Tránh đứt gãy nguồn cung ứng để kích cầu nền kinh tế
“Để đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể, chúng ta cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân”- bà Nguyễn Thị Hương,Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trao đổi với PV báo Tin tức về khả năng hồi phục nền kinh tế Việt Nam vào quý 4/2021 trong bối cảnh mới.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương.
Thưa bà, bà đánh giá như thế nào về khả năng hồi phục nền kinh tế Việt Nam vào quý 4/2021 trong bối cảnh mới “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19″?
Một trong những đề xuất của Chiến lược chống dịch mới lần này là “sống chung an toàn” đi cùng với giải pháp tạo đà phục hồi nền kinh tế. Trước mắt, Bộ Y tế là đầu mối tham mưu Dự thảo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19″ để trình Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 ban hành. Bộ Y tế cần sớm xây dựng và hướng dẫn thực hiện Khung y tế phòng chống dịch để sống chung an toàn với dịch bệnh, sớm ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.
Chúng ta phải có các biện pháp sống chung an toàn với dịch, kể cả trong vùng xanh, đặc biệt phải tăng cường kết nối trong lưu thông, sản xuất, kinh doanh để tránh đứt gãy nguồn cung ứng hàng hóa, từ đó kích cầu nền kinh tế kể cả lĩnh vực đầu tư, tiêu dùng xuất khẩu, khôi phục ngành Du lịch để có tác động lan tỏa tới hoạt động vận tải, dịch vụ lưu trú, khách sạn, nhà hàng.
Những tháng qua, lệnh giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh, thành đã gây hệ lụy không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Với kịch bản phục hồi kinh tế, Tổng cục Thống kê dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ra sao, thưa bà?
Để đạt mục tiêu kinh tế – xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể, chúng ta cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Trước hết cần thực hiện kiểm soát tốt dịch bệnh cũng như tiếp tục triển khai mạnh mẽ, hiệu quả tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 gắn với mở rộng cơ sở tiêm, đối tượng tiêm.
Hai là tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất trong những tháng cuối năm; đặc biệt chính sách hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập, lao động phi chính thức cần được triển khai hiệu quả với phương châm “không để ai bị bỏ lại.”
Ba là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế, trên cơ sở thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng. Chúng ta cần từng bước mở cửa nền kinh tế, tập trung nguồn lực khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là yêu cầu cấp thiết để tránh tác động dài hạn đến động lực tăng trưởng của nền kinh tế, làm suy giảm, cạn kiệt sức chống chịu của doanh nghiệp, người dân trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài.
Video đang HOT
Bốn là tăng cường các biện pháp siết chặt kỷ luật tài chính – ngân sách. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; rà soát, hoàn thiện các quy trình thủ tục, bảo đảm đơn giản, thuận tiện cho triển khai dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân, mở rộng hợp tác công tư.
Năm là theo dõi sát thị trường trong nước và quốc tế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với hoạt động xuất, nhập khẩu. Để khắc phục tình trạng nhập siêu, chính phủ cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nguyên liệu đầu vào trong nước đồng thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ miễn, giảm các loại phí cho các doanh nghiệp trong quá trình vận chuyển, lưu thông hàng hóa.
Doanh nghiệp mong chờ các gói hỗ trợ để hồi phục sản xuất, kinh doanh. Ảnh: TTXVN
Đại dịch đã khiến “ sức khỏe” của doanh nghiệp bị bào mòn. Tổng cục Thống kê có kiến nghị gì để vực dậy khu vực doanh nghiệp trở lại hoạt động trong thời gian tới?
Theo số liệu từ cơ sở dữ liệu đăng ký kinh doanh Quốc gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng năm 2021 là 85,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số doanh nghiệp gia nhập thị trường thấp nhất trong giai đoạn 9 tháng kể từ năm 2017 (trong khi bình quân 5 năm trước dịch 2015 – 2019 mỗi năm có trên 130 nghìn doanh nghiệp thành lập mới).
Cùng với xu hướng đó, số vốn đăng ký thành lập trong 9 tháng năm 2021 đạt trên 1.195,8 nghìn tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 9 tháng đầu năm 2021 là 648,8 nghìn lao động, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2020. Những con số này cho thấy đại dịch COVID-19 làm giảm đáng kể số doanh nghiệp thành lập mới để tham gia vào thị trường, tăng thêm năng lực cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là trong 9 tháng năm nay, bên cạnh số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động khá lớn, số doanh nghiệp thành lập mới cũng gần tương đương (bằng khoảng 94,7% doanh nghiệp ngừng hoạt động, chỉ thấp hơn 5,3%) cho thấy sự “xoay xở” tốt của một số doanh nghiệp.
