Trận tử thủ của 39 lính dù Liên Xô trước 250 phiến quân Afghanistan
Một đại đội lính dù Liên Xô đã giữ chặt điểm chốt, tiêu diệt hơn 200 phiến quân trong cuộc chiến khốc liệt trên chiến trường Afghanistan.
Điểm cao 3234 (khoanh tròn) và tuyến đường Gardez-Khost. Ảnh: Google Maps.
Trận đánh tại điểm cao 3234 được coi là một trong những biểu tượng vinh quang nhất của Hồng quân Liên Xô tại Afghanistan. Trên điểm cao này, một đại đội lính dù Liên Xô đã kiên cường chống cự, đẩy lùi lực lượng được huấn luyện chuyên nghiệp có quân số đông hơn gấp nhiều lần của đối phương, theo War History Online.
Tháng 11/1987, Tập đoàn quân số 40 Liên Xô dưới quyền tướng Boris Gromov bắt đầu chiến dịch Magistral để mở con đường tới thành phố Khost, gần biên giới Pakistan-Afghanistan. Khost đã bị cô lập trong nhiều tháng bởi nhóm phiến quân Hồi giáo cực đoan do Jalaluddin Haqqani cầm đầu. Lực lượng Hồng quân đồn trú tại đây chỉ có thể nhận tiếp tế qua đường hàng không.
Các cuộc đàm phán với thủ lĩnh Haqqani không đem lại kết quả. Haqqani muốn kiểm soát thành phố Khost để làm thủ phủ cho quốc gia riêng của hắn, cũng như là căn cứ cho các trận đánh vào sâu trong lãnh thổ Afghanistan.
Chiến dịch Magistral được đề ra nhằm phá vỡ vòng vây quanh Khost, thông tuyến đường tiếp viện cho thành phố này. Lực lượng tham gia gồm Sư đoàn Bộ binh cơ giới số 108 và 201, Sư đoàn Đổ bộ đường không (ĐBĐK) Cận vệ số 103 và Lữ đoàn số 56. Họ được yểm trợ bởi 5 sư đoàn bộ binh và một sư đoàn tăng thiết giáp của chính phủ Afghanistan.
Thông tin tình báo cho biết phiến quân đóng giữ nhiều khu vực kiên cố trên tuyến đường Kabul – Khost, trong đó có các bãi mìn dài 3 km, 10 bệ pháo phản lực phóng loạt BM-21, nhiều loại pháo cao xạ, súng chống tăng, pháo cối, khiến khu vực quanh Khost gần như bất khả xâm phạm.
Hồng quân hiểu rằng một cuộc tấn công trực diện sẽ là tự sát. Họ quyết định đánh lừa phiến quân để chúng lộ vị trí. Ngày 28/10/1987, một cuộc đổ bộ giả được triển khai ở khu vực do phiến quân kiểm soát. Chiếc Il-76 thả dù các hình nộm, khiến nhiều ổ hỏa lực của phiến quân khai hỏa tiêu diệt “lính dù Liên Xô”.
Một máy bay trinh sát tầm cao đã chuyển tọa độ mục tiêu cả ổ hỏa lực địch về bộ chỉ huy. Tất cả đều trở thành mục tiêu của máy bay cường kích và một trận pháo kích kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ. Đó cũng là điểm khởi đầu của chiến dịch Magistral.
Trong chiến dịch này, các chỉ huy Liên Xô muốn bảo vệ đoạn đường dài 100 km từ Gardez tới Khost. Một trong những vị trí quan trọng nhất là ngọn đồi không tên có độ cao 3.234 m, được gọi là “Điểm cao 3234″. Đại đội 9, Trung đoàn ĐBĐK Cận vệ Độc lập số 345 được giao trọng trách trấn giữ điểm cao này.
Video đang HOT
Đơn vị với quân số 39 người, gồm những lính dù kỳ cựu của Liên Xô hiểu rõ chiến thuật của đối phương, do đại tá Valery Vostrotin chỉ huy đổ bộ xuống đỉnh đồi ngày 7/1/1988. Nhiệm vụ của họ là xây dựng cứ điểm kiên cố để theo dõi và kiểm soát tuyến đường dài bên dưới, bảo đảm an toàn cho các đoàn xe hướng tới Khost. Khu vực này nằm giữa lãnh thổ do Jalaluddin Haqqani kiểm soát với sự trợ giúp của tình báo quân sự Pakistan.
