Triệt phá đường dây buôn lậu thuốc bắc trá hình
Không phải là hàng “xách tay”, hay “vác vai” qua biên giới mà thuốc Bắc nhập lậu được các đối tượng cho “đi” chính ngạch dưới danh nghĩa hàng nông sản nhập khẩu.
Với thủ đoạn mới và tinh vi này, mỗi ngày, các đối tượng nhập 3-5 container các loại dược liệu từ Trung Quốc về Việt Nam qua các cửa khẩu để bán ra thị trường.
Qua kiểm tra sơ bộ hồ sơ, tài liệu, lực lượng chức năng đang xác minh địa chỉ tiêu thụ nguồn hàng trên và không loại trừ đích đến là các công ty dược phẩm dưới dạng nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm thuốc Đông, Nam dược, đặc biệt là các sản phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp dành cho chị em phụ nữ.
Cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế làm thủ tục khám xét kho chứa hàng lậu.
Những chuyến hàng núp bóng nông sản
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an về tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm buôn lậu có tổ chức, băng, ổ nhóm lớn trong dịp cuối năm, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế – tham nhũng – buôn lậu (Cảnh sát kinh tế) Bộ Công an đã triển khai lực lượng nắm tình hình tại các địa bàn phức tạp, trọng điểm, phát hiện các đường dây buôn lậu lớn để tập trung đấu tranh. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện đường dây nhập lậu thuốc Bắc cực lớn được ngụy trang dưới danh nghĩa nhập khẩu nông sản nên đã lập chuyên án, đấu tranh.
Khoảng 12h trưa 4-12, đồng loạt nhiều mũi trinh sát của Cục Cảnh sát kinh tế đã triển khai lực lượng bắt giữ các đối tượng buôn lậu. Mũi thứ nhất đã kiểm tra container BKS 98C-073.58, kéo rơ-moóc 98R-003.90 tại cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn, khi container này vừa thông quan hàng nông sản nhập khẩu. Lực lượng chức năng phát hiện trong container không phải là hàng nông sản thông thường mà là chục tấn thuốc Bắc gồm nhiều chủng loại khác nhau từ sâm, tam thất và các dược liệu khác.
Cùng thời điểm trên, tại Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, một tổ công tác khác đã kiểm tra xe container BKS 99C-060.56, rơ moóc 99R-0047, cũng phát hiện đang chở hàng chục tấn thuốc Bắc được ngụy trang dưới dạng hàng hóa thông thường.
Bên cạnh việc đấu tranh với các lái xe và đối tượng liên quan, các tổ công tác khác của Cục Cảnh sát kinh tế đã phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh thực hiện lệnh khám xét toàn bộ kho Long Vỹ thuộc phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh – nơi các đối tượng tập kết thuốc Bắc nhập lậu để đưa đi tiêu thụ. Qua khám xét, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ hàng trăm tấn thuốc gồm nhiều chủng loại khác nhau từ các loại hoa, quả, cây thuốc đến các loại dược liệu quý như sâm, quy, thục… với giá trị ước tính nhiều tỷ đồng.
Bước đầu, lực lượng chức năng đã làm rõ, nhóm đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu thuốc Bắc trên gồm hai anh em ruột là Lâm Đình Hưng và Lâm Đình Hoài đều trú ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội và Trần Văn Quang, quê ở Bắc Ninh. Các đối tượng trên đã thành lập nhiều công ty khác nhau với giấy phép kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là thủ đoạn để các đối tượng che giấu việc buôn lậu thuốc Bắc.
Video đang HOT
Ngày 6-12, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tạm giữ hình sự một số đối tượng trong đường dây buôn lậu thuốc Bắc từ Trung Quốc về Việt Nam để điều tra, làm rõ hành vi phạm tội.
Xe chở thuốc bắc nhập lậu bị lực lượng chức năng tạm giữ.
Tấm bình phong màu xanh
Theo quy định của Bộ Y tế thì nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh dược liệu phải đăng ký với cơ quan chức năng. Khi được cấp phép đủ điều kiện mới được hoạt động. Đặc biệt, tất cả các loại dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam đều phải qua quá trình kiểm tra gắt gao, nếu đủ tiêu chuẩn mới được nhập.
