Tranh luận Trump – Biden: Ai dính dáng đến Nga, Trung Quốc?
Cuộc tranh luận Tổng thống Mỹ 2020 lần cuối giữa Donald Trump và Joe Biden tràn ngập các cáo buộc lẫn nhau về mối liên hệ của hai bên với các thế lực nước ngoài.
Không được đề cập chính thức trong các cuộc tranh luận tổng thống năm 2020, chủ đề về chính sách đối ngoại vẫn được các ứng viên tranh luận kịch liệt thông qua các câu hỏi cụ thể của người điều phối.
Tranh luận Tổng thống Mỹ lần cuối năm 2020. (Ảnh: AP)
Nga
Khi được hỏi về các cáo buộc Iran, Nga can thiệp bầu cử Mỹ và những gì có thể làm với vấn đề này, cựu Phó Tổng thống Biden khẳng định khi ông được bầu, bất cứ ai can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ sẽ phải trả giá.
Ông chỉ trích Tổng thống Trump đã không thẳng thắn đối mặt với Tổng thống Nga Putin về các vấn đề như can thiệp bầu cử, hay khi xuất hiện thông tin Nga thuê lính giết quân nhân Mỹ ở Afganistan, làm NATO bất ổn. (Nga đã phủ nhận các cáo buộc)
“Họ làm tất cả để tôi không thắng cử vì họ biết rõ là tôi hiểu họ”, ông Biden nói.
Đáp lại, Tổng thống Trump công kích ông Biden “nhận 3,5 triệu USD từ Nga” thông qua cựu Thị trưởng Matxcơva. Cáo buộc dường như xuất phát từ báo cáo – “Hunter Biden, Burisma và Tham nhũng: Tác động đến Chính sách của Chính phủ Hoa Kỳ và các Mối quan tâm Liên quan” của ủy ban thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo về an ninh nội địa.
“Không có ai cứng rắn với Nga bằng tôi”, ông Trump tiếp tục khẳng định. Ông cho biết thêm đã khiến các đồng minh NATO phải đóng góp nhiều hơn cho tổ chức.
Trung Quốc
Video đang HOT
Trung Quốc là một trong những trọng tâm về chính sách đối ngoại trong chiến dịch tranh cử của hai ứng viên Tổng thống Mỹ.
Ứng cử viên phủ nhận việc mình và gia đình nhận bất cứ khoản tiền nào bất hợp pháp và phi đạo đức từ nước ngoài, tố ngược Tổng thống Trump về việc có tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc và “nộp thuế ở Trung Quốc nhiều hơn ở Mỹ”.
“Thứ hai là tôi đã công bố hồ sơ thuế 22 năm còn Trump không công bố gì, trong khi các doanh nghiệp của ông ta trên toàn thế giới, Nga và Trung Quốc đang kiếm tiền cho ông ta”, theo Biden.
Tổng thống Trump khẳng định hồ sơ thuế của mình đang được kiểm toán và sẽ tiết lộ khi đến lúc. “Còn về thuế họ nói tôi chỉ trả 750 USD nhưng thực tế là tôi đã trả trước khoản thuế ước tính hàng chục triệu USD, cái này thì không thấy ai nói”.
Ông Trump nhắc đến bê bối liên quan đến con trai ông Biden được truyền thông Mỹ đưa tin, về các email được cho là của Hunter Biden thể hiện nội dung giao dịch ở Trung Quốc.
“Tôi nghĩ ông chính là ‘ông lớn’. Con trai ông nói phải chia 10 phần trăm cho ông lớn. Joe, đó là chuyện gì vậy? Thật là khủng khiếp.”
Đây được cho là email năm 2017 khôi phục từ ổ cứng trước đây thuộc về Hunter Biden, trong đó mô tả 10% dành riêng cho một “ông lớn” như một phần thỏa thuận tiềm năng giữa Biden với công ty năng lượng tư nhân lớn nhất Trung Quốc.
Tổng thống Trump cũng cáo buộc cựu Phó Tổng thống Biden và gia đình “làm giàu” ở Ukraine. “Họ hút như một cái máy hút bụi”, ông Trump chỉ trích.
Khi được hỏi về chính sách cụ thể với Trung Quốc, cựu Phó Tổng thống Biden khẳng định “sẽ bắt Trung Quốc làm theo luật”, trong khi chỉ trích ông Trump đã không làm đủ để Trung Quốc minh bạch về COVID-19, “đón nhận” Nga và Triều Tiên, quay lưng với các đồng minh.
