Tranh cãi về xử lý hình sự người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi
Quy định về phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi gây tranh cãi giữa các đại biểu Quốc hội tại buổi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Do còn ý kiến khác nhau giữa các đại biểu Quốc hội nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Quôc hôi về 2 phương án.
Phương án 1: Giữ như quy định của Bộ luật hình sự năm 2015, đối với 3 tội: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141) và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiệm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
Phương án 2 là giữ như dự thảo luật do Chính phủ trình, theo đó người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Hai luồng ý kiến trái chiều
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng hai phương án được đưa ra lấy ý kiến đều có cơ sở mang tính thuyết phục của nó. Theo phương án 1, đa số đại biểu tán thành với lý do được đưa ra là tình trạng bạo lực hành động, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt, cướp tài sản do người chưa thành niên gây ra gia tăng nên cần phải xử lý nghiêm.
Phương án 2 được các cơ quan có trách nhiệm ủng hộ, phù hợp với đường lối, nguyên tắc xử lý với người chưa thành niên phạm tội.
“Tôi ủng hộ phương án 2 do Chính phủ trình”- ông Học nói.
Ông Học phân tích, phương án 2 phù hợp với thực trạng đấu tranh phòng chống tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên. Theo số liệu thống kê trong 5 năm của TAND Tối cao cung cấp cho thấy, tỉ lệ tội phạm từ 14 đến dưới 16 là không đáng kể, chỉ chiếm 0,31 trong tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khoẻ cho người khác. Năm 2016 chỉ có 19 trường hợp vi phạm, chiếm 0,6% tội hiếm dâm, 0,47% tội bắt cóc, chiếm đoạt tài sản.
Video đang HOT
Hơn nữa, điều này phù hợp với điều kiện quản lý giáo dục người chưa thành niên phạm tội tại các địa phương. Các trại giam, nhà tạm giam tại nhiều địa phương đang quá tải, có nơi ko có chỗ giam riêng cho người giam riêng. Trong khi các cơ sở giáo dục bắt buộc của Bộ Công an lại ko có học viên để quản lý giáo dục. Ông Học dẫn chứng số liệu tại 3 cơ sở giáo dục bắt buộc ở 3 miền: Thanh Hà (Phú Thọ) chỉ có 570 học viên trên quy mô 1.700 học viên, A1 (Phú Yên) chỉ có 26/1.300 học viên, Cồn Cát (Sóc Trăng) 64/1.200 học viên.
“Như vậy vấn đề đặt ra, tại các trại giam, tạm giữ số người chưa thành niên vi phạm truy tố đưa vào thì không có chỗ giam giữ trong khi các cơ sở giáo dục bắt buộc có đầy đủ các điều kiện để giáo dục những trẻ thành niên vi phạm thành công dân có ích thì lại đang bỏ trống. Nên phương án 2 rất phù hợp với quản lý giáo dục hiện nay. Tại kỳ họp thứ 2 khi lấy ý kiến đại biểu Quốc hội thì tôi ủng hộ phương án 1, nhưng quá trình tìm hiểu nghiên cứu sâu thì tôi thấy cần thay đổi ý kiến ủng hộ phương án 2″- ông Học nhấn mạnh.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Trong khi đó, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng trẻ em có tầm nhận thức không cao, còn hạn chế, chủ yếu không nhận thức được các tội phạm ở tầng cao như các tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.
“Tại sao chúng ta chỉ xử lý các em đối với tội đó mà không xử lý đối với những tội khác. Thực tiễn, trẻ em thường chỉ phạm các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng như trẻ em đánh nhau, bạo lực học đường… Để răn đe, giáo dục cần xử lý hình sự nhưng để bảo đảm tương lai cho các em và quyền của trẻ em thì chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, các biện pháp hành chính, giáo dục, thậm chí miễn chấp hành hình phạt”- ông Nhưỡng nói.
Theo ông Nhưỡng, 30 năm qua chúng ta đã xử lý vấn đề này, nhưng bây giờ xã hội phát triển, trẻ em đã được chăm sóc tốt hơn trước rất nhiều.
“Khi xem một số clip các em đánh nhau, xé quần áo trẻ em nữ, đón đường đánh nhau,… tôi không thể xem được hết. Nếu các vị đưa ra quốc tế, cho người nước ngoài xem thì liệu họ có đồng tình với các vị là không xử lý các em không? Hình phạt và cách giáo dục thông qua biện pháp hình sự là biện pháp tốt nhất. Nhưng nếu chúng ta chỉ giáo dục đơn thuần thì chúng ta không đủ sức răn đe và phòng chống tội phạm”- ông Nhưỡng phân tích.
Tăng các biện pháp giáo dục và hạn chế tù giam
Tham gia thảo luận, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình cho rằng ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội đều rất xác đáng, nhằm tạo điều kiện cho trẻ em phát triển vì tương lai còn rất dài phía trước.
