Triều Tiên ảnh hưởng nặng vì virus corona dù chưa ghi nhận ca nhiễm bệnh nào
Kinh tế của Triều Tiên bị tổn thương không nhỏ sau khi Bình Nhưỡng đóng cửa biên giới với Trung Quốc và Nga để ngăn chặn sự lây lan của virus corona.
Triều Tiên vốn được xem là quốc gia cách biệt với phần còn lại của thế giới nay gần như cắt đứt liên hệ với bên ngoài sau khi phong tỏa biên giới với Trung Quốc và Nga trong bối cảnh dịch viêm phổi cấp bùng phát.
Bình Nhưỡng từ ngày 31/1 phong tỏa mọi tuyến giao thương bằng đường hàng không và đường sắt đi ngang biên giới với Trung Quốc, tạm thời cấm khách du lịch nước ngoài đến nước này.
Việc đóng cửa biên giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cam kết khởi động nền kinh tế Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, điều vốn trở nên không vững chắc sau các cuộc đàm phán phi hạt nhân với Mỹ.
Xe tải chờ qua chốt kiểm tra ở cuối cây cầu nối Đan Đông, Trung Quốc và Sinuiju, Triều Tiên. (Ảnh: Reuters)
“ Họ giữ hàng hóa ở bên ngoài và tránh xa Trung Quốc. Không ai có thể vào hoặc ra”, một nguồn tin nắm được tình hình tại biên giới Trung Quốc-Triều Tiên nói với Reuters.
Triều Tiên gần như là quốc gia đầu tiên đưa ra các biện pháp mạnh để ngăn dịch viêm phổi xâm nhập vào nước họ. Động thái này ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế của quốc gia Đông Bắc Á khi mà nước này phụ thuộc nhiều vào nguồn tiền của khách du lịch Trung Quốc và các hoạt động giao thương với Bắc Kinh.
Mặc dù vậy, nỗ lực của Triều Tiên cho thấy hiệu quả khi họ thành công trong việc ngăn chặn bất cứ mầm bệnh nào xâm nhập. Cái giá phải trả là Bình Nhưỡng phải cắt đứt hoặc hạn chế nghiêm trọng các mối quan hệ kinh tế mà họ đang dựa vào.
“Triều Tiên khuyến khích nội địa hóa, nhưng ngay cả các sản phầm như kẹo, bánh quy, quần áo được sản xuất từ nước này cũng lấy nguyên liệu thô từ Trung Quốc”, một nguồn tin cho hay.
“Những ngày lễ chính trị sắp tới ở Triều Tiên, thường bao gồm quà tặng là kẹo và bánh quy cho trẻ em sẽ bớt vui hơn khi nguồn cung cấp đường, bột và các thành phần khác rơi vào tình trạng khan hiếm”.
Cũng có những dấu hiện cho thấy các biện pháp phòng ngừa có thể dẫn tới việc hủy bỏ các lễ diễu hành quân sự và các lễ kỷ niệm lớn khác ít nhất là tới tháng 2, bao gồm lễ kỷ niệm thành lập quân đội Triều Tiên và sinh nhật cố Chủ tịch Kim Jong-Il.
Giáo sư Artyom Lukin tại Đại học Viễn Đông Liên bang Nga ở thành phố Vladivostok cho rằng mức độ rủi ro kinh tế với Triều Tiên phụ thuộc vào thời gian phong tỏa phiên giới.
Video đang HOT
“Nếu lệnh phong tỏa kéo dài trong vài tháng hoặc lâu hơn, điều này chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đáng kể với Triều Tiên”, ông nói.
Không có con số chính thức về quy mô nền kinh tế Triều Tiên, nhưng Ngân hàng Hàn Quốc ước tính năm 2018 nền kinh tế của nước này giảm trong năm thứ hai liên tiếp, trong khi thương mại quốc tế giảm 48,4% về giá trị.
Cuộc khủng hoảng cũng có thể làm suy yếu vị thế của Triều Tiên trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ.
“Nếu tình hình virus corona không được giải quyết nhanh chóng, nó sẽ khiến cuộc sống của người Triều Tiên trở nên khó khăn hơn nhiều vào năm 2020″, ông Lukin cho hay.