Chính vì vậy, để hợp pháp hóa thuốc Bắc nhập lậu, các đối tượng đã thành lập hàng loạt công ty khác nhau như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Hà Bắc (địa chỉ ở xóm 9, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội); Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hà Bắc cũng cùng địa chỉ trên; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Chi Ma; Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Ninh Hiệp… Trong đó, có những công ty đã hoạt động rất lâu như Công ty TNHH Thương mại và vận tải Hà Bắc hoạt động từ tháng 1-2014 đến nay. Nhiều công ty khác cũng đã hoạt động được 2-3 năm.
Với mặt hàng đăng ký kinh doanh là nông sản khô, tươi nhập khẩu, hàng hóa của các đối tượng hầu như không bị hải quan kiểm tra vì đây là mặt hàng được nhà nước cho phép nhập khẩu. Theo đó, các đối tượng chỉ cần khai tờ khai hải quan, sau đó nộp thuế theo quy định là sẽ được nhập khẩu. Đặc biệt, với chính sách thông quan thông thoáng, cải cách hành chính thì các công ty có luồng xanh rất ít khi bị hải quan kiểm tra đột xuất hàng hóa nên các đối tượng thường ngụy trang hàng được phép nhập khẩu ở bên ngoài hoặc để lẫn trong dược liệu để tránh bị phát hiện.
Việc nhập lậu thuốc Bắc được các đối tượng lập thành đường dây khép kín từ khâu sang Trung Quốc mua nguyên liệu, đến khai báo hải quan, vận chuyển về Việt Nam rồi bán cho khách hàng đều do các công ty khác nhau của các đối tượng thực hiện. Cũng chính vì hoạt động khép kín như vậy nên các hành vi vi phạm pháp luật của chúng được che giấu, ngụy trang khá kỹ lưỡng. Vì vậy, để bắt quả tang được các đối tượng nhập khẩu trái phép các loại dược liệu, CBCS Cục Cảnh sát kinh tế đã phải dày công nắm tình hình, thu thập tài liệu, chứng cứ về việc phạm tội của các đối tượng.
Các đối tượng…
Đích đến của các lô dược liệu lậu ở đâu?
Qua kiểm tra sơ bộ, lực lượng chức năng phát hiện có nhiều nghi vấn các đối tượng trên là đầu nậu chuyên cung cấp nguyên liệu cho các công ty dược phẩm. Theo tính toán ban đầu của cơ quan chức năng, mỗi ngày, các đối tượng thông quan từ 3 đến 5 container, mỗi container vận chuyển hàng chục tấn hàng. Nếu trừ đi hàng hóa ngụy trang thì mỗi ngày, các đối tượng đã vận chuyển trót lọt hàng chục tấn thuốc Bắc vào Việt Nam tiêu thụ. Riêng kho ở thị xã Từ Sơn đã có hàng trăm tấn thuốc Bắc các loại. Kho này có diện tích khoảng 1.500m2, lúc nào cũng tấp nập công nhân đóng hàng, bốc hàng, vận chuyển đi các nơi tiêu thụ.
Trao đổi với phóng viên ANTG, lãnh đạo Cục Cảnh sát kinh tế cho biết, lo lắng lớn nhất về số thuốc Bắc này (không có hóa đơn, chứng từ, giấy tờ kiểm nghiệm chất lượng) là việc sử dụng các hóa chất bảo quản để tránh ẩm mốc, thối, mọt. Vì tất cả dược liệu đều được đóng bằng bao xác, để trên nền kho, trong điều kiện bảo quản rất sơ sài, chuyện ẩm và mốc là khó tránh khỏi. Rất có thể các đối tượng đã sử dụng nhiều loại hóa chất khác nhau như photpho; formaldehyde, lưu huỳnh… để bảo quản sản phẩm. Các loại độc tố này có trong dược liệu sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng, thậm chí, có những loại độc tố không bị diệt ở nhiệt độ cao (ngay cả khi đun tới 200 độ C), do đó, khi sắc thuốc độc tố vẫn còn.