Đáp lại, ông Trump cho biết đã và đang khiến Trung Quốc phải trả nhiều tiền thuế, thông qua các chính sách thu thuế với hàng hóa Trung Quốc. Nhưng Biden cho rằng chính các chính sách của ông Trump đã gây thiệt hại cho người Mỹ và nông dân Mỹ.
Triều Tiên
Thiết bị được cho là tên lửa mới của Triều Tiên trong buổi duyệt binh đầu tháng 10.
Liên quan đến các vụ thử vũ khí liên tiếp của Triều Tiên, người điều phối hỏi ông Trump có cảm thấy “bị phản bội” khi ông đã gặp và đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhiều lần.
Tổng thống Mỹ khẳng định ông có mối quan hệ tốt với ông Kim Jong-un và chính quyền ông đã làm được rất nhiều để không có chiến tranh hạt nhân xảy ra.
Ứng viên Biden chỉ trích ứng viên Trump vì đã “hợp pháp hóa” Triều Tiên bằng cuộc gặp với ông Kim Jong-un, cáo buộc Tổng thống có thái độ thân thiện với một “kẻ côn đồ”.
Ông Trump tuyên bố rằng ông Biden và Tổng thống Barack Obama đã để lại cho ông “một mớ hỗn độn” về chính sách đối ngoại. Ông Trump cho rằng ông Obama đã cố gắng nhưng không gặp được ông Kim vì ông Kim “không thích” Obama. Tuy nhiên thông tin này không chính xác, theo AP.
Biden nói ông sẽ chỉ đồng ý gặp mặt nếu Kim đồng ý giảm năng lực hạt nhân của Triều tiên và Biden sẽ duy trì áp lực đối với Trung Quốc.
Putin khó xử giữa cuộc so kè Ấn - Trung
Nga không muốn nghiêng về bên nào trong căng thẳng Ấn - Trung hiện nay, nhưng vị thế khu vực khiến Putin khó có thể giữ vị thế trung lập.
Trong lễ Duyệt binh Chiến thắng diễn ra ở Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva của Nga hôm qua, một hình ảnh khiến nhiều người chứng kiến chú ý là sự xuất hiện của quân đội Ấn Độ và Trung Quốc cùng trong đội hình duyệt binh. Đây là hai trong số nhiều nước gửi binh sĩ tới Moskva tham gia duyệt binh kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít.
Dưới sự quan sát của Tổng thống Nga Vladimir Putin, đội hình ba quân chủng của Lực lượng Vũ trang Ấn Độ diễu qua Quảng trường Đỏ. Đi ngay sau đó hai khối là đội danh dự thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, với quy mô lớn nhất trong số các nước gửi quân tham gia duyệt binh.
Hình ảnh hai đội quân cùng xuất hiện trên Quảng trường Đỏ trái ngược hoàn toàn với những gì xảy ra cách đó hai tuần, khi binh sĩ hai nước lao vào nhau ẩu đả tại khu vực biên giới tranh chấp ở Ladakh trong vụ đụng độ đẫm máu nhất suốt nhiều thập kỷ. Ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng, phía Trung Quốc có thương vong nhưng không công bố.
Vụ ẩu đả ngày 15/6 là lần đụng độ chết người đầu tiên tại khu vực biên giới dài 3.488 km giữa hai nước, sau sự kiện Trung Quốc phục kích và bắn chết 4 binh sĩ Ấn Độ tại Tulung La, Arunachal Pradesh, năm 1975.
Tổng thống Nga Putin phát biểu trên truyền hình ngày 23/6. Ảnh: Reuters.
Cả Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và người đồng cấp Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã tới Moskva chứng kiến lễ duyệt binh. Truyền thông Trung Quốc ban đầu đưa tin hai bộ trưởng "rất có thể" sẽ gặp nhau ở Moskva, song Bộ Quốc phòng Ấn Độ ngày 23/6 phủ nhận thông tin này.
"Cuộc duyệt binh là bằng chứng hiếm hoi cho thấy Nga là một đối tác toàn cầu quan trọng, bởi cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ đều coi trọng việc thể hiện tinh thần đoàn kết mang tính biểu tượng với Moskva", Fyodor Lukyanov, chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, một nhóm nghiên cứu cố vấn cho chính phủ Nga, nhận xét.
"Dù Moskva không có biện pháp cụ thể nào để tác động tới tình hình hiện nay giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Nga, chỉ bằng sự hiện diện của mình ở lục địa Á - Âu, đã mang đến những ảnh hưởng rất lớn, khó có thể bỏ qua", Lukyanov nói thêm. "Hành động biểu tượng vừa qua của Bắc Kinh và New Delhi đã xác nhận điều đó".
