Trẻ bị bỏng chủ yếu tại người lớn!
“Tai nạn bỏng thường xảy ra ở trẻ 6 tháng – 3 tuổi, khi mà trẻ chưa có nhận thức đầy đủ về các đồ vật mà chúng tiếp xúc” là khuyến cáo của bác sĩ Nguyễn Như Lâm, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Viện bỏng Quốc gia Hà Nội.
“Con ơi, mẹ có lỗi với con quá”
Mẹ mải nấu ăn dưới bếp, bé Duy Tuấn nghịch ca nước sôi trên kệ ti vi khiến em bị bỏng toàn thân, nặng nhất phần mặt
Cách đây không lâu, chúng tôi không khỏi xót xa khi thăm bé Trịnh Duy Tuấn, 15 tháng tuổi (quê ở thôn Minh Thái, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa), bị bỏng nửa khuôn mặt vì mẹ em mải nấu cơm dưới bếp, vô ý để em nghịch ca nước sôi đặt trên kệ ti vi. Và Trịnh Duy Tuấn chỉ là một trong rất nhiều cô bé, cậu bé non nớt, yếu ớt đang phải nằm điều trị tại Viện bỏng Quốc gia.
Ngày 23/5, đến khoa Hồi sức cấp cứu, đi lướt qua một vòng chúng tôi gặp không ít những bệnh nhi đang phải chiến đấu với tử thần và nếu có qua khỏi đi chăng nữa thì những di chứng do bỏng để lại trên cơ thể của các em cũng hết sức nặng nề.
Ngã vào nồi canh trong lúc nô đùa, bé Phạm Vân Anh bị bỏng 60% cơ thể và sẽ gặp nhiều di chứng sau này
Tại khoa Hồi sức cấp cứu, chị Ngô Thị Sợi (30 tuổi), quê ở xã An Hồng, huyện An Dương, tỉnh Hải Phòng khóc ngất khi ngồi chứng kiến những đau đớn vật vã mà con gái mình đang phải chịu đựng. Con gái của chị Sợi là bé Phạm Vân Anh, chỉ mới 3 tuổi. Hai vợ chồng chị Sợi đi làm ăn xa mải tận Nam Định, gửi con lại cho bà ngoại ở Hải Phòng trông coi.
Video đang HOT
Chị Sợi kể lại, ngày 30/4 vừa rồi, 2 vợ chồng chị do nhớ con nên về Hải Phòng đón con lên cơ quan ở Nam Định chơi, và đó cũng là kỳ nghỉ định mệnh khiến cô bé bị bỏng hơn 60% cơ thể. “Tôi làm ở bộ phận nấu ăn của công ty. Buổi trưa đó, con gái tôi trong một lúc nô đùa nghịch ngợm không may lại ngã đúng vào nồi canh hơn 50 lít đang sôi vốn dùng để nấu ăn cho công nhân của công ty, khiến cháu bị bỏng toàn bộ phần mông, lưng và chân. Chỉ một sơ sểnh của tôi mà giờ con gái tôi ra nông nỗi này. Con ơi, mẹ có lỗi với con quá”, chị Sợi vừa kể vừa hai hàng nước mắt tuôn rơi.
Mới 6 tháng tuổi, bé Lương Thị Đào đã bị bỏng nước sôi và nặng nhất phần mặt, lưng, bụng
Cũng như bé Vân Anh, cậu bé Nguyễn Văn Tân Nghĩa, mới 9 tháng tuổi ở phòng bên cạnh của Khoa Hồi sức cấp cứu cũng rơi vào tình cảnh tương tự khi em bị ca nước sôi đổ nguyên vào người.
Nhưng nhỏ tuổi nhất và cũng đáng thương nhất đang phải nằm điều trị tại đây là bé Lương Thị Đào, 6 tháng tuổi, quê ở Bắc Giang bị ca nước sôi đổ từ trên đầu xuống, làm một nửa khuôn mặt của em trở nên biến dạng.
Trẻ ở nông thôn có nguy cơ bị bỏng cao hơn trẻ thành phố
Bác sĩ Nguyễn Như Lâm cho biết, ngày nào ở Viện bỏng Quốc gia cũng tiếp nhận ít nhất 1 đến 2 cháu bé bị bỏng với rất nhiều nguyên nhân khác nhau: bỏng do ngã vào hố vôi, bỏng xăng, bỏng điện, nhưng nhiều nhất là bỏng do nước sôi. Điều dễ nhận thấy là, trẻ em ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có nguy cơ bị bỏng nhiều hơn, do sự quan tâm của bố mẹ ít hơn hẳn với trẻ em thành phố.
“Đối với trẻ em, các loại bỏng gây nguy cơ tử vong rất cao, do cơ thể của các em còn non nớt, sức đề kháng kém. Da của các em rất dễ bị hoại tử dẫn đến nhiễm trùng máu, cho dù các em chỉ bị bỏng nước sôi độ 1, độ 2, nhưng chỉ cần khoảng 25% cơ thể đã nguy hiểm đến tính mạng”, bác sĩ Lâm khuyến cáo.
Bé Nguyễn Văn Tân Nghĩa, 9 tháng tuổi cũng bị bỏng nước sôi do sơ suất của bố mẹ trong lúc trông coi
Cũng theo bác sĩ Lâm, so với người lớn, trẻ em bị bỏng cho dù không nguy hiểm đến tính mạng thì cũng gặp những di chứng nặng nề như sẹo lồi, sẹo xấu. “Cơ thể của các bé liên tục phát triển trong khi phần da trên cơ thể bị bỏng lại không phát triển nữa nên để lại rất nhiều sẹo xấu, làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển sinh lý lẫn tâm lý của đứa trẻ. Điều thấy rõ nhất là những đứa trẻ bị bỏng nặng sau này sẽ trở nên tự ti, mặc cảm trước bạn bè dẫn đến cuộc sống của các em cũng thua thiệt hơn rất nhiều”, bác sĩ Lâm cho hay.
Một điều đáng nói nữa, trẻ em bị bỏng đa phần ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa nên điều kiện kinh tế cũng khó khăn hơn rất nhiều trong việc theo đuổi chạy chữa do bỏng gây ra. Nếu bị bỏng nặng 25% cơ thể trở lên, ít nhất cũng phải mất hơn 2 tháng điều trị tại viện và sau đó là hàng chục năm nữa. Số tiền điều trị cũng lên tới hàng trăm triệu đồng để giữ được mạng sống cũng như phẫu thuật thẩm mỹ.
“Trẻ em bị bỏng, lỗi chung quy vẫn do người lớn sơ suất, lơ là trông coi. Đừng để một phút chểnh mảng trong việc chăm sóc làm thay đổi một cuộc đời, một số phận của đứa trẻ. Đã vào khoa của chúng tôi rồi, chung quy cũng chỉ cố gắng giữ được tính mạng còn tương lai của đứa trẻ thì không gì cứu vãn được”, bác sĩ Lâm khẳng định.
Thế Nam
Theo Dân trí
Những điều nên biết về bỏng điện
Bỏng điện, nhất là điện cao thế, rất nguy hiểm, di chứng nặng nề.
Tai nạn khi gần điện cao thế
Có nhiều hộ gia đình xây nhà sống quá gần đường điện cao thế. Vì vậy tai nạn dễ xảy ra. Nhẹ nhất là bỏng, nặng hơn là bị điện giật tử vong. Trường hợp của anh Nguyễn Văn D. (22 tuổi, ở Hưng Yên) mới đây là một ví dụ. D. cùng một nhóm bạn liên hoan tại nhà người bạn, nhà này xây sát đường điện cao thế, ngay tại ban công tầng 2 là đường điện đi qua. Đang tiệc, D. ra ban công nghe điện thoại và bị phóng tia lửa điện siêu mạnh khiến D. ngã lăn, vì sóng điện từ, vật thể kim loại mang trên người (dây chuyền) quá gần với đường dây cao thế. Tia lửa điện làm bỏng mặt còn bàn chân D. bị dòng điện đi qua làm đen thui. D. nhập Viện Bỏng quốc gia (Hà Nội) điều trị và phải đối mặt với tình trạng tháo các ngón chân.
Bỏng do điện gây ra - Ảnh: T.L
Bỏng điện là nguy hiểm nhất
Khác với các loại bỏng khác như bỏng lửa, bỏng nước sôi, bỏng điện là loại bỏng nguy hiểm nhất. Nếu các loại bỏng khác thường gây ra bỏng từ ngoài vào trong, thì bỏng điện lại gây bỏng từ trong ra ngoài. Bỏng điện xảy ra khi chúng ta bị tiếp xúc với đường điện cao thế, bị điện giật, đứt dây điện, cột điện đổ và trong các trường hợp nhà xây sát đường điện.
Biểu hiện bên ngoài của bỏng điện không có các nốt phỏng nước hay các đám đỏ rát da như trong bỏng nước sôi, mà là các đốm da cháy đen tại vị trí đường điện đi qua. Một vài ngày sau, các đoạn cơ thể tiếp theo cứ lần lượt bị hoại tử và chết, đến đoạn nào mà dòng điện không còn tác dụng nữa thì thôi. Vì thế thường là trong những giờ đầu tiên, trông nạn nhân không nghiêm trọng nhưng càng về sau, bệnh biểu hiện ra càng rõ. Dòng điện càng cao, thời gian tiếp xúc càng lâu thì mức độ bệnh càng nguy hiểm. Có bệnh nhân phải tháo chân hay tháo tay do bỏng điện, nếu không sẽ bị nhiễm trùng, nhiễm độc đe dọa tính mạng. Bỏng điện sẽ càng nguy hiểm hơn nếu vị trí dòng điện đi vào gần với não bộ và tim như đầu, ngực, tay trái.
Sơ cứu cho nạn nhân bỏng
Với bỏng điện, việc duy nhất phải làm ngay là tách nạn nhân ra khỏi đường điện càng sớm càng tốt. Sử dụng các dụng cụ cách điện như cây khô, gậy khô, gậy nhựa để tách đường điện ra khỏi nạn nhân. Tuyệt đối không dùng tay lôi nạn nhân ra vì sẽ gây hiệu ứng điện giật "dây chuyền". Ngay sau đó đặt nạn nhân trong tư thế nằm trên nền cứng, tốt nhất là nền nhà để cơ thể giải phóng điện tích ở trong các mô. Sau đó khẩn trương làm hô hấp nhân tạo để cứu sống nạn nhân. Không được chuyển bệnh nhân nếu bệnh nhân chưa tỉnh hẳn. Nếu có phương tiện, chúng ta vừa chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất vừa hô hấp nhân tạo để tăng cơ hội sống sót.
Theo Thanh niên
Viêm não do virus Herpes tấn công trẻ em Mùa hè là thời điểm xuất hiện các bệnh viêm não, nhưng nguy hiểm nhất phải kể đến viêm não do virus herpes. Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) từ đầu mùa hè đến nay đã điều trị cho 14 bệnh nhi nhiễm virus herpes. Một cháu đã tử vong. Điều trị muộn, di chứng nặng Tại khu vực cách ly...