Triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng hoạt động cho, nhận con nuôi
Chiều 28/8, Công an TP Hồ Chí Minh đã thông tin về kết quả đấu tranh chuyên án triệt phá đường dây mua bán trẻ sơ sinh núp bóng hoạt động cho, nhận con nuôi có liên quan đến 32 tỉnh, thành phố trên cả nước…
Qua công tác phát động phong trào toàn dân tích cực tham gia tố giác tội phạm và công tác nắm tình hình tại các hội nhóm trên không gian mạng có liên quan đến hoạt động cho nhận con nuôi, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện nhiều thông tin, tài liệu nghi vấn thực hiện hoạt động mua bán trẻ sơ sinh.
Các đối tượng Nguyễn Văn Quân, Huỳnh Ngọc Lam Linh, Phan Thị Lần.
Trước tính chất nghiêm trọng của sự việc, Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo xác lập chuyên án trinh sát để tập trung đấu tranh làm rõ và phân công Thiếu tướng Mai Hoàng, Phó Giám đốc Công an thành phố, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố làm Trưởng ban Chuyên án; Phòng Cảnh sát hình sự, Công an quận Tân Bình và các các đơn vị có liên quan là thành viên nhằm áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, khẩn trương và quyết liệt xác minh làm rõ, xử lý nghiêm, triệt để các đối tượng trong đường dây tội phạm, đặc biệt là kịp thời “giải cứu” các trẻ sơ sinh là nạn nhân bị mua bán.
Từ thông tin, tài liệu thu thập được, Ban chuyên án nhanh chóng xác minh, thận trọng phân tích, đánh giá từ những manh mối nhỏ nhất, qua đó phát hiện, triệu tập đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào (SN 1989, HKTT TP Vinh, tỉnh Nghệ An) đang nuôi, giữ một trẻ sơ sinh nam (3 ngày tuổi) tại một khách sạn trên địa bàn phường 2, quận Tân Bình.
Các đối tượng Lò Thị Hồng Kiều, Đoàn Thị Kim Lan, Đỗ Thị Thuỷ Ngân, Nguyễn Văn Đại, Nguyễn Thị Ánh Đào.
Bước đầu, đối tượng Đào thừa nhận đã dùng thủ đoạn gian dối tìm nhận con nuôi do hoàn cảnh hiếm muộn để liên lạc, nhận nuôi trẻ sơ sinh nêu trên từ chị T.T.T.N (cư trú tại tỉnh Đắk Lắk; mẹ ruột đứa trẻ) nhưng thực chất là để lại cho một cặp vợ chồng tại TP Hồ Chí Minh, thu lợi bất chính 40 triệu đồng.
Khẩn trương đấu tranh, mở rộng chuyên án, Công an TP Hồ Chí Minh đã xác định đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho nhận con nuôi được điều hành bởi các đối tượng Nguyễn Thị Ánh Đào, Hoàng Thị Nhung (SN 1982, cư trú TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), Đỗ Thị Thúy Ngân (SN 1994; cư trú huyện Thanh Trì, TP Hà Nội), Cao Thị Thu Phương (SN 1983;cư trú phường Tân Bình, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) hoạt động với quy mô lớn tại 32 tỉnh, thành phố; có sự tham gia, giúp sức của 6 đối tượng môi giới.
Bước đầu, Cơ quan Công an xác định từ đầu năm 2024 đến nay, đường dây tội phạm trên thông qua hội nhóm kín trên mạng xã hội để liên hệ, kết nối với các phụ nữ mới sinh có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để mua 16 đứa trẻ (có độ tuổi từ 3 ngày tuổi đến 3 tháng tuổi) với số tiền từ 10 triệu đồng – 23 triệu đồng/đứa trẻ. Sau đó, bán lại với số tiền từ 35 triệu – 75 triệu đồng/đứa trẻ, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng.
Video đang HOT
Hiện Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt tạm giám 16 đối tượng trong đường dây.
Đáng chú ý, để hợp thức hóa việc mua bán trẻ sơ sinh dưới hình thức cho – nhận con nuôi, các đối tượng đã móc nối với đường dây làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức do đối tượng Phan Phương Nam (SN 1989; cư trú phường Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai) cầm đầu để đặt mua giấy chứng sinh giả nhằm hợp thức hóa thủ tục cho nhận con nuôi và đăng ký khai sinh cho các cháu bé bị mua bán.
Khám xét khẩn cấp địa điểm làm giả giấy tờ, tài liệu tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, thu giữ 49 công cụ, phương tiện và hàng ngàn loại giấy tờ giả các loại, trong đó có nhiều giấy chứng sinh giả.
Các đối tượng trong đường dây mua bán trẻ em.
Lần theo thông tin từ các giấy chứng sinh giả thu giữ nêu trên, Công an TP Hồ Chí Minh đã thành lập 9 Tổ công tác khẩn trương xác minh 84 trường hợp trẻ sơ sinh có dấu hiệu bị mua bán tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Qua đó, Cơ quan Công an đã giải cứu kịp thời các trường hợp trẻ em đã bị mua bán; tiến hành bàn giao, phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các nạn nhân. Trong đó, đáng chú ý Cơ quan Công an đã phát hiện, giải cứu một bé trai 20 ngày tuổi bị đối tượng Vi Thị Anh (SN 1986; cư trú huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La; hiện đang chờ chấp hành 2 bản án với tổng hình phạt hơn 12 năm 6 tháng phạt tù về tội Mua bán trái phép chất ma túy) mua lại dưới thủ đoạn nhận con nuôi để hoãn chấp hành án phạt tù.
Đại tá Phạm Đình Ngọc, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hồ Chí Minh, thông tin vụ việc.
Thành viên Ban chuyên án thông tin tại buổi họp báo.
Trong thời gian chưa đến 30 ngày kể từ khi phát hiện nguồn tin, Công an TP Hồ Chí Minh đã triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức, hoạt động tại các hội nhóm kín trên không gian mạng; bắt tạm giam đối với 16 đối tượng trong đường dây (trong đó, có các đối tượng chủ mưu, cầm đầu) đã điều hành, thực hiện hành vi mua bán trẻ sơ sinh tại 32 tỉnh, thành phố trong cả nước về các tội danh “Mua bán người dưới 16 tuổi” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Việc triệt phá đường dây tội phạm mua bán trẻ sơ sinh nêu trên thể hiện tinh thần khẩn trương, mưu trí, sáng tạo và trách nhiệm cao trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân của Công an TP Hồ Chí Minh
Nỗ lực ngăn chặn tội phạm mua bán người
Nếu như trước đây, chúng ta chỉ biết đến mua bán người vì mục đích cưỡng bức lao động, mại dâm thì bây giờ còn các hình thức khác như: mang thai hộ; mua bán bào thai; cho và nhận con nuôi; giới thiệu việc nhẹ lương cao; kết hôn với người nước ngoài với các phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, đấu tranh.
Trước thực trạng trên, Công an các địa phương đã quyết liệt triển khai các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh và phòng ngừa có hiệu quả với loại tội phạm này.
Cảnh báo thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng
Đầu tháng 4/2024, chị N.T.C (SN 1996), trú tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá đến cơ quan Công an để trình báo sự việc: Vào lúc 4h ngày 29/3/2024, em trai chị là Nguyễn Công Minh đem theo hành lý cá nhân đi từ nhà đến xã Quảng Lộc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá lên ôtô khách của nhà xe Hải Hà đi đến TP Hồ Chí Minh. Đến 8h sáng 30/3/2024, khi đến bến xe Ngã Tư Ga ở TP Hồ Chí Minh, Minh được một người đàn ông lạ mặt đi xe ôtô đến trả tiền vé xe và chở Minh đi. Tiếp đó, ngày 5 và 6/4/2024, gia đình Minh nhận được tin nhắn qua tài khoản Zalo của Minh với nội dung Minh đã bị lừa bán sang Campuchia, đồng thời có nhiều cuộc gọi đến số điện thoại của chị C yêu cầu chuyển 250.000.000 đồng để chuộc người.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã bắt giữ đối tượng Phạm Thị Hằng để điều tra tội mua bán người dưới 16 tuổi.
Đây là vụ việc điển hình mà nguyên nhân xuất phát từ việc các thanh niên có nhu cầu tìm việc làm có thu nhập cao, ít nặng nhọc đã lên mạng tìm kiếm hoặc thông qua người lạ quen biết trên mạng xã hội giới thiệu. Lợi dụng vào đó, bọn tội phạm mua bán người đã giăng bẫy để dụ dỗ, đưa các nạn nhân đến hang ổ của chúng sau đó khống chế bắt tham gia các hoạt động lừa đảo qua mạng hoặc đòi tiền chuộc từ gia đình các nạn nhân.
Mới đây, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Công an TP Thanh Hóa phát hiện hội nhóm "Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi" có một số đối tượng có dấu hiệu hoạt động chuyển giao, mua bán người dưới 16 tuổi với thủ đoạn nhận con nuôi nên đã xác lập chuyên án đấu tranh. Quá trình điều tra, Công an TP Thanh Hóa phát hiện Phạm Thị Hằng là đối tượng đã có tiền án về tội "Làm giả giấy tờ" cũng tham gia hội nhóm "Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi".
Bản thân Hằng đang có giao dịch bán con gái (5 ngày tuổi) của một phụ nữ ở huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên cho một gia đình ở xã Hóa Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) với giá 45 triệu đồng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, chiều 11/6/2024, Công an TP Thanh Hóa đã bắt quả tang Phạm Thị Hằng khi đang giao dịch và bán cháu gái 5 ngày tuổi tại nhà nghỉ Thu Hà, đường Tô Vĩnh Diện, phường Điện Biên, TP Thanh Hóa. Theo kết quả điều tra, do hoàn cảnh khó khăn nên chị N.T.M đang mang thai con gái tháng thứ 9 có lên hội nhóm trên không gian mạng "Gia đình hiếm muộn xin nhận con nuôi" để liên hệ tìm người nuôi con sau khi sinh.
Sau khi liên hệ với tài khoản Facebook "Hang pham" của Phạm Thị Hằng, chị M nói nguyện vọng của bản thân muốn tìm người nuôi con sau sinh nên Hằng đồng ý. Hằng hứa hẹn sẽ trả toàn bộ viện phí và chi phí cho chị M bắt xe từ Thái Nguyên vào Thanh Hóa. Sau đó, Hằng đã liên hệ và bán cháu bé cho một gia đình hiếm muộn ở huyện Như Xuân với giá 45 triệu đồng.
Trung tá Đỗ Tân Phú, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP Thanh Hoá cho biết, thủ đoạn của Phạm Thị Hằng là lợi dụng các trang mạng xã hội để đăng tải thông tin, thu gom những người mang thai ngoài ý muốn, sau đó mang về nhà lo ăn uống, sinh hoạt. Khi đến thời kỳ sinh nở thì đối tượng lo viện phí và sau khi sinh con xong thì đối tượng làm giấy tờ giả và liên hệ trên mạng xã hội với những gia đình hiếm muộn con.
Từ thực tế điều tra của lực lượng Công an cho thấy, nạn nhân mà các đối tượng buôn người nhắm tới thường là thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, nhận thức pháp luật còn hạn chế; phụ nữ bị tổn thương về tình cảm; các cháu gái ở độ tuổi mới lớn, chưa có nhiều kinh nghiệm sống... Đáng chú ý là phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng này rất tinh vi với quy mô ngày càng phức tạp. Thay vì tiếp cận nạn nhân trực tiếp như trước kia, hiện nay, các đối tượng lại lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận nạn nhân và đưa ra nhiều "bẫy" hấp dẫn như: Dụ dỗ đi làm việc nhẹ lương cao; lập các nhóm kín để nhận con nuôi, mang thai hộ; đưa phụ nữ ra nước ngoài lấy chồng...
Trung tá Nguyễn Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Thường Xuân, cho biết: "Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh, chúng tôi thấy rằng số người dân sang Campuchia làm ăn, hầu như đều bị các đối tượng đưa vào hoạt động trong các sòng bạc hoặc đưa vào làm trong các nhóm liên quan đến lừa đảo. Đối với phụ nữ hoặc trẻ em gái có thể đưa vào hoạt động trong các ổ nhóm mại dâm. Hằng ngày các đối tượng quản lý chặt chẽ, thậm chí là sử dụng vũ lực để quản lý số nạn nhân này. Nếu muốn giải thoát thì các đối tượng có thể cho liên lạc với gia đình và đưa ra số tiền chuộc rất lớn.
Thượng tá Phạm Đức Thiêm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Thanh Hoá cho biết thêm: Thời gian gần đây, Công an tỉnh Thanh Hoá đã tập trung tuyên truyền, nâng cao cảnh giác cho người dân trong việc nhận diện và phòng ngừa tội phạm mua bán người. Đồng thời, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã tập trung nắm tình hình, địa bàn, đối tượng, chủ động điều tra các tuyến, địa bàn, lĩnh vực, đặc biệt là điều tra trên các hội nhóm trên không gian mạng liên quan đến hoạt động mua bán người; tham mưu cho các sở, ban, ngành đoàn thể có liên quan phối hợp đấu tranh, phòng ngừa; xác lập các chuyên án, đấu tranh triệt phá các đường dây, mắt xích hoạt động mua bán người... Chỉ tính từ đầu năm 2024 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hoá đã phát hiện, bắt giữ và khởi tố 3 vụ, 4 bị can về tội mua bán người trong đó có 2 vụ mua bán trẻ em dưới 16 tuổi.
Đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người qua tuyến biên giới
Thời gian qua, với phương châm "không trẻ em nào bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến phòng, chống mua bán người", Công an Tây Ninh đã triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh phòng, chống hiệu quả với tội phạm mua bán người theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Công an xã Định Tăng, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa ngăn chặn kịp thời một cháu bé bị dụ dỗ đi làm "việc nhẹ lương cao".
Điển hình, qua công tác nghiệp vụ, vào ngày 10/7, tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ Phạm Thị Kim Anh (SN 2003, ngụ Đồng Nai) và giải cứu thành công 2 nữ sinh bị mua bán, gồm: G.M.Đ. (SN 2007, ngụ Bình Dương) và V.V.T. (SN 2007, ngụ An Giang).
Tại cơ quan Công an, Kim Anh bước đầu khai nhận, lợi dụng mạng xã hội Facebook và Telegram để lừa, dụ dỗ và lôi kéo người Việt Nam đưa sang lao động ở khu Đông Thái, TP Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia. Khi nạn nhân dính bẫy, Kim Anh bán cho các công ty ở Campuchia với giá 300 USD/người. Kim Anh đã bán được 3 người thì bị bắt giữ.
Thượng tá Nguyễn Văn Tâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh, cho biết: Để đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, Công an tỉnh Tây Ninh tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các lực lượng Công an và Biên phòng triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Các ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng nhiệm vụ được phân công phối hợp triển khai các giải pháp phòng, chống tội phạm mua bán người.
Qua công tác phối hợp, Công an tỉnh Tây Ninh và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã xác lập 2 chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng mua bán người sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài. Kết quả, lực lượng chức năng đã bắt giữ, khởi tố 7 đối tượng về hành vi mua bán người, giải cứu 9 nạn nhân, trong đó có 1 nạn nhân từ Malaysia. Ngoài ra, lực lượng chức năng còn phối hợp tiếp nhận, xác minh hơn 1.400 công dân Việt Nam do lực lượng chức năng Campuchia trao trả về nước. Qua đó, phát hiện 3 đối tượng truy nã, 22 đối tượng truy tìm của Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước. Công an tỉnh Tây Ninh và Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp tuần tra biên giới phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới và xuất, nhập cảnh trái phép.
Riêng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã chủ động phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và lực lượng chức năng Campuchia bắt, khởi tố 2 vụ, 10 đối tượng về hành vi mua bán người, lừa đảo chiếm đoạt tải sản trên không gian mạng. Trong đó, 2 đối tượng cầm đầu tuyển chọn người Việt Nam đưa sang Campuchia bán vào các công ty lừa đảo của người Trung Quốc để hoạt động phạm tội
Em gái nghệ sĩ Vũ Linh bất ngờ yêu cầu được hưởng toàn bộ tài sản thừa kế Thay vì yêu cầu chia thừa kế đối với các tài sản là nhà đất, tại phiên hòa giải, bà Nhung bất ngờ đề nghị tòa xác định toàn bộ tài sản của nghệ sĩ Vũ Linh là của bà và ông Võ Thành Nhiêu. TAND TPHCM vừa tổ chức phiên hòa giải đối với vụ án "Tranh chấp về thừa kế tài...