Gần 2 năm đối mặt với dịch, “sức khỏe” của doanh nghiệp rất yếu, vì vậy giải pháp cấp bách hiện nay để cứu doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp đang trong tâm dịch phía Nam như: Ưu tiên phòng chống dịch hiệu quả, dập dịch sớm nhất có thể, đặc biệt quan tâm phòng chống dịch hiệu quả cho doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp để sớm khôi phục lại sản xuất kinh doanh, thu hút lao động, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp nhanh chóng nối lại chuỗi sản xuất, cung ứng bị đứt gãy.
Chính phủ tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như hỗ trợ giãn, hoãn, miễn giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, chi phí cho người lao động phải nghỉ việc, thất nghiệp… Điều hành lãi suất linh hoạt, hạ lãi suất phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi, phí; linh hoạt thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng tại các ngân hàng thương mại, thúc đẩy tín dụng tiêu dùng.
Có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kênh thông tin về xuất, nhập khẩu nhằm tìm kiếm thị trường mới nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào, tránh phụ thuộc vào một thị trường và thị trường mới để tiêu thụ sản phẩm đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.
Thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực tài chính cần thiết vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất; miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4/2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.
-Trân trọng cảm ơn bà!
Muốn thông thoáng vận tải, phải triển khai thống nhất
Những kịch bản, giải pháp nhằm giúp các thành phần kinh tế nhanh chóng ổn định, phục hồi, đón cơ hội tăng tốc phát triển trong điều kiện bình thường mới là cầp thiết.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện đã cam kết bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hóa, nên ngành Giao thông vận tải (GTVT) phải bảo đảm việc vận chuyển lưu thông thông suốt.
"Mở cửa kinh tế phải bắt đầu từ đi lại"
Dịch COVID-19 đang từng bước được kiểm soát tốt, nhiều địa phương đã bắt đầu nới lỏng giãn cách, nhưng vẫn thận trọng kiểm soát nghiêm ngặt vận tải hàng hóa. Vì vậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN-Bộ GTVT) đã xây dựng quy trình vận tải để các địa phương vận chuyển hàng hóa thông suốt. TCĐBVN hiện đã cấp mã QR Code cho các phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động, cơ bản tháo gỡ được tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ ra vào các địa phương. Tuy nhiên, một số tỉnh vẫn chưa tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa có giấy nhận diện QR Code của ngành GTVT cấp được đi vào hoặc đi ngang qua, khiến đội ngũ lái xe vận tải phải quay đầu xe, gây lãng phí về thời gian, phát sinh chi phí vận chuyển.
Trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ ùn tắc vì kiểm soát y tế. Ảnh: Huy Hùng.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng TCĐBVN cho biết, Tổng cục đang tham mưu Bộ GTVT soạn thảo "Quy trình vận tải an toàn đảm bảo phòng chống dịch COVID-19" áp dụng cho các địa phương. TCĐBVN tới đây sẽ nâng cấp phần mềm thẻ nhận diện phương tiện để có thể kết nối với cơ sở dữ liệu của Bộ Y tế (về việc cung cấp thêm thông tin lái xe đã được xét nghiệm, tiêm phòng) phục vụ công tác truy vết và quản lý; đồng thời, báo cáo Bộ GTVT kiến nghị Bộ Y tế sớm cập nhật dữ liệu quản lý người ra - vào: Bến tàu, nhà ga, bến xe, cảng hàng không... và đề nghị Bộ Công an phối hợp phân luồng xanh cho phương tiện chở hàng hóa, không kiểm tra phương tiện lưu thông có mã QR Code, kiểm tra qua hậu kiểm với nơi đến của phương tiện.
Trên cơ sở rà soát của TCĐBVN, Bộ GTVT đã có văn bản số 8899/BGTVT-VT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố liên quan đến việc thống nhất trong triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ GTVT về đảm bảo tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Trong đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tại địa phương rà soát các văn bản do địa phương đã ban hành; thống nhất nội dung kiểm tra và quy trình kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.
Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, thực tế trên cho thấy, một số địa phương chỉ thấy lợi ích riêng của địa phương, mà chưa thấy hết lợi ích chung của quốc gia. Việc mở cửa trở lại vào thời gian này là hợp lý, vì số ca mắc COVID-19 có chiều hướng giảm, tỷ lệ người dân được tiêm chủng vaccine đã tăng lên, nhất là tại các "điểm nóng" như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội...
Với nền kinh tế mở như hiện nay, việc thông thương không thể bó hẹp trong địa giới hành chính của một tỉnh. Các mặt hàng sản xuất tại các địa phương phải vận chuyển lên biên giới hoặc các địa phương khác để tiêu thụ, xuất khẩu, nên giao thông chính là "mạch máu" của nền kinh tế, muốn thông thương phải bắt đầu bằng việc mở cửa đi lại. Giao thông bị ùn tắc, chắc chắn các chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu sẽ bị đứt gãy, hoạt động kinh tế sẽ bị ngưng trệ.