SONG HY (Nguồn: Reuters)
Theo vtc.vn
"Vòng luẩn quẩn" của câu chuyện hạt nhân Mỹ-Triều Tiên
Có thể thấy sự khác biệt về quan điểm và thiếu lòng tin là nguyên nhân chính khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên "giậm chân tại chỗ".
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội ngày 28/2/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
"Vòng luẩn quẩn" có lẽ là hình ảnh mô tả đầy đủ bản chất của tiến trình đàm phán giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên năm 2019, dù đây cũng là năm Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã hai lần trực tiếp bắt tay, gặp mặt.
Có thể thấy sự khác biệt về quan điểm và thiếu lòng tin là nguyên nhân chính khiến tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên "giậm chân tại chỗ" kể từ sau "bước ngoặt lớn" trong quan hệ Mỹ-Triều và quan hệ liên Triều trong năm 2018.
Đầu năm nay, cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai được dư luận kỳ vọng tại Hà Nội đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào do hai bên không có tiếng nói chung về những vấn đề mấu chốt của lộ trình phi hạt nhân hóa: những gì Triều Tiên sẽ làm và những gì Mỹ sẽ đáp lại.
Tổng thống Mỹ đã tiếp cận vấn đề này với ý tưởng về một thỏa thuận cả gói, một thỏa thuận lớn trong đó có việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược. Đó là chính sách không thay đổi của đảng Cộng hòa Mỹ kể từ thời chính quyền Tổng thống George Bush.
Cụ thể hơn, Mỹ yêu cầu Triều Tiên thực hiện phi hạt nhân hóa hoàn toàn trước khi bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với Bình Nhưỡng được nới lỏng.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vẫn khăng khăng phi hạt nhân hóa từng bước kèm theo động thái "có đi có lại" của Mỹ trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế.
Nói cách khác, nguyên tắc của Triều Tiên là "hành động đổi hành động", tức là hai bên phải cùng đồng thời hành động và tăng dần lên, thay vì Bình Nhưỡng đơn phương hành động phi hạt nhân hóa như một điều kiện tiên quyết để được Washington dỡ bỏ trừng phạt.
Cuộc gặp bất ngờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại làng đình chiến Panmunjom ở Khu phi quân sự (DMZ) chia tách hai miền Triều Tiên chiều 30/6, sự kiện mang tính biểu tượng cao và được ca ngợi như "bước khởi đầu mới" mang tính lịch sử, rốt cuộc cũng không tạo ra được những động thái ngoại giao quan trọng, dù khi đó hai bên đã nhất trí nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên về vấn đề hạt nhân "trong vài tuần".
Trên thực tế, tới tận tháng 10, các cuộc đàm phán này mới diễn ra tại Thụy Điển và kết thúc trong bế tắc, hai bên chưa đạt được kết quả cụ thể nào.
Chẳng những thế, căng thẳng liên tục leo thang khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thực hiện chính sách cứng rắn hơn với Triều Tiên thông qua biện pháp siết chặt trừng phạt.
Tuy nhiên, chính sách trừng phạt của Mỹ tỏ ra "lợi bất cập hại", không chỉ đẩy nền kinh tế Triều Tiên chìm sâu hơn nữa vào khó khăn, mà còn cản trở việc thực hiện những thỏa thuận liên Triều, phần nào dẫn tới phản ứng "giận giữ" của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên đã đáp lại chính sách mà Bình Nhưỡng coi là thù địch của Mỹ bằng các vụ thử liên tiếp tên lửa đạn đạo tầm ngắn, pháo phản lực siêu lớn và động cơ tên lửa, động thái được cho là nhằm gây sức ép đối với Washington, trong khi Tổng thống Mỹ để ngỏ khả năng sử dụng vũ lực nếu Triều Tiên "vượt quá giới hạn".
Nửa cuối năm 2019, quan hệ Mỹ - Triều gần như rơi sâu vào vòng xoáy của những động thái cảnh báo, răn đe kiểu như vậy.
Triều Tiên đã đưa ra thời hạn chót đòi Mỹ phải có "đề xuất mới" trước cuối năm nay, nếu không Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ đối thoại và lựa chọn con đường khác.
Về phần Mỹ, dù tuyên bố hy vọng nối lại đàm phán với Triều Tiên, song hầu như không tỏ dấu hiệu "xuống thang" để thể hiện thiện chí.