Khi vành đai phòng thủ vừa được thiết lập, phiến quân Afghanistan phát động cuộc tấn công đầu tiên lên điểm cao. Đại đội 9 không được trang bị vũ khí hạng nặng, phải dựa vào yểm trợ pháo binh để đối mặt với nhiều loại hỏa lực mạnh của quân địch.
Một đơn vị lính dù Nga ở Afghanistan chuẩn bị triển khai. Ảnh: Wikipedia.
Phiến quân mở đầu bằng một đợt pháo kích dữ dội vào điểm cao 3234 lúc 15h30. Trên chiến hào, trung úy Viktor Gagarin, chỉ huy Trung đội 1, quan sát và thông báo qua bộ đàm tọa độ mục tiêu các ổ hỏa lực của phiến quân cho pháo binh phía sau khai hỏa tiêu diệt.
Sau đó, phiến quân phát động tấn công bằng bộ binh từ hai hướng, lợi dụng quân số áp đảo để đè bẹp lực lượng phòng ngự của Liên Xô. Một số tài liệu ước tính phiến quân có 200-250 tay súng, trong khi nguồn tin khác cho rằng có tới 400 phiến quân tham gia cuộc tấn công.
Phiến quân tấn công điểm cao 3234 bằng chiến thuật rất bài bản, chứng tỏ chúng là đơn vị lính có tổ chức, được huấn luyện kỹ càng. Rõ ràng Đại đội 9 của Liên Xô đang phải đối mặt với quân của Haqqani và cố vấn tình báo của Pakistan. Phiến quân tổ chức tấn công theo từng lượt, mỗi khi bị đánh bật xuống, chúng lại tổ chức lại đội hình, phát động cuộc xung phong tiếp theo.
Trong suốt trận đánh, những người lính Liên Xô liên tục giữ liên lạc với bộ chỉ huy của Tập đoàn quân số 40. Họ nhận được mọi sự hỗ trợ cần thiết như pháo kích, tiếp tế đạn dược và sơ tán người bị thương bằng trực thăng.
Đại đội 9 đã đánh bật tổng cộng 12 đợt tấn công của đối phương. Trận đánh kết thúc vào sáng sớm ngày 8/1, khi phiến quân quyết định rút lui vì hứng chịu thương vong nặng nề.
Phía Liên Xô ước tính có khoảng 200 phiến quân bị tiêu diệt, trong đó có nhiều xác phiến quân mặc trang phục rằn ri đen – đỏ – vàng, màu đặc trưng của lính đặc nhiệm Pakistan. Liên Xô đưa các bằng chứng này ra trước Liên Hiệp Quốc để phản đối sự can thiệp của Pakistan, nhưng lời cáo buộc bị làm ngơ.
Phía Liên Xô có 6 binh sĩ hy sinh, 28 người bị thương trên tổng số 39 thành viên của đại đội. Tất cả binh sĩ của Đại đội 9 đều được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ và Huân chương Sao đỏ, trong đó có hai người được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô vì sự dũng cảm và hy sinh trong khi chiến đấu.
Tử Quỳnh
Theo VNE
Chó chống tăng - vũ khí đáng sợ trong Thế chiến II
Những con chó mang theo khối bộc phá nặng 9 kg là vũ khí gây kinh hoàng với cả xe tăng Đức lẫn các huấn luyện viên Liên Xô.
Con chó gắn thuốc nổ được huấn luyện với xe tăng T-34. Ảnh: History.
Trong Thế chiến II, những chú chó gắn thuốc nổ là thứ vũ khí đáng sợ được Hồng Quân Liên Xô sử dụng phổ biến để chống lại những chiếc xe tăng của phát xít Đức, theo War History Online.
Trong Thế chiến I, chó có nhiệm vụ chủ yếu là tìm kiếm, cứu nạn và cảnh báo binh sĩ về các cuộc tấn công bằng khí độc hoặc pháo binh sắp diễn ra. Đến thập niên 1920, Liên Xô ngày càng coi trọng việc sử dụng chó trong công tác liên lạc, tìm kiếm cứu hộ. Vì thế nước này đã tuyển mộ nhiều huấn luyện viên và xây dựng các trại huấn luyện quân khuyển đặc biệt.
Ý tưởng ban đầu là dùng một quả bom buộc vào thân chó, sau đó để chúng chạy thẳng về phía xe tăng địch. "Quả bom sống" này sẽ được kích hoạt bằng thiết bị hẹn giờ hoặc kích nổ từ xa khi con chó tiếp cận mục tiêu. Tuy nhiên trong thực tế, quá trình này rất phức tạp và bị coi là một nỗ lực không thành công.
