Trầm cảm ở tuổi vị thành niên, cha mẹ phát hiện muộn khiến chuyên gia lo ngại
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố cứ trung bình mỗi ngày, khoảng 3.000 trẻ vị thành niên chết do tự tử trên thế giới.
Đặc biệt, hiện nay tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.
Trầm cảm là vấn đề hay gặp và phổ biến trong giai đoạn phát triển trẻ vị thành niên. Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt nam cho thấy tỉ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, tuổi vị thành niên dễ gặp sang chấn tâm lý khi gặp các sự cố trong cuộc sống. Nếu cha mẹ không kịp thời phát hiện, chia sẻ, các em có thể bị trầm cảm nặng, có hành vi làm hại bản thân, thậm chí tự tử. Ở Việt Nam, một trong những nguyên nhân thường gặp gây ra trầm cảm ở trẻ vị thành niên là do áp lực học tập, thi cử. Đáng nói, ở Việt Nam, vấn đề sức khoẻ tâm thần – đặc biệt tâm lý thanh thiếu niên tuổi học đường chưa được chú trọng nhiều.
Giải thích về vấn đề này, các chuyên gia lo ngại rằng, cha mẹ thường bận rộn công việc, kiếm sống nên ít thời gian quan tâm đến con. Khi con có dấu hiệu bất thường về tâm lý, bố mẹ không kịp thời phát hiện, chia sẻ với con. Do đó, nhiều trường hợp trẻ trầm cảm nặng, dẫn đến tự sát, phát hiện thì đã muộn.
Ngoài ra, các khu đô thị lớn, tỷ lệ rối loạn tâm thần có vẻ có xu hướng cao hơn ở tỉnh, thành khác. Trẻ nữ tỷ lệ lo âu trầm cảm, sang chấn tâm lý cao hơn so với trẻ nam. Trẻ trong gia đình có mâu thuẫn, tỷ lệ rối loạn cao hơn so với các em trong gia đình có sự hòa hợp.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong ở trẻ vị thành niên
Như trường hợp điển hình vừa được các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cấp cứu thoát khỏi tay tử thần. Theo BS CKI Nguyễn Cát Phương Vũ, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết, bệnh nhi 13 tuổi, ở Long An trong tình trạng ngộ độc thuốc trừ sâu do áp lực từ học tập, bạn bè, bé gái đã uống thuốc sâu tự tử. Bệnh nhi là con đầu lòng trong gia đình có 2 chị em. Sau hôn nhân tan vỡ, em sống với bố và bà nội, em gái ở cùng mẹ. Đầu năm lớp 7 này, em là lớp phó học tập, có mâu thuẫn với một số bạn trong lớp. Dần dần, em bị tẩy chay, cô lập và bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội facebook.
Em đã từng ngất xỉu 1 lần trong trường vì áp lực và do bị bắt nạt vào học kỳ 1 năm ngoái. Đỉnh điểm lần này, câu chuyện phán xét và tẩy chay lại tiếp diễn đã dẫn đến hành động đáng tiếc. Em uống thuốc diệt cỏ Bassa Fenobucarb Pertrang 50 EC (hoạt chất Carbamat) không rõ lượng, em cho biết khi còn tỉnh đã uống khoảng 200cc. Sau khi uống, em nôn ói liên tục, gọi bà nội kể lại sự việc vì sợ chết.
Video đang HOT
Các chuyên gia cũng cảnh báo, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ 3 gây tử vong ở trẻ vị thành niên. Nhưng có một thực tế đáng tiếc, rất ít trẻ phát hiện bệnh sớm. Đa số các em đến viện điều trị chủ yếu là ở giai đoạn vừa và nặng, nhưng chưa gia đình nào điều trị được 6-7 tháng, đa số bỏ dở. Hoặc nhiều trường hợp thấy đỡ là ngừng nên đã thất bại trong điều trị. Có trẻ bệnh tái phát và điều trị từ 2-3 lần và hy vọng khỏi bệnh là rất khó.
