“Trảm” thuốc lá: Xử ai, ai xử?
Hàng chục điều cấm liên quan đến thuốc lá và kinh doanh thuốc lá đã có hiệu lực thi hành từ 15/8, thế nhưng sau gần 1 tuần, mọi chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi.
Quán cóc vỉa hè Hà Nội vẫn mịt mù khói thuốc; người bán vẫn bán, người mua cứ mua như chưa từng… có luật.
“Có mà cấm đằng giời”
9h sáng 18/9, quán nước vỉa hè trước cổng Viện Hóa học Việt Nam, (Cầu Diễn, Hà Nội) đã đông nghẹt khách. Ngày Chủ nhật nên người ta dậy muộn, ăn sáng muộn và ngồi quán trà đá cũng muộn hơn thường lệ. Sau khi rót mấy cốc nước chè mời khách, bà chủ quán đon đả: “Hút thuốc không em?”. Miệng nói, tay bà cầm sẵn bao Vinataba lên huơ huơ. Khách gật đầu, lập tức cái bật lửa tiếp tục được trao tận tay. Thi thoảng gặp khách quen, bà chủ vồ vập: “Lâu lắm mới ra quán chị đấy nhé! Trà đá hay nóng đây. Vẫn ba số (thuốc lá – PV) hả em?”. Rồi nhanh tay, bà đẩy bao thuốc “ba số” về phía khách.
Hỏi chuyện người dân quanh đây chúng tôi mới biết bà là Nguyễn Thị Kha, nhà cách quán bán nước khoảng 200m. Chúng tôi ngồi uống nước và chủ động bắt chuyện: “Lệnh cấm bán thuốc lá ở địa điểm không đủ điều kiện có hiệu lực 4 ngày rồi mà cô vẫn bán ạ?”. Bà Kha ngơ ngác: “Cấm à? Cấm lúc nào? Tôi không biết. Mà bán thuốc lá lẻ thì được mấy đồng, tiêu thụ được bao nhiêu mà cấm? Sao không cấm hẳn nhập khẩu, sản xuất cho nó lành?”.
Còn bà Trần Thị Huyền, bán quán cóc ở khu vực bến xe Mỹ Đình, Hà Nội thì bày tỏ: “Khách ở đây đa phần là thanh niên, họ quá giang vào quán để đợi xe, chả nhẽ ngồi uống nước mà lại không hút điếu thuốc giết thời gian thì cũng buồn. Nếu bị cấm thì chắc phải lách thôi, không bán thuốc lá thì khách không vào quán uống nước nữa. Vì nhiều người vào ngồi uống nước cũng chỉ là muốn được giải nghiện thuốc lá. Mùa nắng nóng qua rồi, mấy ai muốn ngồi uống nước nữa, chủ yếu là hút thuốc thôi. Có mà cấm đằng giời…”.
Gần như mọi quán cóc vẫn bán thuốc lá cho khách. Ảnh: H.H
Video đang HOT
Khó thực thi luật
Nghị định số 67/2013/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá về kinh doanh thuốc lá ban hành ngày 17/6/2013 và có hiệu lực ngày 15/8/2013. Điều kiện được cấp Giấy phép bán lẻ thuốc lá của Nghị định số 67/2013/NĐ-CP gồm: “Thương nhân có đăng ký ngành nghề kinh doanh bán lẻ sản phẩm thuốc lá; có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng, đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, trang thiết bị theo quy định; diện tích điểm kinh doanh dành cho thuốc lá tối thiểu phải có từ 3m2 trở lên; có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán của các doanh nghiệp bán buôn sản phẩm thuốc lá; phù hợp với Quy hoạch hệ thống mạng lưới mua bán sản phẩm thuốc lá được cấp có thẩm quyền phê duyệt”…
Chiểu theo đó, các quán cóc vỉa hè sẽ là những địa điểm không đủ điều kiện kinh doanh thuốc lá. Thế nhưng, gần một tuần kể từ khi văn bản này có hiệu lực, trên thực tế, theo khảo sát của PV GĐ&XH cho thấy, mọi quán cóc Hà Nội vẫn bán thuốc lá bình thường. Người mua thì cứ mua, người bán thì cứ bán như không hề biết đến luật.
Nhiều chuyên gia cho hay, người thực thi luật sẽ gặp khó khăn do thời gian đầu chưa có các văn bản hướng dẫn chi tiết và chế tài xử lý. Nhưng về lâu dài quy định về việc cấp phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá hoàn toàn khả thi, phù hợp với quy luật phát triển chung của thế giới và sự tiến bộ của xã hội. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành của các cá nhân kinh doanh. Có như vậy hoạt động bán lẻ thuốc lá mới được kiểm soát hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Mai Đức Tân, Công ty Luật hợp danh INCIP (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, quy định cấp Giấy phép bán lẻ thuốc lá liệu có khả thi không, khi mô hình quán cóc đã tồn tại khá lâu và trở thành “đặc sản” của Hà Nội cũng như nhiều tỉnh thành? Thuốc lá là mặt hàng bị hạn chế kinh doanh vì không có lợi cho sức khỏe, cấm là cần thiết nhằm quản lý hoạt động kinh doanh thuốc lá và đối phó với thuốc lá lậu. Nhưng quy định này rất khó đi vào cuộc sống do gặp phải hoạt động kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân mang tính chất nhỏ lẻ, không thường xuyên, không cố định…
Theo Kỳ Anh (Gia đình & Xã hội)
"Không thuốc lá, bán trà đá cho ai!"