Giới phân tích cho rằng bản thân Tổng thống Donald Trump, người đang đối mặt với tiến trình luận tội ở Quốc hội Mỹ và đã bước vào vòng tranh cử cho cuộc bầu cử năm tới, cũng phải chịu sức ép lớn từ phe cứng rắn trên chính trường Mỹ trong vấn đề Triều Tiên.
Một "thắng lợi" của phía Mỹ trong giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên sẽ giúp ông chủ Nhà Trắng "ghi điểm" trước cuộc bầu cử, song chính sách cứng rắn để buộc Bình Nhưỡng nhượng bộ luôn có nguy cơ "già néo đứt dây".
Áp lực này sẽ khiến Tổng thống Donald Trump khó có bước đi quyết định để đưa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) trong cuộc gặp tại Khu phi quân sự (DMZ) ở biên giới liên Triều. Ảnh: Yonhap/TTXVN
Về phần Triều Tiên, nước này có lẽ muốn nhận được sự bảo đảm chắc chắn hơn từ phía Mỹ, kể cả về an ninh lẫn dỡ bỏ trừng phạt, nhất là trong bối cảnh Washington từng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran kèm theo tái áp đặt trừng phạt đối với Tehran.
Thực sự thì sau một loạt bước đi tích cực như ngừng các vụ thử hạt nhân, dỡ bỏ hay đóng cửa một số cơ sở, những gì Triều Tiên nhận lại được dường như "chưa tương xứng".
Về lý thuyết, Mỹ và Triều Tiên vẫn còn cơ hội nối lại đối thoại. Triều Tiên, dù tiến hành một loạt vụ phóng tên lửa và thử vũ khí mới, song không thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tức là không vi phạm các lệnh cấm của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, điều cho thấy Bình Nhưỡng vẫn kiềm chế không vượt qua "ranh giới đỏ".
Mỹ cũng đang đề xuất một vòng đàm phán cấp làm việc mới trong tháng 12, đồng thời hoãn một số cuộc diễn tập quân sự chung với Hàn Quốc- những hoạt động bị Triều Tiên coi là mang tính đối đầu.
Nga và Trung Quốc ngày 16/12 đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó đề xuất đưa ra khỏi danh sách trừng phạt của LHQ các dự án hợp tác đường bộ và đường sắt liên Triều, xuất khẩu thủy sản và dệt may của Triều Tiên, để khuyến khích đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên.
Trong tình trạng bế tắc hiện nay, dự thảo nghị quyết của Nga và Trung Quốc được cho có thể "nới lỏng" được nút thắt trong quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Triều Tiên để tạo điều kiện cho hướng đi ngoại giao.
Tuy nhiên, Mỹ không phải lúc nào cũng tiếp nhận những nỗ lực của Nga và Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, bởi lợi ích của 3 cường quốc này tại khu vực khá khác biệt.
Lập trường của Nga và Trung Quốc về Triều Tiên cũng không giống với quan điểm của Mỹ, hơn nữa, tính chất quyết liệt của cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa các nước lớn luôn khiến việc đạt được đồng thuận trong các vấn đề quốc tế thêm khó khăn.
Diễn biến gần 1 năm nay trong vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cho thấy chính sách siết chặt trừng phạt của Mỹ không đem lại hiệu quả, nếu không muốn nói là đang "đổ thêm dầu vào lửa".
Các vụ thử tên lửa và vũ khí mang tính chất tạo sức ép của Triều Tiên cũng chưa có tác động phá vỡ được những trở lực đẩy câu chuyện hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên vào vòng luẩn quẩn. Nói cho cùng, bế tắc hiện nay đòi hỏi cả Mỹ và Triều Tiên, thậm chí cả một số bên có lợi ích liên quan như Trung Quốc, đạt được một sự thỏa hiệp, với những cách tiếp cận linh hoạt và mềm mỏng hơn./.
PHẠM MẠNH HÙNG - Phóng viên TTXVN tại bán đảo Triều Tiên
Theo TTXVN
Tổng thống Hàn Quốc: Đàm phán Mỹ - Triều đình trệ không tốt cho Bình Nhưỡng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 23/12 cho rằng các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa bị đình trệ, căng thẳng Mỹ - Triều gia tăng gần đây không có lợi cho Bình Nhưỡng. Tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 23/12, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho biết ông đánh giá cao vai trò...