Trắng đêm nướng cá lóc vía Thần Tài trên vỉa hè Sài Gòn
Ngày vía Thần Tài, nhiều hộ dân ở đường Tân Kỳ Tân Quý phải thức trắng đêm nướng hàng nghìn con cá lóc để kịp bán hàng.
Rạng sáng ngày vía Thần Tài ( mùng 10 tháng Giêng), nhiều hộ dân trên đường Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Phú, TP.HCM) lại nhộn nhịp nướng cá lóc. Từ lâu, con đường này được gọi là chợ cá lóc nướng của Sài Gòn. Ở miền Nam, khi cúng Thần Tài, ngoài vàng, hoa quả, thịt heo quay… thì không thể thiếu con cá lóc nướng.
Hàng chục tiệm bán cá lóc nướng ở đây đều phải huy động thêm người làm. Mỗi người được phân công một nhiệm vụ như nhóm than, nướng cá, làm rau…
“Con đường này bán cá lóc nướng từ hơn chục năm nay, ngày nào cũng bán nhưng nhộn nhịp nhất là ngày vía Thần Tài. Từ 1h, nhân viên quán đã tất bật nhóm lửa, làm cá, nướng chín… để sáng kịp có hàng phục vụ bà con”, anh Thi (chủ tiệm) cho biết.
Cá lóc để nướng được lấy từ chợ đầu mối Bình Điền. Một ngày trước vía Thần Tài, hàng chục thùng cá được nhập về từ buổi chiều, nhân viên phân loại theo kích cỡ lớn nhỏ.
Những bó mía được nhập từ Tây Ninh, người bán cạo vỏ và vót nhọn để xiên nướng.
Video đang HOT
Cá lóc được nướng nguyên con, không đánh vảy, moi ruột, cắt vây… “Đặc biệt, ngày thường khi nướng sẽ moi mật cá lóc cho khỏi đắng. Riêng ngày vía Thần Tài, mật cá phải được để lại nhằm cho cá được nguyên vẹn khi cúng”, anh Trung chia sẻ.
Không chỉ làm ngoài vỉa hè đường Tân Kỳ Tân Quý, nhiều tiệm còn nướng cá ngay trước hiên nhà. “Bình thường tôi bán ngày chưa đến 100 con cá nhưng nay phải nhập về 800 con cá lóc mới đủ bán. Cả năm chỉ có ngày này là đắt khách nên cả gia đình từ bé đến lớn đều thức trắng đêm làm”, chị Tuyết Phượng cho hay.
“Năm nay tiệm tôi dự tính bán 4.000 con cá lóc nướng. Bình thường chỉ có 5 người làm nhưng nay phải huy động hơn 20 người mới kịp làm. Hàng chục lò nướng đều đỏ than từ giữa đêm đến tối hôm sau”, anh Quang Dũng (chủ tiệm) cho biết.
Trung bình, một con cá lóc mất khoảng 30 phút để nướng chín. Theo người bán, điều quan trọng khi nướng cá là lò than lúc nào cũng nóng đều. Nếu không đủ nóng thịt cá bị sượng, nếu quá nóng lại gây cháy. “Ngoài ra, người nướng cá phải chú ý không được để cá cháy quá rụng mất vây. Ngày thường không sao chứ trong vía Thần Tài, con cá lóc phải còn nguyên vẹn vây mới có người mua”, anh Dũng chia sẻ.
Song song với việc nướng cá, rau sống ăn kèm cũng được chuẩn bị trước và đặt sẵn vào hàng trăm chiếc túi.
Ngay trong đêm, đã có nhiều khách ghé mua cá nướng. Một con cá lóc nướng ăn kèm với rau, mỡ hành có giá từ 130.000 đồng đến 170.000 đồng tùy loại.
Theo Quỳnh Trần (VNE)
Chợ cá lóc đồng lớn nhất Sài Gòn tấp nập ngày vía Thần Tài
Rạng sáng 25.2 (mùng 10 tháng Giêng), chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM) nhộn nhịp tiểu thương mua bán cá lóc ngày vía Thần Tài.
