“Trị” quầng thâm
Quầng thâm mắt khiến bạn có cảm giác mệt mỏi và thiếu ngủ. Dùng mỹ phẩm trang điểm để che quầng thâm mắt chỉ là giải pháp tạm thời.
Bạn có thể tìm hiểu nguyên nhân để có những xử lý kịp thời, giúp đôi mắt trong sáng ngay cả khi không trang điểm, đặc biệt trong những dịp lễ hội sắp tới.
Di truyền
Yếu tố di truyền là nguyên nhân làm bạn “đau khổ” nhất vì thần sắc lúc nào cũng kém tươi. Theo đó, do phần xương hốc mắt rộng hơn những người khác, dù bạn ốm hay tròn, khiến phần da ở hốc mắt lõm bên dưới mà chỉ được nâng đỡ bằng các mô cơ.
Các mô cơ này không đủ sức chống đỡ nên vùng hốc mắt của bạn nhìn sẫm màu hơn. Đặc biệt khi thiếu ngủ, quầng thâm của bạn càng dễ lộ hơn so với người có phần hốc mắt nhỏ. Ngược lại, những người có bọng mắt to cũng dễ lộ vùng sẫm màu do thành nâng đỡ yếu.
Gợi ý: Trong trường hợp này, việc điều trị cực kỳ khó. Tuy nhiên, bạn có thể cải thiện phần nào nếu kiên trì thực hiện dưỡng mắt. Trường hợpquầng thâm mắt do hốc mắt lớn, có thể thoa tinh chất điều trị thâm mắt mỗi đêm.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện liệu pháp tiêm chất làm đầy để tạo độ đầy cho phần da hốc mắt, sẽ giảm quầng thâm đáng kể. Nếu bạn có bọng mắt to, nên dùng thêm kem có tính năng giảm sưng và nâng cơ, làm săn chắc da. Đồng thời, với cả hai trường hợp trên, bạn đều phải hạn chế thức khuya, stress.
Quầng thâm mắt khiến bạn có cảm giác mệt mỏi và thiếu ngủ
Mất ngủ và thói quen khi ngủ
Quầng thâm và thiếu ngủ là bạn đồng hành với nhau. Do khi thiếu ngủ da bị mất nước dẫn đến kém thải loại chất độc, giảm phục hồi collagen, dẫn đến sạm vùng mắt; thiếu ngủ trầm trọng thì quầng thâm càng lộ rõ hơn.
Mặt khác, ít ai biết rằng, thói quen nằm nghiêng khi ngủ cũng là một trong những nguyên nhân làm mắt thâm quầng, do bạn tạo sức ép lên các ống dẫn nước mắt.
Gợi ý: Trước hết, bạn cần ngủ đủ ít nhất 7 tiếng/ngày sẽ thấy cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, bạn lưu ý nếu thức quá khuya, dù có bù lại dậy trễ thì vẫn gây thâm quầng và bọng mắt. Tốt nhất ngủ trong khung giờ từ 22g- 0g và không kéo dài sang ngày hôm sau. Ngoài ra, dùng thêm các loại kem dưỡng chứa collagen để tăng cường săn chắc cho vùng da này.
Lão hóa
Bạn có biết da mắt là một trong những bộ phận hoạt động nhiều nhất trên gương mặt, khi càng có tuổi, lượng collagen càng giảm đi, vùng da quanh mắt lúc ấy chùng xuống và càng mỏng dần, càng tăng thêm nếp nhăn do bị sẫm màu.
Video đang HOT
Gợi ý: Dùng tinh chất làm sáng và bổ sung collagen vùng mắt là điều bạn không thể bỏ qua trong trường hợp quầng thâm mắt do lão hóa, đặc biệt bạn phải kiên nhẫn mới cải thiện được phần nào tình trạng này.
Một số trường hợp phải nhờ sự trợ giúp liệu pháp laser trong chống lão hóa, xóa nếp nhăn li ti ở vùng da mắt, hoặc nhờ sự hỗ trợ của botox. Tuy nhiên, với vùng da đặc biệt nhạy cảm này, nên có sự tư vấn của bác sĩ nhằm tránh những hậu quả khó lường.
Do dùng mỹ phẩm
Thoạt nghe có vẻ không logic, nhưng thực tế, quầng thâm mắt có thể đến do dùng những sản phẩm trang điểm kém chất lượng, bởi vùng da mắt mỏng manh và nhạy cảm nên rất dễ bị kích ứng. Có thể bạn dùng loại bút kẻ mắt, mascara không thấm nước, kem nền quá hạn sử dụng, hoặc keo gắn lông mi giả, miếng dán mi có hóa chất gây kích ứng vùng da quanh mắt.
Những sản phẩm này khiến bạn phải cọ xát nhiều sau mỗi lần sử dụng sẽ khiến vùng da mắt dễ thâm đỏ, cộng thêm chất lượng mỹ phẩm không đảm bảo lâu dần làm quầng thâm xuất hiện.
Gợi ý: Nguyên nhân này không phản ứng liền mà thời gian lâu sau bạn mới phát hiện, vì thế, bạn nên chọn sản phẩm trang điểm mắt chất lượng, có thương hiệu rõ ràng, trang bị thêm sản phẩm làm sạch da vùng mắt một cách hữu hiệu. Hãy thay mới hoặc làm sạch dụng cụ trang điểm mỗi tuần.
Lưu ý chung: Ánh nắng mặt trời là nguyên nhân khiến lượng sắc tố melanin dưới da tăng cao, sẽ tạo ra những mảng màu tối quanh mắt, vì thế cần chống nắng cho vùng da mỏng manh này bằng sản phẩm chuyên biệt.
