Triều Tiên có thể thử vũ khí khắc chế F-35
Triều Tiên thử tên lửa phòng không đời mới nhằm hiện đại hóa lực lượng để sẵn sàng đối đầu chiến đấu cơ tàng hình F-35, theo chuyên gia.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) hôm 1/10 thông báo Học viện Khoa học Quốc phòng đã thử nghiệm tên lửa phòng không sử dụng nhiều công nghệ điều khiển, dẫn đường và động cơ mới. Bình Nhưỡng cho biết loại tên lửa này có tầm bắn lớn, độ chính xác cao và hiệu suất chiến đấu đáng kể, nhưng không tiết lộ các thông số như khoảng cách tới mục tiêu và tốc độ quả đạn.
Giới chuyên gia nhận định đây là biến thể nâng cấp của tên lửa phòng không đời mới ra mắt trong lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên hồi tháng 10 năm ngoái. Đây được coi là một phần trong nỗ lực hiện đại hóa lực lượng phòng không già cỗi của Triều Tiên, nhằm tăng khả năng đối phó với các vũ khí hiện đại như tiêm kích tàng hình F-35A đang được Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản biên chế.
Tên lửa phòng không Triều Tiên trong bức ảnh được công bố hôm 1/10. Ảnh: KCNA .
“Tầng đẩy ở đuôi quả đạn cho phép tên lửa bay nhanh và xa hơn mẫu KN-06 trong biên chế hiện nay”, Shin Jong-woo, nhà phân tích thuộc Diễn đàn An ninh Quốc phòng Hàn Quốc, nhận xét.
Hình ảnh do KCNA công bố cho thấy tên lửa có hai cụm cánh lái ở đầu và đuôi, cùng một cụm cánh ổn định ở gần đuôi. Quả đạn được lắp một tầng đẩy sơ tốc với kết cấu tương tự các tên lửa phòng không tầm xa của phương Tây như Aster-30 và SM6.
Bệ phóng kiêm ống bảo quản được đặt trên khung rơ mooc kéo giống phiên bản đầu tiên của tên lửa S-400 Nga, thay vì trên khung gầm xe tải 3 trục như hệ thống KN-06 từng được nước này phô diễn.
Quan chức Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết cơ quan này vẫn đang phân tích về vụ phóng. Hiện chưa rõ Seoul có biết trước về động thái thử tên lửa phòng không của Bình Nhưỡng hay không.
Đây là cuộc thử vũ khí lớn thứ tư của Triều Tiên trong chưa đầy một tháng, cũng là vụ thử tên lửa thứ bảy trong năm nay. Lãnh đạo Kim Jong-un hồi giữa tuần tuyên bố Triều Tiên đang nhanh chóng phát triển những hệ thống vũ khí cực kỳ hiện đại, đủ sức kiềm chế “động thái quân sự của các lực lượng đối địch”.
Tên lửa SM-6 Mỹ phóng thử từ tàu chiến năm 2014. Ảnh: US Navy .
Triều Tiên được đánh giá là một trong những quốc gia có mạng lưới phòng không dày đặc nhất trên thế giới, với các hệ thống tên lửa và pháo cao xạ đa tầng, nhằm ngăn chặn các nguy cơ tấn công đường không của đối phương. Tuy nhiên, phần lớn vũ khí phòng không Triều Tiên được sản xuất từ thời Liên Xô, buộc họ phát triển những khí tài nội địa để bảo đảm năng lực phòng thủ.
Triều Tiên đang vận hành nhiều tổ hợp tên lửa S-75, S-125, S-200 và 2K12 Kub, trong đó nước này đã tự sản xuất và có đủ khả năng nâng cấp sâu các hệ thống S-75. Từ đầu thập niên 2010, Bình Nhưỡng bắt đầu triển khai hệ thống phòng không nội địa hiện đại được Mỹ gọi là KN-06.
Số lượng KN-06 trong biên chế lực lượng phòng không Triều Tiên không được công bố, nhưng hệ thống này được cho là có uy lực tương đương một số phiên bản S-300 do Nga chế tạo. Nguồn tin Hàn Quốc hồi năm 2017 cho rằng KN-06 đã được thử nghiệm thành công với tầm bắn tới 150 km.
Vì sao Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa bất chấp căng thẳng leo thang?
Triều Tiên đang sử dụng lại chiến thuật quen thuộc của nước này khi vừa để ngỏ khả năng đối thoại, vừa phô diễn sức mạnh quân sự thông qua các vụ phóng tên lửa.
Khoảnh khắc Triều Tiên phóng tên lửa từ tàu hỏa
Người Hàn Quốc theo dõi bản tin truyền hình về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vào ngày 29/9 (Ảnh: AP).
