Trạm yêu thương mang Tết đến sớm với xóm chạy thận
Chương trình Trạm yêu thương tuần này đã mang đến những món quà ý nghĩa có những thành viên xóm chạy thận Ngọc Hồi, Hà Nội.
18 năm chung sống với bệnh tật, nhưng chú Phạm Văn Hồng – nhân vật của Trạm yêu thương – chưa bao giờ nghĩ mình là bệnh nhân. Ở chú luôn tràn đầy sự lạc quan và nghị lực bởi đó là cách tiếp thêm niềm tin chiến đấu với bệnh tật cho những thành viên nơi xóm chạy thận nghèo, những người mà chú quan tâm và coi như chính gia đình của mình.
Ngay phần đầu tiên Yêu thương ơi! Chào nhé, chương trình Trạm yêu thương đã mở ra với những hình ảnh về năm 2021 đầy biến động và khó khăn khi COVID-19 ập đến. Hàng loạt cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, hàng triệu lao động mất việc…cùng biết bao khó khăn chồng chất.
Thế nhưng, những vất vả ấy không là gì so với một người bệnh như chú Phạm Văn Hồng (sinh năm 1966, Hưng Yên) – nhân vật của Trạm yêu thương tuần này. 18 năm chạy thận là 18 năm chú làm đủ thứ nghề để mưu sinh. “Tôi đã trải nghiệm nhiều nghề: chạy xe ôm, bán băng đĩa dạo, đánh giấy ráp thuê… Những công việc tưởng nhẹ nhàng, nhưng đối với bệnh nhân chạy thận là cả một thử thách”, chú Hồng chia sẻ.
Video đang HOT
Dịch bệnh ập đến, những người có bệnh nền như chú Hồng nói riêng và những bệnh nhân xóm chạy thận nói riêng kiếm việc đã khó, nay càng khó hơn. Thế nhưng, những người tưởng chừng như bất ổn nhất lại vô cùng lạc quan và cố gắng: “Cuộc sống bây giờ vẫn còn khó khăn, mọi người trong xóm cũng cố gắng đùm bọc lẫn nhau, có việc gì làm ra tiền dù ít dù nhiều cũng rủ nhau làm, đỡ đần nhau ít nhiều. Dù sức khoẻ có yếu nhưng không ai trong số chúng tôi muốn sống dựa dẫm cả, đều muốn làm việc kiếm tiền bằng chính đôi tay của mình”.
Trải qua biết bao gian khổ, một mình chiến đấu với bệnh tật nơi đất khách quê người, hơn ai hết chú Hồng là người thấu hiểu được những nỗi niềm của bệnh nhân chạy thận nghèo. Vì thế, chú chỉ có một mong ước duy nhất. “Dịch bệnh sớm qua đi, những bà con của xóm chạy thận nhận được công việc ổn định, để họ có thể tự trang trải cuộc sống và tiếp tục chặng đường gian nan phía trước”, chú Hồng nói.
Trạm yêu thương đã có một hành trình đặc biệt – Cùng yêu thương lên đường với sự đồng hành của NCC và Thaco – Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải, đơn vị đồng hành với chương trình, trao tặng 20 triệu đồng cho chú Hồng, nhân vật chính của chương trình, cùng nhiều món quà Tết ấm áp, ý nghĩa đến với tất cả thành viên xóm chạy thận Ngọc Hồi, Hà Nội.
Nhiều cung bậc cảm xúc với những câu chuyện về sự lạc quan và nghị lực sống của những con người tưởng chừng như bất ổn nhất sẽ được kể lại trong Trạm yêu thương – Chúng ta rồi sẽ ổn thôi! lên sóng lúc 10h00 ngày 22/01 trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: "Vitamin" lòng tốt được lan tỏa từ người lao công
Câu chuyện của chị Lê Thị Trâm trong Trạm yêu thương tuần này sẽ là một minh chứng tiếp theo về sức lay động mạnh mẽ của tình người.
