Trận tử thủ bi tráng của 123 lính Ấn Độ trước 5000 quân TQ
Chiến tranh biên giới Ấn-Trung 1962 được coi là sự kiện đáng quên của Ấn Độ, nhưng trong trận chiến không cân sức ấy, những người lính Ấn Độ đã làm nên điều thần kỳ.
Thất bại trong cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 là một trong những nguyên nhân thúc đẩy Ấn Độ hiện đại hóa quân đội.
Chiến tranh biên giới Trung-Ấn nổ ra ngày 20.10.1962 đánh dấu đợt tiến quân ồ ạt của Trung Quốc trên khắp các khu vực tranh chấp với Ấn Độ.
Cuộc chiến không cân sức
Quân Trung Quốc tiến qua cao nguyên Aksai Chin hướng đến khu vực Ladakh, nơi có cao điểm chiến lược Rezang La. Nếu sân bay quân sự Chunsul đặt ở khu vực này thất thủ, Ấn Độ hoàn toàn có thể để mất cả Ladakh vào tay người Trung Quốc
Trách nhiệm phòng thủ cứ điểm quan trọng nhất ở Ladakh đặt lên vai 123 người lính Ấn Độ thuộc 2 tiểu đoàn bộ binh do thiếu tá Shaitan Singh chỉ huy.
Nhóm binh sĩ Ấn Độ đóng quân từ tháng 9 và đến ngày 18.12.1962, họ phải chiến đấu chống quân Trung Quốc trong một trận đánh không cân sức.
Đó là một ngày Chủ nhật lạnh cóng và nhiệt độ có lúc xuống đến âm 40 độ C. Một vết nhỏ ở bàn tay trong điều kiện thời tiết như vậy cũng sẽ khiến cả bàn tay bị buộc phải cắt bỏ.
Địa hình đồi núi khiến cho Ấn Độ rất khó khăn trong việc điều quân tiếp viện.
Con người thông thường không thể tồn tại trong điều kiện nhiệt độ như vậy trong thời gian dài nhưng các binh sĩ Ấn Độ vẫn phải chiến đấu bảo vệ lãnh thổ.
Để mất cao điểm Rezang La, nơi cao hơn mực nước biển tới 4.800 mét, đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ không thể tiếp cận Ladakh từ phía đông bắc.
3 giờ 30 phút sáng, 5.000-6.000 quân Trung Quốc tấn công Rezang La dưới sự yểm trợ của pháo binh. Lực lượng Trung Quốc được trang bị hỏa lực cực mạnh bao gồm súng máy, súng cối, rocket 120mm, súng không giật 75mm và 57mm chuyên dùng để tấn công lô cốt quân sự.
Khi thiếu tá Shaitan Singh nhận ra đợt tấn công của quân Trung Quốc, ông đã gọi điện cho trung tâm chỉ huy và yêu cầu chi viện. Shaitan nói qua radio rằng ông và người của mình sẽ cố thủ cho đến khi quân tiếp viện đến.
Tuy nhiên, yêu cầu chi viện bị bác bỏ bởi Ấn Độ không sẵn sàng dùng máy bay vận tải đem vũ khí và nhân lực đến Rezang La. Sở chỉ huy còn yêu cầu Shaitan rút người của mình khỏi khu vực để tránh thương vong.
Thiếu tá Shaitan Singh trả lời rằng ông sẽ không rời Rezang La và quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Trong thông điệp cuối cùng với binh sĩ dưới quyền, Shaitan nói: “Rezang La nuôi sống chúng ta nhiều năm qua, đến lúc chúng ta phải bảo vệ nơi này. Tôi yêu cầu mọi người giữ vững vị trí và chiến đấu bảo vệ Rezang La”.
Video đang HOT
Trận tử thủ vĩ đại của người Ấn Độ
Trong bối cảnh hàng ngàn quân Trung Quốc áp sát cứ điểm phòng thủ của 123 lính Ấn Độ, thiếu tá Shaitan Singh ra lệnh cho mọi người bình tĩnh và không phung phí đạn dược.
Chỉ đến khi quân Trung Quốc đến gần, binh sĩ Ấn Độ mới đồng loạt nã súng khiến đối phương bất ngờ.
Ram Kumar là một trong số ít người lính Ấn Độ sống sót sau trận Rezang La.
Nguồn tin của quân đội Ấn Độ kể lại rằng, binh sĩ Trung Quốc đã gọi điện về trung tâm chỉ huy, thông báo “về tin tình báo sai lệch và chúng tôi chỉ còn cách Rezang La vài mét. Dường như có tới 3.000 quân Ấn Độ cố thủ ở đây”.
Quân Trung Quốc mặc dù chịu thương vong lớn nhưng được hỗ trợ đạn dược và tăng cường binh lực nên tiếp tục tấn công không ngừng nghỉ trong suốt 5 giờ đồng hồ.
