Tránh thất thu thuế nhưng không cản trở doanh nghiệp kinh doanh
Các bộ ngành đang hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý nhằm tránh thất thu thuế, với nguyên tắc không cản trở doanh nghiệp phát triển.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử”, nêu những thành tựu và khó khăn, cộng với những giải pháp nhằm tránh thất thu thuế trên thương mại điện tử nói riêng và các nền tảng Internet nói chung.
Đối với việc thu thuế trên thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng cơ sở pháp lý đã cơ bản đầy đủ. Tuy vậy, việc thực thi thu thuế vẫn còn nhiều khó khăn.
Giải pháp quan trọng nhất là phối hợp giữa các bộ ngành để chia sẻ dữ liệu, phối hợp rà soát các đối tượng chịu thuế, đồng thời kiện toàn quy định để bao quát các đối tượng phải nộp thuế. Dù vậy, việc thu thuế phải đảm bảo không ảnh hưởng phong trào khởi nghiệp, không tạo rào cản cho phát triển thương mại điện tử.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế – Bộ Tài Chính), cho hay quy định pháp luật hiện nay đã đầy đủ về việc cá nhân, tổ chức kinh doanh trên mạng phải chịu thuế.
Trong đó, người kinh doanh phải có nhiệm vụ kê khai thuế đầy đủ. Cơ quan thuế có trách nhiệm hướng dẫn kê khai, thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Nếu cá nhân, tổ chức kinh doanh không kê khai nộp thuế, cơ quan thuế sẽ có biện pháp chế tài như thanh tra, xử phạt. Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, ví dụ trốn thuế, thì sẽ chuyển sang các cơ quan chức năng để điều tra.
Từ trái qua: Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, bà Nguyễn Thị Minh Huyền, GS.TS. Hoàng Văn Cường, bà Nguyễn Thị Lan Anh. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Nhiều biện pháp kịp thời, song vẫn tồn tại khó khăn
Đại diện cơ quan thuế cho biết đang thực hiện đồng bộ các biện pháp gồm tuyên truyền, hướng dẫn tự kê khai thuế, và phối hợp kiện toàn hành lang pháp lý về thuế.
Hiện nay các nền tảng nước ngoài đã có cổng online để thực hiện kê khai thuế. Ngoài ra, các quy định mới tăng cường trách nhiệm của sàn thương mại điện tử trong việc kê khai nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh trên sàn, hoặc cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để thực hiện thu thuế.
Phía Tổng cục Thuế cũng xây dựng hệ thống quản lý thuế thông minh, kết nối ban ngành, hướng tới kết nối các sàn thương mại điện tử để cá nhân kinh doanh dễ kê khai nộp thuế. Bên cạnh đó, cơ quan này xây dựng hệ thống AI để quản lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo nhằm thực hiện việc rà soát thu thuế hiệu quả hơn.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Video đang HOT
Mặc dù vậy, cơ quan này thừa nhận còn nhiều khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Đây là những khó khăn đặc thù các nước đều gặp phải với các mô hình kinh doanh mới, không riêng Việt Nam.
Chẳng hạn, mỗi cá nhân và tổ chức kinh doanh trên nhiều nền tảng khác nhau, do đó khó xác định đầy đủ nguồn thu và đối tượng. Cũng khó xác định các loại thu nhập: ví dụ thu nhập bao gồm cả phí dịch vụ hay phí bản quyền, dẫn đến việc khó phân tách khoản tính thuế. Cơ quan thuế cũng không thể kiểm soát toàn bộ giao dịch của người kinh doanh trên các nền tảng khác nhau để tính thuế.
Ngoài ra, dòng tiền giao dịch không chỉ qua ngân hàng mà còn thu tại chỗ (COD) nên cơ quan thuế cũng không thể theo dõi được hết.
Để giải quyết những khó khăn trên, GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nêu một số kinh nghiệm các nước đã áp dụng.