Ngay phần đầu tiên Yêu thương ơi chào nhé, chương trình Trạm yêu thương mở ra với những lát cắt về năm 2021 - một năm đầy biến động khi dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nhưng cũng từ đó nảy ra những hạt mầm của sự yêu thương, tinh thần sẻ chia với những giúp đỡ kịp thời và đúng lúc. Chị Lê Thị Trâm, nhân viên Công ty Môi trường đô thị Hà Nội bị cướp đi tải sản lớn nhất của gia đình là chiếc xe máy, rồi chính chị sau khi được các nhà hảo tâm giúp đỡ đã tặng lại tài sản giá trị ấy cho những đồng nghiệp khó khăn, là một câu chuyện điển hình như vậy.
Khoảnh khắc nữ công nhân nghèo bị cướp xe máy trong đêm sẽ được người trong cuộc kể lại trong Trạm yêu thương qua hồi tưởng của chị Lê Thị Trâm, qua những thước phim quý giá từ camera của một nhà dân ghi lại và qua chia sẻ của Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm - người đầu tiên gặp chị Trâm sau vụ cướp hôm ấy.
"Khi mà chúng tôi tiếp nhận trình báo của chị Trâm, chị rất hoảng loạn. Là công nhân thường xuyên làm đêm, lại là nữ, gần như thời điểm chị Trâm làm việc không có ai. Ngoài việc quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ tìm cho bằng được các đối tượng trong vụ cướp, chúng tôi đã mời chị Trâm đến và tặng một chiếc xe làm phương tiện đi lại...", trung tá Đặng Mạnh Cường - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an quận Nam Từ Liêm chia sẻ trong chương trình.
Chị Trâm vừa đối mặt với điều không may nhất lại ngay lập tức nhận được những điều may mắn với tấm lòng của các nhà hảo tâm trên khắp cả nước. Thế nhưng, điều khiến rất nhiều người chú ý là việc chị đã tặng luôn 3 chiếc xe cho 3 người đồng nghiệp khó khăn khác, đồng thời đề nghị cộng đồng ngừng hỗ trợ giúp mình.
Cho đi một khối tài sản không hề nhỏ trong khi cuộc sống còn nhiều khó khăn, lý do nào khiến một nữ lao công như chị Trâm có một quyết định bất ngờ đến như vậy? Điều này sẽ được lý giải trong phần 2 - Hiểu để yêu thương, cùng khoảnh khắc ấn tượng khi BTV Bảo An đưa khán giả đến gặp gỡ chủ nhân của 3 chiếc xe mà chị Lê Thị Trâm trao tặng. Những chia sẻ về nữ lao công - người tặng xe cho họ dù không hề quen biết, thậm chí chưa gặp lần nào chắc chắn sẽ khiến khán giả thêm những bất ngờ thú vị về nhân vật của Trạm yêu thương, về suy nghĩ và cách trao đi yêu thương của những tấm lòng nhân ái.
Rất nhiều cung bậc cảm xúc, có cả những giọt nước mắt, có cả nụ cười hạnh phúc và những câu chuyện giản dị về tình người, về lòng tốt sẽ được bật mí và lan tỏa trong Trạm yêu thương - Hãy cứ cho đi sẽ lên sóng lúc 10h00 ngày 15/01/2022 trên kênh VTV1.
Trạm yêu thương: Người khiếm thị Việt Nam đầu tiên hoàn thành half-marathon nhờ cú chạm tay Chương trình Trạm yêu thương tuần này sẽ mang đến câu chuyện đầy màu sắc của Nguyễn Huy Việt, người khiếm thị đầu tiên của Việt Nam hoàn thành half marathon. Với người khiếm thị, tham gia các hoạt động thể thao là một điều vô cùng khó khăn bởi quá trình tập luyện cho đến thi đấu đều ở trong bóng tối....