Trò lừa đảo mới trên Facebook, câu “like” rồi bán fanpage
Một trò lừa đảo mới đang rất thịnh hành trên Facebook. Người dùng chỉ cần bấm “Like” hoặc “Share” để có cơ hội nhận được các thiết bị đắt tiền như iPhone hoặc Macbook.
Những fanpage lừa đảo này hứa hẹn sẽ lựa chọn một cách ngẫu nhiên những người dùng may mắn để có thể nhận được các tai nghe Beats hoặc Macbook một cách miễn phí. Theo các fanpage này, các sản phẩm nói trên là không thể đem bán được do đã bị bóc tem (seal).
“ Chúng tôi có 1239 sản phẩm Dre Beats và 250 sản phẩm Monster Beats không thể bán được do đã bị bóc tem. Do đó chúng tôi sẽ tặng miễn phí các sản phẩm này. Muốn nhận được sản phẩm? Bạn chỉ cần Like trang của chúng tôi và Share bức ảnh này…”
Trang công nghệ Cnet cho biết một đại diện của Beats Electronics, nhà sản xuất tai nghe Beats, đã chính thức lên tiếng phủ định sự liên quan của công ty tới trò lừa đảo nói trên. Công ty cũng đã liên hệ với Facebook để gỡ bỏ trang web này.
Không chỉ có các sản phẩm Beats, rất nhiều các fanpage lừa đảo khác đã được lập ra để “câu” like của người dùng với các sản phẩm Apple. Các fanpage này có lượng người “Like” lên tới gầm 47.000.
Theo trang công nghệ Cnet, đây có thể là một chiêu trò nhằm tăng lượng fan cho các fanpage này. Các fanpage này sau đó sẽ được đổi tên và bán cho chủ sở hữu khác.
Video đang HOT
Theo Gia Cường
VnReview
Tai nghe nhái tại Việt Nam: Một cái nhìn cận cảnh
Tai nghe nhái, một chủ đề đã được chúng ta, những người đam mê công nghệ cũng như đam mê âm thanh thảo luận đến "nát nước" không chỉ trên GenK mà còn ở không ít trang tin hay diễn đàn công nghệ khác tại Việt Nam. Trước đây, GenK đã gửi tới các bạn bài phóng sự về thị trường tai nghe Beats nhái ở Hà Nội, một thị trường tưởng chừng trầm lắng trên bề mặt, nhưng kỳ thực đã và đang diễn ra vô cùng sôi động. Tuy nhiên một điều hiển nhiên là thị trường tai nghe fake của chúng ta hoàn toàn không chỉ là sân chơi riêng của những sản phẩm nhái lại kiểu dáng chiếc tai nghe đang làm mưa làm gió thị trường người tiêu dùng trẻ trên toàn toàn thế giới của rapper Dr. Dre, vì ngay cả những chiếc tai nghe được làm nhái ở mức độ không thể phân biệt cũng có cái giá lên đến 7 chữ số. Đây là mức giá mà không phải người tiêu dùng trẻ nào ở Việt Nam cũng có thể bỏ ra cho một chiếc tai nghe, chứ chưa nói đến chuyện mua tai nghe... fake.
Vì thế, một lần nữa nhóm phóng viên GenK lại lên đường đến gặp những cửa hàng bày bán những mẫu tai nghe được làm nhái với kiểu dáng và ngoại hình rất dễ khiến chúng ta nhầm lẫn với những mẫu tai nghe chính hãng, vì mẫu mã của chúng hầu như không tồn tại bất kỳ chi tiết nào để phân biệt với hàng thật.
Mọi chuyện bắt đầu khi tôi đọc được mẩu quảng cáo của một cửa hàng tai nghe ở khu vực Minh Khai, qua đó chủ cửa hàng rao bán chiếc tai nghe Sennheiser IE8 được giới thiệu là hàng nhái có xuất xứ từ Hồng Kông với giá 900 ngàn Đồng. Kỳ thực tôi đã vô cùng ngạc nhiên, vì nhiều lý do. Thứ nhất, một chiếc IE8 chính hãng có giá lên đến hơn 7 triệu Đồng. Thứ hai, với cái giá chỉ chưa đầy 1 triệu Đồng như vậy, nhưng những bức ảnh chụp trong topic rao bán kia lại mô tả một chiếc tai nghe quá chi tiết với đầy đủ phụ kiện, hộp đựng, sách hướng dẫn sử dụng không kém chút nào so với hàng thật được nhà sản xuất tai nghe CHLB Đức tung ra thị trường.
"Có khi nào cửa hàng dùng tai nghe thật để chụp ảnh, nhưng đến khi có người đến mua, họ sẽ được sử dụng một chiếc ta nghe nhái với bề ngoài kém hơn rất nhiều?" Vâng, phải thú thực rằng đó là câu hỏi luẩn quẩn trong đầu tôi ngay sau khi đọc topic bán tai nghe nọ. Trí tò mò nổi lên, cộng với tư duy "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một... sờ", chúng tôi đã ngay lập tức có mặt tại cửa hàng tai nghe này để một phần tận mắt chứng kiến những mẫu tai nghe nhái, vừa để trò chuyện trực tiếp với anh T., chủ cửa hàng tai nghe này để có thể đem đến cho các bạn độc giả những thông tin đúng đắn nhất về thị trường tai nghe nhái tại Hà Nội nói riêng.
