Trên tay cần lái máy bay PXN 2119II: Giá rẻ nhưng ‘bay lượn’ không thua đồ xịn, dùng nhiều sẽ hơi nản vì 1 lý do
PXN 2119II là một lựa chọn chấp nhận được với các ưu điểm như trải nghiệm sử dụng tốt, không thua kém các sản phẩm đắt tiền, cho phép bạn bay lượn trong các tựa game không chiến mà không cần bỏ ra quá nhiều tiền
Với nhiều game thủ đam mê thể loại không chiến hay mô phỏng lái máy bay, cần lái (hay joystick) được coi là phụ kiện buộc phải có. Ngoài việc mang đến cách thức điều khiển chính xác hơn, món phụ kiện này còn làm tăng cảm giác nhập tâm vào trò chơi, mang lại trải nghiệm như đang ngồi trong buồng lái của một chiếc máy bay đang bay lượn trên bầu trời.
Hiện tại, lựa chọn tốt nhất cho các mẫu cần lái máy bay vẫn là các sản phẩm tới từ thương hiệu nổi tiếng như Logitech, Saitek hoặc ThrustMaster, với độ mô phỏng chân thực, khả năng tương thích cao, chất lượng gia công tốt. Điểm hạn chế duy nhất của các mẫu cần lái này chính là giá bán khá đắt đỏ, không phù hợp với những đối tượng người dùng phổ thông.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mẫu cần lái giá rẻ đã mang đến cho người dùng Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn. Chỉ với khoảng gần 1,7 triệu đồng, người dùng đã có thể sở hữu mẫu cần lái máy bay PXN 2119II đến từ PXN – một hãng sản xuất phụ kiện chơi game từ Trung Quốc.
Mặc dù có giá bán khá rẻ, PXN 2119II vẫn có đầy đủ đồ chơi như cần điều khiển (flight stick) và cần throttle (hay còn gọi là bướm ga), tương tự như các mẫu cần lái máy bay đắt tiền của Logitech hay ThrustMaster. Thiết bị kết nối với PC thông qua cổng USB, hỗ trợ hệ điều hành Windows 7 và Windows 10.
Cần điều khiển của PXN 2119II hỗ trợ di chuyển theo 4 trục, 8 hướng và có thể xoay đứng 120 độ, đủ linh hoạt để người chơi thực hiện các động tác bay phức tạp như lượn, lộn vòng .v.v. Trong các tựa game không chiến nhịp độ nhanh như Elite Dangerous hay War Thunder, người viết thật sự bất ngờ khi trải nghiệm lái của PXN 2119II tương đối tốt. Cụ thể, cần điều khiển khá nhạy, trong khi khả năng di chuyển của cần cũng rmượt mà, linh hoạt.
Mặt trong của cần điều khiển là nơi bố trí 2 nút cò súng, giúp người chơi khai hỏa khi không chiếm. Tuy nhiên, 2 nút cò súng này lại thiếu độ nẩy và khá lỏng lẻo, khiến người chơi dễ có những pha khai hỏa nhầm do vô tình chạm vào.
Phía trên đỉnh cần điều khiển là cụm cụm điều hướng và 4 nút tắt. Tuy nhiên, việc sử dụng các nút chức năng này không thực sự sướng, do nút rất thiếu độ nảy, nếu không muốn nói là cứng và rít.
Ở phần đế của cần điều khiển, một dãy nút phím nóng cũng được nhà sản xuất PXN tích hợp vào. Việc bổ sung một lượng lớn nút như vậy nhằm phục vụ các tựa game lái báy may mô phỏng có cơ chế điều khiển phức tạp như Microsoft Flight Simulator, giúp người chơi không cần phải sử dụng bàn phím. Tổng cộng, phần cần lái của PXN 2119II tích hợp 12 phím bấm, và có thể tùy chỉnh trong nhiều tựa game.
Trong nhiều tựa game, người dùng có thể trải nghiệm chỉ với riêng cần điều khiển. Tuy nhiên, để tăng thêm cảm giác nhập tâm vào trò chơi, bạn có thể sử dụng thêm cần throttle, vốn được sử dụng để tăng / giảm tốc độ bay cách đẩy cần về phía trước hoặc sau. Với PXN 2119II, cần throttle kết nối với cần joystick thông qua cổng PS2.
Video đang HOT
Cần throttle của PXN 2119II có phần ngoại hình đặc biệt giống bộ cần lái X52 Pro của Saitek, với kiểu thiết kế công thái học phù hợp với bàn tay của người dùng. Thiết bị sử dụng một lớp cao su trơn bọc lên giúp người dùng không bị trơn trượt nếu ra nhiều mồ hôi. Giống như cần điều khiển, phần cạnh bên phải của cần throttle cũng được bố trí một loạt phím tắt.
Mặt đáy của cần điều khiển PXN 2119II. Cần điều khiển sử dụng chân hút cao su để cố định
Đây là cần gạt bật / tắt chế độ rung của cần điều khiển. Tuy nhiên trong quá trình trải nghiệm các game như War Thunder, Elite Dangerous hay X4 Foundations, chế độ rung vì một lý do nào đó đã không hoạt động.
Khả năng tương thích cũng là một tiêu chí cần quan tâm khi mua các phụ kiện chơi game. Với các sản phẩm đến từ Logitech, Saitek hoặc ThrustMaster, người chơi có thể trải nghiệm cảm giác Plug and Play (tức chỉ cần kết nối với PC và chơi, không cần phải setup hoặc chỉnh nút). Với các sản phẩm giá rẻ như PXN 2119II, phải thừa nhận, đây không phải là một điểm mạnh của mẫu cần lái này.
Khi cài đặt xong driver, thiết bị chỉ được Windows nhận diện là “USB Joystick”, không hề hiển thị tên hãng và mã sản phẩm như các sản phẩm đắt tiền của ThrustMaster. Đương nhiên, PXN 2119II cũng không đi kèm theo phần mềm riêng giúp người chơi thử nghiệm các nút / độ nhạy. Thay vào đó, bạn phải sử dụng tính năng này của chính Windows.
Quá trình trải nghiệm thực tế cho thấy, không phải tựa game nào cũng nhận diện được PXN 2119II và tự động setup nút. Thông thường, các tựa game mô phỏng hoặc không chiến chỉ hỗ trợ một vài mẫu joystick nhất định của ThrustMaster, Logitech và Saitek. Với các sản phẩm như PXN 2119II, người dùng sẽ buộc phải tự tùy chỉnh từng nút điều khiển sao cho phù hợp.
Nhìn chung, PXN 2119II là một lựa chọn chấp nhận được với các ưu điểm như trải nghiệm sử dụng tốt, không thua kém các sản phẩm đắt tiền, cho phép bạn bay lượn trong các tựa game không chiến mà không cần bỏ ra quá nhiều tiền. Tuy nhiên, với những game thủ tìm kiếm một bộ sản phẩm có khả năng tương thích tốt, không cần phải tùy chỉnh quá nhiều, các mẫu sản phẩm của Logitech và Thrusmaster sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.
Trải nghiệm vô lăng chơi game PXN V9: Giá rẻ bất ngờ, nhưng 'của rẻ liệu có phải của ôi'?
Với giá bán đắt nhất chỉ khoảng 3,5 triệu đồng, rẻ bằng một nửa mẫu vô lăng giá rẻ nhất của Logitech, liệu PXN V9 có phải là một sản phẩm đáp ứng được tiêu chí ngon - bổ - rẻ, hay đơn giản là 'tiền nào của nấy'?
Đối với nhiều game thủ đam mê thể loại đua xe ở mức hardcore, vô lăng giả lập chính là thiết bị giúp họ có được trải nghiệm tốt nhất. Không chỉ mang đến cách thức điều khiển chính xác hơn hơn so với bàn phím hay tay cầm, điểm cộng lớn nhất của vô lăng giả lập chính là độ chân thực, vốn giúp người dùng có cảm giác như thể mình đang ngồi trong buồng lái của một chiếc xe đua lao vun vút ở tốc độ cao.