Trong khi đó, với hàng chục tấn thuốc Bắc nhập lậu mỗi ngày, các đối tượng không chỉ cung cấp cho các nhà thuốc, thầy lang mà còn cung cấp số lượng lớn cho các công ty ở nhiều địa phương trong cả nước. “Chúng tôi đang tập trung xác minh, không loại trừ việc các đối tượng trên nhập dược liệu cho các công ty dược phẩm để sản xuất thuốc, các sản phẩm chữa bệnh, đặc biệt là thực phẩm chức năng, đồng thời trưng cầu giám định của cơ quan chức năng về chất lượng, các loại hóa chất có trong các loại dược phẩm trên” – lãnh đạo Cục Cảnh sát kinh tế cho biết.
Tràn lan thuốc bắc “ngậm” hóa chất
Theo thống kê, có tới 80% thuốc Bắc trên thị trường được nhập từ Trung Quốc. Trong một đợt lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên với hai dược liệu là hồng hoa và chi tử, cơ quan chức năng của Bộ Y tế đã lấy 57 mẫu chi tử thì có tới 27 mẫu chứa phẩm màu rhodamine B. Đây là một hóa chất nhuộm màu phát quang, có khả năng gây độc cấp tính tới hệ thần kinh, gây độc trên da, thậm chí có thể gây ung thư.
Kiểm tra 400 mẫu dược liệu, Viện Kiểm nghiệm Bộ Y tế phát hiện có tới 60% số dược liệu chưa đạt chất lượng, trong đó, 20% dược liệu bị trộn tạp chất hoặc tẩm ướp hóa chất độc hại. Còn theo kết quả giám định của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, trong số 49 mẫu có 15 mẫu dược liệu thuốc Bắc có hàm lượng lưu huỳnh, thạch tín vượt chỉ số cho phép nhiều lần. Đó là chưa kể đến hàm lượng thuốc trừ sâu có trong dược liệu khá phổ biến hoặc dược liệu do bảo quản không tốt dẫn tới ẩm mốc. Lời cảnh báo đối với thuốc Bắc không chỉ là những con số nêu trên.
… và tang vật liên quan đến đường dây nhập lậu thuốc bắc.
Được biết, mỗi năm Bệnh viện Bạch Mai có từ 10 đến 15 ca ngộ độc mà thủ phạm chính là những bình rượu ngâm thuốc Bắc, thuốc chữa vô sinh, thực phẩm chức năng làm đẹp… Đa số các bệnh nhân khi vào viện đều có biểu hiện ngộ độc kim loại nặng với nồng độ cao. Không chỉ dược liệu “ngậm” hóa chất chống thối, chống mốc, lực lượng chức năng phát hiện, trên thị trường còn có vô vàn loại rác dược phẩm. Tức là các dược phẩm đã bị rút hết chất, chỉ còn vỏ, sau đó tẩm hóa chất có màu, mùi giống với dược liệu bình thường để bán cho các đầu nậu đưa về Việt Nam.
Trước khi phát hiện đường dây nhập lậu dược liệu núp bóng nông sản do anh em Lâm Đình Hưng, Lâm Đình Hoài và Trần Văn Quang cầm đầu, Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng bắt quả tang 24 đối tượng đang thực hiện hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới từ Trung Quốc vào Việt Nam. Trong đó có 2 đối tượng là người nước ngoài; tang vật thu giữ tại chỗ gồm: 2 xe ô tô tải biển kiểm soát nước ngoài, 5 xe ô tô tải biển kiểm soát Việt Nam cùng số lượng lớn hàng hóa nhập lậu bọc trong các bao tải.
Các đối tượng bị bắt khi đang bốc dỡ hàng hóa từ xe ô tô biển kiểm soát nước ngoài sang ô tô biển kiểm soát Việt Nam; thu giữ khoảng 100 tấn hàng hóa, gồm: thuốc Bắc, phụ tùng, phụ kiện ô tô, đồ gia dụng… trị giá nhiều tỷ đồng và các phương tiện có liên quan đến việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Cầm đầu đường dây trên là Trịnh Đức Thọ (SN 1971, thường gọi là Thọ “vâu”, trú tại số 9, đường Nguyễn Khắc Cần, khu đô thị Phú Lộc, khối 7, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) là Giám đốc Công ty cổ phần Dược Lạng Sơn. Đối tượng Thọ cùng một số đối tượng tại tỉnh Lạng Sơn và Bắc Ninh tổ chức mua hàng từ Trung Quốc, thuê lái xe người Trung Quốc vận chuyển ra khu vực biên giới để vận chuyển trái phép về Việt Nam tiêu thụ thông qua các đường mòn, lối mở biên giới.
