Triệu chứng HIV ở trẻ em, cách chẩn đoán và điều trị
Căn bệnh thế kỷ HIV không chỉ gây ảnh hưởng tới người lớn mà còn đang cướp đi tương lai và sinh mạng của nhiều trẻ em. Trong khi đó, việc chẩn đoán sớm HIV ở trẻ em vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Triệu chứng HIV ở trẻ em
Bệnh nhi nhiễm HIV thường có biểu hiện đa dạng. Các triệu chứng sớm thường gặp ở trẻ nhiễm HIV có thể kể đến:
- Biểu hiện trên toàn cơ thể: trẻ sụt cân, chậm lớn (chậm đạt các mốc phát triển cơ bản), hay bị sốt, co giật, mất nước, thiếu máu, suy dinh dưỡng, tiêu chảy kéo dài, gan lách to.
- Bệnh lý ở phổi: trẻ mắc các bệnh lý liên quan tới đường hô hấp kéo dài, mắc hội chứng ngón tay dùi trống không giải thích được, cảm cúm kéo dài, viêm phế quản, viêm phổi, lao phổi.
- Vùng đầu – mặt – cổ: trẻ bị não nhỏ không rõ nguyên nhân, viêm lợi mãn tính thứ phát sau nhiễm virus Herpes, nấm miệng và loét miệng, viêm tai giữa hoặc viêm xoang nặng.
- Bệnh về da: trẻ HIV thường bị nhiễm virus u nhú lan tỏa, u nhầy lan tỏa, viêm nang lông tái phát, ban sẩn ngứa, chàm hoặc viêm da bã nhờn nặng.
- Bệnh về thần kinh: bé bị chậm phát triển trí tuệ hoặc mất các mốc phát triển, tình trạng co cứng không rõ nguyên nhân.
Chẩn đoán và điều trị HIV cho trẻ
Video đang HOT
Khi bố mẹ bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh hoàn toàn nếu người mẹ sớm dùng thuốc kháng virus ARV (Ảnh minh họa)
Một trong ba con đường chính (chiếm 25 – 40%) làm lây truyền HIV/AIDS là từ mẹ sang con. Nếu không được điều trị dự phòng, cứ 100 bà mẹ có HIV khi mang thai sẽ có 35 trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Còn nếu được điều trị dự phòng, chỉ có khoảng 5 trẻ bị HIV.
Theo thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2017, số phụ nữ có thai là hơn 2,7 triệu người. Trong đó, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV là gần 1,4 triệu người (chiếm 50,2%), phát hiện 1.108 người nhiễm HIV. Nhờ sự phát triển của công tác chẩn đoán và điều trị, tỷ lệ lây truyền từ mẹ sang con đã giảm đáng kể. Ngay cả khi bố mẹ bị nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con khỏe mạnh hoàn toàn nếu người mẹ sớm dùng thuốc kháng virus ARV và tuân thủ việc nuôi con theo hướng dẫn của các cán bộ y tế.
Ngoài ra, thuốc kháng HIV cũng giúp bảo vệ sức khỏe cho thai phụ. Nếu phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV trong 3 tháng đầu của thai kỳ, được uống thuốc sớm và tuân thủ nguyên tắc điều trị, xét nghiệm máu 3 – 6 tháng/lần, tải lượng virus dưới 200 bản sao thì nguy cơ lây nhiễm HIV sang con sẽ rất thấp (chỉ 2 – 6%).
Nguy cơ mắc bệnh và tử vong sớm rất cao ở những trẻ nhiễm HIV. Vì thế trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV cần được chẩn đoán sớm (4 – 6 tuần tuổi) để được điều trị và chăm sóc kịp thời. Việc chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sơ sinh cũng giúp cha mẹ lựa chọn việc nuôi con bằng sữa mẹ hay sữa thay thế và hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm cho trẻ khác trong cộng đồng.
Về việc điều trị: trẻ sinh ra từ mẹ có HIV cần được điều trị dự phòng bằng Co-trimoxazole. Việc sử dụng thuốc bắt đầu từ khi trẻ được 4 – 6 tuần tuổi và kéo dài cho đến khi trẻ được 5 tuổi. Bên cạnh đó, phụ huynh còn cần trao đổi kỹ với bác sĩ để biết cách chăm sóc, điều trị trẻ nhiễm HIV đúng cách.
