Trợ lực cho doanh nghiệp thời dịch Covid-19: Hỗ trợ phải nhanh, thực chất
Việc hỗ trợ DN khắc phục khó khăn bằng các gói tín dụng và tài khóa được cho là cần thiết nhằm trợ lực, tăng sức đề kháng cho DN cũng như nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Ứng phó dịch Covid-19, Chính phủ dành gói 280.000 tỷ đồng hỗ trợ DN.
Bên cạnh đó, hàng loạt các bộ ngành đều ra những giải pháp hỗ trợ DN cụ thể được cho là cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Thế nhưng các DN vẫn phản ánh cần nhanh chóng đưa chủ trương vào cuộc sống.
Ví như trong lĩnh vực ngân hàng, các DN cho biết hiện mới giảm lãi suất huy động, còn lãi suất cho vay, các điều kiện được vay ưu đãi thật, cũng vẫn “neo” rất cao và hầu như hiếm hoi cho vay tín chấp – điều mà nhóm DN yếu thế như startup hay DN nhỏ và vừa luôn mong đợi nhưng lại khó tiếp cận.
Trong lĩnh vực thuế, dịch đã kéo dài tại Việt Nam và bước sang tháng thứ 3 nhưng dự thảo Nghị định gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất hỗ trợ các DN bị ảnh hưởng trực tiếp, nặng nề do dịch Covid-19 mới được công bố. Trong khi đó, Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Nghị định gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất nhưng không gia hạn thuế thu nhập DN và tiền nợ thuế. Hay như chính sách liên quan tiền thuê bất động sản chỉ nhắm cho các DN sản xuất lớn, thuê đất nhà nước hoặc những DN đầu tư kinh doanh bất động sản… Mà số này thì quá ít.
Mới đây, một số báo chí phản ánh nhiều công nhân không thể khám chữa bệnh do bị bảo hiểm khóa thẻ. Lý do, DN chậm lương và bảo hiểm. Chỉ thị 11 từ ngày 4/3/2020 của Thủ tướng đã yêu cầu ngành bảo hiểm nghiên cứu giãn thời gian đóng bảo hiểm cho DN. Việc này cần hướng dẫn và thực thi ngay, đặc biệt là không khóa thẻ của người lao động. Hay như việc hàng loạt các bộ ngành đều ra đề ra biện pháp hỗ trợ DN như Bộ Công Thương, Bộ GTVT, nhưng đến nay vẫn chỉ dừng ở mức cơ quan Cục, Vụ…
Theo một khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân với trên 1.200 DN về ảnh hưởng của Covid – 19 tới hoạt động kinh doanh. Theo đó, doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng…
Video đang HOT
Ngoài ra, gần 30% mất 20% – 50% doanh thu, 60% DN thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu. Nếu dịch Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% DN có thể sẽ phá sản. Trong khi đó, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thì có đến 95% DN của Việt Nam là từ nhỏ đến rất nhỏ. Như vậy, rõ ràng khu vực DN nhỏ và siêu nhỏ, đối tượng cần được hỗ trợ nhưng lại không nhận được hỗ trợ.
Gói hỗ trợ của Chính phủ là cần thiết nhưng cần phải triển khai càng nhanh càng tốt. DN đang nóng lòng chờ được liều thuốc tiếp sức nhanh vì từ khi có gói hỗ trợ đến lúc triển khai rồi tới DN thường rất dài. Phải cải tiến quy trình thủ tục để làm sao nhanh gọn hơn, thông tin minh bạch và đầy đủ về tiêu chí, quy trình thủ tục tiếp nhận để nhận được các khoản hỗ trợ. Phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”, đồng thời cần giám sát chặt việc sử dụng nguồn hỗ trợ để bảo đảm hiệu quả chính sách.
Theo Kinhtedothi.vn
Nhóm doanh nghiệp nào được hưởng lợi trong gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng?
Theo Bộ Tài chính, dự thảo về gia hạn thuế, tiền thuê đất cũng đang tạo thuận lợi và ưu đãi cho rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành.
Tại buổi họp báo chuyên đề chiều 11/3, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho biết, Bộ đã ký công văn lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.
Theo dự thảo gia hạn thuế, tiền thuê đất của Bộ Tài chính, 3 đối tượng được gia hạn gồm: Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động sản xuất trong các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; Sản xuất, chế biến thực phẩm; Dệt; Sản xuất trang phục; Sản xuất giày, dép; Sản xuất sản phẩm từ cao su; Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính; Sản xuất, lắp ráp ô tô (trừ sản xuất, lắp ráp ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống).
Nhóm đối tượng thứ hai gồm các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình hoạt động kinh doanh trong các ngành: Vận tải (đường sắt, đường bộ, đường thủy, hàng không; Kho bãi và các hoạt động hỗ trợ cho vận tải); Dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch.
Nhóm còn lại gồm các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được xác định theo quy định của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thời gian gia hạn là 5 tháng, bao gồm các khoản tiền thuế giá trị gia tăng, tiền thuế thu nhập cá nhân tiền thuê đất phát sinh phải nộp của các tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6/2020 với trường hợp kê khai theo tháng hoặc của Quý I và Quý II/2020 với trường hợp nộp theo quý.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số tiền gia hạn theo tính toán của Bộ Tài chính đợt này là 30.100 tỷ đồng.
Theo ông Thi, lĩnh vực kinh doanh bất động sản hay các lĩnh vực khác (không nằm trong nhóm các lĩnh vực ngành nghề chịu tác động của covid-19) cũng được gia hạn tiền thuế trong trường hợp đây là một trong số các ngành kinh doanh của doanh nghiệp mà trong đó có lĩnh vực thuộc diện được gia hạn thuế.
Điều này có thể hiểu là một doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, ví dụ như vận tải, du lịch và xây dựng bất động sản, lắp ráp ô tô thì hai ngành vận tải và du lịch được xác định là chịu tác động của covid-19 sẽ được gia hạn tiền nộp thuế.
Nhưng vì doanh nghiệp kê khai thuế trên một tờ khai thuế (có thể hiểu là doanh nghiệp khai thuế trên cơ sở doanh thu hợp nhất) nên trong trường hợp này hai lĩnh vực còn lại là lĩnh vực bất động sản, lắp ráp ô tô kể cả ô tô dưới 9 chỗ cũng được gia hạn tiền nộp thuế.
Như vậy, quy định này cũng đang tạo thuận lợi và ưu đãi cho rất nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành mà doanh thu từ mảng bất động sản chiếm tỷ lệ cao.
Tuấn Nguyễn
Theo Tiền phong
Lãi suất ngân hàng Vietcombank mới nhất tháng 3/2020: Cao nhất 6,8 % Trong tháng 3/2020, lãi suất tiền gửi cao nhất tại Vietcombank là 6,8%/năm áp dụng đối với khách hàng cá nhân tại các kì hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với khách hàng cá nhân, tiền gửi có kì hạn có lãi suất dao động từ 0,5 đến 6,8 %/năm. Theo thông tin từ ngân hàng Vietcombank, khách hàng gửi kì hạn...