Tránh nguy cơ gãy xương vùng khớp háng ở người cao tuổi
Gãy xương vùng khớp háng thường gặp là gãy cổ xương đùi, gãy khối mấu chuyển. Đây là một trong những loại chấn thương nặng, hay gặp ở người cao tuổi.
Gãy xương vùng khớp háng làm hạn chế khả năng vận động và tự lập của người bệnh, bởi lẽ họ phải trải qua phẫu thuật, nằm viện, bất động và tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật. Khi gãy xương vùng khớp háng, người bệnh luôn cần người trợ giúp hằng ngày trong suốt thời gian điều trị, có khi kéo dài hàng năm (nếu không thay khớp), vừa đau đớn, vừa phiền phức. Nếu điều trị không kịp thời, đúng phương pháp, người bệnh dễ tử vong do loét, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, tắc mạch chi, tắc mạch phổi…
Nguyên nhân
Phần lớn gãy xương vùng khớp háng liên quan đến tình trạng loãng xương (yếu xương, thưa xương) ở người cao tuổi, kết hợp sau một lực tác động không lớn vào háng (ngã ngồi, đập mông xuống nền nhà, bậc thềm, cầu thang…). Loãng xương xuất hiện ở phụ nữ mãn kinh và đàn ông lớn tuổi. Loãng xương làm cho thành xương mỏng, xương mềm, dẫn đến khả năng chịu lực kém, xương dễ gãy, đặc biệt xương vùng khớp háng là điểm yếu nhất, dễ bị tổn thương nhất khi có loãng xương.
Hình minh họa gãy cổ xương đùi trên mô hình (A) và trên phim Xquang (B).
Các yếu tố nguy cơ
Có nhiều yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến gãy xương vùng khớp háng, gồm 2 nhóm: Nguy cơ liên quan đến tình trạng loãng xương và nguy cơ dễ té ngã.
Nguy cơ liên quan loãng xương:
Tuổi: tuổi càng cao, nguy cơ loãng xương càng tăng.
Giới: nữ giới có tỷ lệ loãng xương cao hơn nam giới ở cùng độ tuổi.
Video đang HOT
Di truyền: Trong gia đình có người từng gãy xương vì loãng xương thì các thành viên khác trong gia đình có nguy cơ gãy xương do loãng xương cao hơn khi lớn tuổi. Người có thể trạng gầy, nhỏ dễ mắc loãng xương hơn.
Dinh dưỡng: Người nhẹ cân, dinh dưỡng kém, có chế độ ăn kiêng làm giảm canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn, dễ mắc loãng xương và gãy xương.
Cách sống: Hút thuốc lá, uống rượu quá mức, cùng với ít rèn luyện thể lực là những yếu tố nguy cơ dẫn đến loãng xương, dễ gãy xương.
Nguy cơ dễ té ngã:
Người suy giảm về thể chất và tinh thần: liệt yếu chi, viêm khớp mạn tính, thị lực kém, lão hóa, sa sút trí tuệ, Alzheimer…
Sử dụng thuốc: Nhiều loại thuốc khi uống vào có thể ảnh hưởng đến khả năng giữ thăng bằng của cơ thể cũng như gây buồn ngủ, chóng mặt, mất tập trung… dễ gây té ngã.
Hình minh họa: gãy cổ xương đùi do loãng xương.
Phòng tránh gãy xương vùng khớp háng
Giữ an toàn trong ngôi nhà của mình
Thống kê cho thấy, phần lớn các trường hợp gãy xương vùng khớp háng là do trượt chân ngã tại nhà. Rất nhiều trường hợp chúng ta có thể ngăn ngừa được những tai nạn này, ví dụ như các vật dụng trong nhà phải được sắp xếp gọn gàng, tránh vướng chân, vấp ngã; trong nhà phải đầy đủ ánh sáng để người già dễ quan sát; trong phòng tắm phải gắn các thanh vịn, có thảm chống trượt; gạch lát nhà cần tăng độ ma sát…
Tập luyện
Tập thể dục vừa giúp chậm loãng xương, vừa tăng cường sức khỏe cho cơ bắp. Ngoài ra, tập thể dục giúp cải thiện khả năng giữ thăng bằng của cơ thể. Các môn thể dục phù hợp người cao tuổi gồm leo cầu thang, chạy bộ, bơi lội, khiêu vũ, đạp xe…
Tập cách giữ thăng bằng góp phần làm giảm nguy cơ té ngã.
Trang bị những hiểu biết về sức khỏe và các tác dụng phụ của thuốc. Hàng năm, người cao tuổi nên khám kiểm tra mắt, tim mạch định kỳ. Khi sử dụng bất kỳ một loại thuốc nào cũng nên hỏi bác sĩ về tác dụng phụ và liều lượng phù hợp, đọc tờ hướng dẫn cách sử dụng thuốc trước khi dùng, lưu ý những tác dụng phụ như chóng mặt, mất thăng bằng, buồn ngủ, mất tập trung…
Những điều người có tuổi có thể làm để duy trì và cải thiện độ bền của xương:
Hiểu được nguy cơ cá nhân của chính mình đối với gãy xương. Điều này dựa trên bất kỳ yếu tố nguy cơ nào người bệnh có thể có (như trên đã nêu). Khi cần, có thể hỏi bác sĩ để đo mật độ xương (đo loãng xương).