Tuy nhiên khi nhóm phóng viên GenK có mặt, anh T. lại không có mặt tại cửa hàng, mà thay vào đó là chị V.A, phụ trách cửa hàng tai nghe. Không mất nhiều thời gian, chúng tôi đã được tận mắt diện kiến không chỉ là IE8, mà còn là mẫu headset IE8i dành cho iDevice, được cửa hàng bán với giá 1,4 triệu Đồng. Không khỏi bất ngờ, tôi đã khá choáng khi được tận mắt chứng kiến chiếc tai nghe fake này. Mọi suy nghĩ vẩn vơ trên đây tôi đã chia sẻ đều tan biến hết. Tuy đã có cơ hội tiếp xúc với IE8 thật, nhưng nhìn bề ngoài, tôi vẫn khó có thể tìm ra điểm khác biệt giữa hai phiên bản thật và giả, từ kích thước, chất liệu đến cả... phụ kiện!
Phụ kiện không thua kém hàng thật
Chưa dừng lại ở đó, và cũng không chỉ có IE8, tại cửa hàng này chúng tôi còn được chứng kiến không ít những mẫu tai nghe nhái khác của nhiều thương hiệu nổi tiếng, ví như Sennheiser (hầu hết là earbud hoặc in ear) hay Koss, nhưng nhiều nhất vẫn cứ là... Beats! Chị V.A cho biết, mẫu tai nghe Beats By Dr. Dre nhái rất được các bạn trẻ tại Hà Nội ưa chuộng nhờ vào kiểu dáng thời thượng vốn có. Không chỉ có vậy, những mẫu tai nghe như thế này như trong bài phóng sự trước đây GenK đã đề cập, chúng sở hữu ngoại hình và chất liệu không khác chút nào so với hàng "authentic" được bán trên các trang web uy tín. Cách duy nhất để phân biệt thật giả có lẽ chỉ có 2 cách: Nếu bạn đã từng nghe qua "hàng xịn", bạn sẽ phân biệt được chất âm giữa 2 mẫu tai nghe thật và giả, vì dù có trình độ làm nhái công phu đến đâu thì các "kỹ sư" Trung Quốc cũng không thể copy một cách hoàn hảo chất âm của từng chiếc tai nghe có giá lên đến 7 8 triệu Đồng. Còn nếu chẳng may bạn chưa có cơ hội trải nghiệm những mẫu tai nghe thật, thì thứ duy nhất bạn có thể dựa vào sẽ chỉ là lương tâm của người bán hàng, điều sẽ được nhắc đến ở phần sau của bài viết.
Về xuất xứ, theo tìm hiểu của GenK, thì tất cả những mẫu tai nghe nhái đều có nguồn gốc từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông. Nhiều người sẽ tự hỏi rằng vì sao những chiếc tai nghe fake này lại có kiểu dáng và hình thức giống với hàng thật đến như vậy. Giải thích điều này, một số người cho rằng, trong mỗi công ty âm thanh hay bất kỳ tập đoàn lớn nào cũng đều có gián điệp công nghệ tuồn thông tin ra cho các nơi làm nhái thiết bị. Bớt "giả tưởng" hơn, và cũng tếu táo hơn, là lời nhận xét chắc nịch của không ít những người khác: "Trung Quốc thì cái gì chẳng làm giả được!" Tuy nhiên để làm được những chiếc tai nghe với bề ngoài ấn tượng đến mức này, thì chắc chắn các xưởng sản xuất hàng nhái đã phải bỏ không ít thời gian và cả tiền bạc để nghiên cứu các sản phẩm tai nghe khác nhau.
Về chất lượng âm thanh, một số cửa hàng quảng cáo rằng chất âm của hàng nhái mà họ bán ra đạt đến 80 thậm chí 90% chất lượng âm thanh gốc. Thử nghiệm thực tế lại cho thấy điều hoàn toàn ngược lại. Cùng lúc nghe thử 2 chiếc Beats Studio, tôi có cảm nhận mặc dù dải bass có lực ngang nhau (kỳ thực tai nghe Beats By Dre ngay cả hàng thật cũng chỉ mạnh về dải bass), nhưng hai dải còn lại nghe khá khác biệt và đều không gây nhiều ấn tượng cho người nghe. Vì thế có thể rút ra nhận xét chắc chắn rằng, một khi bạn đã mua tai nghe nhái, thì chất lượng âm thanh bạn nhận được sẽ thực sự khác những gì tai nghe thật trình diễn. Tuy nhiên, nếu người sử dụng có đôi tai không mấy nhạy cảm trước âm thanh, thì những khác biệt đó đôi khi khá khó để nhận biết.