Các dấu hiệu nhận biết trẻ có biểu hiện trầm cảm:
Trẻ thường có cảm giác buồn bã, trống rỗng hoặc vô vọng hoặc giận dữ, cáu kỉnh hoặc thất vọng chỉ với những vấn đề rất nhỏ
Mất hứng thú hoặc niềm vui trong hầu hết hoặc tất cả các hoạt động bình thường, chẳng hạn như sở thích hoặc thể thao. Rối loạn giấc ngủ, bao gồm mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều. Mệt mỏi vì vậy ngay cả những nhiệm vụ nhỏ cũng phải nỗ lực rất nhiều
Giảm sự thèm ăn và giảm cân hoặc ngược lại tăng cảm giác thèm ăn và tăng cân. Lo lắng, kích động hoặc bồn chồn
Suy nghĩ chậm chạp, kém tập trung. Cảm giác vô dụng hoặc mặc cảm, cảm giác có tội nhiều hoặc tội không đúng. Khó suy nghĩ, khó tập trung, khó đưa ra quyết định và ghi nhớ mọi thứ. Có suy nghĩ về cái chết, ý nghĩ tự tử, cố gắng tự tử hoặc tự tử
Có các vấn đề về cơ thể không giải thích được như đau lưng hoặc đau đầu
Nếu bố mẹ bạn, người thân của bạn hoặc chính bạn thấy có một trong các biểu hiện trên hãy đến bệnh viện ngay khi có thể để được sàng lọc, tư vấn và hỗ trợ.
Trầm cảm ở vị thành niên - Dùng thuốc thế nào?
Gần đây tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên nước ta đang ngày càng gia tăng, nguyên nhân lớn là do mắc trầm cảm.
Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm các biến đổi tâm thần của lứa tuổi ở ranh giới mong manh giữa trẻ em và người lớn, để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh trầm cảm ở tuổi vị thành niên.
Dấu hiệu nhận biết
Trầm cảm ở vị thành niên về cơ bản cũng giống với trầm cảm ở người trưởng thành. Giai đoạn trầm cảm kéo dài ít nhất 2 tuần, trong đó phải có ít nhất 1 trong 2 triệu chứng chủ yếu là khí sắc giảm hoặc mất hứng thú/sở thích cho hầu hết các hoạt động. Khí sắc có thể bị kích thích nhiều hơn buồn, nghĩa là có một thời điểm trong ngày, bệnh nhân nổi cáu vô cớ.
Ngoài ra, bệnh nhân cần biểu hiện ít nhất 4 trong số các biểu hiện sau: Thay đổi cảm giác ngon miệng hoặc khối lượng cơ thể (ăn ít hoặc ăn nhiều, sút cân hoặc tăng cân), rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều) và hoạt động tâm thần vận động chậm chạp (hoặc kích động), giảm sút năng lượng, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, khó suy nghĩ, tập trung hoặc ra quyết định, ý nghĩ tái diễn về cái chết hoặc ý nghĩ, kế hoạch và hành vi tự sát.
Điểm khác biệt lớn nhất của trầm cảm ở vị thành niên so với người lớn là hay cáu gắt, học hành sút kém và thường xuyên nghĩ về cái chết. Từ ý nghĩ về cái chết (mình chết quách đi cho đỡ khổ), bệnh nhân sẽ nhanh chóng có kế hoạch thực hiện hành vi tự sát.
Khi bị trầm cảm, trẻ cần được điều trị ở chuyên khoa tâm thần.
Điều trị thế nào?
Điều trị trầm cảm ở vị thành niên cũng giống như trầm cảm ở người lớn, nghĩa là tốt nhất là được điều trị nội trú trong bệnh viện hoặc khoa tâm thần. Lý do là vị thành niên bị trầm cảm hay tự sát nên nếu để ở nhà sẽ rất khó quản lý và phòng hành vi tự sát của bệnh nhân. Bệnh nhân cần được dùng thuốc chống trầm cảm:
Clomipramin
Là thuốc chống trầm cảm 3 vòng nhưng tác dụng chủ yếu trên hệ serotonin, vì vậy, ngoài tác dụng chống trầm cảm, thuốc còn có hiệu quả cao trong điều trị các rối loạn ám ảnh. Hiệu quả chống trầm cảm và ám ảnh của clomipramin xuất hiện sớm và tốt hơn so với các thuốc chống trầm cảm TCA và SSRI khác.
Tác dụng phụ chủ yếu của clomipramin trên dạ dày, ruột với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đầy bụng... Các triệu chứng này hết nhanh chóng sau 1-2 tuần điều trị. Nên uống thuốc sau bữa ăn và uống sữa tươi để hạn chế tác dụng phụ này.
Để bệnh nhân kịp thích ứng với thuốc cần tăng từ từ liều dùng: bắt đầu bằng liều thấp, sau đó cứ 3 ngày thì tăng liều thêm cho đến khi đạt liều điều trị. Thời gian bán hủy của clomipramin dài nên có thể uống thuốc một lần mỗi ngày.
Nên kết hợp clomipramin với piracetam để hạn chế tác dụng phụ của thuốc. Nếu điều trị ngoại trú, nên bắt đầu đợt điều trị vào cuối tuần để hạn chế ảnh hưởng của thuốc đến việc học tập của bệnh nhân.
Mirtazapin
Thuốc tác dụng trên hệ serotonin và adrenalin, vì thế ít tác dụng phụ hơn. Bất lợi chủ yếu là an dịu (buồn ngủ), ăn nhiều, rất thích hợp cho bệnh nhân có lo âu, mất ngủ nặng, chán ăn, nhưng không thích hợp với những bệnh nhân phải tập trung như khi lái xe và những người béo (gây tăng cân).
Thuốc ít tác dụng trên chức năng tình dục, vì thế có thể dùng để thay thế các thuốc chống trầm cảm khác ảnh hưởng xấu trên chức năng tình dục. Thuốc nên uống vào buổi tối, ngày 1 lần.
Fluoxetin
Thuốc nên uống sau bữa ăn sáng vì nếu uống buổi tối có thể gây mất ngủ. Tác dụng phụ của thuốc chủ yếu trên hệ dạ dày ruột (đầy bụng, buồn nôn, nôn). Để hạn chế tác dụng phụ nên uống thuốc sau bữa ăn sáng, nếu cần thì dùng thêm benzodiazepin (rivotril, lexomil, seduxen). Ngoài ra, thuốc còn ảnh hưởng đến chức năng tình dục của bệnh nhân. Có thể dùng thêm sulbutiamin (arcalion), ginko biloba (tanakan) theo chỉ dẫn của bác sĩ để hạn chế tác dụng phụ này.
Fluvoxamin
Thuốc này ít ảnh hưởng đến chức năng tình dục của bệnh nhân. Có thể uống thuốc buổi tối hoặc buổi sáng, nên uống thuốc sau bữa ăn để hạn chế tác dụng phụ của thuốc trên đường tiêu hóa. Thời gian bán hủy của thuốc chỉ có 17 giờ, vì thế có thể dùng 1-2 lần/ngày. Ngoài ra, các thuốc như paroxetin (wicky, xalexa, pharmapar), sertralin (zoloft, serenata, utralene), cytalopram (citopam) cũng thường được dùng trong điều trị trầm cảm ở vị thành niên. Các thuốc này cũng thường được dung nạp tốt và thời gian bán hủy dài nên bệnh nhân chỉ cần dùng một lần duy nhất trong ngày vào buổi tối.
Thời gian dùng thuốc cho bệnh nhân vị thành niên bị trầm cảm tối thiểu là 3 năm, nhưng đa số trường hợp bệnh nhân phải dùng thuốc điều trị hàng chục năm. Các thuốc này không gây độc hại cho gan, thận, não, tim, hệ tạo máu, hệ sinh dục nên phụ huynh có thể yên tâm cho bệnh nhân uống thuốc.
Rối loạn tâm thần tuổi vị thành niên: Vấn đề đáng lo ngại Trong những năm gần đây, số lượng trẻ đến khám ở Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai ngày càng tăng. ThS.BS Lê Công Thiện - Trưởng Phòng Tâm thần nhi và Trẻ vị thành niên cho biết: Theo các số liệu thống kê đánh giá hàng năm, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ của các trẻ đến khám tại viện...