Nhiều chủ quán trà đá khá bất ngờ trước thông tin bán thuốc lá phải được cấp giấy phép.
Theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ 15/8/2013, đại lý bán lẻ thuốc lá phải có giấy phép bán thuốc lá theo quy định của Chính phủ, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Như vậy, theo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Nghị định 67, hàng quán, đại lý không có địa điểm kinh doanh cố định, địa chỉ rõ ràng như quán trà đá, xe hàng lưu động... sẽ không được bán thuốc lá.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày đầu Luật Phòng chống tác hại thuốc lá và Nghị định 67 có hiệu lực, nhiều chủ quán trà đá khá bất ngờ trước thông tin bán thuốc lá phải được cấp giấy phép.
Có thâm niên hơn 3 năm bán trà đá vỉa hè trên phố Khâm Thiên (Đống Đa, Hà Nội), khi được hỏi về quy định bán thuốc lá phải có giấy phép, ông Trung cho rằng: "Đọc qua báo chí cũng biết có quy định này nhưng theo tôi, quy định không khả thi. Bởi khách vào uống nước cũng một phần là muốn hút điếu thuốc. Tôi làm ăn buôn bán nhỏ, lấy đâu ra thời gian mà đi đăng ký giấy phép kinh doanh".
Nhiều chủ quán nước đều không biết bán thuốc lá cần phải có giấy phép (Ảnh chụp tại phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Chị Thu, chủ quán trà đá trên phố Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Tôi chủ yếu là bán nước trà, khách đến uống nước thì phải thêm một hai điếu thuốc. Làm gì có văn bản giới thiệu, hợp đồng mua bán hay cấp thẩm quyền phê duyệt gì. Tôi bán nước ở đây còn phải ngóng ra, ngóng vào, không cẩn thận còn bị trật tự dẹp ngay. Nhiều người còn không có chỗ bán cố định thì lấy đâu ra mà đáp ứng 5 điều kiện của luật".
Nhiều người vẫn hút thuốc lá nơi công cộng bất chấp có thể bị xử phạt hành chính
Tại các tuyến đường như Châu Văn Liêm (Quận 5), 3 tháng 2 (Quận 10), Nguyễn Tri Phương... hai bên đường vẫn có hàng chục quầy hàng với người mua kẻ bán tấp nập.
Hỏi thăm, PV được anh Quang - một chủ quầy hàng cho biết: "Biết là có quy định đó, nhưng bây giờ không bán thuốc thì biết bán cái gì, khi nào thấy công an hay quản lý thì chạy thôi".
Trong khi đó, bà Mai, bán quán nước gần bến xe Quận 8 thì cho biết: "Khi biết có quy định, tôi mang hết thuốc đem đi gửi ở quán phở bên cạnh, chỉ bỏ túi một vài bao để bán, có bị kiểm tra cũng chẳng lo, khi nào có khách mua thì chạy qua lấy về bán là xong, chẳng phải sợ".
Các cửa hàng di động vẫn tiếp tục bày bán thuốc lá mặc dù đã có quy định cấm
Cũng theo nghị định 67/2013, các đại lý bán buôn, bán lẻ thuốc lá phải treo biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi; Đại lý bán lẻ, điểm bán thuốc lẻ không được trưng bày quá một bao, một tút hoặc một hộp của một nhãn hiệu thuốc lá. Tuy nhiên, hầu hết các đại lý đều chưa tuân thủ quy định này. Chị Nguyễn Thị Thúy - Quận 8 cho biết: "Hôm trước có nghe mấy anh bên phường nói về quy định này, nhưng mấy bữa nay lu bu quá nên quên mất. Thôi kệ, khi nào có kiểm tra thì mình làm, chắc chẳng ai nỡ phạt chỉ vì không treo biển bán thuốc lá đâu".
Nhiều đại lý vẫn trưng bày rất nhiều các loại thuốc lá khác nhau và không hề có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi
Nghị định "xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh rượu và thuốc lá" có hiệu lực từ năm 2009 cũng đã quy định xử phạt từ 200.000 đến 1 triệu đồng đối với hành vi "Kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ rượu hoặc thuốc lá khi không có giấy phép kinh doanh bán lẻ, đại lý bán lẻ". Tuy nhiên, để người dân hiểu và chấp hành tốt những quy định này, cần phải có thời gian cũng như sự can thiệp mạnh mẽ từ chính quyền cũng như các cơ quan chức năng.
Theo Tuyết Ninh- Minh Nghĩa (Khampha.vn)
Cầu tiền tỷ ở Thủ đô thành... quán trà đá Cầu đi bộ trên phố Trần Đại Nghĩa, Hà Nội trị giá gần 2 tỷ đồng đang bị chiếm dụng gần hết mỗi khi đêm về để bán trà đá, trà chanh. Công trình cầu đi bộ trên phố Trần Đại Nghĩa (Hà Nội) được khởi công xây dựng ngày 11/11/2009 và hoàn thành ngày 30/12/2009. Cầu có chiều dài nhịp chính 18m,...