Liên Xô đã thử nghiệm phương thức này trong vòng 6 tháng mà không thu được kết quả như mong muốn bởi chiến binh chó chỉ có thể tấn công được một xe tăng. Nếu trên chiến trường xuất hiện cùng lúc nhiều xe tăng, lũ chó sẽ trở nên bối rối, không biết tấn công chiếc nào, cuối cùng chạy trở về chỗ huấn luyện viên cùng quả bom chưa phát nổ. Điều này có thể khiến cả chó lẫn huấn luyện viên thiệt mạng.
Quân đội Liên Xô tiếp tục thúc đẩy ý tưởng này bằng cách biến chó thành chiến binh tự sát. Những con chó được gắn một quả bom gắn ngòi nổ ở bên trên. Khi chú chó chui vào gầm xe tăng, ngòi nổ sẽ quệt vào thân xe và kích hoạt khối thuốc nổ nặng 9 kg, đủ sức phá hủy xe tăng cũng như tiêu diệt tổ lái bên trong.
Để làm điều này, huấn luyện viên Liên Xô sử dụng thức ăn để dụ chó. Chúng bị bỏ đói, rồi huấn luyện viên đặt thức ăn dưới gầm xe tăng để chúng tìm đến. Các chiến binh chó còn được huấn luyện để làm quen với tiếng nổ trên chiến trường.
Mô hình chó diệt tăng với khối nổ trên lưng. Ảnh: Prime Portal.
Khi Thế chiến II bùng nổ, Hồng quân Liên Xô đã đưa ra chiến trường hơn 40.000 con chó chống tăng, chủ yếu là từ năm 1941. Tuy nhiên, đây không phải là một chiến thuật hiệu quả bởi những con chó thường tỏ ra sợ hãi trên chiến trường thực sự, làm hỏng kế hoạch.
Lý do là trong quá trình huấn luyện, Liên Xô đã cố gắng mô phỏng điều kiện chiến trường sát với thực tế nhưng không thành công. Những con chó được huấn luyện với xe tăng T-34 sử dụng động cơ dầu diesel, trong khi xe tăng Đức lại dùng động cơ xăng. Sự khác biệt rõ rệt giữa mùi và âm thanh của hai loại xe này khiến những con chó không thể phân biệt được mục tiêu để tấn công.
Trong 30 chiến binh chó đầu tiên tham chiến, chỉ có 4 con kích nổ bom gần xe tăng. Những con chó không được làm quen với mọi tình huống trên chiến trường, chúng không chạy vào gầm xe địch như dự kiến. Thay vào đó, chúng chạy dọc xe tăng và bị bắn chết, hoặc bị tiêu diệt trước khi đến gần xe.
Đôi khi chúng còn quay trở lại vị trí của huấn luyện viên khi bom hẹn giờ sắp phát nổ, khiến cả hai cùng thiệt mạng. 6 trong số 30 con chó đầu tiên đã phát nổ khi quay trở về chiến hào. Chúng gây ra nỗi kinh hoàng đến mức các huấn luyện viên không còn cách nào khác buộc phải bắn chết những con chó chạy trở về trước khi chúng đến gần.
Việc sử dụng chó làm vũ khí chống tăng giảm dần sau một năm. Chúng vẫn được dùng trong chiến đấu nhưng không được chú trọng như trước. Ước tính có hơn 300 xe tăng của phát xít Đức bị phá hủy bởi các chiến binh chó. Vào giai đoạn cuối chiến tranh, chó được huấn luyện cho nhiệm vụ hậu cần thay vì diệt tăng.
Phát xít Đức được cho là huấn luyện khoảng 25.000 con chó để tham chiến, bao gồm cả mục đích chống tăng.
Liên Xô và Nga sau này tiếp tục huấn luyện chó diệt tăng đến tận năm 1996. Trên chiến trường Iraq, phe nổi dậy cũng dùng chó mang khối nổ điều khiển từ xa trong 10 năm qua. Tuy nhiên, nỗ lực này thường thất bại, buộc họ chuyển sang huấn luyện chiến binh khỉ đánh bom tự sát.
Duy Sơn
Theo VNE
Phiến quân Afghanistan tấn công xe chở du khách nước ngoài Một đoàn xe chở du khách nước ngoài bị các phiến quân tấn công ở tây Afghanistan, làm ít nhất 6 người bị thương. Các du khách đang được một đoàn xe quân đội Afghanistan hộ tống khi bị tấn công. Ảnh: AP BBC dẫn lời giới chức cho hay nhóm du khách đang được quân đội Afghanistan hộ tống tới thành phố...