Tuy nhiên, cuộc đụng độ ở Ladakh hôm 15/6 đã đẩy Nga, bên mà những năm gần đây đang tìm cách tăng cường quan hệ với cả Trung Quốc và Ấn Độ, vào tình thế khó xử. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga với kim ngạch thương mại song phương năm ngoái đạt trên 110 tỷ USD. Trong khi đó, Ấn Độ lại là khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Nga và mới đây còn cam kết đầu tư một tỷ USD vào vùng Viễn Đông.
"Bất kỳ xung đột nào giữa Ấn Độ và Trung Quốc đều cực kỳ gây khó xử cho Nga bởi Moskva đang đặt cược vào việc các đối tác chiến lược thân cận của họ phải tin tưởng lẫn nhau hết mức có thể", Alexey Kupriyanov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Nga, nhận định.
Theo Kupriyanov, dù Tổng thống Putin gần đây tăng cường vai trò của Nga như một "chuyên gia xử lý khủng hoảng toàn cầu", ông tỏ ra cảnh giác hơn nhiều khi cân nhắc vai trò trung gian hòa giải mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Ấn Độ so với các cuộc xung đột ở Syria, Libya hay Venezuela, nơi Moskva cũng đóng vai trò ngoại giao quan trọng.
"Vai trò hòa giải của Nga rất cần thiết ở những quốc gia đã bị tàn phá nghiêm trọng vì xung đột, khi đôi bên không thể đạt thỏa thuận với nhau hoặc bởi một bên cảm thấy họ yếu hơn nhiều so với bên còn lại", ông nói. "Trong trường hợp Ấn - Trung, chúng ta có hai cường quốc vũ khí hạt nhân với hàng thập kỷ kinh nghiệm tự mình xử lý các xung đột biên giới. Vậy nên dù sẵn sàng giúp đỡ, chúng ta nhận ra rằng không bên nào cần đến một bên thứ ba".
Những tuần gần đây, khi căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc leo thang, các quan chức cấp cao Nga liên tục nhấn mạnh Moskva không có kế hoạch làm trung gian hòa giải hay ủng hộ bất kỳ bên nào.
"Chúng tôi không định can thiệp vào vấn đề của Trung Quốc và Ấn Độ, bởi bản thân họ đã có thể tự giải quyết chúng mà không cần bên thứ ba", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 23/6 nói trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuần trước, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Nga nhận thấy các thông tin về xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc "rất đáng báo động" nhưng Moskva tự tin rằng "hai nước có đủ khả năng thực hiện những bước đi cần thiết để ngăn những tình huống tương tự xảy ra trong tương lai và đảm bảo ổn định trong khu vực".
Tuy nhiên, Nga cũng đang nhận ra rằng việc đứng ngoài cuộc hoàn toàn không phải điều dễ dàng. Sau vụ đụng độ ở thung lũng Galwan, Ấn Độ thông báo sẽ mua gấp 33 chiến đấu cơ Su-30 và MiG-29 mới từ Nga. Nước này cũng yêu cầu Nga đẩy nhanh tốc độ chuyển giao hệ thống phòng không S-400 đầu tiên. New Delhi ký hợp đồng trị giá 5,2 tỷ USD mua hệ thống S-400 của Nga hồi tháng 10/2018, dự kiến tổ hợp đầu tiên được chuyển giao vào tháng 12/2021.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch nhằm kích động dư luận Nga chống lại động thái trên. Trong một nhóm Facebook nổi tiếng tập hợp nhiều chuyên gia Nga nghiên cứu về châu Á, tờ People's Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng một bài viết lập luận rằng việc chuyển giao vũ khí cho Ấn Độ sẽ chỉ khiến căng thẳng khu vực tiếp tục tăng cao.
"Như nhiều chuyên gia đã nói, nếu Nga muốn làm dịu căng thẳng giữa người Trung Quốc và người Ấn Độ, họ không nên chuyển giao vũ khí cho Ấn Độ vào thời điểm nhạy cảm như hiện nay", tờ báo viết. "Cả hai cường quốc châu Á đều là đối tác chiến lược rất thân cận của Nga".
Nga bắt đầu mở cửa các điểm bỏ phiếu đầu tiên về sửa đổi hiến pháp Hiện đã có khoảng 4.300 công dân bao gồm thủy thủ, quân nhân, công nhân ngành khai thác mỏ và cư dân địa phương tham gia cuộc bỏ phiếu sớm. Người phát ngôn của Ủy ban bầu cử vùng Kamchatka, Nga cho biết, cuộc bỏ phiếu về sửa đổi hiến pháp Nga đã bắt đầu vào ngày 25/6 và 2 điểm thuộc viễn...