Trao giải Cuộc thi ‘Sáng tạo cùng Resilience’
Ngày 3/11, tại Hà Nội, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp cùng Cơ quan phát triển Pháp (AFD) đã trao giải Cuộc thi Sáng tạo cùng Resilience – dịch và sáng tác infographic/ video clip thuật ngữ ‘Resilience’ sang ngôn ngữ tiếng Việt.
Lễ trao giải diễn ra trong khuôn khổ hội thảo ‘Thanh niên với biến đổi khí hậu: Những thách thức hôm nay, giải pháp nào cho ngày mai?’, nhân dịp kỷ niệm 45 năm Việt Nam – Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao và chào mừng chuyến thăm của Thủ tướng Pháp tới Việt Nam từ ngày 2 – 4/11.
Ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Bộ Hành động và Tài chính công Pháp (ngoài cùng bên phải) và ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn trao giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo cùng Resilience
Cuộc thi nhằm giúp đoàn viên thanh niên nâng cao nhận thức các vấn đề về biến đổi khí hậu thông qua tìm hiểu về thuật ngữ Resilience (tạm dịch là khả năng chống chịu và phục hồi), diễn giải một cách dễ hiểu và gần gũi nhất đến cộng đồng.
Tại buổi lễ, ông Gérald Darmanin, Bộ trưởng Bộ Hành động và Tài chính công Pháp và ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn đã trao Giải nhất về dịch thuật cho tác giả Nguyễn Thị Điền, Trường đại học Hà Nội; Giải nhất video cho nhóm tác giả: Đỗ Văn Nhất, Võ Thị Thu Hiếu đến từ Trường đại học An ninh nhân dân.
Giải nhì Infographic được trao cho tác giả Nguyễn Quốc Khải, Chi đoàn PX01 – Công an tỉnh Bình Thuận. Ngoài ra, ban tổ chức còn trao 7 giải khuyến khích, 1 giải phong trào cho đơn vị có số lượng bài dự thi nhiều nhất và 1 giải phụ infographic/video clip dành cho tác phẩm có lượt bình chọn nhiều nhất trong thời gian diễn ra cuộc thi.
Theo ban tổ chức, các bài thi infographic/video clip được đầu tư công phu, kết hợp ấn tượng giữa nội dung dịch thuật và hình ảnh minh họa, đã giúp người xem dễ tiếp thu nội dung về giải thích thuật ngữ “Resilience”. Sự sáng tạo của các bạn trẻ đã góp phần nâng cao nhận thức của người xem về những vấn đề nóng của đất nước, như: ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số, sức ép từ quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa…
Video đang HOT
Tập thể đoàn viên thanh niên nhận các giải thưởng của cuộc thi
Ông Rémy Rioux, Tổng Giám đốc AFD chia sẻ, thế hệ trẻ đang là những người chủ động trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và những giải pháp khác vì một thế giới bền vững hơn. Hơn ai hết, các bạn trẻ có đầy đủ khả năng để thực hiện việc này cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế, và AFD sẽ cam kết đồng hành hỗ trợ thanh niên Việt Nam tiếp tục nỗ lực trong thời gian tới.
Sau hơn 7 tuần triển khai (từ ngày 22/8 – 14/10), ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 389 tác phẩm hợp lệ, trong đó 265 tác phẩm dịch thuật, 103 tác phẩm infographic và 21 tác phẩm video clip. Cuộc thi đã thu hút các tác giả có độ tuổi từ 18 – 25 tuổi (chiếm 82%); trong đó học sinh, sinh viên chiếm 59%. Nhiều sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập ở nước ngoài cũng gửi tác phẩm về dự thi. Qua thống kê của ban tổ chức, có gần 3 triệu lượt xem các bài dự thi thông qua fanpage cuộc thi; trung bình khoảng 138.774 lượt/bài viết; lượt tương tác cao nhất cho 1 bài viết đạt 6.812 lượt… đã cho thấy sự quan tâm của xã hội tới cuộc thi nói riêng và các vấn đề về xã hội, biến đổi khí hậu, môi trường nói chung.
Cũng trong khuôn khổ hội thảo “Thanh niên với biến đổi khí hậu: Những thách thức hôm nay, giải pháp nào cho ngày mai?” đã diễn ra 3 tọa đàm: Đối mặt với rủi ro khí hậu: quản lý rủi ro lũ lụt và xói lở bờ biển ở Việt Nam thông qua cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi; Tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi trước BĐKH: công cụ và giải pháp; Tích hợp việc tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi vào quy hoạch lãnh thổ và đô thị: những hạn chế và khuyến nghị.
