hình ảnh, âm nhạc, thông tin tài chính… và cũng có một số tính năng mới như khả năng tải xuống trực tiếp và có được các ứng dụng được đề xuất. Điều khiến Petal Search nhận được nhiều sự chú ý của giới truyền thông bởi nó là một công cụ tìm kiếm di động cho người dùng ngoài Trung Quốc. Nói cách khác nó sẽ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Google Search.
Điều này dẫn đến một vấn đề phức tạp hơn. Bằng việc xây dựng một công cụ tìm kiếm và hệ sinh thái ứng dụng HMS (Huawei Mobile Services). Huawei đã chính thức cho thấy tham vọng cạnh tranh trực tiếp với GMS ( Google Mobile Services) và iOS của Apple, hình thành nên thế “chân vạc” trong ngành công nghiệp smartphone.
Trên thực tế, ngoài Petal Search, HMS đã cố thay thế GMS bằng nhiều cách. Ví dụ ứng dụng bản đồ Here WeGo, thay thế cho Google Maps. Ứng dụng của Huawei hỗ trợ điều hướng và định vị tại hơn 1.300 thành phố trên 100 quốc gia. Hãng còn ra mắt bản đồ thực tế tăng cường được hỗ trợ bởi công nghệ Cyberverse của công ty. Bản đồ này kết hợp thế giới ảo với hình ảnh thực tế theo thời gian thực.
Mới đây Huawei cũng đưa ra lộ trình trong việc phát triển hệ sinh thái HMS bao gồm dịch vụ đám mây Huawei Terminal với hơn 650 triệu giao dịch hàng tháng trên toàn cầu. Họ cũng công bố số nhà phát triển đăng ký xây dựng kho ứng dụng đạt trên 1,4 triệu, tăng 115% so với năm trước. Hiện tại đã có hơn 60.000 ứng dụng được kết nối với HMS.
Mặc dù vậy, tình hình kinh doanh smartphone ngoài Trung Quốc của hãng vẫn đang bị tổn thất nặng nề. Các con số liên quan đến HMS có vẻ khả quan nhưng nó quá nhỏ để so sánh với hàng tỷ người dùng hàng tháng trên Google Search, Chrome, Gmail, YouTube, Google Drive và các ứng dụng khác.
Nói cách khác, hệ sinh thái của Huawei vẫn còn quá yếu nếu so với Google và người tiêu dùng vẫn chưa thật sự ấn tượng với HMS. “Tôi không hứng thú với việc mua một chiếc smartphone mới mà không có Google Play, bất kể phần cứng của nó có mạnh và chạy mượt đến mức nào”, một người dùng cũ của Huawei chia sẻ.
Trên thực tế, với người dùng ngoài Trung Quốc, Google dường như không thể thiếu. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ không chỉ có phần mềm phong phú mà còn xây dựng hạ tầng, dịch vụ Internet khắp thế giới. Đặc biệt là người dùng Android, họ gần như không thể tách khỏi hệ sinh thái của Google.
Do đó, việc kinh doanh smartphone của Huawei mà không có GMS mới là vấn đề nghiêm trọng cần quan tâm chứ không phải chip xử lý. Dữ liệu thống kê của IDC trong quý I/2020 cho thấy Huawei chỉ xuất xưởng được 49 triệu smartphone, giảm 17,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo dữ liệu từ Canalys, các đơn hàng của Huawei tại thị trường Tây Âu đã giảm 40%, đứng thứ ba sau Samsung và Apple, trong khi Xiaomi tăng trưởng 79% và xếp vị trí thứ tư. Các chuyên gia phân tích đều đồng ý rằng, nguyên nhân của sự sụt giảm này là do di động của hãng không có các ứng dụng của Google.
Huawei Mobile Services đã tiếp cận 400 triệu người dùng và 1,3 triệu nhà phát triển
Bộ dịch vụ Huawei Mobile Services (HMS) ra đời với kỳ vọng sẽ thay thế cho Google Mobile Services (GMS) bao gồm cửa hàng AppGallery, Huawei Video, Huawei Music và Huawei Wallet.
Theo công bố của Huawei, bộ dịch vụ HMS hiện đã có 400 triệu người sử dụng hàng tháng trên 170 quốc gia. Ngoài ra, CEO của Huawei cũng tự hào cho biết đang có hơn 1,3 triệu nhà phát triển đang tạo ra các ứng dụng, trò chơi và các công cụ phần mềm khác cho hệ sinh thái của Huawei. Hãng cũng đang hợp tác với cả các đối tác toàn cầu và địa phương để cung cấp nội dung phù hợp cho người dùng. Một ví dụ tiêu biểu là sự hợp tác với các hãng truyền thông thể thao và tin tức của Anh như The Sunday Times, News UK và Talksport.
Về mảng video giải trí, Huawei đang hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ lớn như Universal Pictures, Sony Pictures Entertainment, Paramount, BBC Studios và các kênh nội dung nổi tiếng khác để mở rộng thư viện nội dung của mình. Đối với âm nhạc, Huawei đang hợp tác cùng với Warner Music Group, Sony Music và Universal Music Group cùng với những đối tác khác.
Ông Richard Yu cũng nhấn mạnh rằng Huawei sẵn sàng làm việc với nhiều nhà phát triển ứng dụng hơn và nhiệt liệt mời họ tham gia phát triển hệ sinh thái HMS của mình.
Đây là những bước thành công đầu tiên trong chiến lược của Huawei nhằm mang đến giải pháp thay thế cho hệ sinh thái của Google. Tuy nhiên, vẫn cần rất nhiều thời gian để Huawei có thể chứng minh rằng chiếc lược này thực sự có hiệu quả và tạo dựng được niềm tin từ phía người tiêu dùng.
Thế Anh
Huawei lại gặp trở ngại tại Australia Hợp đồng trị giá 200 triệu AUD (132 triệu USD) giữa Cơ quan Giao thông Công cộng (PTA) của bang Tây Australia và "người khổng lồ" công nghệ Trung Quốc Huawei đã bị hủy do những hạn chế thương mại của Mỹ. Biểu tượng Huawei tại một văn phòng của Tập đoàn này ở Quảng Đông, Trung Quốc. Trước đó vào tháng 7/2018,...