Tuần trước, Triều Tiên đã để ngỏ khả năng tổ chức các cuộc đàm phán thượng đỉnh liên Triều và tuyên bố sẽ mở lại đường dây nóng liên lạc với Hàn Quốc.
Cũng trong khoảng thời gian này, Triều Tiên phóng thử hàng loạt vũ khí, gồm tên lửa hành trình tầm xa, tên lửa siêu thanh đầu tiên và tên lửa phòng không mới.
Đầu tháng 9, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo từ một toa tàu ở đường hầm trên núi, cùng ngày Bình Nhưỡng chỉ trích Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Giới phân tích nhận định, Triều Tiên đang sử dụng lại chiến thuật "hai mũi nhọn", cho phép nước này vừa phô diễn sức mạnh quân sự, vừa tránh nguy cơ bị trả đũa hoặc bỏ lỡ cơ hội đối thoại.
Trong bối cảnh các cuộc đàm phán với Mỹ bị đình trệ, các vụ thử tên lửa là động thái nhắc nhở thế giới rằng, Triều Tiên vẫn đang phát triển vũ khí ngày càng tinh vi với khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tuy vậy, những tên lửa tầm ngắn hoặc vẫn đang trong quá trình phát triển này không phải là mối đe dọa trực tiếp đối với Mỹ.
Trong các vụ thử nghiệm vũ khí gần đây, Triều Tiên vẫn cẩn trọng và không đi quá xa khi hạn chế thử nghiệm vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nếu hành động như vậy, Triều Tiên có thể khiến Washington "nóng mặt", dẫn tới các biện pháp trừng phạt mới hoặc các động thái mạnh tay hơn.
"Triều Tiên vẫn cẩn trọng để không vượt lằn ranh đỏ. Sau tất cả các vụ thử tên lửa như vậy, Triều Tiên đang báo hiệu rằng họ vẫn quan tâm đến đối thoại", giáo sư Yang Moo-jin tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc cho biết.
Chiến thuật quen thuộc
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un năm 2018 (Ảnh: New York Times).
Triều Tiên từng nhiều lần sử dụng chiến lược "nóng - lạnh" kết hợp trong nhiều năm qua, cho phép nước này vừa duy trì hy vọng hòa bình, vừa tiếp tục thử nghiệm và phát triển các loại vũ khí mới.
Triều Tiên đang triển khai chiến lược đó vào thời điểm ngoại giao phức tạp. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in thực sự muốn nối lại các cuộc đối thoại trên bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là nỗ lực cuối cùng để củng cố di sản của ông trước khi rời nhiệm sở. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như không muốn "chìa tay" với Bình Nhưỡng.
Theo New York Times , nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhận ra rằng, ông có thể khai thác lỗ hổng này giữa hai đồng minh Mỹ - Hàn.
Ông Kim Jong-un đã gặp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump 3 lần từ năm 2018 đến năm 2019, trở thành nhà lãnh đạo Triều Tiên đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh với một tổng thống Mỹ đương nhiệm. Nhưng những nỗ lực ngoại giao của ông Kim Jong-un cũng không giúp dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa.
Giới chức Mỹ và Hàn Quốc từng hy vọng tình hình kinh tế ngày càng trầm trọng của Triều Tiên, do các lệnh trừng phạt và đại dịch Covid-19 gây ra, sẽ khiến nước này dễ dàng chấp nhận đối thoại hơn. Nhưng cho đến nay, ông Kim Jong-un đã chứng minh rằng, niềm tin của Mỹ và Hàn Quốc là sai lầm.
Kể từ khi các cuộc đàm phán Mỹ - Triều sụp đổ vào đầu năm 2019, ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ vượt qua những khó khăn về kinh tế trong khi vẫn tiếp tục mở rộng kho vũ khí hạt nhân - đòn bẩy ngoại giao tốt nhất và duy nhất của Triều Tiên, đồng thời là vũ khí răn đe nhằm đối phó với mối đe dọa từ Mỹ.
Cơ sở làm giàu uranium tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên trong ảnh vệ tinh chụp hồi tháng 9 (Ảnh: AP).
Theo Kim Dong-yub, chuyên gia về vũ khí Triều Tiên tại Đại học Nghiên cứu Triều Tiên, vụ thử tên lửa phòng không mới hôm 30/9 cho thấy Triều Tiên đang chế tạo một loại vũ khí tương tự S-400 của Nga - một trong những hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới.
Chính quyền Biden đã nhiều lần thúc giục Triều Tiên quay lại đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết. Nhưng nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết ông sẽ không khởi động lại các cuộc đàm phán cho đến khi ông tin rằng, Washington đã sẵn sàng nới lỏng các biện pháp trừng phạt và "chính sách thù địch" với Bình Nhưỡng, bao gồm cả các cuộc tập trận quân sự chung hàng năm với Hàn Quốc.