Tham dự các buổi tọa đàm, đại diện lãnh đạo Vụ Kiểm soát an toàn thiên tai (Bộ NN&PTNT), Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT), Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, đại diện Trung ương đoàn, doanh nghiệp và tổ chức phi chính phủ đã cùng thảo luận về những thách thức chủ yếu của biến đổi khí hậu, những hệ quả đối với hệ sinh thái, nguồn nước, nông nghiệp, an toàn lương thực, cơ sở hạ tầng nông thôn và đô thị, và sự phát triển kinh tế – xã hội; hệ thống chính sách pháp luật trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và chia sẻ kinh nghiệm về các biện pháp, hành động cụ thể ở các đô thị, địa phương…
Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Trương Đức Trí phát biểu tại tọa đàm
Theo Báo Mới
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng: Mỗi phút có gần 10.000 cuộc tấn công mạng
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng, với gần 10.000 cuộc tấn công mạng trong 1 phút, thế giới đang diễn ra 'chiến tranh trên không gian mạng'.
Chiều tối 1-11, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tham dự lễ công bố kết quả vòng chung kết và trao giải cuộc thi An toàn không gian mạng toàn cầu- WhiteHat Grand Prix 2018.
Cuộc thi năm nay có chủ đề "Truyền thuyết Việt Nam" đã được Cục An toàn thông tin - Bộ TT-TT và Diễn đàn an ninh mạng Việt Nam WhiteHat.vn (thuộc Bkav) tổ chức.
Bộ trưởng Bộ TT-TT phát biểu tại cuộc thi
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: "Sự thịnh vượng của mỗi quốc gia ngày nay phụ thuộc nhiều vào Internet. Nhưng bản chất của Internet vốn không an toàn khi hiện nay có tới 10.000 cuộc tấn công mạng mỗi phút.
Trách nhiệm của Việt Nam là cùng các quốc gia trên thế giới làm cho Internet an toàn hơn, cũng chính là đưa thế giới thịnh vượng hơn. Đội ngũ làm an ninh mạng cũng chính là những người gìn giữ hòa bình thế giới".
Năm 2018 là năm thứ tư cuộc thi WhiteHat Grand Prix được mở rộng ra quy mô toàn cầu và là năm đầu tiên cuộc thi tổ chức vòng chung kết trực tiếp tại Hà Nội với sự tham gia của các đội thi quốc tế.
Vòng chung kết có sự tham dự của 10 đội đến từ 6 quốc gia sau khi các đội này đã xuất sắc vượt qua hơn 700 đội thi đến từ 79 nước.
Các đội tham dự vòng chung kết gồm có: coconutCoffee, JustToPlay đến từ Hàn Quốc; dcua đến từ Ukraina; pwndevils, perfectblue đến từ Mỹ; ACEBEAR, Injoker10K, r3s0L đến từ Việt Nam; LC1BC đến từ Nga và p4team đến từ Ba Lan.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng tại cuộc thi
Vòng chung kết WhiteHat Grand Prix 2018 gồm 3 phần thi: IoT Security theo hình thức Jeopardy, đối kháng trực tiếp (Attack/Defense) và ACM ứng dụng AI. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam thử thách vượt qua các lỗ hổng bảo mật trên các thiết bị phần cứng được đưa vào một cuộc thi an toàn thông tin mạng.
Sau 8 tiếng thi đấu của vòng chung kết, đội thi đến từ Nga đã chinh phục thành công các thử thách, giành giải Nhất trị giá 230 triệu đồng (tương đương khoảng 10.000 USD).
Giải Nhì trị giá 45 triệu đồng (tương đương khoảng 2.000 USD) và giải Ba trị giá 25 triệu đồng (tương đương khoảng 1.000 USD) cuộc thi WhiteHat Grand Prix lần lượt được trao cho các đội coconutCoffee (Hàn Quốc) và p4team (Ba Lan).
3 đội Việt Nam gồm ACEBEAR, Injocker10K và r3s0L lần lượt xếp hạng 6,5 và 8.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, từ năm sau, đề thi có thể là tình huống tấn công mạng trên hệ thống thực của một số các cơ quan, đơn vị được chọn.
Theo Báo Mới
Hacker mũ trắng sẽ là những 'chiến binh' bảo vệ hòa bình thế giới WhiteHat Grand Prix 2018 là cuộc thi an ninh mạng được Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) phối hợp cùng Diễn đàn WhiteHat.vn tổ chức. Cuộc thi là nơi quy tụ những hacker mũ trắng hàng đầu thế giới. WhiteHat Grand Prix được tổ chức lần đầu tiên ở cấp quốc gia năm 2014 và bắt đầu mở rộng ra quy mô...