Trên 90% giáo viên hài lòng với các hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên
Ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi làm việc về bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp.
Thông tin từ ông Đặng Văn Huấn – Phó Giám đốc Ban quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) – kết quả bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán mô đun 1, 2, tính đến 11/3/2021 đều vượt chỉ tiêu.
Theo đó, mô đun 1 đã có 33.952 giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán hoàn thành bồi dưỡng; mô đun 2 là 30.171 người hoàn thành.
Với nội dung này, các trường sư phạm, học viện tham gia ETEP cũng đạt kết quả tốt. Trong đó 5 trường ĐH sư phạm (ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, ĐH Sư phạm – ĐH Huế, ĐH Vinh, ĐH Sư phạm Hà Nội 2, ĐHSP Hồ Chí Minh) và Học viện Quản lý giáo dục hoàn thành vượt chỉ tiêu được giao trong thỏa thuận hợp tác (PA) ở cả 3 môn đun (1, 2, 3).
2 mô đun bồi dưỡng đại trà năm 2020 cho giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đạt kết quả đáng mừng với 344.503 người hoàn thành tính đến ngày 11/3.
Tất cả các sở GD&ĐT đã hoàn thành 2 mô đun đều có trên 90% giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông hài lòng với các hỗ trợ bồi dưỡng thường xuyên…
Video đang HOT
Ghi nhận những kết quả trên, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đồng thời yêu cầu Ban quản lý chương trình ETEP tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để làm tốt hơn nữa; có giải pháp hợp lý, kịp thời để giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai.
Trong đó, Thứ trưởng lưu ý giải pháp nâng cao vai trò và hiệu quả công tác hỗ trợ đồng nghiệp của giáo viên phổ thông cốt cán và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán.
Với tài liệu bồi dưỡng, bổ sung một số hình thức như video, infographic… để cung cấp nguồn học đa dạng, phong phú cho người học, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng. Các mô đun chưa hoàn thành tài liệu cần sớm hoàn thiện và làm thủ tục trình lãnh đạo Bộ phê duyệt.
Riêng vấn đề kinh phí bồi dưỡng cán bộ, giáo viên đại trà, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ nghiên cứu để có giải pháp tổng thể giúp địa phương triển khai được thuận lợi.
Bộ Giáo dục hướng dẫn các địa phương xếp hạng giáo viên theo thông tư mới
Việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu ở từng hạng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản về việc triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải, ngày 2/2/2021, Bộ đã ban hành các Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp) và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập.
Việc ban hành các Thông tư nêu trên nhằm triển khai thực hiện Luật Viên chức và cập nhật các yêu cầu mới của Luật Giáo dục 2019, Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.
Sau khi các Thông tư được ban hành, một số địa phương đã tích cực chuẩn bị triển khai việc bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông theo quy định mới.
Ảnh minh họa: Thùy Linh
Để thực hiện các Thông tư này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh để phối hợp với Sở Nội vụ và Ủy ban nhân dân huyện/thành phố xây dựng phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm quyền lợi cho đội ngũ.
Đồng thời, chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tăng cường truyền thông, phổ biến, tập huấn để các đơn vị, cá nhân có liên quan nắm vững và thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên; triển khai hướng dẫn thực hiện các nội dung trong phương án bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương để giáo viên yên tâm, không tạo ra tâm lý lo lắng khi chưa được bổ nhiệm và xếp lương theo quy định mới; giải đáp kịp thời các thắc mắc của giáo viên (nếu có);
Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổng hợp số lượng giáo viên cần phải bổ sung các tiêu chuẩn còn thiếu của hạng chức danh nghề nghiệp tương ứng (trong đó có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp); hướng dẫn và đề nghị cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tạo điều kiện cho giáo viên tham gia đào tạo, bồi dưỡng, hoàn thiện tiêu chuẩn còn thiếu (nên ưu tiên bố trí những giáo viên còn ít năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tham gia trước).
Một số lưu ý
Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, việc bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên ở từng cơ sở giáo dục phải đúng người đúng việc, bảo đảm đủ các yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp ở từng hạng.
Yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III áp dụng đối với: giáo viên mầm non, tiểu học được tuyển dụng sau ngày Thông tư số 01,02 có hiệu lực thi hành và giáo viên mầm non hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng III mới, giáo viên tiểu học hạng III cũ được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III mới; giáo viên trung học cơ sở, trung học phỏ thông được tuyển dụng sau ngày Thông tư 03,04 có hiệu lực thi hành.
Những trường hợp không thuộc đối tượng nêu trên thì chưa yêu cầu bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng III theo quy định.
Chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có giá trị thay thế trong trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thay đổi chức danh nghề nghiệp ở cùng hạng (giáo viên ở cấp học này chuyển sang cấp học khác cùng hạng chức danh nghề nghiệp).
Theo quy định tại các Thông tư số 01,02,03,04, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II, hạng III, giáo viên tiểu học hạng II, hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng I, hạng II, giáo viên trung học phổ thông hạng I, hạng III quy định tại các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23 được công nhận là tương đương với chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng tương ứng quy định tại các Thông tư số 01,02,03,04.
Do đó, trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này, đồng thời cần bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng hiện giữ (nếu còn thiếu) để được bổ nhiệm vào hạng tương ứng theo quy định mới.
Ví dụ: giáo viên trung học cơ sở hạng II chưa có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II nhưng đã có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, thì phải bổ sung chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng II để bảo đảm đủ điều kiện theo quy định; còn chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I giáo viên đã có sẽ được sử dụng để đăng kí dự thi/xét thăng hạng từ hạng II lên hạng I.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu, các Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo về Bộ phương án triển khai thực hiện mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục dục mầm non, phổ thông công lập trước ngày 30/6/2021 và kết quả bổ nhiệm hạng chức danh nghề nghiệp và xếp lương giáo viên trước ngày 31/12/2021.
Cơm áo không đùa với nhà giáo Ngành giáo dục đã rất cố gắng đảm bảo quyền lợi cho nhà giáo rồi, mong các ngành các cấp có liên quan cũng sớm vào cuộc, bù đắp cho cô thầy. Ảnh minh họa. Để bảo vệ quyền lợi cho giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Công văn 460/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 02/02/2021 lên Chính phủ về việc tiếp tục...