Nguy cơ lây nhiễm HIV trong độ tuổi vị thành niên
Mặc dù chương trình phòng, chống lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt những thành tựu nhất định khi đã khống chế tỷ lệ lây truyền mẹ con chỉ còn dưới 2%, nhưng những năm gần đây, tại Việt Nam ghi nhận sự gia tăng trẻ vị thành niên nhiễm HIV.
Đặc biệt, nguy cơ lây nhiễm HIV ngày càng tăng cao đối với trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục nam đồng giới.
Trẻ vị thành niên nhiễm HIV điều trị tại Phòng khám ngoại trú, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh.
Gia tăng nhiễm HIV ở trẻ vị thành niên
Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số người nhiễm HIV trong độ tuổi 15-16 được phát hiện năm 2019 tăng gần ba lần so với năm 2011. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế nhìn nhận, những năm gần đây, trẻ em Việt Nam có sự phát triển hơn về thể chất, tâm sinh lý, dậy thì sớm và có quan hệ tình dục sớm. Bên cạnh đó, tình trạng quan hệ tình dục đồng giới nam trong lứa tuổi học đường và tệ nạn ma túy len lỏi vào trường học cũng là nguyên nhân khiến nguy cơ HIV ngày càng lây lan rộng trong người trẻ.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2005, Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã thành lập Phòng khám ngoại trú điều trị cho trẻ em, trong đó có cả trẻ vị thành niên nhiễm HIV.
Bác sỹ Dư Tuấn Quy, Quyền Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay, thời gian đầu bệnh nhân điều trị tại Phòng khám ngoại trú đa phần là trẻ em mắc bệnh do lây truyền HIV từ mẹ. Tuy nhiên, những năm gần đây chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con triển khai tốt nên số lượng trẻ em nhiễm HIV từ trong bụng mẹ đã giảm đáng kể. Nếu như trước đây mỗi năm đơn vị này tiếp nhận hơn 10 trẻ mới nhiễm HIV thì từ đầu năm 2020 đến nay chỉ thêm 3 trẻ.
Tuy nhiên, theo bác sỹ Dư Tuấn Quy, số lượng trẻ, đặc biệt trẻ vị thành niên nhiễm HIV qua các con đường khác, mà chủ yếu là con đường quan hệ tình dục lại đang có xu hướng gia tăng. Đặc biệt là lây truyền HIV thông qua quan hệ tình dục đồng giới nam. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, các ca lây nhiễm HIV do quan hệ đồng giới nam gia tăng ở lứa tuổi học sinh. Từ đầu năm đến nay, có khoảng 4-5 trường hợp bệnh nhi mắc HIV do quan hệ đồng tính nam, chủ yếu là các em từ 14-15 tuổi. Đây là một tình trạng đáng báo động.
Bên cạnh đó, nhiều trường hợp trẻ vị thành niên nhiễm HIV do bị lạm dụng tình dục, thậm chí không biết vì sao bị lây nhiễm... "Nhiều trẻ đến điều trị tại phòng khám chia sẻ là bị lạm dụng tình dục ở hồ bơi, phòng tập thể hình hoặc nhà vệ sinh trong các trung tâm thương mại...", bác sỹ Quy chia sẻ.
Nguy cơ lây lan ra cộng đồng
Hiện trong 375 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1 có 57 trường hợp trên 15 tuổi, 226 trường hợp từ 10-15 tuổi. Các bác sỹ đánh giá, đây là độ tuổi nguy cơ cao lây truyền HIV cho người khác bởi các em bắt đầu có sự thay đổi tâm sinh lý mạnh mẽ.
Theo bác sỹ Dư Tuấn Quy, đa phần trẻ vẫn tuân thủ điều trị tốt dưới sự giám sát của gia đình, nhưng một số trẻ bắt đầu có dấu hiệu "nổi loạn", "hận đời", "trả thù đời"... dẫn đến quan hệ tình dục sớm và không sử dụng các biện pháp an toàn.