Tại Việt Nam cũng như thế giới, phần lớn người dùng đều khá ưa chuộng các mẫu vô lăng được sản xuất bởi hãng Logitech hoặc ThrustMaster. Với chất lượng gia công tốt, khả năng mô phỏng cực kỳ chân thực, điểm trừ duy nhất của các mẫu vô lăng này chính là giá bán khá đắt đỏ, không phù hợp với những đối tượng người dùng phổ thông.
PXN V9 là mẫu vô lăng chơi game giá rẻ được sản xuất bởi thương hiệu chuyên sản xuất phụ kiện chơi game PXN (Trung Quốc)
Tuy nhiên, sự xuất hiện của các mẫu vô lăng giá rẻ như PXN V9 đã mang đến cho người dùng Việt Nam có thêm nhiều lựa chọn. Với giá bán chỉ khoảng 3,5 triệu đồng, rẻ bằng một nửa mẫu vô lăng giá rẻ nhất của Logitech, liệu PXN V9 có phải là một sản phẩm đáp ứng được tiêu chí ngon - bổ - rẻ, hay đơn giản là 'tiền nào của nấy'?
Mặc dù có giá bán chỉ 3,5 triệu đồng, PXN V9 vẫn có đầy đủ 'đồ chơi' như vô lăng, cần số và chân pedal, tương tự như các mẫu vô lăng đắt tiền của Logitech hay ThrustMaster.
Vô lăng của PXN V9 được sản xuất bằng chất liệu nhựa ABS, được bọc thêm cao su giúp cảm giác cầm nắm của người dùng không bị trơn trượt. Bản thân vô lăng này cũng được tích hợp 2 motor phản hồi rung để mang lại trải nghiệm chân thực hơn tùy theo tình huống trong game.
Tuy nhiên, PXN V9 không tích hợp tính năng phản hồi lực, vốn sẽ tạo ra cảm giác 'chặt' và 'nặng' khi người dùng đánh tay lái (như vô lăng trên xe hơi thật), hay cảm giác rung bần bật khi người dùng đạp ga / đi vào khu vực có địa hình xấu. Tất nhiên, việc thiếu vắng tính năng này là điều có thể chấp nhận được, khi PXN V9 là mẫu vô lăng thuộc phân khúc giá rẻ và không thể so với các mẫu vô lăng đắt tiền của ThrustMaster hay Logitech.
PXN V9 cho phép người dùng dễ dàng chuyển đổi qua lại giữa 2 góc lái 900 độ và 270 độ bằng cần gạt. Với các tựa game đua xe tốc độ cao, người dùng nên lựa chọn góc lái 270 độ, trong khi góc lái 900 độ phù hợp hơn với các tựa game lái xe tải tiết tấu chậm. Bên cạnh đó, người dùng chuyển đổi giữa chế độ AUTO ( số tự động ) và MANUAL ( Số sàn ) tùy theo sở thích cá nhân.
Bàn đạp pedal của PXN V9 có thiết lập giống như trên một chiếc xe đua thực thụ, bao gồm chân côn, chân phanh (thắng) và chân ga. So với mẫu vô lăng V900 cũng của PXN, chân pedal của phiên bản V9 được nâng cấp lên chất liệu kim loại. Tất cả các bàn pedal đều được thiết kế để phản ứng linh hoạt với lực chân, mang lại cảm giác như bạn đang đạp pedal trên xe hơi ngoài đời thực.
Tuy nhiên, điểm trừ của hệ thống bàn đạp này là trọng lượng khá nhẹ và không có lỗ bắt vít để cố định. Do vậy, nếu người dùng "lỡ" nhấn pedal quá mạnh, toàn bộ bàn đạp pedal sẽ trượt đi.
Cần số rời với 7 cấp từ 1-6 và số lùi của PXN V9. So với phiên bản vô lăng rẻ hơn là PXN V900 có giá bán khoảng 2,5 triệu đồng, cần số rời là một nâng cấp đáng giá, mang đến cảm giác chân thực hơn cho người chơi.
Người dùng có thể kết nối chân pedal, cần số, song song với tay cầm chơi game và headphone vào mặt phía sau mẫu vô lăng này. Việc tập hợp tất cả cổng kết nối thiết bị ngoại vị vào mẫu vô lăng giúp loại bỏ hoàn toàn tình trạng 'dây dợ lằng nhằng', khi chỉ cần kết nối duy nhất một đầu dây USB với PC / Console.
