Tranh cãi về nới ‘vòng kim cô’ cho kinh tế Trung Quốc
Các nhà kinh tế Trung Quốc nghi ngờ mức độ cần thiết của loạt lệnh phong tỏa, trong khi giới chức đề nghị không mất cảnh giác với dịch Covid-19.
Giới chức Trung Quốc đang dồn toàn lực chống Covid-19, dịch bệnh khởi phát từ thành phố Vũ Hán hồi tháng 12/2019, khiến 76.202 người nhiễm bệnh và 2.247 ca tử vong trên toàn thế giới. Khoảng 780 triệu người, tương đương hơn một nửa dân số Trung Quốc đang bị hạn chế đi lại dưới nhiều hình thức nhằm ngăn nCoV lây lan. Nhiều địa phương bị phong tỏa, nhiều công ty chưa hoạt động trở lại.
Dường như không ai có thể phản đối rằng dịch Covid-19 vẫn là vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt tại tỉnh Hồ Bắc và thủ phủ Vũ Hán. Ủy ban Y tế Hồ Bắc hôm nay thông báo số ca nhiễm nCoV tại tỉnh là 62.442, cùng 2.144 ca tử vong.
Tuy nhiên, các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà kinh tế học tại Trung Quốc bắt đầu nghi vấn rằng liệu biện pháp cách ly bắt buộc trong 14 ngày, phong tỏa đường phố và lập trạm kiểm soát có thực sự cần thiết hay không, đặc biệt tại những địa phương cách xa Hồ Bắc và có khá ít ca bệnh.
Theo những người này, mặc dù Trung Quốc phải dập tắt dịch bệnh, một số biện pháp đang làm tổn hại cuộc sống và sinh kế của hàng triệu người, trong khi đóng góp rất ít vào việc ngăn chặn virus lây lan.
Chính phủ Trung Quốc cũng thừa nhận những tổn thương đối với nền kinh tế đất nước. “Nếu dịch bệnh tồn tại trong thời gian dài, việc sản xuất nông sản, lương thực, cũng như các ngành có chuỗi công nghiệp dài và cần nhiều lao động có khả năng bị ảnh hưởng rất lớn”, Li Xingqian, quan chức Bộ Thương mại Trung Quốc, phát biểu trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm qua.
Nhiều công ty Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ, dường như đang gặp rắc rối. 1/3 doanh nghiệp nhỏ tại nước này đang đứng bên bờ vực cạn kiệt tiền mặt trong 4 tuần tới, theo khảo sát của Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa đối với 1.000 chủ doanh nghiệp.
Video đang HOT
Nhân viên bảo vệ cùng cư dân đứng gác tại một trạm kiểm soát ở Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 20/2. Ảnh: AFP.
Những biến động thậm chí vượt khỏi lãnh thổ Trung Quốc, ảnh hưởng tới các công ty lớn như Apple, General Motors và Adidas. “Gã khổng lồ” ngành bán lẻ điện tử Amazon cũng đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm nỗ lực lấp đầy các “kệ hàng ảo” của mình.
Một số dấu hiệu khả quan trong công tác chống dịch Covid-19, cùng nỗi lo ngại ngày càng tăng về kinh tế đã thúc đẩy nhiều người kêu gọi Bắc Kinh nới lỏng “vòng kim cô”. Một nhóm nhà kinh tế học Trung Quốc, chủ yếu từ Đại học Bắc Kinh và công ty tài chính Huachuang Securities, đã viết một bài phân tích về ảnh hưởng của lệnh phong tỏa với kinh tế và được lan truyền rộng rãi.
“Nếu mọi khu vực đều bị phong tỏa, virus có thể được ngăn chặn, nhưng đồng thời kinh tế cũng có nguy cơ bị chặn đứng. Tới lúc đó, làn sóng đóng cửa các công ty cùng nạn thất nghiệp có thể sẽ xảy ra và tồi tệ hơn dịch bệnh hiện nay”, bài viết có đoạn.
Trong một bài viết khác trên mạng, Lu Zhengwei, nhà kinh tế học tại tỉnh Phúc Kiến, cho biết không một doanh nghiệp hoặc thành phố nào có thể tự mình nối lại hoạt động bình thường, bởi mọi công ty và cộng đồng đều cần nguồn lực từ những nơi khác. “Do đó, cần khôi phục cuộc sống bình thường tại các đô thị để nền kinh tế phục hồi”, Lu viết thêm.
Tuy nhiên, bất chấp tình hình kinh tế, các quan chức y tế Trung Quốc nhấn mạnh vẫn còn quá sớm để gỡ bỏ loạt biện pháp mà họ đang áp dụng. “Chúng tôi tích cực ủng hộ việc nối lại công việc và sản xuất theo trật tự, nhưng không thể lơ là cảnh giác dù chỉ một chút”, phát ngôn viên Ủy ban Y tế Thượng Hải Zheng Jin cho biết.
Tình huống này khiến Bắc Kinh bị đặt vào thế khó trong nỗ lực cân bằng giữa chống dịch và ổn định kinh tế. Một mặt, chính phủ thúc giục giới chức cả nước tiếp tục chống nCoV, việc mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “cuộc chiến của nhân dân”. Mặt khác, Bắc Kinh vẫn kêu gọi công nhân và nông dân trở lại làm việc, đồng thời tiến hành các bước hỗ trợ doanh nghiệp, như giảm lãi suất cho vay.
“Cần đạt được sự cân bằng để bảo vệ cuộc sống của người dân”, James Liang, chủ tịch công ty du lịch Trip.com của Trung Quốc, nêu ý kiến, đồng thời cảnh báo nếu kinh tế đất nước tụt dốc vì các biện pháp y tế khẩn cấp, điều đó có thể khiến sức khỏe cộng đồng bị tổn hại còn nhiều hơn nCoV.
Một ga đường sắt vắng vẻ tại Bắc Kinh, Trung Quốc tuần trước. Ảnh: NY Times.
Theo bình luận viên Keith Bradsher của NY Times, Bắc Kinh không thể nới lỏng quá nhanh các biện pháp hạn chế. Việc đông đảo người dân tập trung trong nhà máy hoặc văn phòng có thể “thổi bùng” sự lây lan của nCoV, điều mà cả lãnh đạo doanh nghiệp lẫn chính quyền đều không hề mong muốn.
Công ty thương mại điện tử Dangdang ở Bắc Kinh là minh chứng, sau khi một nhân viên của công ty bị sốt hôm 18/2. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc tối 19/2 chẩn đoán người này nhiễm nCoV, khiến công ty phải yêu cầu tất cả nhân viên làm việc tại nhà. Những người ngồi gần nhân viên mắc bệnh cũng được cách ly tại nhà.
Làm việc từ xa là một lựa chọn cho những công ty như Dangdang, nhưng các cơ sở sản xuất không thể hoạt động theo cách này. Nhiều nhà máy đang vận hành với công suất nhỏ, trong bối cảnh số lượng sản phẩm và linh kiện từ Trung Quốc trong kho của các doanh nghiệp khắp thế giới đang giảm dần.
Một số thành phố bắt đầu sắp xếp những chuyến tàu đặc biệt để đưa người lao động nhập cư trở lại làm việc. Thành phố Hàng Châu cho biết họ đã bố trí một chuyến tàu cao tốc nối với tỉnh Hà Nam để hỗ trợ hơn 600 người lao động, cùng một chuyến tàu khác đưa 750 công nhân từ tỉnh Tứ Xuyên trở lại.
Chính quyền cũng cấp ngân sách cho các công ty đề phòng trường hợp thiếu nhân lực. Thành phố Tây An tuyên bố trợ cấp 285 USD cho mỗi công nhân được tuyển vào những doanh nghiệp sản xuất đồ bảo hộ y tế, và 430 USD cho mỗi công nhân trong những công ty thuộc bất kỳ lĩnh vực công nghiệp nào cần lực lượng lao động lớn.
Trước tình trạng giá thực phẩm tăng mạnh, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cũng yêu cầu các ngôi làng trên cả nước gỡ phong tỏa và trạm kiểm soát, tạo điều kiện vận chuyển nguồn thức ăn chăn nuôi. “Tác động của tình trạng sản xuất đình trệ với ngành nông nghiệp trên cả nước không thể coi thường”, nhà kinh tế học Lu cảnh báo.
Ánh Ngọc (Theo NY Times)
Theo vnexpress.net
Bệnh nhân Trung Quốc tái nhiễm nCoV
Một bệnh nhân Trung Quốc được chữa khỏi nCoV tiếp tục nhập viện sau khi có kết quả dương tính với virus trong thời gian cách ly ở nhà.
Theo thông báo của Trung tâm Y tế Cộng đồng thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, ngoài trường hợp trên, một số trường hợp tương tự cũng xảy ra ở các tỉnh khác của Trung Quốc.
Một bệnh nhân Covid-19 tại khu chăm sóc đặc biệt ở bệnh viện đại học y Vũ Hán hôm 24/1. Ảnh: AP.
Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc khuyến cáo các bệnh nhân đã khỏi bệnh tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày, đeo khẩu trang và hạn chế các hoạt động ngoài trời sau khi được xuất viện, nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc các mầm bệnh khác.
Dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán từ tháng 12/2019, đã xuất hiện tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, khiến 76.202 người nhiễm bệnh, 2.247 người chết. 11 người đã tử vong vì dịch bên ngoài Trung Quốc đại lục gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Philippines, Đài Loan, Hong Kong và Iran.
Quốc Hưng (Theo Reuters)
Theo vnexpress.net
Ba quân nhân Hàn Quốc nhiễm virus corona Một sĩ quan lục quân, một thủy thủ hải quân và một sĩ quan không quân Hàn Quốc dương tính với virus corona và đều có liên hệ với Daegu. Thông báo của chính phủ Hàn Quốc hôm nay xác nhận một thủy thủ hải quân 22 tuổi trên đảo Jeju nhiễm nCoV. Anh này về thăm nhà tại thành phố Daegu từ...