“Tôi muốn tiếp cận ở góc độ khác, không phải hai phương án sẽ bỏ phiếu. Đối với nhiều nước chỉ loại trừ tội cố ý thôi, còn chính sách của họ nằm ở nguyên tắc xử lý chứ không nằm ở điều này. Chúng ta thì tập trung vào độ tuổi quá nhiều và coi đó là chính sách thì không hợp lý lắm”- ông Bình nói.
Ông Bình nhấn mạnh, biện pháp xử lý với trẻ em phải tăng các biện pháp giáo dục và hạn chế các hình phạt cưỡng chế bằng tù giam. Nhiều nước không quy định độ tuổi, mà dựa trên cơ sở nhận thức của người chưa thành niên về hành vi vi phạm.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình.
“Bởi có những cháu 14-15 tuổi nhận thức già dặn hơn 16-17 tuổi nếu phạm tội có tổ chức, tái phạm nhiều lần, cố tình phạm tội nhiều lần. Thế nên anh 15 tuổi có thể phạm tội nguy hiểm hơn 17 tuổi. 15 tuổi đã tham gia băng đảng có số má, thì việc xác định độ tuổi không nằm trong khung này, mà dựa trên nhận thức chủ quan của cá nhân đó với hành vi phạm tội”- ông Bình ví dụ.
Điều này dẫn tới biện pháp xử lý bằng hình phạt tù thì việc áp dụng chỉ bằng 1/2 so với khung hình phạt tương ứng, ví dụ khung này 10 năm thì với trẻ em là 5 năm, nếu mạnh dạn hơn thì có thể chỉ bằng 1/4 hoặc 1/3.
“Nói như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, đánh nhau không gây tổn thương gì cả, nhưng bị lột quần áo đưa lên mạng có thể khiến các cháu xấu hổ quá tự sát, chính vì thế nên khi xét xử cần xử kín, đưa toà cũng cần thiết để giáo dục chứ không nhất thiết đưa vào tù”- Chánh án Nguyễn Hoà Bình phân tích.
Trước việc còn nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định sẽ gửi phiếu xin ý kiến đại biểu vào 2 phương án để chọn ra 1 phương án phù hợp nhất.
Thế Kha
Theo Dantri
Ra mắt trang tin điện tử về án lệ của TAND tối cao
Ngày 19/10, Tòa án nhân dân (TAND) tối cao chính thức ra mắt trang tin điện tử về án lệ tại địa chỉ http://anle.toaan.gov.vn.
Theo đó, sau một thời gian nghiên cứu, phát triển, án lệ được nhìn nhận là một trong những dấu ấn quan trọng của cải cách tư pháp trong thời gian qua. Xuất phát từ thực tế trên, ngày 18/10/2016, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định thành lập trang tin điện tử về án lệ.
Lãnh đạo TAND tối cao bấm nút ra mắt trang tin điện tử về án lệ.
Trang tin điện tử về án lệ là nơi cung cấp các thông tin chính thức của TAND tối cao về hoạt động của án lệ; đồng thời, tạo ra một kênh thông tin phong phú, có khả năng phổ cập, tương tác rộng rãi với các đối tượng khác nhau như người dân, Thẩm phán... có nhu cầu tìm hiểu về án lệ.
Với việc đưa trang tin điện tử về án lệ vào hoạt động, TAND tối cao mong muốn sẽ cung cấp cho công chúng những thông tin mới nhất về án lệ như: các án lệ có hiệu lực, nguồn án lệ, án lệ đã bị hủy hoặc thay thế... Đặc biệt, người dùng có thể đưa ra các ý kiến bình luận, đóng góp tại chuyên mục "Bình luận" hoặc tại các phần bình luận trong mỗi chuyên mục.
Trên trang tin điện tử về án lệ, ngoài việc tra cứu thông tin điện tử về án lệ, người dân có thể tra cứu thông tin về Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao, Hội đồng soạn thảo án lệ, lý lịch của các thẩm phán... và các tin tức liên quan. Các thẩm phán có thể nhanh chóng tìm kiếm các văn bản quy phạm pháp luật mới về án lệ, án lệ vừa được công bố... để nghiên cứu, tham khảo, phục vụ công tác xét xử.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
'Bản án phải làm tội phạm khuất phục, người dân khâm phục' Chánh án TAND Tối cao cho rằng quy định hạn chế án bị hủy, sửa không phải vì đội ngũ thẩm phán mà là vì người dân. Làm sao mỗi bản án phải trở thành một áng văn giáo dục pháp luật, tội phạm thì khuất phục, nhân dân thì khâm phục. Ngày 24-8, trong chuyến công tác tại các tỉnh miền Tây...