Tuy nhiên, thủ đoạn của Thọ “vâu” khác hoàn toàn với anh em Lâm Đình Hưng và Trần Văn Quang vì Thọ câu kết với đối tượng nước ngoài, lợi dụng sự buông lỏng quản lý của lực lượng biên phòng để vận chuyển thuốc Bắc trái phép về Việt Nam. Còn anh em Lâm Đình Hưng và Trần Văn Quang “cao tay” hơn vì chúng ngụy trang thuốc Bắc dưới vỏ bọc hàng nông sản nên không bị phát hiện.
Hiện Cục Cảnh sát kinh tế đang tiếp tục điều tra, mở rộng, làm rõ các đối tượng liên quan đến đường dây nhập lậu thuốc Bắc trên, đồng thời làm rõ các công ty, doanh nghiệp sản xuất thuốc, thực phẩm chức năng nhập nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không qua kiểm nghiệm của các đối tượng trên để xử lý nghiêm trước pháp luật.
Theo công an nhân dân
Manh mối đường dây thành lập công ty nông sản để nhập lậu thuốc bắc
Cơ quan điều tra bước đầu xác định nhóm đối tượng đã thành lập nhiều công ty với giấy phép kinh doanh các mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là bình phong để che giấu việc buôn lậu thuốc bắc.
Ngày 5-12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - tham nhũng - buôn lậu (Cảnh sát kinh tế), Bộ Công an cho biết, đơn vị đã thực hiện biện pháp tố tụng một số đối tượng trong đường dây buôn lậu thuốc bắc từ Trung Quốc về Việt Nam, với số lượng lên đến hàng chục tấn.
1 phương tiện chở thuốc bắc nhập lậu, được ngụy trang là hàng nông sản
Trước đó, ngày 4-12, các tổ công tác của Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với lực lượng chức năng đã đồng loạt kiểm tra container BKS: 98C - 073.58, kéo rơmóc 98R -003.90 tại cửa khẩu Chi Ma, Lạng Sơn khi container này vừa thông quan hàng nông sản nhập khẩu.
Tuy nhiên, trong container trên không phải là hàng nông sản mà có đến chục tấn thuốc bắc gồm nhiều chủng loại như sâm, tam thất và các dược liệu khác.
Cùng thời điểm trên, tại Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn, một tổ công tác khác kiểm tra xe container BKS: 99C - 060.56, móc 99R - 0047, cũng phát hiện có hàng chục tấn thuốc bắc được nguỵ trang dưới dạng hàng hoá thông thường.
Căn cứ tài liệu thu thập, Cục Cảnh sát kinh tế phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện lệnh khám xét toàn bộ kho Long Vỹ (xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, Bắc Ninh), nơi các đối tượng tập kết thuốc bắc nhập lậu để đưa đi tiêu thụ. Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ hàng trăm tấn thuốc bắc các loại.
Kết quả điều tra bước đầu xác định được nhóm đối tượng cầm đầu đường dây buôn lậu thuốc bắc trên gồm hai anh em ruột trú ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội; và Trần Văn Quang, quê quán Bắc Ninh. Các đối tượng này đã thành lập nhiều công ty với giấy phép kinh doanh mặt hàng nông sản xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, đây chỉ là bình phong để che giấu việc buôn lậu thuốc bắc.
Theo anninhthudo.vn
Phá đường dây buôn lậu hàng chục tấn dược liệu làm thuốc bắc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế - tham nhũng - buôn lậu (Bộ Công an) vừa triệt phá đường dây buôn lậu hàng chục tấn dược liệu để làm thuốc từ Trung Quốc về tiêu thụ tại các tỉnh thành phía Bắc. ảnh minh họa Sáng 5/12, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế,...