"Khi đến tuổi dậy thì, tâm sinh lý của trẻ trở nên nhạy cảm hơn, dễ nổi loạn hơn, vì thế khi nhận thức được mình nhiễm HIV nhiều trẻ thường rơi vào tâm trạng tiêu cực, sống bất cần đời. Đặc biệt, nhiều em chia sẻ rằng cha mẹ cũng đã chết vì HIV nên không còn hy vọng sống, trở nên chán nản, sống buông thả, quan hệ tình dục bừa bãi và lây nhiễm cho bạn tình", bác sỹ Quy chia sẻ.
Trong quá trình điều trị cho trẻ nhiễm HIV tuổi vị thành niên, nhiều lần bác sỹ Quy bắt gặp trẻ nhiễm HIV mang theo bạn trai hoặc bạn gái, nhưng ở lần tái khám sau lại đi cùng với bạn trai hoặc bạn gái khác. "Điều này chứng tỏ các em có nhiều hơn một bạn tình và nguy cơ những trẻ này có thể lây truyền HIV cho nhiều người khác rất cao", bác sỹ Quy cho biết thêm.
Chị Phạm Thị Lụa, nhân viên công tác xã hội Phòng khám ngoại trú - Khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết, ở lứa tuổi vị thành niên, trẻ thường có xu hướng giấu giếm tình trạng bệnh của mình đến khi không thể giấu được nữa. Cách đây 3 năm, chị Lụa tiếp nhận một trường hợp bé trai học lớp 9 nhiễm HIV. Sau khi được trấn an về tâm lý, trẻ chia sẻ yêu một anh trai ở lớp lớn hơn và có quan hệ tình dục. Đến khi bạn tình của mình được xác định nhiễm HIV thì trẻ lo sợ, không dám nói với gia đình.
Mới đây nhất, đơn vị này tiếp nhận một trường hợp nam 15 tuổi được phát hiện nhiễm HIV, mắc bệnh sùi mào gà. Sau khi tiếp nhận, trẻ khai bị một người lớn tuổi hơn thuê trọ gần nhà dụ dỗ quan hệ tình dục đồng giới nhiều lần. Em kể lại, người anh đó nhiễm HIV nhưng không dám nói với gia đình, đến khi phát bệnh sùi mào gà thì không thể giấu được nữa. Trẻ vị thành niên khi mắc bệnh thường có tâm lý sợ hãi và giấu giếm. Điều này càng nguy hiểm và nguy cơ lây truyền cho cộng đồng cao hơn.
Các bác sỹ khuyến cáo, vai trò của gia đình, người thân trong việc phát hiện bệnh đối với trẻ vị thành niên rất quan trọng. Đồng hành cùng con, nắm bắt tâm lý của con trong quá trình trưởng thành chính là chìa khóa để trẻ cởi mở hơn, chia sẻ nhiều hơn về các vấn đề mình gặp phải. Trong trường hợp không may con mình bị nhiễm HIV, phụ huynh cũng cần bình tĩnh, đồng hành cùng con để điều trị theo chỉ định của bác sỹ, tránh trường hợp trẻ có tâm lý tiêu cực và bỏ điều trị giữa chừng.
Từ nhiều năm qua, Bệnh viện Nhi đồng 1 thường xuyên phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển y tế Việt Nam (HAIVN), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC) và các tổ chức xã hội khác tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn và tư vấn về các biện pháp phòng tránh lây truyền HIV, giải đáp các thắc mắc về tâm sinh lý cho trẻ nhiễm HIV khi trẻ bước vào độ tuổi vị thành niên. Đối với trẻ nhiễm HIV không còn đi học, đơn vị này cũng liên kết với các cơ sở dạy nghề, hướng nghiệp, hỗ trợ các em được học nghề, ổn định cuộc sống.
Bác sĩ và những trăn trở về trẻ vị thành niên nhiễm HIV Đối với những đứa trẻ bình thường vốn đã dễ bị tổn thương, khi mang trong mình bệnh HIV, trẻ càng trở nên dè dặt, xa lánh cộng đồng, người thân, dẫn đến có thể bỏ điều trị. Đây cũng là một trong nhiều trăn trở, lo âu của các y bác sĩ điều trị cho các bệnh nhi, nhất là khi các...