Theo Alobacsi
Đối phó với nứt gót chân vào mùa lạnh
Nứt gót chân là một vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là trong những tháng mùa đông nhiều người sẽ than phiền về những cơn đau đi kèm nứt da ở bàn chân.
Nguyên nhân nứt gót chân?
Dấu hiệu đầu tiên của việc nứt gót chân là hiện tượng khô, cứng, dày da, da đổi màu nâu vàng hoặc đen. Các vết nứt ảnh hưởng chủ yếu ở lớp biểu bì, đôi khi đi sâu vào lớp hạ bì gây đau dữ dội. Áp lực quá mức lên gót chân, làm da vùng này trở nên dày và khô ráp, gót chân bị bẹp rộng sang hai bên có thể khiến các vết nứt chảy máu.
Bàn chân vốn là môi trường ẩm ướt và nóng, do đó nó là nơi sinh sản tuyệt vời của nhiều loại vi khuẩn như Staphylococcus, Pseudomonas, hoặc vi nấm như Candida và Trichophyton khiến các vết nứt dễ nhiễm trùng.
Tình trạng nhiễm trùng sẽ càng làm nặng hơn các vết nứt ở chân, thỉnh thoảng có thể gây viêm mô tế bào (nhiễm khuẩn ở mô sâu dưới da) và nhiễm trùng máu (rất hiếm).
Một số người thiếu hụt kẽm và omega -3 cũng dẫn đến gót chân nứt.
Có một số người dễ bị nứt gót chân?
Các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tuổi từ trung niên trở lên, vì lão hóa làm mất các loại chất béo tự nhiên của da khiến da khô và dễ bị nứt. Phụ nữ có xu hướng bị nhiều hơn nam giới, bởi vì họ thường đi dép và giày mà không có vớ.
- Đi chân trần.
- Đi sandal, dép xỏ ngón.
- Không đi vớ (tất).
- Thừa cân, béo phì.
- Bệnh tiểu đường: có nhiều khả năng nhiễm trùng vết nứt hơn người không bị tiểu đường. Nứt gót chân là mối quan tâm đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, những người có thể bị tổn thương thần kinh (mất cảm giác, đặc biệt là bàn chân), vì các vết nứt có thể dẫn đến loét bàn chân đái tháo đường.
- Suy giáp: làm giảm tiết mồ hôi, dẫn đến khô da dễ nứt nẻ
- Vệ sinh chân kém.
- Biến dạng bàn chân bẩm sinh.
- Nhiễm nấm (nấm da) bàn chân.
- Bệnh vẩy nến.
- Vận động viên hoặc những người ra mồ hôi chân quá nhiều.
Ảnh minh họa
Nứt gót chân có thể lan đến bàn tay?
Nứt gót chân không phải là bệnh lây, nên không thể lan đến bàn tay. Nếu cả bàn tay và bàn chân đều bị dày da và nứt đau, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ da liễu vì có thể chúng ta đang mắc bệnh dày sừng lòng bàn tay bàn chân hoặc chàm khô.
Khi nào tôi nên đi khám bác sĩ?
Đừng chần chừ tìm đến bác sĩ da liễu nếu các vết nứt trở nên đau nhiều hơn, sưng, nóng, hoặc chảy dịch bất thường (ví dụ: màu xanh hay vàng). Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường không được đắp bất kỳ loại lá thuốc gì lên vì sẽ làm tình trạng nhiễm trùng khó giải quyết và có thể tạo apxe vùng gót chân.
Phòng ngừa nứt gót chân
Việc điều trị tốt nhất cho da khô, nứt là phòng ngừa.
- Tránh đi giày chật, để da chân được "thở".
- Giữ ẩm cho da gót chân bằng kem giữ ẩm, thoa hàng ngày sau khi tắm.
- Không bóc/cắt/gọt da gót chân vì làm tăng nguy cơ trầy xước, chảy máu, và nhiễm trùng.
- Hạn chế đi giày đế cứng, nên đi kèm vớ (tất).
- Đừng duy trì một tư thế đứng trong thời gian dài trên sàn cứng hoặc giày cao gót.
- Thoa kem dưỡng ẩm cho chân sau khi tắm 2-3 lần/1ngày là vô cùng quan trọng và đôi khi là tất cả những gì chúng ta cần để chữa lành nứt gót chân. Có thể dùng đá bọt (pumice stone), cọ xát nhẹ nhàng để lấy đi một số vùng da dày và cứng trước khi thoa kem dưỡng ẩm.
- Sử dụng xà phòng dịu nhẹ trong khi tắm (ví dụ: Eucerin wash lotion, Cetaphil, Physiogel...)
- Không sử dụng nước nóng quá mức khi tắm vì làm giảm các loại dầu của da.
- Uống nhiều nước để giữ cho làn da ngậm nước.
- Tránh dùng rượu và cafein sẽ làm tăng cảm giác ngứa ở vết nứt gót.
Theo Alobacsi
Giải quyết ngay cằm ngấn mỡ chỉ bằng cách đơn giản Bạn có thể đánh tan phần nọng cằm chỉ với những bí quyết đơn giản. Massage với bơ ca cao Massage bơ và ca cao giúp cải thiện độ đàn hồi cho da Bơ ca cao có tính năng cải thiện độ đàn hồi cho tế bào da, vì vậy thường xuyên mát xa bơ ca cao lên làn da vùng cằm và...