Trao đổi với chị V.A, nhóm phóng viên cũng được biết, hiện tại thị trường tai nghe nhái tại Việt Nam chỉ có thể được miêu tả bằng thành ngữ "thượng vàng hạ cám". Có những mẫu tai nghe rẻ tiền chỉ vài chục nghìn Đồng, với bề ngoài cũng như chất lượng âm thanh chỉ dừng ở mức "đồ chơi trẻ con". Cao cấp hơn thì có những mẫu tai nghe có giá vài trăm nghìn đến cả triệu Đồng, với bề ngoài như các bạn đã thấy trong hình. Có lẽ thứ duy nhất tạo ra sự khác biệt để người tiêu dùng có thể phân biệt thật giả chính là chất âm của chiếc tai nghe.
Nhái nhưng vẫn có... số serial!
Trước đây, đã có không ít các cửa hàng tai nghe đã sử dụng chiêu bài "tai nghe miễn thuế" để bán những chiếc tai nghe nhái với giá thấp hơn hàng thật một chút. Kiểu kinh doanh có phần lừa lọc như thế này vừa khiến khách hàng lầm tưởng mình mua được món hời, vừa khiến những cửa hàng này có được khoản lợi kếch sù. Thế nhưng một khi mọi chuyện vỡ lở, thì danh tiếng của cửa hàng đó sẽ trôi theo một hướng vô cùng khác.
Đó mới là về phần các cửa hàng buôn bán loại mặt hàng tương đối nhạy cảm này. Quay trở lại cộng đồng người tiêu dùng, hoàn toàn có thể có những trường hợp người sử dụng mua tai nghe, biết là hàng nhái nhưng sau này vẫn có thể bán sang tay cho người sử dụng khác thông qua các trang rao vặt hay các diễn đàn công nghệ với cái giá của hàng thật đã qua sử dụng. Những trường hợp như thế này không phải là chưa bao giờ diễn ra, và việc kiểm chứng xem chiếc tai nghe là thật hay là hàng giả thì không phải ai cũng có thể có đủ kinh nghiệm để thực hiện.
Vì là một thị trường cực kỳ tiềm năng, nên sự cạnh tranh giữa các cửa hàng có bán tai nghe nhái cũng hết sức khốc liệt. Và "cạnh tranh" ở đây vừa bao gồm những phương pháp công bằng, vừa có cả những thủ đoạn không lấy gì làm đẹp đẽ cho lắm. Chị V.A cho biết, đã có không ít người từ các cửa hàng khác đã đến chỗ chị, giả danh làm người mua hàng, cũng xem một số mẫu tai nghe, và rồi họ về nhà và lên nhiều diễn đàn lớn viết những bài viết với nội dung mang tính "dìm hàng" đối thủ thấy rõ, với nhiều câu chuyện không hề có thực. Để giải quyết vấn đề nhà, chị V.A cho biết: "Cách tốt nhất là im lặng. Mình làm việc uy tín ra sao thì những người khách đến mua hàng cũng đã rõ, không việc gì phải đôi co với những người ở trên mạng. Có sợ thì chỉ sợ người ngay, chẳng việc gì phải sợ kẻ gian". Không chỉ có vậy, chị còn cho biết thêm, mặt hàng fake như thế này cũng cần dịch vụ hậu mãi tương đối chỉn chu, vì là hàng xuất xứ từ Trung Quốc nên không thể chắc chắn rằng 1 chiếc tai nghe chạy ổn định, thì chiếc khác giống y hệt cũng sẽ làm việc tương tự.
Tai nghe nhái rõ ràng là một mặt hàng tương đối nhạy cảm, tuy nhiên chúng cũng đã và đang thu hút sự quan tâm không hề nhỏ từ cộng đồng đam mê công nghệ, đặc biệt là những người có hầu bao không mấy rủng rỉnh để sở hữu những chiếc tai nghe có giá bằng... cả tháng lương! Tuy nhiên, lời khuyên của GenK dành cho các bạn đã, đang và sẽ có dự định sở hữu tai nghe nhái, đó là hãy tìm hiểu thật kỹ thông tin trên mạng internet, qua bạn bè để có được sự lựa chọn tốt nhất. Không chỉ có vậy, internet cũng là nơi tương đối đáng tin cậy để các bạn tìm ra cho mình những cửa hàng uy tín tại khu vực mình đang sinh sống.
Theo Genk
VĐV Olympic tuyển Anh bị cấm dùng tai nghe Beats Nguyên nhân vì Beats không phải là nhà tài trợ chính cho Olympic, và việc xuất hiện của tai nghe này ảnh hưởng đến các thương hiệu khác. Tai nghe Beats rất nổi bật trước công chúng. Ảnh: Channelstv. Đội tuyển Olympic khối Liên hiệp Anh đã nhận được một thông báo "thân thiện" để dừng việc sử dụng những tai nghe với...