Đại úy Ramchander Yadav, một trong 6 người sống sót bên phía Ấn Độ kể lại rằng quân Trung Quốc dường như không hề biết sợ. “Họ tấn liên tục tấn công dù bị đẩy lùi 2 lần”.
Đến khi cạn kiệt đạn dược, những người lính Ấn Độ phải chiến đấu bằng dao và lưỡi lê.
Yadav nói người lính tên Naik Ram Singh từng là một đô vật. Anh ta dùng dao giết tất cả những kẻ địch lao đến gần cho đến khi bị bắn vào đầu.
Bản thân thiếu tá Shaitan Singh là một trong những người chiến đấu anh dũng nhất. Ông cướp được khẩu súng máy tự động của quân Trung Quốc và nã đạn không ngừng nghỉ cho đến khi gục ngã.
Yadav kể lại rằng thi thể Shaitan đầy những vết đạn. Tay vị thiếu tá này vẫn giữ vững cò súng đến giây phút cuối cùng.
Yadav nói ông là người được Thiếu tá Shaitan Singh ra lệnh trở về sở chỉ huy để kể lại về những gì đã xảy ra ở Rezang La và cách những người lính Ấn Độ chiến đấu anh dũng đến chết như thế nào.
Trong số 123 người cố thủ ở Rezang La, 114 người chết, 8 người bị bắt làm tù binh còn ông Yadav về được đến sở chỉ huy vào 1 giờ chiều ngày hôm sau (19.11.1962).
Nơi tưởng niệm những người lính Ấn Độ ngã xuống trong trận Rezang La.
Điều thần kỳ là những tù binh này đều trốn thoát trở về Ấn Độ không lâu sau chiến tranh.
Ở Rezang La ngày nay có đặt một tấm bia tưởng niệm nhỏ, ghi nhớ công lao của những người lính chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ lãnh thổ. Tấm bia viết rõ thương vong của phía Trung Quốc vào khoảng 1.300 người.
Trả lời phỏng vấn trên India Express, Yadav từng nói: “Không ai tin chúng tôi đã tiêu diệt nhiều quân địch đến vậy. Nhưng đó là sự thật”.
Yadav nói xác quân Trung Quốc nằm la liệt khắp nơi và đơn vị của ông chỉ chịu thua vì cạn kiệt đạn dược.
Trận tử thủ lịch sử này từng được Bollywood dựng thành phim năm 1964 và ca khúc Kar Chale Hum Fida trong phim khiến nhiều người Ấn Độ rơi nước mắt.
Đến ngày 21.11.1962, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố đạt được mục đích trong cuộc chiến tranh biên giới và rút quân.
Ladakh ngày nay trở thành điểm du lịch nổi tiếng của những người ưa mạo hiểm. Khách du lịch cũng được phép đến tham quan nơi 123 người lính Ấn Độ từng tử chiến năm xưa.
_____________
Sau thất bại trong chiến tranh biên giới Ấn-Trung năm 1962, Ấn Độ từng đáp trả khiến Trung Quốc không dám gây hấn ở khu vực tranh chấp. Bài viết xuất bản ngày 23.7 sẽ tập trung khai thác sự kiện này.
Theo Danviet
8 lý do khiến Ấn Độ từng thua thảm trong cuộc chiến với Trung Quốc
Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ leo thang gay gắt trong hơn 1 tháng qua dấy lên quan ngại về một cuộc chiến tranh còn thảm khốc hơn những gì từng xảy ra năm 1962 giữa 2 con hổ châu Á.
Ấn Độ từng thất bại thảm hại trong cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1962.
Cuộc chiến tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 diễn ra trong vòng một tháng và kết thúc với thất bại chóng vánh của Ấn Độ. Giới học giả Ấn Độ thừa nhận, thất bại của nước này trong cuộc chiến tranh năm 1962 với Trung Quốc bắt nguồn từ nhiều chính sách sai lầm và thái độ chủ quan, yếu đuối của giới lãnh đạo chính trị lẫn quân sự Ấn Độ tại thời điểm đó.
Dưới đây là những lý do Ấn Độ thua thảm trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1962.
1. Xem nhẹ mối đe dọa từ Trung Quốc
Các chính trị gia Cánh tả và cả Bộ trưởng Quốc phòng của Ấn Độ lúc đó là ông Krishna Menon bị cho là phải chịu tất cả trách nhiệm cho việc hạ thấp mối đe dọa đến từ Trung Quốc. Ngay cả Tướng Thorat khi đó là Tư lệnh quân đội Ấn Độ, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Phương Đông từng đệ trình một báo cáo cảnh báo về các ý định chiến tranh của giới lãnh đạo Trung Quốc nhưng cũng bị giới lãnh đạo nước này gạt bỏ. Nếu những cảnh báo của Tướng Thorat được xem xét kịp thời, Ấn Độ đã có thể tránh kết cục thất bại thảm hại cũng như hạn chế thương vong đáng kể trong cuộc chiến.
2. Bị tấn công bất ngờ, Ấn Độ không kịp ứng phó
Quân đội Trung Quốc đã lên kế hoạch tấn công kỹ lưỡng trên tất cả các mặt trận đồng thời bao vây quân đội Ấn Độ trong cái bẫy mà họ đã giăng ra trong khi giới lãnh đạo Ấn Độ đang ngồi ở Delhi thảo luận về các chính sách không khuất phục. Ấn Độ bị tấn công đồng thời ở tất cả các khu vực của biên giới, cả ở phía tây và phía đông vào lúc 5h ngày 20.10.1962 (theo giờ Bắc Kinh). Bị tấn công bất ngờ, quân đội Ấn Độ đã không có sự chuẩn bị tốt để phản ứng kịp thời.
3. Giới lãnh đạo quân đội nhu nhược, yếu kém
Theo các báo cáo hậu chiến tranh về những lý do dẫn đến sự thảm bại đáng xấu hổ của Ấn Độ trong tay Trung Quốc, giới lãnh đạo quân đội nước này cũng bị quy trách nhiệm. Tham mưu trưởng và Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ bị quy kết là "có tội" trong thất bại này. Họ bị cáo buộc là đã hạ thấp mối đe dọa từ Trung Quốc trong một thời gian dài.
4. Sự khiêu khích của Ấn Độ
Các báo cáo hậu chiến tranh kết luận rằng, chính Ấn Độ đã khiêu khích quân đội Trung Quốc với những động thái công kích của họ mặc dù thực tế là Ấn Độ thời điểm đó thiếu sự chuẩn bị và không sẵn sàng cho bất cứ cuộc chiến nào. Khi Trung Quốc tạm thời bỏ rơi các kế hoạch Đài Loan vào thời điểm đó, nước này đã ra sức lấp đầy các lỗ hổng an ninh. Tuy nhiên, Ấn Độ không nhận thức được những sự phát triển này. Tia lửa chiến tranh được cho là đã bị thắp lên sau những tuyên bố khiêu khích từ Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, chọc giận Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông.
5. Không sử dụng lực lượng Không quân
Một điều gây khó hiểu đối với tất các chuyên gia quốc phòng thời đó là tại sao Ấn Độ không sử dụng lực lượng Không quân (IAF) để chống lại Trung Quốc. Chức năng của Không quân Ấn Độ trong chiến tranh 1962 chỉ đơn giản là cung cấp lương thực, thực phẩm cho Lục quân Ấn Độ. Nếu thời điểm đó, Không quân Ấn Độ tham chiến, cục diện chiến tranh có thể thay đổi vì thời điểm đó năng lực của IAF được đánh giá là mạnh hơn phía Trung Quốc.
6. Năng lực hậu cần yếu kém
Nhiều người tin rằng, quân đội Ấn Độ đã lâm vào tình trạng cạn lương thực và thậm chí đạn dược cũng thiếu thốn. Công tác hậu cần của Ấn Độ còn yếu và hiện trạng này bị duy trì trong một khoảng thời gian khá dài dẫn đến hậu quả là năng lực của quân đội Ấn Độ tại khu vực biên giới cũng suy giảm nghiêm trọng. Vì thế năng lực hậu cần cũng bị xem là lý do chính dẫn đến thất bại của quân đội Ấn Độ.
7. Sự nhu nhược của giới lãnh đạo chính trị
Giới lãnh đạo chính trị Ấn Độ thời điểm đó bị đánh giá là quá nhu nhược và yếu đuối. Thủ tướng Ấn Độ thời điểm đó là Jawaharlal Nehru bị cho là quá tin tưởng và phụ thuộc nhiều vào Bộ trưởng Quốc phòng Krishna Menon. Trong khi đó, ông Menon lại luôn xem nhẹ và hạ thấp mối đe dọa từ Trung Quốc.
8. Quân đội không được chuẩn bị sẵn sàng
Quân đội Ấn Độ luôn được đánh giá là một đội quân mạnh nhưng trong cuộc chiến tranh với Trung Quốc năm 1962, họ không có được một chiến lược phù hợp, hiệu quả cũng như thiếu vũ khí tối tân, hiện đại. Điều này phần nào làm tổn hại đến tinh thần của các binh sĩ và tất yếu dẫn đến thất bại thảm hại của Ấn Độ trước Trung Quốc.
Theo danviet
Một tháng giao tranh biên giới Trung-Ấn năm 1962 Trung Quốc từng phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962 và giành được quyền kiểm soát vùng Aksai Chin. Lính Ấn Độ trong một buổi huấn luyện cho chiến tranh biên giới năm 1962. Ảnh: Time Ấn Độ và Trung Quốc vừa trải qua thời gian căng thẳng tại cao nguyên Doklam khi lực lượng quân sự hai bên...