Hiểu được nguy cơ cá nhân của chính mình đối với loãng xương. Di truyền có mối liên quan khá rõ đối với sức khỏe của xương.
Hãy lựa chọn lối sống lành mạnh, duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, tăng cường canxi và vitamin D trong khẩu phần ăn. Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tăng cường tập luyện thể dục… góp phần giảm nguy cơ loãng xương, gãy xương vùng khớp háng.
Tham vấn ý kiến bác sĩ, xem xét và uống các thuốc bổ sung canxi và vitamin D, thuốc chống hủy xương khi cần.
TS.BS. Dương Đình Toàn
Theo suckhoedoisong
Thay khớp háng cho cụ ông 100 tuổi bị gãy cổ xương đùi
Gãy cổ xương đùi hay gặp ở người cao tuổi do ngã trên nền cứng, đập vùng hông xuống đất, trong khi mật độ xương thấp và giòn.
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Hoàng Văn H. (100 tuổi, Nghệ An) bị gãy cổ xương đùi trái, do trượt chân ngã. Cụ ông này vào viện với thể trạng già yếu, các bệnh lý nội khoa kèm theo như tăng huyết áp, tiểu đường.
Sau ngã, bệnh nhân có biểu hiện đau khớp háng trái và không đi lại được. Các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn nhiều chuyên khoa như gây mê hồi sức, tim mạch để phẫu thuật thay khớp háng trái bán phần cho bệnh nhân. Sau mổ, ông H. hồi phục tốt.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Phó viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, cho biết đây là phẫu thuật được tiến hành phổ biến tại khoa. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân già yếu kèm những bệnh lý nội khoa kết hợp, nguy cơ rủi ro cao hơn, cần hội chẩn kỹ lưỡng cùng chuyên gia giàu kinh nghiệm trước khi tiến hành phẫu thuật cho người bệnh.
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh đang phẫu thuật cho bệnh nhân 100 tuổi. Ảnh: BVCC.
Bác sĩ Khánh cho hay người cao tuổi hay bị gãy cổ xương đùi là do các yếu tố thuận lợi như loãng xương, ít vận động, bị bệnh phối hợp trước đó như tai biến mạch máu não, yếu 1/2 người, hậu quả của cơn thiếu máu não thoáng qua gây mất tri giác tức thời và ngã.
"Do đặc điểm giải phẫu của cấp máu vùng cổ xương đùi, khi gãy, các mạch máu nuôi vùng cổ và chỏm xương đùi bị tổn thương, nguy cơ không liền xương hoặc tiêu chỏm xương đùi gần như chắc chắn xảy ra. Điều này khiến người bệnh khó có khả năng đi lại như trước khi gãy và kéo theo một loạt các hệ lụy do phải nằm tại chỗ, bất động", PGS Khánh nói.
Để giải quyết và hạn chế những biến chứng này, phẫu thuật thay khớp háng là lựa chọn giúp người bệnh đỡ đau đớn, có thể ngồi dậy sớm ngay ngày đầu sau mổ. Tuy nhiên, bác sĩ cũng như người bệnh và gia đình phải cân nhắc những yếu tố rủi ro và nguy cơ ngoài mong muốn, thậm chí tử vong trong và sau mổ.
Theo các bác sĩ, thực tế và kinh nghiệm lâm sàng cho thấy dù phẫu thuật thay khớp háng ở người cao tuổi trên thế giới và tại Việt Nam đều có tỷ lệ rủi ro và tử vong nhất định, với những trường hợp thể trạng người bệnh cho phép, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị gây mê và phẫu thuật, thay khớp háng vẫn còn khả năng mang lại hy vọng cho người bệnh.
Người bệnh sẽ được vô cảm bằng gây tê tủy sống hoặc gây mê nội khí quản. Sau khi rạch da đường phía sau ngoài, phẫu thuật viên sẽ bộc lộ khớp háng. Khi mở vào bao khớp sẽ thấy đường gãy ở cổ xương đùi. Tiếp theo, phẫu thuật viên lấy bỏ chỏm xương đùi rồi doa phần thân xương đùi để phù hợp với loại chuôi khớp háng sẽ thay thế.
Sau khi lắp chuôi thử nếu thấy vận động tốt, khớp vững, có chiều dài chi bình thường, phẫu thuật viên sẽ thay khớp háng bán phần loại có hoặc không có xi măng. Đặt lại khớp háng, kiểm tra độ vững của khớp, tư thế khớp. Phẫu trường được dẫn lưu kín, hút áp lực âm. Vết mổ được khâu phục hồi phần mềm theo các lớp giải phẫu và băng vô khuẩn.
Theo Zing
Bé trai 13 tuổi tử vong vì bị gãy xương nhưng mổ ruột thừa? Gia đình bệnh nhân 13 tuổi cho rằng nguyên nhân bé bị tử vong do sự thờ sơ, thăm khám không chính xác của bác sĩ bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ông Mai Đức Tín (ngụ phường Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) kể, chiều 12-6, trên đường về nhà, con ông là cháu Mai Tuấn Kiệt (13 tuổi) bị...