GS.TS. Hoàng Văn Cường. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo ông, quan trọng nhất là phải củng cố nền tảng pháp luật để thực hiện các biện pháp pháp lý. Do các nền tảng đều kinh doanh qua mạng, do đó pháp luật nên có quy định tính thuế dựa trên nơi có diễn ra hoạt động kinh tế. Chẳng hạn các nền tảng ở nước ngoài, không có đại diện tại Việt Nam nhưng phải tuân thủ pháp luật sở tại vì có hoạt động kinh doanh trong nước. Tuy nhiên, quy định pháp luật cũng cần theo thông lệ quốc tế.
TÀI TRỢ
Ngoài ra, cần xây dựng hệ thống thông tin trên nền tảng số. Cần có các công cụ như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để tìm ra các hành vi giao dịch trên mạng. Sau đó, xây dựng cơ sở pháp luật để cơ quan thuế được truy cập dữ liệu này.
Tiếp đến, nên thành lập tổ chức liên ngành trên mạng, gồm nhiều cơ quan khác nhau – thuế, ngân hàng, thông tin & truyền thông, công thương – để phối hợp thực hiện việc quản lý nộp thuế.
Cuối cùng, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng hợp tác quốc tế cực kỳ quan trọng để tránh chuyển giá, chuyển thuế.
Tránh thất thu thuế nhưng phải bảo đảm môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp
Một thực tế là các nền tảng kinh doanh thương mại điện tử, nhất là các bên cung cấp dịch vụ xuyên biên giới, đều không hiện diện tại Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ thuế.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho rằng đã có cơ sở pháp lý đầy đủ về việc quản lý và thu thuế đối với các nền tảng xuyên biên giới. Hiện nay, Facebook, Google, Netflix, TikTok,… đều đã đóng thuế nhà thầu.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền. (Ảnh VGP/Nhật Bắc)
Để đẩy mạnh thu thuế hiệu quả cần có sự phối hợp các bộ ngành trong việc giám sát hiệu quả hoạt động kinh doanh của các tổ chức cung cấp dịch vụ. Trong đó, cần có sự tham gia của phía ngân hàng để rà soát, kiểm tra các khoản giao dịch.
Để đối soát xem các doanh nghiệp có kê khai chính xác hay không, các bộ ngành cần hợp tác chia sẻ dữ liệu. Tuy nhiên, việc kết nối, liên thông dữ liệu cần có thời gian để các đơn vị hoàn thành.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đồng tình với việc cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành.
Bà Nguyễn Thị Minh Huyền. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Bà tiếp tục nêu vai trò quan trọng của việc quản lý dòng tiền giao dịch. Bên cạnh việc dùng trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn để rà soát, cần có được sự quản lý dòng tiền để đối chiếu. Việc này giúp tạo cơ sở rà soát tính trung thực của bên kê khai thuế.
Trên thực tế, GS.TS. Hoàng Văn Cường nhận định khuôn khổ pháp luật đã có đầy đủ để thực thi nguyên tắc thu thuế trên các nền tảng trực tuyến.
Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành rất cần thiết, song cần phân quyền để xem ai được sử dụng dữ liệu nào, nhằm tránh việc vi phạm quyền dữ liệu riêng tư cá nhân.
Ngoài ra, các biện pháp thu thuế cần đảm bảo tính phổ quát, bình đẳng, tránh những biện pháp không hài hoà dẫn đến ảnh hưởng phong trào khởi nghiệp, gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh.
Phía Tổng cục Thuế cũng đồng ý với nhận định này. Bà Lan Anh cho hay các bộ hiện rất tích cực phối hợp nhằm tạo ra khung pháp lý đúng đắn, đảm bảo tránh thất thu thuế nhưng không phản cảm, gây cản trở phát triển thương mại điện tử.
Microsoft, Tiktok, Netflix... cùng các nhà cung cấp nước ngoài nộp ngân sách hàng nghìn tỷ đồng
Những kết quả bước đầu sau khi khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài đã thu về cho Ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.
Báo cáo kinh tế Internet khu vực Đông Nam Á của Google dự báo, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam sẽ đạt khoảng 29 tỷ USD vào năm 2025, ghi danh là một trong những nước có thị trường TMĐT phát triển nhanh nhất toàn cầu.
Sự phát triển của TMĐT mang đến cơ hội kinh doanh cho mọi chủ thể, nhưng lại mở ra một thách thức rất lớn cho các cơ quan quản lý trong việc xử lý bài toán thuế đối với lĩnh vực kinh doanh không có sự hiện diện trực tiếp này.
