Trẻ em sống sót sau trận động đất Nepal bị bán làm nô lệ ở Anh
‘Chúng rất khỏe và giỏi làm việc nhà’ -những kẻ buôn người quảng cáo về các trẻ em Nepal bị bán làm nô lệ ở Anh.
Những đứa trẻ sống sót sau vụ động đất khủng khiếp tại Nepal tháng 4/2015 bị đưa tới chợ đen để bán làm đầy tớ cho những gia đình Anh giàu có mà không hề được trả công.
Trẻ em Nepal sống sót sau vụ động đất tại nước này. Ảnh AP
Theo một cuộc điều tra, những tay buôn người máu lạnh ở Punjab, Ấn Độ, bán những đứa trẻ 10 tuổi với giá 5.250 (khoảng trên 160 triệu VNĐ). Những kẻ này săn những đứa trẻ tị nạn ở Nepal và cả những gia đình nghèo khổ ở Ấn Độ cho dịch vụ của mình nhưng phần lớn số đó là trẻ em Nepal.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May gọi việc buôn bán trẻ em là “một tội ác đáng ghê tởm” và kêu gọi Cơ quan tội phạm quốc gia điều tra các cáo buộc về việc này. Bà May phát biểu: “Chúng ta không thể để bất cứ một đứa trẻ nào trên thế giới bị tước đoạt khỏi gia đình mình và bị bắt làm nô lệ.”
“Đó là lý do năm 2015, chúng tôi đưa ra Đạo luật Chế độ nô lệ hiện đại, đề cập đến việc tăng cường bảo vệ cho những trẻ em dễ trở thành nạn nhân của nạn buôn nô lệ và buộc những kẻ phạm tội phải chịu tù chung thân.”, bà May cho biết thêm.
Theo tờ báo The Sun, một tay buôn bán trẻ em là Makkhan Singh bắt những đứa trẻ đứng xếp hàng cho phóng viên ngầm chọn và giới thiệu rằng: “Những đứa trẻ được đưa tới Anh là do chúng tôi cung cấp.”
“Chọn bọn trẻ người Nepal đi. Chúng nó rất khỏe và giỏi làm việc nhà. Chúng nấu ăn ngon nữa. Không ai nghi ngờ ông đâu.” – tên Singh quảng cáo.
Trận động đất 7,8 độ richter ở Nepal vào tháng 4 năm ngoái khiến gần 9.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải trong cảnh cần viện trợ
Ước tính có hàng triệu người trên thế giới là nạn nhân của nạn nô lệ hiện nay, bị buôn bán qua biên giới và bị bắt làm nô lệ.
Video đang HOT
Tháng 10/2015, Đạo luật Chế độ nô lệ hiện đại được đưa vào để kiểm soát chặt chẽ nạn nô lệ ngày nay và bảo vệ nạn nhân của nạn buôn bán./.
CTV Vân Anh (express.co.uk)
Theo_VOV
Động đất Afghanistan: Nỗi ám ảnh của những người may mắn sống sót
Trận động đất lớn làm rung chuyển Afghanistan và Pakistan vào hôm 26/10 đã cướp đi mạng sống của hơn 300 người. Ba trong số những người sống sót đã chia sẻ câu chuyện về đau khổ và mất mát của họ.
Những người đàn ông khiêng quan tài nạn nhân đến nơi an táng.
Người thợ may từ tỉnh Nangarhar
Mohammed Dad đang ăn trưa tại tiệm may của mình trong làng Sanger Sarye vào chiều 26/10, cách khoảng 161km từ tâm chấn động đất.
Khi mặt đất bắt đầu rung chuyển dưới chân anh, người cha 41 tuổi đã ngay lập tức chạy ra khỏi tiệm. Lao về căn nhà xây bằng bùn của mình trong tuyệt vọng, nơi 3 đứa con anh đang ở, anh nhận ra rằng đã quá muộn để cứu chúng.
"Khi tôi về đến nhà, anh rể tôi, Faridullah, sống ngay bên cạnh, bước ra khỏi nhà toàn thân phủ đầy bụi và nói với tôi rằng đứa con trai 12 tuổi của tôi, Mohammad Ramin, đã bị một bức tường đổ đè chết", anh ngậm ngùi.
"Chúng tôi phải mất khoảng nửa giờ để lôi cháu ra từ dưới đống đổ nát - nhưng nó đã chết rồi", Dad nói trong nước mắt. "Nhà của tôi đã bị phá hủy hoàn toàn, nhưng hơn hết là cuộc sống của tôi đã bị hủy hoại."
Anh kể rằng Ramin đã cho anh xem điểm ở lớp học tiếng Anh ngay trước thảm kịch một ngày - điểm của cháu đứng nhất trong lớp.
"Tôi đã hứa sẽ may cho cháu quần áo mới như một phần thưởng, và thực tế là tôi đã bắt đầu may nó ngay khi trận động đất xảy ra. Vậy là lời hứa tôi mới chỉ thực hiện được một nửa."
Một học sinh lớp 6 tại Taloqan
Tình hình lớp học của Nasreen trở nên hỗn loạn ngay khi mặt đất bắt đầu rung chuyển.
"Lúc đầu chúng cháu nghĩ rằng đã có một vụ nổ, nhưng nó cứ tiếp tục nên mọi người bắt đầu chạy", cô bé chia sẻ. "Ngoài hành lang tất cả mọi người đều la hét và giẫm đạp lên nhau. Có một thứ gì đó đã đập vào đầu cháu khiến cháu bị ngã."
Cô bé cũng kể thêm rằng chị gái em, Metra, đã cứu em ra khỏi đám hỗn loạn.
"Khi chúng cháu chạy ra bên ngoài, mọi thứ vẫn rung chuyển và chúng cháu phải tiếp tục chạy. Cháu đã bị ngất và khi tỉnh lại thì thấy mình đang ở trong bệnh viện."
12 người bạn cùng trường với Nasreen - tất cả đều là nữ dưới 16 tuổi - đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp hỗn loạn tại trường Bibi Hajra, Taloqan, cách tâm chấn động đất chưa đến 70 dặm (khoảng 112km).
"Giờ cháu đã về nhà rồi nhưng cứ đêm đến là lại không thể ngủ. Cháu mới phát hiện ra rằng 2 bạn cùng lớp của cháu đã chết và nhiều người khác đang ở bệnh viện. Cháu sợ phải quay lại trường học."
Các em học sinh được điều trị tại bệnh viện.
Người nông dân 58 tuổi từ huyện Yamgan của tỉnh Badakhshan
Hai Abdul đã hét gọi vợ, con dâu và 2 cháu trai sinh đôi ngay sau khi ông nhận ra sự rung chuyển không có dấu hiệu dừng lại.
Ông cho hay mình đã nghe thấy "âm thanh lớn như một vụ nổ" và sau đó mọi thứ trở nên tối tăm. Abdul đã bị đè dưới một tảng đá lớn và không thể di chuyển.
"Tôi không biết mình đã phải vật lộn trong bao lâu, nhưng bằng cách nào đó tôi đã có thể đẩy được thứ đã đè lên mình ra và thoát khỏi đống đổ nát", ông nói. "Tôi không biết chuyện gì đang xảy ra lúc đó, tôi đã nghĩ đó là ngày tận thế. Tôi nhìn quanh và chẳng thấy gì, nhà của tôi đã bị phá hủy hoàn toàn."
Người dân đào bới với hi vọng tìm lại được chút tài sản trong đống đổ nát
Abdul đã bị gãy một tay và chấn thương mặt nhưng ông không hề nhận ra. "Tôi không cảm thấy đau", ông giải thích, "tôi chỉ biết rằng tôi cần phải tìm lại gia đình mình."
Dân làng đã giúp ông đào bới đống đổ nát và sau 2 tiếng, họ đã tìm được thi thể 2 đứa cháu trai sinh đôi của ông. Vài giờ sau đó, thi thể của vợ và con dâu ông cũng đã được tìm thấy.
Abdul đã ở qua đêm tại nhà một người thân và tiến hành chôn cất gia đình vào sáng 27/10.
"Cuộc sống của tôi đã bị hủy hoại chỉ trong một tích tắc", người đàn ông xấu số chia sẻ.
MAI HOA (theo NBC News)
Theo_Đời Sống Pháp Luật
EU viện trợ 100 triệu euro giúp Nepal tái thiết Liên minh châu Âu (EU) hôm qua công bố viện trợ 100 triệu euro (112 triệu USD) cho tiến trình tái thiết tại Nepal sau trận động đất hồi tháng 4. Thông cáo báo chí của Ủy ban châu Âu cho biết, quyết định viện trợ này vừa được đưa ra trong một hội nghị các nhà tài trợ diễn ra tại Kathmandu,...