0h sáng 25.2 (mùng 10 tháng Giêng), hàng trăm xe tải chở cá lóc từ các tỉnh miền Tây nườm nượp đổ về chợ đầu mối Bình Điền (quận 8, TP.HCM) khiến một góc chợ ùn tắc, xe cộ lần lượt vào chợ để xuất và nhập hàng. Theo quan niệm dân gian, cá lóc là vật phẩm không thể thiếu trong mâm lễ cúng ngày vía Thần Tài. "Cả năm chỉ có ngày này chợ ùn tắc, đông vui nên bà con ở đây rất phấn khởi buôn bán", ông Hùng Lan, chủ vựa cá lóc, cho biết.
Theo Ban quản lý chợ Bình Điền, lượng cá lóc trong ngày Thần Tài năm nay khoảng 300 tấn, gần gấp ba ngày thường. "Cá lóc ở đây chủ yếu từ các tỉnh Trà Vinh, Đồng Tháp và An Giang với giá bán bán như ngày thường, từ 40.000 đồng đến 52.000 đồng một kg", ông Nguyễn Hoàng Tuấn, Trưởng ban điều hành khu nhà lồng D chuyên kinh doanh cá đồng, nói.
Cá lóc đổ về nhiều, đội quân bốc vác tại chợ cũng bận rộn hơn. "Ngày thường tiền công cho chúng tôi vào khoảng 400.000-500.000 đồng, còn bữa nay cao hơn chút đỉnh vì phải làm quần quật cả ngày", anh Hận, người chuyên bốc vác cá tại chợ, chia sẻ.
"Năm nay cá lóc đổ về nhiều hơn năm ngoái, nhưng loại cá lớn thường được khách chọn mua để cúng Thần Tài thì rất khan hiếm", anh Bình An, tiểu thương bán cá 3 năm tại chợ, nhận định.
Để giữ cá luôn tươi sống, các tiểu thương liên tục thay nước sạch và bơm oxy vào các thùng đựng cá.
Ba người thợ bốc vác cùng hợp sức khiêng thùng cá lóc nặng trên 50kg để bày bán tại sạp hàng.
Những thùng cá lóc được khiêng lên xe tải để đem đi tiêu thụ tại các chợ sỉ, lẻ trong TPHCM và các tỉnh lân cận. "Đợt này, tôi mua khoảng 100 kg cá lóc để bán lẻ tại các chợ Thị Nghè, Tân Định và Hòa Bình (TP HCM). Ngày vía Thần Tài nên bán lẻ có lãi hơn ngày thường", ông Lê Quý Thành, tiểu thương mang cả xe tải để thu mua cá lóc, phấn khởi nói.
Các tiểu thương chăm chú lựa cá lóc tại các sạp hàng lúc 1h15 sáng. "Kinh nghiệm là càng về rạng sáng, ít người mua sỉ nên giá bán sẽ giảm từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng, vì thế tôi tranh thủ đi chợ muộn chút", chị Sinh (huyện Củ Chi) nói.
"Tôi thấy mua bán cá lóc tại chợ Bình Điền rất nhanh gọn, giá cả phải chăng nên năm nào cũng lặn lội tới đây mua rồi về bán lẻ", bà Sinh, tiểu thương ở huyện Củ Chi cho biết thêm.
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những người bốc vác cá tại chợ. "Cả năm chỉ có ngày này làm ăn nên anh em ở đây đều tranh thủ nghỉ ngơi, lấy sức để làm việc thâu đêm suốt sáng", anh Tân, bốc vác tại chợ, chia sẻ.
Theo Thành Nguyễn - Trường Nguyễn (VNE)
Phố cá lóc nướng hoạt động thâu đêm ngày vía Thần Tài Rạng sáng 25/2, dọc đường Tân Kỳ - Tân Quý (quận Tân Phú, TPHCM) hàng chục gian hàng bán cá lóc nướng đã "thi nhau" hoạt động hết công suất, xuyên đêm... để kịp ra hàng trong ngày vía Thần Tài. Từ lâu, đường Tân Kỳ Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM được xem là "thủ phủ" của món "cá lóc nướng" tại...