Các vô lăng giá rẻ trên thị trường đều dùng chân hút cao su để cố định vào bàn. Tuy nhiên, loại chân hút cao su này thật sự không...'xi nhê', khi vô lăng dễ bị xê dịch trong quá trình chơi. Do vậy, nhà sản xuất PXN đã cung cấp thêm một bộ gá cài để bắt cố định với bàn hay nơi bạn gắn vô lăng, cần số.
. Một trong những ưu điểm tốt nhất của PXN V9 chính là khả năng tương thích, khi mẫu vô lăng này hỗ trợ đầy đủ PC và các mẫu console thông dụng nhất như PS3, PS4, Xbox One, Nintendo Switch. Người dùng chỉ cần kết nối dây USB của vô lăng vào thiết bị chơi game mình mong muốn, sau đó tiến hành trải nghiệm ngay lập tức mà không cần cài đặt thêm phần mềm hay tùy chỉnh thiết lập.
Nhà sản xuất PXN cũng cung cấp 1 app quản lý trên smartphone chạy iOS và Android để người dùng có thể tùy chỉnh các thông số, thiết lập của vô lăng V9 thông qua kết nối Bluetooth. Song song đó, người dùng cũng có thể lựa chọn các cài đặt trước (preset) của từng tựa game đua xe phổ biến trên PC và Console. Tuy nhiên, các preset này thực sự không quá hữu ích, khi nó được thiết lập dựa trên 3 tùy chỉnh duy nhất là độ nhạy, góc xoay vô lăng hay cấp độ rung.
Nếu chơi trên PC, PXN V9 hỗ trợ cả 2 chuẩn đầu vào XInput (giống tay cầm Xbox) và DirectInput và cho phép tùy chọn qua lại, giúp game thủ có thể trải nghiệm tất cả các game từ cũ đến mới. Với riêng với chế độ DirectInput, người dùng cần phải tải cài đặt trình điều khiển đi kèm.
So với các sản phẩm vô lăng đắt tiền của Logitech, ThrustMaster hay Fanatec, nhược điểm lớn nhất của PXN V9 chính là cảm giác lái có độ trễ lớn - một vấn đề thường gặp với những mẫu vô lăng giá rẻ. Với những tựa game như Forza Horizon 4, người viết vẫn cảm thấy đôi chút khó khăn khi khi thực hiện động tác vào cua ở tốc độ cao, ngay cả khi tinh chỉnh độ nhạy của vô lăng lên mức cao nhất.
Trên thực tế, PXN V9 dường như phù hợp hơn với những tựa game lái xe mô phỏng có tiết tấu chậm như Euro Truck Simulator 2 hay America Truck Simulator. Với những tựa game này, cảm giác lái có độ trễ quá lớn không phải là một trở ngại, khi game không yêu cầu người chơi phải thực hiện liên tục các động tác bẻ cua, xoay vô lăng liên tục.
Nhìn chung, với giá bán khoảng 3,5 triệu đồng, PXN V9 là một lựa chọn chấp nhận được với các game thủ không quá khó tính và chưa từng thử qua vô lăng giả lập, đặc biệt là khi sản phẩm này sở hữu các ưu điểm như khả năng tương tích tốt, đầy đủ cần số và bàn đạp pedal. Tuy nhiên, với những game thủ tìm kiếm một bộ sản phẩm có khả năng mô phỏng chân thực nhất có thể và không quá quan trọng về giá bán, các mẫu vô lăng của Logitech và Thrusmaster sẽ là lựa chọn hợp lý hơn.
Asus ROG hợp tác với IKEA để ra mắt đồ nội thất & phụ kiện chơi game Thương hiệu số một về gaming kết hợp với thương hiệu đồ nội thất nổi tiếng sẽ tạo ra những sản phẩm tuyệt vời để chơi game. Gần đây, Republic of Gamers (ROG) và IKEA đã đồng ý hợp tác để thiết kế và sản xuất nhiều món đồ nội thất và phụ kiện dành riêng cho game thủ. Tháng trước, IKEA đã...