Thêm vào đó, thiếu giao thông thì không thể cung ứng kịp thời vaccine, trang thiết bị y tế phòng chống dịch, không thể cung ứng kịp thời hàng hóa thiết yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân và không thể phòng chống dịch. Thời gian qua, có tỉnh yêu cầu xét nghiệm nhanh, tỉnh khác yêu cầu xét nghiệm PCR, nơi yêu cầu giấy xét nghiệm thời hạn 2 - 3 ngày, nơi yêu cầu xét nghiệm 3 lần mới được vào địa bàn... Những vấn đề này cần sớm được giải quyết triệt để.
"Các địa phương cần phải làm rõ, đường quốc lộ là đường của quốc gia, quốc lộ chạy qua bất cứ địa phương nào, thì địa phương đó cũng không có thẩm quyền ngăn cản giao thông và áp đặt quy định riêng. Đồng thời, bất cứ giải pháp nào hạn chế hoạt động GTVT, hạn chế quyền đi lại của người dân, đều cần tham vấn ý kiến của dư luận, trước hết là của những đối tượng bị điều chỉnh", TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh thêm,
Thống nhất quy trình vận tải
Thực tế, việc lái xe vận tải gặp khó với thời hạn của giấy xét nghiệm COVID-19 và bị cách ly khi về từ vùng dịch cũng ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng hàng hóa. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận đưa nhóm lao động trong lĩnh vực vận tải vào nhóm được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ GTVT cũng đã kiến nghị xem xét kéo dài thời hạn giấy xét nghiệm lên 5 - 7 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho thông thương.
Ùn tắc tại Cảng Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên.
Để chuỗi cung ứng hàng hóa không bị đứt gãy do thiếu lái xe và phương tiện, Bộ GTVT đã yêu cầu các địa phương cùng thống nhất quy trình vận tải: Công nhận kết quả xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh và PCR có hiệu lực trong 72 giờ, không yêu cầu lái xe phải xét nghiệm lại khi giấy xét nghiệm vẫn còn hiệu lực; không yêu cầu cách ly y tế bắt buộc đối với đội ngũ lái xe khi đi về từ vùng dịch, nhưng phải tổ chức xét nghiệm cho lái, phụ xe trước và sau khi đi về từ vùng dịch; các phương tiện chỉ được di chuyển trên luồng xanh được cấp phép, hạn chế tiếp xúc tối đa, lái xe chấp hành nghiêm về quy định 5K, doanh nghiệp nào vi phạm quy định về xét nghiệm y tế mà vẫn lưu thông sẽ bị xử lý nghiêm.
Bộ GTVT cũng đã ban hành Quyết định số 1377/QĐ-BGTVT về việc thành lập 4 Tổ kiểm tra về hoạt động vận tải gắn với công tác phòng chống dịch COVID-19: Tổ 1, 2 khảo sát các hoạt động vận tải đường bộ thông qua các chốt kiểm soát dịch bệnh của các địa phương trên các tuyến quốc lộ; kiểm tra thực hiện các quy định về phòng chống dịch tại các đơn vị vận tải hàng hóa, các đầu mối bốc, xếp hàng hóa; kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông đường bộ, việc cấp Giấy nhận diện có mã QR Code của các Sở Giao thông vận tải.
Tổ 3 kiểm tra việc thực hiện các quy định về phòng chống tại các cảng, bến thủy nội địa; kiểm tra việc phân luồng, tổ chức giao thông đường thủy phục vụ vận tải hàng hóa trên đường thủy. Tổ 4 kiểm tra việc thực hiện các quy định và triển khai công tác phòng chống dịch COVID-19 tại các cảng biển.
Về lâu dài, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đang tổng hợp ý kiến các Bộ, ngành, địa phương đề xây dựng phương án cụ thể trình Chính phủ sớm ban hành quy định thống nhất quy trình vận tải hàng hóa thông suốt trong cả nước, trên cơ sở quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, tùy theo tình hình và diễn biến thực tế của dịch bệnh, nhằm hạn chế tình trạng xe vận tải hàng hóa gặp chốt kiểm dịch nào cũng bị kiểm tra như hiện nay.
WB: Quá trình phục hồi kinh tế khu vực Đông Á, Thái Bình Dương bị đảo ngược Ngày 28/9, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Báo cáo Cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương mùa thu năm 2021. Hoạt động bốc xếp hàng nhập khẩu tại cảng biển Hải Phòng. Ảnh minh họa: An Đăng/TTXVN Theo đó, Báo cáo ghi nhận quá trình phục hồi của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương...