Trang web giúp bạn xem những mẫu NFT trị giá hàng tỷ USD
Website NFT Bay cung cấp cho người dùng tệp JPEG của toàn bộ NFT được chạy trên blockchain Ethereum và Solana.
Ngày 19/11, một lập trình viên người Australia thông báo trên Twitter rằng ông đang cung cấp miễn phí số lượng lớn tệp hình ảnh NFT trị giá hàng tỷ USD. Đây là một phần của chiến dịch lên án sự vô lý trong khái niệm về quyền sở hữu tài sản số và NFT.
Cụ thể, Geoff Huntley, người tạo ra dự án cho biết đã thu thập tất cả hình ảnh của các NFT chạy trên blockchain Ethereum và Solana. Sau đó, ông Huntley cung cấp quyền truy cập các tệp này thông qua trang web NFT Bay. Tên và giao diện của website này được lấy cảm hứng từ trang torrent vi phạm bản quyền nổi tiếng Pirate Bay. Tổng lượng hình ảnh được cung cấp trên NFT Bay nặng khoảng 17,9 TB.
Giao diện của trang web NFT Bay.
Ông Geoff Huntley lên án việc nhiều người sẵn sàng bỏ ra hàng tỷ USD để sở hữu những bức ảnh mà bất kỳ ai cũng có thể tải về từ Internet. Lập trình viên này chỉ ra thực tế rằng hình ảnh gắn với NFT thường không được lưu trữ trên blockchain. Đồng thời, tài sản NFT chỉ là một hướng dẫn để tải ảnh về máy.
Trao đổi với Cointelegraph, ông Geoff Huntley cho rằng nhiều người đang hiểu nhầm thuật ngữ NFT. Theo đó, ông tin rằng phần lớn nhà đầu tư đang nghĩ mình mua tệp hình ảnh JPEG chứ không phải token được bảo mật bằng blockchain liên kết với nó. “Có những người đang lợi dụng sự thiếu hiểu biết về kỹ thuật này. Đây là một điều rất sai lầm”, ông Huntley nói thêm.
Mặt khác, các nhà đầu tư NFT lập luận rằng mỗi hình ảnh được gắn với mã định danh riêng. Chính điều đó khiến chúng trở nên quý hiếm và có giá trị sưu tầm. Trong khi đó, những chuyên gia đối lập cho rằng loại tài sản kỹ thuật số này dễ dàng bị làm giả hay đánh cắp, giống như cách Huntley đăng tải lên NFT Bay.
Video đang HOT
Trang web của lập trình viên người Australia làm dấy lên cuộc tranh cãi mới về ứng dụng thật sự của NFT. Huntley cho rằng giá trị của loại tài sản này đến từ việc được xác thực, giống như dấu tick xanh của Twitter. Tuy nhiên, ông cho rằng blockchain không cần thiết ở lĩnh vực này.
“Hình ảnh không được lưu trữ trên blockchain và phần lớn tệp tôi thấy nằm trên bộ nhớ Web 2.0. Điều này có nghĩa NFT còn có ít giá trị hơn mọi người nghĩ”, Huntley nói.
Trong khi đó, Steve Mitobe, CEO kiêm người sáng lập West Coast NFT phản đối ý kiến của Huntley. Ông cho rằng trên nền tảng Web 3.0, các giải pháp lưu trữ phi tập trung cùng mạng ngang hàng sẽ giúp lưu trữ vĩnh viễn hình ảnh.
Theo Cointelegraph, Huntley thuê một máy chủ vật lý với dung lượng lưu trữ 40 TB để vận hành NFT Bay. Sau khi công bố, website của người này đã nhận được hơn 1,2 triệu lượt truy cập. The Verge cho biết tính năng tìm kiếm của NFT Bay không hoạt động. Người dùng chỉ có duy nhất tùy chọn tải tệp nặng 17,9 TB về máy.
NFT (Non Fungible Token) là một loại vật phẩm ảo. Thay vì mua một tác phẩm nghệ thuật vật lý, người dùng có thể sở hữu chúng trên Internet. Nhờ công nghệ blockchain, mỗi vật phẩm NFT được xác thực là duy nhất. Giá trị của NFT dựa vào sự hiếm có và độc đáo. Nhưng, không giống như hệ thống tiền số, người dùng không thể đổi một NFT này lấy một NFT khác. Không chỉ hình ảnh, NFT có thể đại diện cho âm thanh, GIF hay video…
Tranh cãi NFT là nghệ thuật hay mánh khóe đầu cơ
Các tác phẩm NFT có thể xoá nhòa ranh giới giữa nghệ thuật với tài sản nhưng cũng khiến nhiều người lo ngại đây là mánh kinh doanh kiếm lời.
Các tác phẩm nghệ thuật dưới dạng NFT đang là cơn sốt mới sau Bitcoin với lợi nhuận hàng tỷ USD. Ai cũng có thể tham gia vào lĩnh vực này, từ họa sĩ người Anh Damien Hirst đến người mẫu Paris Hilton.
Theo Guardian, trước đây không ai nghĩ Paris Hilton có thể trở thành một "nghệ thuật gia". Tuy nhiên trong năm qua, cô đã trở thành cái tên nổi tiếng trong cộng đồng NFT. Cô tham gia đầu tư tiền điện tử từ năm 2016 và bắt đầu thu thập, sáng tạo các tác phẩm NFT kể từ đó. Hilton trưng bày những tác phẩm của mình qua những màn hình treo tại biệt thự ở Beverly Hills. Hồi tháng 4, chân dung hoạt hình của cô dưới dạng NFT được bán với giá hơn 1 triệu USD.
Với người ủng hộ NFT, đây là công nghệ mang tính "cách mạng hóa" việc mua bán các tác phẩm nghệ thuật, đem đến nhiều cơ hội cho nghệ sĩ. Do đó, Hilton với lối sống xa xỉ vốn khác xa với kiểu nghệ sĩ truyền thống lại là hình mẫu phù hợp với phong trào NFT.
Không chỉ mình Paris Hilton, nhiều người nổi tiếng khác cũng tham gia đầu tư vào NFT như Snoop Dogg, Lindsay Lohan hay John Cleese. Trong nửa đầu năm, doanh số bán tài sản NFT tăng hơn 2 tỷ USD. Cơn sốt khiến hai nhà đấu giá nổi tiếng là Christie's và Sotheby's phải tổ chức các buổi đấu giá dành riêng cho NFT và thúc đẩy doanh số của các tác phẩm nghệ thuật đương đại lên mức cao nhất mọi thời đại.
Tác phẩm NFT tên Jones's Bitcoin Angel được bán với giá tương đương hơn 3 triệu USD vào năm 2020.
Tuy nhiên, với phe phản đối, sự góp mặt của những người như Hilton lại chứng minh NFT là một mánh khóe đầu cơ. Nhà phê bình Waldemar Januszczak và nghệ sĩ David Hockney nhận định, thị trường NFT là nơi béo bở cho những kẻ hám tiền, có những tác phẩm không xứng được xem là nghệ thuật. Nhiều người đặt ra nghi vấn, NFT là đại diện cho những sản phẩm văn hóa trong thời đại tiêu dùng kỹ thuật số, hay đây chỉ là chiêu trò để kiếm tiền một cách phi lý.
Về bản chất, NFT là một đoạn mã thể hiện cho chứng chỉ quyền sở hữu kỹ thuật số và được mua bán bằng tiền điện tử. Bất kỳ ai cũng có thể tìm và tải xuống những hình ảnh, video được liên kết với NFT mà không mất phí, nhưng chỉ chủ sở hữu mới có quyền bán tệp đó.
Không giống mô hình kinh doanh truyền thống, nơi tác phẩm nghệ thuật được bày bán thông qua các phòng trưng bày thương mại, NFT có thể mua bán không qua trung gian. Nghệ sĩ có thể trực tiếp bán tác phẩm, thường là qua trang đấu giá chuyên nghiệp. Bất kỳ ai cũng có thể mua NFT và giá cả của tác phẩm được công khai, khác với những phòng trưng bày truyền thống vốn giữ kín giá.
Ngoài ra, ở thị trường truyền thống, khi tác phẩm được nhà sưu tập bán lại với giá cao hơn, tác giả gốc gần như không thu được đồng nào. Còn NFT vẫn đem lại lợi nhuận cho tác giả sau mỗi lần được bán lại.
Một mô hình giao dịch và chia sẻ tác phẩm nghệ thuật được xây dựng dựa trên nguyên tắc minh bạch tài chính, hỗ trợ tiền bản quyền và dễ dàng tiếp cận như thị trường NFT nghe có vẻ bình đẳng. Tuy nhiên, thực tế ngược lại hoàn toàn. Ngay khi mọi người nhận ra bất cứ thứ gì nằm dưới dạng kỹ thuật số đều có thể xem như một "tác phẩm nghệ thuật", thị trường NFT bắt đầu trở nên hỗn loạn.
Vào tháng 3, tác phẩm ghép từ nhiều tranh vẽ của Beeple mang tên Everydays: The First 5000 Days được bán với giá 69,3 triệu USD. Sau đó, Kate Moss bán NFT hình GIF của mình với giá hơn 17.000 USD. Jack Dorsey, CEO Twitter, đã bán hình ảnh dòng tweet đầu tiên trên nền tảng này với giá 2,9 triệu USD. Theo thời gian, thị trường bị thổi phồng một cách vô lý. Cơn sốt nhanh chóng đi xuống chỉ một khoảng thời gian sau đó. Đến tháng 5, doanh thu hàng ngày của NFT đã giảm 60%.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin NFT có thể thay đổi sự độc quyền trong kinh doanh nghệ thuật, vốn do các phòng trưng bày thương mại nắm giữ. Thậm chí, họ tin trong tương lai, các tác phẩm nghệ thuật vật lý sẽ được thay thế bằng phiên bản kỹ thuật số. "Có nhiều bức vẽ trị giá khoảng 100 triệu USD hoặc hơn, nhưng nếu nghĩ kỹ, nó cũng chỉ là vải canvas với sơn mà thôi", Paris Hilton nói.
Trong cơn sốt NFT, nhiều nghệ sĩ ít tên tuổi đã thành công khi tham gia. Trevor Jones, 51 tuổi ở Anh, là một trong số đó. 5 năm trước, Jones vẫn là một nghệ sĩ nhỏ với thu nhập không đáng kể. Nhưng sau khi bắt đầu sáng tác NFT vào năm 2019, tài sản của anh tăng lên không ngừng. "Từ một người phải vay tiền bạn bè để chi tiêu, tôi đã có thể kiếm 4 triệu USD trong một ngày", Jones chia sẻ.
Trong khi nhiều họa sĩ NFT như Jones lên đời, giới nghệ thuật truyền thống dần trở nên ảm đạm. Do Covid-19, mọi người không thể tham dự các cuộc triển lãm và hội chợ, các nhà kinh doanh nghệ thuật phải tìm cách kiếm lời từ những gian trưng bày trực tuyến. Doanh thu toàn cầu của tác phẩm nghệ thuật đã giảm 22%. Cùng lúc đó, hàng triệu USD tiền điện tử đã được giao dịch trên thị trường NFT.
"Công nghệ NFT trái ngược với nghệ thuật truyền thống. Đó là một loại hình không cần phòng trưng bày", Noah Davis, chuyên gia phòng đấu giá Christies New York, cho biết.
Tuy nhiên, sự cách biệt giữa NFT và nghệ thuật truyền thống không chỉ nằm ở mô hình kinh doanh. Nhiều người trong giới nghệ thuật nói NFT không xứng đáng được xem là tác phẩm nghệ thuật, và tác giả cũng như những ai mua bán khó có thể được xem là người yêu nghệ thuật chân chính. "Rất ít trong số những triệu phú tiền ảo này có thể nhận ra một tác phẩm của họa sĩ Rembrandt", nhà phê bình nghệ thuật Waldemar Januszczak đánh giá.
Hơn nữa, mua bán tác phẩm nghệ thuật luôn là thú tiêu khiển của những người giàu có. Nhưng với NFT, ranh giới giữa tác phẩm nghệ thuật và tài sản dường như đã biến mất. Thay cho buổi triển lãm được giám sát cẩn trọng là trang web đấu giá. Ý nghĩa đằng sau không phải thứ chi phối tác phẩm, mà là giá cuộc mua bán.
Bất chấp ý tưởng "nghệ thuật cho mọi người" của những người sáng lập, đích đến của NFT có thể không phải là nghệ thuật. Theo Guardian, trong trường hợp này, nghệ thuật là công cụ hữu ích để mọi người thấy khả năng của công nghệ tiền điện tử. Hilton cho biết cô dùng NFT để duy trì độ nổi tiếng với người hâm mộ, cũng như các nghệ sĩ khác dùng nhãn hiệu nước hoa hay thời trang quảng bá hình ảnh. Có vẻ như đây mới là hướng đi của NFT - một phương thức quảng bá kỹ thuật số, thay vì mô hình kinh doanh nghệ thuật.
Nhà phát triển game NFT ôm tiền bỏ trốn, hàng nghìn nhà đầu tư mất trắng gần 3 triệu USD Mặc dù vậy, cộng đồng game này đang nỗ lực phát triển một dự án game mới từ các vật phẩm NFT mà nhà phát triển bỏ lại. Việc tăng giá điên cuồng của tiền số cũng kích thích các hoạt động lừa đảo khi những nhà phát triển ôm tiền bỏ trốn. Và các vật phẩm NFT cũng không phải ngoại lệ....