Với tính chất đặc thù như quy mô hoạt động rộng trên môi trường internet không bị giới hạn về mặt địa lý, dễ dàng thay đổi, che giấu hoặc xóa dữ liệu giao dịch... của TMĐT khiến vấn đề quản lý thu thuế gặp nhiều thách thức, nhất là đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới.
Đối với nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam (sau đây gọi tắt là NCCNN) có phát sinh thu nhập tại Việt Nam, tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13/6/2019 (quy định tại 4 Điều 42) quy định trách nhiệm quản lý của cơ quan thuế, nghĩa vụ của doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có nghĩa vụ trực tiếp đăng ký, kê khai và nộp thuế tại Cổng thông tin điện tử cho NCCNN.
Thông tư số 80/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam bao gồm các đối tượng sau:
Thứ nhất, NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam.
Thứ hai, tổ chức, cá nhân ở Việt Nam mua hàng hóa, dịch vụ của NCCNN.
Thứ ba, đại lý thuế hoạt động theo pháp luật Việt Nam được NCCNN ủy quyền thực hiện đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam.
Thứ tư, ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán và các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác của NCCNN.
Tổng cục Thuế là cơ quan thuế quản lý thuế trực tiếp đối với NCCNN, có trách nhiệm cấp mã số thuế cho NCCNN theo quy định, tiếp nhận tờ khai thuế và thực hiện các công việc có liên quan đến việc khai thuế, nộp thuế của NCCNN. Ngày 21/03/2022, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN.
Sau một thời gian triển khai Cổng thông tin điện tử bước đầu thu được nhiều kết quả đáng chú ý.
Vào tháng 5, trên trang chính thức của mình, Meta (Facebook) đã thông báo bắt đầu từ ngày 1/6/2022, quảng cáo trên nền tảng Facebook tại Việt Nam sẽ phải chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) là 5%. Điều này ảnh hưởng đến các nhà quảng cáo đã đặt Việt Nam làm quốc gia mục tiêu trên địa chỉ doanh nghiệp hoặc địa chỉ cá nhân.
Kể từ khi Cổng thông tin được khai trương, đã có nhiều NCCNN lớn đăng ký nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giá trị gia tăng trực tiếp qua Cổng. Điển hình như: Facebook (Meta), Microsoft, TikTok, Netflix.
Số thuế đã được kê khai, nộp trực tiếp trên Cổng tại kỳ kê khai Quý I/2022: Microsoft đã nộp 0,5 triệu USD, TikTok đã nộp 34,5 tỷ VND, Netflix đã nộp 7,8 tỷ VND và Facebook sẽ nộp thuế trên toàn bộ doanh thu (từ tổ chức và cá nhân) vào quý II/2022 - số liệu được đăng tải trên tạp chí Thuế nhà nước ngày 30/06.
" Như vậy, Việt Nam đã trở thành một trong bốn nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á thành công trong việc khẳng định quyền quản lý thuế của quốc gia đối với DN nước ngoài kinh doanh TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam", Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh nhận định trong hội thảo quốc tế "Thuế với TMĐT và dịch vụ số xuyên biên giới: kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn" tổ chức hồi tháng 7.
Với các chính sách và quản lý thuế hiện đại, từ năm 2018 đến nay số thu thuế từ hoạt động TMĐT thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu đạt 5.458 tỷ đồng (lũy kế đến 14/7/2022), bình quân đạt 130%, số thu trung bình đạt khoảng 1.200 tỷ đồng/năm. Một số NCCNN được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn như: Facebook (2.076 tỷ đồng), Google (2.040 tỷ đồng), Microsoft (699 tỷ đồng).
Chuyển đổi IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, dịch vụ công để phục vụ người dân, doanh nghiệp Bộ TT&TT đề nghị các bộ, ngành chuyển đổi sang địa chỉ IPv6 cho Cổng thông tin điện tử, Cổng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 để phục vụ cho người dân, doanh nghiệp truy cập, sử dụng dịch vụ của cơ quan nhà nước. Với mục tiêu thực hiện toàn diện công tác chuyển đổi sang địa chỉ giao thức...