Trong các cuộc thảo luận với ông Trump trước đây, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng nói rõ rằng ông quan tâm đến các cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí hạt nhân hơn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Ông Kim Jong-un đề xuất dỡ bỏ một phần các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên nếu Washington chấp nhận dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, ông Trump đã từ chối đề nghị này.
"Mỹ đang chào mời "hợp tác ngoại giao" và "đối thoại không cần điều kiện tiên quyết". Nhưng điều đó cũng không hơn gì một thủ thuật để đánh lừa cộng đồng quốc tế và che giấu các hành vi thù địch của họ", ông Kim Jong-un phát biểu hôm 29/9.
Thế khó của Mỹ - Hàn
Tên lửa được phóng từ tàu hỏa của Triều Tiên hồi tháng 9 (Ảnh: Reuters).
Theo Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha Womans ở Seoul, "Triều Tiên không quan tâm đến các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa để nhận được lợi ích khi tuân thủ các nghị quyết của Liên Hợp Quốc".
Tất cả những điều này khiến chính quyền Biden rơi vào tình thế khó thương lượng. Washington miễn cưỡng "chìa tay" với Triều Tiên khi nước này chỉ muốn đối thoại để giảm bớt các lệnh trừng phạt mà không chấp nhận từ bỏ vũ khí hạt nhân.
Nhưng nếu không hợp tác cũng đồng nghĩa với việc bỏ phí cơ hội "hãm đà" phát triển kho vũ khí của Triều Tiên. Điều này cũng có nguy cơ châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.
Giới quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng hiện tại có lẽ sẽ không thực hiện các hành động khiêu khích như hồi năm 2017 - thời điểm Triều Tiên tiến hành 3 vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và một vụ thử hạt nhân - buộc chính quyền Trump phải bước vào bàn đàm phán.
Các cuộc thử nghiệm như vậy sẽ làm leo thang căng thẳng mạnh mẽ, gây ra thêm các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và có khả năng châm ngòi cho cơn giận của Trung Quốc khi phá hỏng bầu không khí của Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh sắp tới.
Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng câu hỏi đặt ra cho ông Kim Jong-un là làm thế nào để buộc Washington quay trở lại đối thoại theo các điều kiện của Triều Tiên mà không khiến các đồng minh truyền thống của Triều Tiên, gồm Trung Quốc và Nga, tức giận. Bình Nhưỡng vẫn cần sự giúp đỡ của 2 nước này để vượt qua các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc và vực dậy nền kinh tế.
Rốt cuộc, chính phủ của Tổng thống Moon Jae-in có thể đưa ra câu trả lời khả thi nhất cho ông Kim Jong-un. Ông Moon đang nỗ lực đưa tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, chính sách đối ngoại mang đậm dấu ấn cá nhân của ông, trở lại đúng quỹ đạo trước khi nhiệm kỳ 5 năm của ông kết thúc vào năm sau.
Tuần này, ông Kim Jong-un cũng đưa ra những tuyên bố hòa giải với Hàn Quốc. Ông nói Triều Tiên "không có mục đích cũng như lý do để khiêu khích Hàn Quốc và không có ý định làm tổn hại đến nước này".
Cheong Seong-chang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triều Tiên tại Viện Sejong, Hàn Quốc, cho biết Triều Tiên đang lôi kéo Hàn Quốc trong khi né tránh các cuộc đàm phán với Washington. Các nhà phân tích khác cho rằng Bình Nhưỡng đang dựa vào Hàn Quốc để giúp đưa Washington đến bàn đối thoại.
Sung Kim, đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên, ngày 30/9 đã gặp những người đồng cấp từ Nhật Bản và Hàn Quốc và tuyên bố rằng, Washington sẽ hỗ trợ viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên như một động lực cho đối thoại.
Tuy vậy, giới phân tích cho rằng viện trợ nhân đạo vẫn chưa đủ đối với Triều Tiên. Bình Nhưỡng muốn Washington giải quyết các vấn đề cơ bản hơn liên quan đến sự sống còn của Triều Tiên, bao gồm nới lỏng các biện pháp trừng phạt và đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.
Triều Tiên phóng tên lửa phòng không mới Ngày 1-10, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nước này đã phóng thử một loại tên lửa phòng không mới vào ngày 30-9. Triều Tiên thử tên lửa. Ảnh: KCNA Tên lửa do Học viện Khoa học quốc phòng Triều Tiên phát triển và mục đích vụ phóng thử nhằm kiểm chứng tính thực tiễn trong hoạt động của...